Tin tức

Võ Quang Nhơn với văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam

Thứ ba - 22/09/2015 03:31
Võ Quang Nhơn quả là nhà văn học dân gian đích thực. Mỗi truyện kể, mỗi bài dân ca do ông chuyển đến người đọc, người nghe không phải chỉ bằng câu chữ khô cứng trên trang sách mà nóng hổi hơi thở của cuộc sống và sự sôi động của sinh hoạt văn hoá nơi buôn làng, xóm bản. Chính từ thực tế đó mà những trang viết về lý luận của ông sau này không những bị nhiễm màu xám mà con tươi xanh như cây đời.
Võ Quang Nhơn với văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam
Võ Quang Nhơn với văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam

Võ Quang Nhơn sinh năm 1929 tại Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963, bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn năm 1982 và được phong chức danh Phó Giáo sư năm 1994.

Trong nhiều năm, tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Võ Quang Nhơn chuyên giảng dạy văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam. Từ năm 1981 trở đi, ông đảm nhận thêm giáo trình văn học Đông Nam Á. Về chuyên đề, từ năm 1982, ông đã trình bày bài giảng về thể loại sử thi anh hùng; từ năm 1985, ông đã lên lớp về các trường phái nghiên cứu văn học dân gian.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Võ Quang Nhơn (1929-1995). Ông là nhà nghiên cứu văn học dân gian, là Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Dân gian (1990-1992).

Thời trai trẻ, Võ Quang Nhơn đã trải qua cuộc đời công dân - chiến sĩ ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1948, sau một thời gian hoạt động trong phong trào thanh niên ở địa phương, người trí thức – đảng viên trẻ tuổi Võ Quang Nhơn đã “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi” đến với bà con Cheo Reo (trước đây thuộc tỉnh Đắc Lắc, nay đổi thành huyện Ayunpa thuộc tỉnh Gia Lai) trong cương vị chính trị viên huyện đội. Ở đó, ông đã đóng khố đi phát nương, vót chông giết giặc và cùng bà con vui chơi ca hát lúc bẫy chim trên rẫy, đón tết Mnămthun trong buôn, nghe già làng kể chuyện trong nhà rông. Nhìn chàng trai có nước da ngăm ngăm, môi dày tóc cứng, bà con Tây Nguyên quên đó là một thư sinh tốt nghiệp trường trung học Thuận Hoá mà cứ ngỡ chàng là con của Bok Klăng hay hậu duệ của mấy đời Đăm Săn cậu, Đăm Săn cháu... Chính tình cảm máu thịt với mảnh đất Tây nguyên ấy đã truyền cho ông tri thức và cảm hứng để biên soạn các tuyển tập Đăm Săn Thí (1972), Truyện cổ các dân tộc miền Nam (1976), Truyện cổ Ca tu (1978), Truyện cổ Cơ ho (1984, 1988) và đặc biệt là Dân ca Tây Nguyên, 1976, 1986).

Dù đó là những tư liệu do ông sưu tầm hay tuyển chọn lại từ những tác phẩm đã được ấn hành từ trước, người đọc vẫn nhận diện được dấu ấn của Võ Quang Nhơn trong đó. Chẳng hạn Chàng Đăm Thi là tập truyện kể cho thiếu nhi được ông biên soạn theo đơn đặt hàng của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhưng ông không “sao y bản chính” mà kể lại một cách sinh động. Câu chuyện vừa thể hiện được sắc thái của rừng núi Tây Nguyên, vừa phù hợp với tư duy của lứa tuổi học trò. Hoặc đọc Dân ca Tây Nguyên, dù là người khắt khe nhất cũng phải thừa nhận sự lao động nghiêm túc và sự am hiểu tinh tường của Võ Quang Nhơn trong trường hợp này. Tập sách được tuyển chọn từ nhiều nguồn tư liệu. Một số ít do người khác sưu tầm và được ông tuyển chọn khá kỹ về nội dung và chất lượng nghệ thuật. Một số rất lớn tác phẩm do người khác sưu tầm và ông phối hợp dịch hoặc hiệu đính. Ở đây cũng có cả bài do chính ông sưu tầm hoặc dịch ra tiếng phổ thông. Trong thực trạng đội ngũ các nhà khoa học về văn học dân gian ở nước ta hiện nay, đặc biệt là đối với những người có học vị và chức danh khoa học như Võ Quang Nhơn, việc làm này là rất hiếm hoi.

Bên cạnh nguồn cảm hứng chính dành cho các tuyển tập truyện cổ và dân ca các dân tộc Tây Nguyên như là sự đền đáp ơn trả nghĩa đối với những người đã cưu mang ông trong thời kỳ kháng chiến chín năm, Võ Quang Nhơn còn mở rộng tầm nhìn của mình tới cả Rọi – Dân ca Tày (Nhà xuất bản Dân tộc Việt Bắc, 1972). Đây là kết quả lao động của ông sau chuyến đi điền dã Cao Bằng năm 1977. Xa hơn, ông còn với tới Bốn cây hoa Chăm pa (Truyện cổ Lào, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970) và Tráng sĩ Hông Kinh Tôn, (Truyện cổ Triều Tiên, Nhà xuất bản Đồng Tháp, 1989). Những tập truyện này vừa giúp độc giả Việt Nam làm quen với di sản văn học dân gian các nước láng giềng ở Đông Nam Á và Bắc Á, đồng thời cũng nằm trong định hướng nghiên cứu sau này của ông.

Nói chung, việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn tác phẩm văn học dân gian vừa có tác dụng phục vụ độc giả vừa là một bộ phận hữu cơ trong công việc của nhà khoa học về văn học dân gian. Đã từ rất lâu, Giáo sư Iu.M. Xôcôlốp đã viết rằng: “Cần phải coi là cổ hủ rồi cái thời kỳ mà nhà nghiên cứu văn học dân gian lại có thể không đồng thời là nhà sưu tầm, khảo sát trực tiếp xem phônclo đang tồn tại trong đời sống hiện thực như thế nào” (Sáng tác dân gian Nga, Nxb Đại học, Mátxơcơva). Xét từ góc độ đó, Võ Quang Nhơn quả là nhà văn học dân gian đích thực. Mỗi truyện kể, mỗi bài dân ca do ông chuyển đến người đọc, người nghe không phải chỉ bằng câu chữ khô cứng trên trang sách mà nóng hổi hơi thở của cuộc sống và sự sôi động của sinh hoạt văn hoá nơi buôn làng, xóm bản. Chính từ thực tế đó mà những trang viết về lý luận của ông sau này không những không bị nhiễm "màu xám" mà con "tươi xanh" như cây đời.

Công trình lý luận của Võ Quang Nhơn có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn cả là những bài viết Sử thi anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên Việt Nam (Tạp chí Văn học, số 4 năm 1987, tr 5 – 21). Bài viết này là sự tóm tắt có phát triển của luận án Phó tiến sĩ mà ông bảo vệ thành công ngày 22-3-1982 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cũng có thể nói được rằng bài viết này là kết tụ tri thức ông tích luỹ trong những năm ở chiến trường và ở nhà trường. Ở đó, chúng ta thấy Võ Quang Nhơn không những là người am hiểu tinh tường sử thi từ cửa miệng các già làng mà còn bao quát một khối lượng tư liệu sưu tầm và các công trình nghiên cứu rất lớn bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Nga. Ông phân tích hệ thống thi pháp độc đáo qua các hình tượng mỹ lệ, ngôn từ, hình ảnh, vần, nhạc của câu thơ cũng như phương thức trình diễn của thể loại này. Đây là khu địa đàng của Võ Quang Nhơn và cũng là vườn cấm đối với một số người khác vì ít ai vượt qua được hàng rào ngôn ngữ. Để kết thúc bài viết của mình, Võ Quang Nhơn đã hướng tới phương pháp loại hình học và kêu gọi các đồng nghiệp “cần đặt các đối tượng nghiên cứu đang được đề cập trên bình diện so sánh loại hình với sử thi các dân tộc có liên quan, nhất là ở khu vực Đông Nam Á”.

Đến đây chúng ta thấy Võ Quang Nhơn đã vượt lên trên tầm của người thư ký trung thành của bà con dân tộc Tây Nguyên, ghi chép lại các câu ca, chuyện kể để trở thành nhà lý luận văn học và văn hoá dân gian. Ông không còn là con nai, con sóc chạy nhảy trên nương rẫy mà hoá thân thành con chim ưng bay lượn trên bầu trời, phóng tấm mắt của mình khắp bốn phía “trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu” để có cái nhìn vừa cụ thể vừa bao quát. Khả năng ấy của ông được thể hiện rõ nét hơn trong tập giáo trình đại học Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983, 475 trang). Cho đến thời điểm hiện nay, tập sách này vẫn là cái mốc lớn trong việc giới thiệu một cách hệ thống di sản văn học và văn hoá các dân tộc ít người ở Việt Nam. Vì vậy ý nghĩa của nó đã vượt ra ngoài phạm vi của một cuốn sách giáo trình dùng trong nhà trường. Nó đã trở thành sách tra cứu cho những ai có nhu cầu tiếp nhận đối tượng nói trên. Như Võ Quang Nhơn đã viết ở những trang mở đầu: “Giáo trình văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam được xây dựng theo phương hướng chung của lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời xuất phát từ các đặc điểm riêng của các dân tộc để nêu lên những đóng góp của văn học các dân tộc ít người vào nền văn học chung của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam” (tr 10). Nhưng việc thực hiện mục tiêu đó không dễ bởi lẽ văn học dân gian của 50 dân tộc ít người nói theo ngôn ngữ của nhà thơ Nông Quốc Chấn là “một vườn hoa nhiều hương sắc mà mảnh đất ươm trồng nó hết sức đa dạng. Để vượt qua khó khăn đó, Võ Quang Nhơn đã tìm đến với phương pháp so sánh loại hình – lịch sử để tìm ra và lý giải “mối quan hệ chặt chẽ giữa cái chung và cái riêng trê cơ sở lấy cái chung của cả cộng đồng Việt Nam làm nền tảng, đồng thời chú ý đúng mức đến những sắc thái riêng của các dân tộc ít người (tr 10 – 11).

Nói đến những đóng góp của Phó Giáo sư Võ Quang Nhơn đối với văn học và văn hoá dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam không thể không nhắc đến một số bài báo ngắn, tác chiến kịp thời của ông nhằm “biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực  và phê phán lên án những biểu hiện tiêu cực, độc hại trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ”.

Đó là các bài Văn học dân gian các dân tộc thiểu số dưới con mắt nghiên cứu thực dân (1974), Văn học dân gian các dân tộc ít người trong âm mưu hoạt động văn hoá của đế quốc Mỹ (1991), Tiếng nói chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của đại gia đình các dân tộc Việt Nam qua văn học dân gian (1983). Những bài viết này ra đời trong những giai đoạn và bối cảnh chính trị nhất định của đất nước. Chúng thể hiện ý thức công dân của nhà khoa học Võ Quang Nhơn. Cho đến nay, nhiều luận điểm trong các bài báo đó vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Chúng ta không thể không phê phán sự thiếu khách quan, thiếu trung thực, có khi còn cố tình làm sai lạc văn bản của một số học giả kiêm giám binh, giám mục hay quan cai trị người Pháp khi sưu tầm, công bố di sản văn hoá dân tộc, văn hoá dân gian các dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Tây Bắc Việt Nam. Việc sử dụng các tư liệu văn học, văn hoá dân gia các dân tộc ít người để phục vụ cho chính sách cai trị còn kép dài đến cả thời kỳ đế quốc Mỹ và Nguỵ quyền miền Nam. Vì vậy những bài viết trên đây của Võ Quang Nhơn ra đời là cần thiết và có ý nghĩa tích cực.

Trước sau người đọc cũng vô cùng yêu quý Võ Quang Nhơn ở sự thành tâm, ở sự trong sáng của một trí thức đã nhiều năm theo Đảng. Sự quý trọng đó càng được tăng lên nhiều lần đối với những ai gần gũi Võ Quang Nhơn, chứng kiến sự tận tuỵ của ông trong hàng nghìn buổi lên lớp ở trường đại học, hướng dẫn hàng trăm luận văn tốt nghiệp cho sinh viên và hàng chục luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh.

Ngày 27/1/1995 nhà giáo, nhà khoa học Võ Quang Nhơn đã rời bỏ thế giới trần gian đầy duyên nợ. Nhưng Đảng, Nhà nước, và giới khoa học không bao giờ quên ông. Ngày 1/9/2000, Chủ tịch Nước Cộng học Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định tặng ông giải thưởng Nhà nước về công trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt nam. Không chỉ vong linh ông ở cõi vĩnh hằng mà cả giới nghiên cứu văn học dân gian trong và ngoài nước cùng hoan hỉ trước phần thưởng cao quý này.

PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ VÕ QUANG NHƠN

  • Năm sinh: 1929.
  • Năm mất: 1995.
  • Quê quán: Quảng Ngãi.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963.
  • Nhận bằng Phó Tiến sĩ khoa học (nay là Tiến sĩ) ngành Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1982.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1994.
  • Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994.
  • Thời gian công tác tại trường: 1963-1995.

+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

+ Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Dân gian (1990-1992).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Văn học dân gian các dân tộc thiểu số; Văn học Đông Nam Á.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Bốn cây hoa Chămpa (truyện cổ Lào, biên soạn). Nxb Kim Đồng, 1970.

Chàng Đăm Thí (truyện cổ các dân tộc, biên soạn). Nxb Kim Đồng, 1972.

Truyện cổ các dân tộc miền Nam (hai tập, tuyển chọn, biên soạn). Nxb Văn hoá, 1975 – 1976.

Dân ca Tây Nguyên (biên soạn và giới thiệu). Nxb Văn hoá, 1976; tái bản 1986.

Truyện cổ Cơtu (biên soạn, giới thiệu). Nxb Văn hoá, 1978.

Tìm hiểu lịch sử văn hoá Lào. Nxb Khoa học Xã hội, 1982, tập II.

Văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam (Giáo trình đại học). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983.

Văn hoá dân gian. Ban Văn hoá dân gian (thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam) chịu trách nhiệm xuất bản, 1982.

Truyện cổ Cơho (biên soạn, giới thiệu). Nxb Văn hoá, 1984; Tái bản 1988.

Lịch sử văn học Lào (biên soạn). Nxb Giáo dục, Viêng Chăn. 1985.

Tuyển tập truyện cổ các dân tộc Việt Nam (chủ biên, sách tham khảo, dùng trong các trường đại học), 1988.

Tráng sĩ Hông Kinh Tôn (truyện cổ Triều Tiên, biên soạn). Nxb Đồng Tháp, 1989.

Sử thi anh hùng Tây Nguyên (viết chung). Nxb Giáo dục, 1997.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000 cho công trình Văn học dân gian các dân tộc ít người.

 

Tác giả: GS.TS Lê Chí Quế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây