Ngôn ngữ
Từ 3/8-10/8, 33 thành viên Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông Phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tham gia chương trình Giao lưu sinh viên ngành Nhật Bản học tại Hội An, trong chuỗi 5 năm Giao lưu sinh viên ngành Nhật Bản học tại Đông Nam Á do Quỹ Toshiba (Toshiaba Foundation) tài trợ. Năm nay, tham dự tại giao lưu Hội An còn có sự tham gia của các bạn sinh viên Khoa Nhật Bản (Trường Đại học Quốc gia Singapore) và các bạn thuộc Khoa Việt Nam học (Trường Đại học Phan Châu Trinh). Các thành viên Bộ môn Nhật Bản học đã có 10 ngày trải nghiệm tuyệt vời tại Hội An và Đà Nẵng.
Các đại biểu tham dự Seminar nghiên cứu khoa học/Ảnh: Lê Kiều Anh
Hoạt động giao lưu bao gồm hai nội dung chính là seminar nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khóa. Tại Hội An - một địa điểm giao lưu thương mại quốc tế của Việt Nam trong lịch sử, chúng tôi đã có cơ hội để chia sẻ hiểu biết, đam mê của mình về những vấn đề xoay quanh mối hệ giữa Việt Nam với ASEAN và Nhật Bản trong lịch sử và hiện tại. Lồng ghép và đan xen trong chủ đề lớn ấy là nhiều vấn đề thời sự, thiết thực với đời sống và mối quan tâm của giới trẻ ngày nay. Một trong những chủ đề được các bạn trẻ quan tâm nhất chính là văn hóa giới trẻ Nhật Bản và ảnh hưởng của nó tại Việt Nam hay Singapore.
Khi trình bày về kết quả hợp tác bảo tồn di sản của Nhật Bản tại Việt Nam, sinh viên ĐHQGHN đã giới thiệu mô hình sinh viên tình nguyện tại Hoàng Thành, Hà Nội. Các bạn sinh viên Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình tương tự khi tham gia phát triển du lịch tại Hội An. Bên cạnh đó, phát biểu của đại diện Trường ĐH Quốc gia Singapore về những nỗ lực tái thiết sau thảm họa động đất sóng thần tại thị trấn Okachi, Đông bắc Nhật Bản đã đem lại cái nhìn đa chiều từ trải nghiệm của một người đã chung sống tại đó một thời gian dài.
Những ngày còn lại của chương trình là trải nghiệm thực tế thông qua việc khám phá những địa điểm thú vị tại Hội An, Đà Nẵng, Huế như: phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà, di tích đền tháp Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, Lăng Cô, Mỹ Khê, Bà Nà Hill, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà… Đó là những chuyến đi tuyệt vời, không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp của những danh thắng này mà chúng tôi còn thu nhận được kiến thức, hiểu biết giá trị về văn hóa, lịch sử, tôn giáo nơi đây.
Tham quan làng gồm Thanh Hà, Hội An/Ảnh: Phạm Hoàng Hưng
Những trải nghiệm đó đem lại cho chúng tôi trăn trở: phải làm gì để góp phần phát triển ngành du lịch của Việt Nam khi điều kiện và tiềm năng du lịch ở các vùng miền luôn đặc sắc và triển vọng. Hơn hết, từ kinh nghiệm phát triển của các thương cảng trong lịch sử như Hội An, Phố Hiến… chúng tôi nhận thức được rằng, từ lợi thế về địa chính trị, đất nước ta đã đến lúc phải thực sự “giương buồm” ra khơi, hội nhập với sự phát triển của khu vực và thế giới, đặc biệt trong giai đoạn mới khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN được xây dựng.
Cuối cùng, thay mặt cho các bạn sinh viên trong đoàn, tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới thầy cô và các bạn trường ĐHQG Singaporea cũng như các bạn Trường ĐH Phan Châu Trinh, thành phối Hội An đã tham gia và đóng góp cho buổi nghiên cứu khoa học thành công. Đồng thời, xin bày tỏ lời cảm ơn tới những đóng góp quý báu cả về chuyên môn và cơ sở vật chất của các cô chú cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Trên hết, xin trân trọng cảm ơn Quỹ Toshiba đã tài trợ để chúng tôi có cơ hội kết nối bạn bè, trao đổi kiến thức và khám phá những điều mới lạ tại mảnh đất miền Trung mến khách này.
Tham quan phố cổ Hội An/Ảnh: Phạm Hoàng Hưng
Tham quan di tích Mỹ Sơn/Ảnh: Phạm Hoàng Hưng
Hoạt động ngoại khóa tại bãi biển Mỹ Khê/Ảnh: Lê Kiều Anh
Tham quan Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm (Đà Nẵng)/Ảnh: Phạm Hoàng Hưng
Tác giả: Nguyễn Mai Hương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn