Đọc sách để nuôi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo

Thứ bảy - 25/04/2015 04:01
Ngày 22/4/2015, ông Park Chul Won - Chủ tịch trụ sở vận động văn hoá đọc sách Hanuri, Chủ tịch Viện Giáo dục mở Hanuri (Hàn Quốc) đã có bài thuyết trình trước sinh viên Trường ĐHKHXH&NV về chủ đề: “Đọc sách để phát triển cá nhân - Nhân tài cần thiết cho xã hội tương lai”. Bài nói chuyện chia sẻ quan điểm của ông về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển tư duy cá nhân cũng như góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia.
Đọc sách để nuôi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo
Đọc sách để nuôi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo

Ông Park Chul Won mở đầu bài thuyết trình bằng câu hỏi: trên thế giới, những người dân của quốc gia nào có cuộc sống hạnh phúc nhất ? Chỉ số hạnh phúc thể hiện ở các yếu tố nào ?

Diễn giả chia sẻ: trong 35 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất là những nước Tây Bắc Âu như: Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ… Tiếp đó là các nước còn lại của Châu Âu, Mỹ và Canada. Tuy nhiên, có những quốc gia có nền kinh tế rất phát triển nhưng lại không được xếp vào danh sách những quốc gia hạnh phúc. Như vậy, các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao không chỉ là những nước có nền kinh tế phát triển, mà còn phải xây dựng được đời sống văn hoá tinh thần phong phú cho người dân.

Ông Park Chul Won cũng chỉ ra những hệ luỵ mà các quốc gia đang phát triển phải gánh chịu khi chỉ mải mê phát triển kinh tế mà không chú trọng đến đời sống tinh thần như: lối sống thực dụng, tôn sùng vật chất, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo, tệ nạn xã hội, tội phạm, sự tụt dốc của giáo dục…

Tôi nghĩ Việt Nam để phát triển thành đất nước hạnh phúc đích thực thì cần giáo dục toàn dân nâng cao giá trị tinh thần. Và quan trọng hơn hết là đưa văn hóa đọc sách vào trung tâm của tất cả cấp độ giáo dục” - Chủ tịch Hanuri nói.

Vậy tại sao đọc sách lại quan trọng như vậy ? Tại sao ngay từ nhỏ trẻ em nên hình thành thói quen đọc sách ? Và đọc sách như thế nào cho đúng ?

Chương trình giáo dục đọc sách của Hanuri đã giới thiệu đến công chúng phương thức đọc sách “5 trong 1”. Đó là quá trình tổng hợp gồm tất cả kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, rồi suy nghĩ, thảo luận, góp ý, trình bày, rút ra kết luận. Quy trình đọc sách như vậy sẽ giúp tạo cho trẻ em khả năng tư duy sáng tạo tổng hợp. Tư duy tổng hợp gồm có năng lực phân tích, phê phán, tính toán, tưởng tượng, logic, đánh giá giá trị… Những người thường xuyên đọc sách và rèn giũa các kỹ năng trên sẽ hình thành và phát triển được năng lực tư duy sáng tạo tổng hợp. “Đây sẽ là năng lực cạnh tranh quốc gia trong thế kỷ 21” - ông Park Chul Won nhấn mạnh.

Thế kỷ 21 là thế kỷ phát triển của nhân loại. Lịch sử văn minh nhân loại chính là lịch sử phát triển văn minh tri thức và năng lực sáng tạo. Trọng tâm và nền tảng cho sự hình thành tri thức và tư duy sáng tạo đó là từ việc đọc sách. Lấy đọc sách làm cơ sở, từ đó xây dựng hệ thống tri thức khác, ở bất cứ thời điểm nào cũng là trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục. Mỗi quốc gia cũng cần nhận ra vai trò quan trọng của văn hoá đọc sách và có những biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các phong trào đọc sách trong người dân, đặc biệt là trong trẻ em và thanh thiếu niên.

Ông Park Chul Won chia sẻ rằng khi còn nhỏ, trong hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, nhưng chỉ bằng việc đọc các cuốn sách mà ông đã tìm ra lối đi đúng cho cuộc đời mình. Sách đã giúp nuôi dưỡng những giấc mơ, khát vọng và duy trì tình yêu của ông với thế giới này. Bởi vậy, ông đã nguyện dành cả cuộc đời cho việc truyền bá tầm quan trọng của việc đọc sách tới cộng đồng. Trụ sở Vận động Văn hóa đọc sách (Hanuri) chính là tâm huyết của ông và nhiều đồng nghiệp.

Hanuri hiện đang góp sức và thúc đẩy thực hiện những phong trào khuyến học toàn dân tại Hàn Quốc, và kiên trì với quan điểm: nuôi dưỡng con người trưởng thành về đạo đức; giáo dục công dân làm chủ phương thức tư duy hợp lý; cống hiến cho sự phát triển đất nước tiên tiến, có nền văn hóa giàu tính sáng tạo.

Ông Park Chul Won khẳng định: Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng trong giao lưu văn hóa và kinh tế. Trong đó, giao lưu trao đổi về văn hoá, giáo dục sẽ tạo nên sức mạnh “mềm”, giúp củng cố tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Chắc chắn, sách và các hoạt động liên quan đến đọc sách sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ này. Ông bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều cơ hội chia sẻ trước các bạn trẻ Việt Nam những kiến thức về việc đọc sách, những kinh nghiệm về việc thúc đẩy, truyền bá phong trào đọc sách của cá nhân mình và của tập đoàn Hanuri để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và cho việc xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước.

Ông Park Chul Won được coi là “người tiên phong của phong trào đọc sách” ở Hàn Quốc. Ông sáng lập tập đoàn giáo dục mở Hanuri năm 1998 và kiên trì thực hiện cuộc vận động khuyến khích đọc sách toàn dân trong suốt 25 năm với mục tiêu: “Hanuri thực hiện phong trào khuyến đọc toàn dân nhằm nuôi dưỡng những con người có học vấn trưởng thành về tư cách đạo đức, giáo dục nhân dân làm chủ các phương thức tư duy hợp lý, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước tiên tiến có nền văn hoá giàu tính sáng tạo”.

Ông sáng lập “chương trình đào tạo nhà lãnh đạo đọc sách” đầu tiên ở Hàn Quốc. tháng 7/1992, “chương trình đào tạo các nhà diễn thuyết tài năng” vào tháng 10/1992. Hiện nay, Hanuri đang đào tạo các học viên khoá 116, con số nhà lãnh đạo đọc sách và học online, ofline lên đến 49.000 người, có hơn 38.000 nhà lãnh đạo diễn thuyết, 20 chương trình giáo dục đang được vận hành, 100 giảng viên có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, 25.000 người nhận chứng nhận “Nhà lãnh đạo đọc sách” của Hanuri.

Hanuri xác định tầm nhìn: “Trở thành doanh nghiệp sáng tạo văn hoá đọc sách nhận được sự công nhận trên toàn thế giới năm 2030”, với nhiệm vụ: “Nuôi dưỡng các nhân tài văn hoá có tính sáng tạo, trí thông minh qua việc đọc sách”. 

Ông Park Chul Won và tập đoàn Hanuri đã được nhận nhiều giải thưởng và bằng khen vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Hàn Quốc: “Thương hiệu giáo dục của Hàn Quốc năm 2014”; “Doanh nghiệp tiêu biểu vừa và nhỏ tại Seoul năm 2012”; giải Daesang “Vì sự nghiệp Giáo dục Hàn Quốc” của Bộ Giáo dục Khoa học và Kỹ thuật Hàn Quốc năm 2009; “Doanh nhân vì sự nghiệp giáo dục Đại Hàn dân quốc” năm 2007; giải thưởng “Thương hiệu của năm” tại Diễn đàn người tiêu dùng Hàn Quốc do Thời báo Kinh tế Hàn Quốc tổ chức năm 2006; Huân chương ghi nhận cống hiến phát triển năng lực, nghề nghiệp cho nữ giới của Hiệp hội Nữ doanh nhân Hàn Quốc thuộc Bộ Phụ nữ và Gia đình Hàn Quốc trao tặng…

 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây