GS.TS Nguyễn Thiện Giáp - người "cuốc cày" không nghỉ

Thứ ba - 22/09/2015 03:49
Giáo sư Giáp là một trong những người góp phần làm nên sức mạnh của bộ môn, rồi Khoa Ngôn ngữ học. Lý luận ngôn ngữ, từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt, dụng học Việt ngữ là những lĩnh vực ông quan tâm nhất và ra sức truyền đạt cho học trò.
GS.TS Nguyễn Thiện Giáp - người
GS.TS Nguyễn Thiện Giáp - người "cuốc cày" không nghỉ

Năm 1978, tôi vừa ở lại trường làm việc được một năm thì được cử đi cùng Giáo sư Nguyễn Hàm Dương đưa sinh viên lên thực tập nghiên cứu về giáo dục ngôn ngữ (tiếng Kinh) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Cao Bằng. Hồi ấy, tàu xe đi lại rất khó khăn. Đến nơi, khi về các làng bản, chỉ đi bộ là chính. GS. Nguyễn Hàm Dương người cao to, đĩnh đạc, phong lưu rất mực, trông như Tây. Có mấy ông ké, bà ké người Tày, người Nùng tưởng nhầm, hỏi nhỏ tôi “Người Liên Xô à ?”. Còn tôi, đúng nghĩa như một tiểu đồng, nhỏ thó, gầy nhom. Lội suối, qua đồi, xuyên bản, bộ truyện truyền khẩu “Sơ tán diễn nghĩa” từ hồi ở Đại Từ, Thái Nguyên được thầy Hàm Dương nhớ đâu kể đấy cho tôi nghe, đỡ mệt, trong đó có chuyện về các thầy của Bộ môn Ngôn ngữ, nay là Khoa Ngôn ngữ học. Có chuyện thế này. Thầy Hàm Dương kể: “Giáp (GS. Nguyễn Thiện Giáp) hay lắm. Hồi ở Đại Từ, tổ mình (bộ môn Ngôn ngữ - VDN) cử người đến giảng bài cho một bộ môn của trường (…). Anh em bên ấy họ qúi lắm, mà họ lại tăng gia, nuôi được dê, nên họ tặng một con để tổ chức liên hoan cải thiện (hồi ấy, không có thù lao, trả tiền như về sau này - VDN). Không ai biết làm thịt, trừ tớ (Thầy Hàm Dương thường tự xưng với anh em và đám học trò thân tình như thế). Tớ bảo: Để tôi làm thịt cho, nhưng phải có người phụ việc. Giáp được cử. Cán bộ trẻ, thanh niên mà. Tớ bảo Giáp dắt dê ra ngoài bãi cỏ, cọc lại, rồi cầm roi vụt, đuổi cho nó chạy quanh, cho nó ra hết mồ hôi, làm thịt ăn mới đỡ hoi. Thế là Giáp ta phải làm ngay. Được một lúc, chưa thấy mồ hôi dê đâu thì mồ hôi Giáp đã đầm đìa cả người rồi. Tớ buồn cười quá, bảo: Thôi, Giáp ra mồ hôi rồi thì làm thịt Giáp trước, thịt dê sau. Cả bộ môn cười gần chết”. Thầy cười hề hề rồi bảo tôi: “Cậu thấy tổ mình có vui không”. Rồi tôi cứ nhớ mãi câu chuyện vui ấy…

GS.TS.NGND Nguyễn Thiện Giáp

Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010 cho cụm công trình: Từ vựng học tiếng Việt, Từ và nhận diện từ tiếng Việt.

Gần hai mươi năm sau, anh cán bộ giảng dạy trẻ (hồi ấy không gọi là giảng viên như bây giờ, mà gọi như thế) Nguyễn Thiện Giáp (so với Giáo sư Nguyễn Hàm Dương khi ở Đại Từ) lần lượt hiện diện trong danh sách các Tiến sĩ, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; năm 2010 được Hội đồng Giải thưởng Nhà nước công nhận, để bước lên vị trí danh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Quá trình đào tạo của Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp “made in Đại học Tổng hợp Hà Nội” một trăm phần trăm; còn việc học phổ thông của Ông là ở miền quê Đan Phượng, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Thời trai trẻ của Giáo sư cũng như lứa chúng tôi, học trò của Ông hồi đó, những người được cử đi học ở nước ngoài phải là may mắn lắm. Rất khó khăn, vì phải hội đủ nhiều điều kiện. Ông đã dự thi tuyển nghiên cứu sinh để gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Điểm rất cao, nhưng … không đi được. Thế thì … thôi vậy. Rồi vẫn ngồi bên bàn trong gian nhà lá tập thể, vách đất, ọp ẹp ở góc ký túc xá Mễ trì ngày trước; và đã là cái nghiệp thì phải mòn mắt đi mà đọc sách, khảo sách thôi. Có một thời lạ thế.

Tôi không nhớ rõ được năm nào, nhưng chắc chắn là lần Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về Việt Nam cuối cùng rồi sang Moskva và quy tiên năm 2011, có một hôm, Giáo sư gọi tôi tới, giao cho một số tài liệu, rồi Cụ bảo: “Tập này là tài liệu của Giáp. Lâu rồi. Đưa lại cho Giáp nhé”. Đó là một tập khoảng hơn chục cuốn vở học trò kẻ ca rô bán sẵn ngày xưa, chữ nhỏ, mực xanh, chép kín mít các tư liệu về từ vựng trong cuốn Đại Nam quốc âm tự vị (1895-1896) của Huình Tịnh Paulus Của. Giáo sư Giáp chép tay tập tư liệu ấy khi ông mới ra trường. Lúc đó, việc trông thấy cuốn Đại Nam quấc âm tự vị còn là những cơ hội hiếm hoi.

Rồi ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (trước gọi là các phó tiến sĩ) năm 1983, được công nhận và bổ nhiệm chức danh Giáo sư năm 1996. Trước đèn, hơn chục cuốn sách viết riêng và viết chung, cùng với khoảng mấy chục bài nghiên cứu của Giáo sư đã lần lượt được công bố, trong đó, Cụm công trình về từ và từ vựng học tiếng Việt được giải thưởng Nhà nước năm 2010. Là học trò của Giáo sư, lại cùng tổ bộ môn, làm việc nhiều với ông, thân quen và gần gũi, nhân những dịp được chúc mừng ông, tôi thường nói một câu hơi ngớ ngẩn “Thầy làm được nhiều việc quá”, thì ông lại bảo, đại ý: “Tôi cũng như chú (ông thường gọi tôi như vậy), đều vốn nông dân, không cố gắng, cần cù và nghiêm túc mà làm việc, thì nên việc gì được”. Tôi hiểu, đó cũng là lời khuyên ông rút ruột ra bảo tôi.

GS.TS.NGND Đoàn Thiện Thuật và GS.TS.NGND Nguyễn Thiện Giáp

Hai tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước của Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp: Từ vựng học tiếng Việt, Từ và nhận diện từ tiếng Việt là cụm công trình khảo luận những vấn đề lý luận chuyên sâu về từtừ tiếng Việt cùng với từ vựng tiếng Việt. Với hai công trình này, lần đầu tiên khung lý thuyết về định nghĩa và nhận diện từ cũng như khung lý thuyết về định nghĩa, nhận diện từ của tiếng Việt được tổng kết khá đầy đủ, đồng thời, ý tưởng xử lý vấn đề của tác giả đã được áp dụng một cách chặt chẽ, triệt để, nhất quán, có tính khách quan cao. Những vấn đề lý luận mà hai công trình này đề xuất đã đem đến cho Việt ngữ học một cách nhìn nhận và lý giải mới đối với các vấn đề hữu quan cần giải quyết, nhờ xuất phát từ thực tiễn của chính Việt ngữ, phối hợp tốt với những quan điểm khoa học hợp lý trong lý luận ngôn ngữ học, đồng thời, giải quyết các vấn đề trên các chiều quan sát hỗ trợ nhau một cách biện chứng: đồng đại và lịch đại, hệ thống và chức năng, hoạt động, tâm và biên ... Chính vì vậy, việc giải quyết những vấn đề thuộc lý luận về từ và nhận diện từ tiếng Việt tránh được những cách xử lý “trên ngọn” luôn phải biện minh cho những hệ lụy kéo theo do áp dụng bộ khung lý thuyết mà tính hệ thống không được chặt chẽ và logic, triệt để.

Tuy không thể nói là hoàn hảo, nhưng hai công trình này thực sự là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận về từ tiếng Việt và những vấn đề về từ vựng có liên quan, nếu xét cả về tính chất mới mẻ lẫn tính chất hệ thống, triệt để và phù hợp thực tiễn Việt ngữ. Vì thế, có thể nói, hai công trình nói trên có đóng góp cho lý luận về từ nói chung và lý luận về từ tiếng Việt nói riêng. Đối với  các nghiên cứu hữu quan về Việt ngữ, hầu như không có nghiên cứu nào về từ lại không nhắc đến hai công trình nói trên, để hoặc là tán thành, hoặc là phải phản bác lại để rẽ theo lối đi không triệt để như vậy.

Hồn hậu vượt khó, là điều dễ nhận thấy ở Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp. Vào những năm khó khăn, cực khổ của đất nước, ông cũng như bao người khác vừa thâu đêm qua những trang sách, vừa bạc mặt lo chuyện áo cơm. Cũng phải cùng cả nhà nuôi thêm con lợn con gà để cải thiện, bổ trợ cho đời sống hàng ngày. Mà chả thấy ông kêu ca khó nhọc gì. Tính vốn lành, ông thường vui vẻ nói với tôi: “Tôi được nhờ vợ tất chú ạ”. Năm 1978, Giáo sư cùng với tôi vào Đà Nẵng chuẩn bị tiền trạm để đưa sinh viên vào thực tập. Đất nước đang lúc quá khó khăn. Tiền Bắc, tiền Nam chưa thống nhất, mỗi người đi công tác chỉ được đổi rất ít, không còn nhớ được chính xác là bao nhiêu, chỉ nhớ là rất ngặt, khoảng năm đồng. Tàu Thống nhất ành ạch chạy vài ngày đêm mới vào đến Đà Nẵng. Ngồi suốt trên ghế gỗ, cứng người ra. Rệp cắn sưng mông. Đêm đầu tiên trên tàu, tôi đang nghĩ chưa biết tính nước ngủ thế nào thì thấy Giáo sư tỏ ra là nhiều kinh nghiệm, lấy một tấm áo mưa mang sẵn, chui xuống gầm ghế trải ra, rồi bảo: “chui xuống đây nằm ngủ đi”. Tôi chui xuống, làm theo. Cái túi lép kẹp với hai bộ quần áo làm gối. Tàu lắc. Tiếng rít của bánh sắt trên đường ray như còn hằn vào tai đến tận bây giờ. Vậy mà chỉ một lúc, người đã vào giấc hết sức ngon lành. Chuyến ấy đi tiền trạm ấy không thành, không đưa sinh viên vào miền Tây Quảng Nam Đà nẵng được, vì còn Fulro quấy nhiễu. Chúng tôi quay ra, chuyển hướng đi Cao Bằng; và tôi lại tháp tùng thầy Hàm Dương lên trên ấy. Năm sau, 1979, quân Tàu đánh ta trên toàn bộ biên giới Việt Trung. Đất nước lại một phen tao loạn. 

Giáo sư Giáp là một trong những người góp phần làm nên sức mạnh của bộ môn, rồi Khoa Ngôn ngữ học. Lý luận ngôn ngữ, từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt, dụng học Việt ngữ là những lĩnh vực ông quan tâm nhất và ra sức truyền đạt cho học trò. Hàng chục nghiên cứu sinh đã được Giáo sư hướng dẫn nghiên cứu và bảo vệ luận án thành công. Ngoài giảng dạy ở trường nhà (Đại học Tổng hợp, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), ông còn tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khác. Năm 1986 - 1988, ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Paris VII (Cộng hòa Pháp) và năm 1997 là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Phương Đông, Napoli, Italia. Khi được mời, được bầu làm Trưởng phòng Tổ chức Trường Đại học Tổng hợp, Tổng Biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Biên tập và Xuất bản, khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn của Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học của Khoa Ngôn ngữ học, Uỷ viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học, Giáo sư cũng sẵn sàng đảm nhận như một công việc, một trách nhiệm với Nhà trường, với cộng đồng; rồi xong việc thì thôi, lại nhanh chóng quay về với nghiệp chính: nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo. Tôi biết, Ông luôn cố gắng, mà cố gắng một cách hồn nhiên, để làm việc, để cày xới chữ nghĩa. Điều làm tôi thêm trọng ông là ông rất trọng lao động và thành quả lao động của người khác. Nghe anh em đồng nghiệp xa gần làm được gì, công bố được gì, Giáo sư thường hỏi tôi đã biết chưa, nếu chưa, thì ông thông báo. Và vẻ vui mừng ánh trên gương mặt. Với học trò mới lập nghiệp, ông thường thân tình hỏi thăm đứa này đứa kia đã làm được những gì.

Ham làm việc và yêu thích công việc của mình, vậy mà sau những bàn thảo thảo, chuyện vãn “liên chi hồ điệp” về việc này việc nọ trong nghiên cứu, trong giảng dạy, trong đào tạo học trò, Giáo sư lại hay nhớ quê, hay say sưa kể cho tôi nghe món nõn khoai môn kho dừ với cá của con nhà nghèo mà ông ưa thích, kể về những xưa ngày thơ bé đi hái măng tre hoặc nhặt quả xoan khô về đốt lấy tro ngâm nước làm bánh tro để có màu xanh như ngọc lục hay màu vàng nâu hổ phách của bánh tro quê ông. Sống đơn giản, nên đôi khi Giáo sư có những niềm tin thật “ngộ”. Hồi Cô Hường, phu nhân của ông, đi công tác ở Campuchea, có một hôm, tôi ghé qua nhà ông vào một buổi chiều hè oi ả. Khẽ gõ cửa, chẳng thấy ai trả lời, tôi quanh ra chỗ cửa sổ mở, nhìn vào, thấy một cảnh như Liêu trai. Giáo sư  mặc quần đùi, cởi trần ngồi im đọc sách, trên người dán dăm bảy miếng gì đó xanh xanh như lá cây. Tôi gọi. Ông ra mở cửa. Tôi nhận ra những lá cây gì đó được vò nát và dán trên người ông. Cháu Khoa, con trai ông (kiến trúc sư Nguyễn Thiện Khoa bây giờ), hồi ấy còn rất bé, đang ngủ giữa sàn nhà, trên người cũng dán vài ba miếng. Tôi chỉ tay vào ông, hỏi: “Thầy làm gì thế này?”. Ông cười rất tươi, hồn nhiên bảo: “Trời nóng quá. Mọc mấy cái nhọt. Cái này bí truyền, tôi được một người mách cho đấy. Lá táo vò khéo cho mịn rồi dán vào. Tiêu độc. Mát lắm”. Tôi cười mà nụ cười chắc méo, dù không tự nhìn thấy được. Nhưng cũng lây cái vui, cái hồn nhiên hiếm có ấy của ông.

Bây giờ, có lúc ngồi nhớ lại những câu chuyên cũ, tôi cứ nghĩ, phải chăng niềm vui công việc đã cuốn hút Giáo sư Giáp vào cái nghiệp của Ông và đem đến cho ông những chùm quả ngọt: gia đình hạnh phúc, đóng góp nhiều công sức cho Khoa cho Trường, thành tựu khoa học đáng nể, anh em đồng nghiệp, học trò tin yêu, quí trọng. Tôi chúc mừng Thầy Giáp của chúng tôi; và chợt ngoảnh lại: trước khi được hái quả, biết bao nhiêu công sức Thầy đã đổ ra ... Mà lạ, hình như cứ thấy thấp thoáng câu chuyện đầm đìa mồ hôi vui vẻ hôm làm thịt dê từ những năm nảo năm nào…

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN THIỆN GIÁP

  • Năm sinh: 1944.
  • Quê quán: Hà Nội.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1966.
  • Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1983.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1996.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
  • Thời gian công tác tại Trường: 1966 - 2009.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

Khoa Ngôn ngữ học (Trường ĐHKHXH&NV).

+ Chức vụ quản lý:

Phó Chủ nhiệm, Bí thư Đảng uỷ Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) (1989-1992).

Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Tổng hợp Hà Nội (1992-1996).

Chủ nhiệm Bộ môn Các Khoa học xã hội và nhân văn (Khoa Báo chí), Chủ nhiệm Bộ môn Biên tập và Xuất bản (Khoa Báo chí) (1991-1996).

Thường vụ Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (1996-2000).

Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xất bản Đại học Quốc gia Hà Nội (2000-2003).

Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học (Khoa Ngôn Ngữ học) (1996-2014).

  • Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Paris VII, Cộng hòa Pháp (1986-1988).

          Giáo sư thỉnh giảng Đại học Phương đông, NAPOLY, Italia (1997).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Lý luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ; Từ vựng học tiếng Việt; Ngữ nghĩa học tiếng Việt; Ngữ dụng học tiếng Việt; Ứng dụng Việt ngữ học.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Từ và từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

Giáo trình ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.

Lược sử Việt ngữ học, tập 1 năm 2004; tập 2 năm 2006 (Sách hay kỉ niệm 50 năm thành lập nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội).

4. 777 khái niệm ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010 (Giải thưởng về Khoa học và công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010)

Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012 (Giải Đồng Sách hay năm 2013).

  • Các giải thưởng khoa học và công nghệ tiêu biểu:

+ Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010 cho cụm công trình từ và từ vựng học tiếng Việt, gồm Từ vựng học tiếng Việt, Từ và nhận diện từ tiếng Việt.

+ Giải thưởng về Khoa học và công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội 2010 cho công trình 4. 777 khái niệm ngôn ngữ học.

+ Giải Đồng Sách hay năm 2013 cho công trình Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ.

                                                                                    

Tác giả: GS.TS Vũ Đức Nghiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây