Nhân văn trong tôi: “Tôi nên gọi Nhân Văn là gì?...”

Thứ ba - 15/04/2014 23:24
Ngày trước khi viết cảm nhận về mái trường cấp hai, cấp ba, tôi thường gọi, thường ví đó như ngôi nhà thứ hai thân thuộc của mình. Nơi đó lưu giữ một phần ngây ngô và vô tư nhất của bản thân mà giờ đây khi đã rời xa rồi, tôi buộc bản thân phải lớn, phải trưởng thành...

Nhân Văn chứng kiến những thay đổi ấy từ ngày tôi bắt đầu sống và học tập ở mảnh đất Hà Nội vội vã, đông đúc này. Tôi không muốn ví Nhân Văn như mái nhà thứ hai hay thứ ba nào khác của mình...

Bởi vốn dĩ Nhân Văn không phải là Nhà – nơi tôi có thể bình yên mà ngây ngô như trước, nơi có mẹ cha chuộng chiều, chở che...

Tôi nên gọi Nhân văn là gì?
Bởi đó là một Nhân Văn ... , một Nhân Văn trong tôi đang nhớ..., một Nhân Văn cùng tôi chứng kiến...
Là nỗi hồi hộp đến gần như lạc giọng khi tôi lần đầu cầm micro phát biểu thay nhóm. Cô giáo đứng bên cười động viên và lắng nghe tôi nói. Lúc đó thấy tim đập dịu đi mà bình ổn chỉnh lại giọng mình.
Là nỗi sợ khi phải đối diện với đợt thi cuối kỳ I năm nhất. Tôi loay hoay ôn bài, chuẩn bị kiến thức, cảm giác bản thân lại như phải lên tinh thần để đi thi Đại học lần hai vậy.

Là lần đầu biết mơ màng đến nụ cười của một chàng trai khóa trên. Ngày nào học cùng nhau, tôi trên lớp cũng ngóng dáng anh chạy vội vã dưới sân trường, để rồi ngồi ngó lơ, vờ như không quan tâm khi anh vào lớp. Tình cảm ấy nhẹ nhàng lướt qua trái tim tôi, khiến tôi bồn chồn. Nhưng dường như nhẹ quá, mơ hồ quá, để bản thân ngần ngại tiến gần hơn...
 

 Tôi nên gọi Nhân văn là gì?
Bởi đó là một Nhân Văn ... , một Nhân Văn trong tôi đang nhớ..., một Nhân Văn tôi muốn tự hào mà lưu giữ, mà xây dựng nên vẻ đẹp, tên tuổi của trường...

Là sự bất mãn một cách trẻ con của bản thân khi tị trường Tự Nhiên bên cạnh có cổng đề tên rõ lớn, khi người lạ ngơ ngác hỏi “ Ơ, trường Nhân Văn cạnh trường Tự Nhiên à?”,...
Là tiếc nuối của tôi dành cho đài phun nước trước sân nhà E. Nhìn từng miếng gạch bị dỡ ra, lòng tôi như trống thêm một khoảng nào đó... Có lẽ có cảm xúc ấy là bởi đài phun nước đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp đặc trưng của trường.

Là niềm tự hào khi đầu năm mang lịch của trường về, bố mẹ trân trọng treo ngoài phòng khách.
Là dịu dàng hơn khi mỗi khi ai hỏi bản thân học trường nào, tôi nhẹ giọng nói “Nhân Văn” một cách “nhân văn” nhất. Ai bảo “Nhân Văn” là vẻ đẹp con người chứ! :)

Tôi nên gọi Nhân văn là gì?
Bởi đó là một Nhân Văn ... , một Nhân Văn trong tôi đang nhớ..., một Nhân Văn khiến tôi phải học hỏi, phải thay đổi...
Tôi đã từng dè dặt nhìn những con người lạ lẫm xung quanh - những người sẽ là thầy, là cô, là tiền bối, là bạn học của mình...
Tôi đã từng mệt mỏi khi phải giao thiệp với mối quan hệ mang tên “xã giao”...
Tôi đã từng... , đã từng... là con người khép kín và khó gần như thế...
 Dưới mái trường này, tôi đã học cách xử lý các mối quan hệ của bản thân.
Là biết thế nào là “cho” và “nhận”.Khi tôi cho đi nhiều hơn sự chân thành, tôi cũng sẽ được nhận lại món quà như thế.
Là không còn mệt mỏi với hai từ “xã giao”. Bởi tôi biết mối quan hệ thân hay sơ là do bản thân mình quyết định, bởi tôi hiểu những mối quan hệ xã giao là điều tất nhiên của cuộc sống.
Là biết mỉm cười khi gặp bất hòa trong nhóm làm việc chung.
Là biết cởi mở nở nụ cười với tất cả, cảm ơn đối với mỗi lời khen chân thành, lắng nghe mỗi lời nhận xét không tốt về bản thân và xem xét lại mình.
Là biết đứng từ mọi góc độ để nhìn nhận hay đánh giá một vấn đề sao cho khách quan và công bằng nhất.

Nếu là tôi của một năm trước, của hai, hay ba, hay năm năm trước...

Sẽ tưởng tượng được một tôi khác xa như hiện tại hay không?
Tôi của ngày trước sẽ không biết thế nào là tự lập...
Tôi của ngày trước đâu biết đến những cung đường đi làm thiện nguyện đầy vất vả nhưng ngập tiếng cười.
Tôi của ngày hôm trước bè bạn đếm trong bàn tay.

Tôi của ngày trước quẩn quanh trong ngôi nhà nhỏ bé yên bình.

Tôi của ngày trước quẩn quanh trong những giấc mơ phù phiếm, nhỏ nhoi...

Và ngày trước như thế, tôi sẽ không thể nào tưởng tượng được những điều tuyệt vời và tốt đẹp mà giờ đây tôi đang có. Tôi, tôi của hiện tại, là một tôi đang trưởng thành dần, chín chắn hơn, biết sống vì người khác, biết mơ lớn hơn về những chuyến bay xa cho cuộc đời. Tôi, một tôi của Nhân Văn...

Tôi nên gọi Nhân văn là gì? Nhân Văn trong tôi như thế không thể là Nhà vì nó không quá đỗi bình yên, ấm áp, không phải là tổ ấm có bố mẹ nuông chiều, có các em lo lắng.
Nhân Văn cũng không phải chỉ là Trạm dừng chân bốn năm của cuộc đời.
Nhân Văn của những kỷ niệm, của những đổi thay cho cái tuổi bớt non nớt này...
Đặc biệt như thế...
Một Nhân Văn như thế...
Hãy cứ gọi là “Nhân Văn trong tôi”... :)

Tác giả: Kiều Thị Hoài Linh - K57 Quốc tế học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây