Tin tức

PGS.NGND Bùi Duy Tân - một đời đam mê văn học sử

Thứ sáu - 25/09/2015 02:19
Là sinh viên khóa I (1956-1959) của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bùi Duy Tân thuộc thế hệ đầu tiên được chính “nền khoa học nội địa” đào tạo bài bản để trở thành những nhà nghiên cứu mang tính chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường công tác, tổng cộng có trên 40 năm nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), trở thành một tên tuổi trong giới nghiên cứu văn học sử nước nhà.
PGS.NGND Bùi Duy Tân - một đời đam mê văn học sử
PGS.NGND Bùi Duy Tân - một đời đam mê văn học sử

Khởi nghiệp trong giai đoạn sơ khai của ngành nghiên cứu văn học sử hiện đại, Bùi Duy Tân cũng như đa phần các đồng nghiệp cùng thế hệ đã buộc phải tạm thời bỏ qua những vấn đề lý thuyết mang tính khái quát chưa phù hợp với “thiên thời địa lợi” để lựa chọn một hướng đi hợp lý hơn là khảo và luận các tác gia, tác phẩm cụ thể. Ông cũng đã may mắn được tham gia một lớp học Hán Nôm đầu tiên tổ chức cho các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trẻ của các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy đại học tại Hà Nội. Trải qua quá trình dài miệt mài tích lũy và làm việc, do hứng thú và sở trường của cá nhân, đây vẫn là hướng đi chính và những đóng góp chủ yếu của ông đối nền khoa học xã hội.

Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Bùi Duy Tân (1931-2009)/Ảnh: Bùi Tuấn

Có thể nói, tên ông là bảo chứng cho sự chắc chắn và đáng tin cậy của những tài liệu khảo cứu. Ông đã tiến hành khảo và định vị hàng loạt các tác giả của giai đoạn thế kỷ X - nửa đầu XVIII, từ các tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến những tên tuổi ít được biết đến hơn như Thái Thuận, Nguyễn Bảo, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Nguyễn Tông Quai, Mạc Thiên Tích… Công việc lặng thầm này không những giúp cho sự hình dung về nền văn học trung đại được toàn diện hơn mà còn làm cơ sở vững chắc các nghiên cứu của những người đi sau. Bên cạnh đó, những khảo cứu của ông về các văn bản, từ ngữ cụ thể chứng tỏ một bản lĩnh học thuật vững vàng, luôn thận trọng đặt lại vấn đề đối với những xác tín đã trở thành hiển nhiên trong không chỉ giới nghiên cứu hay cả cộng động mà còn của chính bản thân ông. Một trong những ví dụ tiêu biểu là vấn đề tác giả của bài thơ nổi tiếng mà chúng ta thường gọi là Nam quốc sơn hà. Dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư và các tư liệu của các đồng nghiệp khác, ông đã quyết liệt viết một chùm bài lên tiếng đính chính tác giả của bài thơ này là Vô danh thị chứ không phải Lý Thường Kiệt như phần lớn chúng ta quen nghĩ. Việc bài thơ này vô danh hay của Lý Thường Kiệt ảnh hưởng khá lớn đến việc hiểu bài thơ thuộc giai đoạn khởi đầu của nền văn học viết của dân tộc. Điều này tưởng là vụn vặn nhưng thực ra vô cùng quan trọng đối với ngành nghiên cứu văn học trung đại, thuộc về thời đại mà sư lưu trữ và lưu truyền văn bản có những đặc thù riêng. Cùng với phát hiện kể trên, ở công trình này, ông đã trả lại vị trí là tác phẩm đầu tiên của nền văn học viết Việt Nam cho bài thơ Nam quốc sơn hà thay vì Dự đại phá Hoằng Thao chi kế của Ngô Quyền như trong Thơ văn Lý- Trần Quốc tộ như trong Tổng tập văn học Việt Nam. Ông cũng là một trong những người đã cố gắng đính chính một lỗi dịch sai suốt mấy chục năm mà chúng ta vô cùng tâm đắc:“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”được dịch sai là “Ức Trai lòng sáng như sao Khuê”. Cách dịch sai này tuy rất được lòng số đông vì như môt lời minh oan cho Nguyễn Trãi, nhưng lại là một cách ví von không quen thuộc và không có ý nghĩa trong thời trung đại. Cách dịch đúng phải là “Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương”. Vì vai trò đặc biệt quan trọng của văn chương trong thời trung đại mà các triều đình phong kiến đề cao Nguyễn Trãi, đề cao tác động củavăn chương của ông đối với nền chính trị - xã hội. Về Hội Tao đàn, ông cũng đã truy tìm các văn bản gốc ở thế kỷ XV đều không tìm thấy tài liệu nào ghi chép về sự kiện thành lập hội này cũng như danh xưng này. Ông đi đến kết luận rằng, đây là việc mà người đời sau (thế kỷ XIX) đặt ra. Phát hiện này có nhiều ý nghĩa đối với việc hiểu về hoạt động sáng tác văn chương cũng như những nguyên nhân của ý đồ “ngụy tạo” (nếu có) của người đời sau.

Trong số những công trình khảo cứu của ông, có thể kể đến mảng sách tuyển chọn các tác phẩm văn học trung đại. Văn học trung đại vẫn là một mảng khó tiếp cận đối với số đông độc giả, không chỉ bởi rào cản về ngôn ngữ, văn tự, khoảng cách về văn hóa giữa quá khứ và hiện tại mà còn vì những khó khăn trong việc tìm tư liệu tham khảo, đặc biệt là dạng sách tuyển chọn những tác phẩm nguyên gốc. Bùi Duy Tân không chỉ tham gia biên soạn những bộ sách lớn mang tình hàn lâm cao dành cho các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như Tổng tập văn học Việt Nam (chủ biên tập 6, 7) mà còn thiết kế những bộ sách có giá trị nhằm tới đối tượng độc giả phổ thông hơn, mà đáng kể nhất là Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Tập 1, 2, 3, NXB Giáo dục, 2004, 2008, 2009). Bộ sách có quy mô khá lớn, thâu tóm được nhữngtác phẩm đặc sắc của những tác giả tiêu biểu nhất trong khi vẫn đảm bảo được khả năng bao quát diện mạo chung của văn học từng giai đoạn. Thừa hưởng được thành tựu của người đi trước, bộ sách lựa chọn được những bản dịch thích đáng và những cách chú giải cập nhật. Có thể nói, bộ sách là một đóng góp của Bùi Duy Tân và các tác giả cho việc tìm hiểu về văn học trung đại của những người yêu thích văn chương nói chung.

PGS.NGƯT Bùi Duy Tân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2007 cho công trình Khảo và luận một số thể loại, tác giả, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam (2 tập)/Ảnh: Bùi Tuấn

Ở mảng luận, là người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ở trường đại học trong nhiều năm, Bùi Duy Tân có nhiều thành tựu trong việc khái quát đặc điểm, khuynh hướng của các giai đoạn văn chương, tổng kết, tổng thuật các đề tài, vấn đề khoa học. Ông viết một phần giáo trình văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII của Trường Đại học Tổng hợp (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1979), toàn bộ giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ X đến giữa thế kỷXVIII (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998), nhiều bàikhái quát và tổng thuật ở các công trình nghiên cứu lớn nhỏ về các giai đoạn và các tác giả văn học. Sức hấp dẫn trong các bài viết của ông không phải ở sựcầu kỳ hoa mỹ lối viết hay sự mới mẻ của lý thuyết mà tập trung vào độ chắc chắncủa tư liệu, sự phong phú củathông tin, độ cẩn trọng của lập luận và cách nhìn nhận các vấn đề đằm sâu của người đã ngấm văn chương cổ trong suốt cuộc đời.

PGS.TS.NGUT Lê Huy Tiêu và cố PGS.NGƯT Bùi Duy Tân/Ảnh: Bùi Tuấn

Trong hàng ngàn trang sách mà ông đã công bố suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình, chắc hẳn nhiều công trình sẽ vượt qua được sự thử thách của thời gian để tiếp tục đồng hành với giới nghiên cứu văn học trung đại. Kể cả sau khi đã nghỉ hưu, cho đến tận những năm cuối đời, ông vẫn làm việc không mệt mỏi để tiếp tục cho ra đời những công trình mới. Ông là một nhà nghiên cứu luôn mê mải với nghề, và là một nhà giáo luôn say sưa truyền lại cho các thế hệ sinh viên không chỉ kiến thức mà cả tình yêu vô bờ bến đối với công việc nghiên cứu văn chương và văn hóa cổ. Tôi thuộc lớp học trò giai đoạn cuối cùng còn được thụ học với ông, hình ảnh mà tôi nhớ mãi về thầy chính là ánh mắt lấp lánh và giọng nói sang sảng ở độ tuổi “cổ lai hi” vẫn hăng say trên giảng đường đính chính những vấn đề “Nam quốc sơn hà”, hội Tao đàn hay “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”.

PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN BÙI DUY TÂN

  • Năm sinh: 1931.
  • Năm mất: 2009.
  • Quê quán: Hà Nam.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Văn học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1997.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
  • Thời gian công tác tại trường: 1959-2002.

+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

+ Chức vụ quản lý: Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1982-1984).

  • Các hướng nghiên cứu chính: văn học trung đại Việt Nam, so sánh văn học trung đại Việt Nam - Trung Quốc.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Văn học cổ Việt Nam (viết chung). Nxb Giáo dục, 1964.

Sái Thuận – Nhà thơ lớn nhất cổ Kinh Bắc (chủ biên). Hà Bắc, 1978.

Văn học Việt Nam thế kỉ X nửa đầu thế kỉ XVIII (viết chung). Nxb Giáo dục, 1979, tái bản lần 7, năm 2001.

Sáu trăm năm Nguyễn Trãi (viết chung). Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1982.

Từ điển văn học. Tập I và II (viết chung). Nxb Khoa học Xã hội, 1983 – 1984.

Nguyễn Bảo và “Châu Khê thi tập. Thái Bình và Nxb Văn hoá, H. 1991.

Nguyễn Bỉnh Khiêm – Danh nhân văn hoá (viết chung). Bộ Văn hoá, 1991.

Đào Duy Từ – Thân thế và sự nghiệp (viết chung). Thanh Hoá, 1993.

Tương đồng văn hoá Hàn Quốc – Việt Nam (viết chung). Nxb Văn hoá – Thông tin.

Từ điển bách khoa Việt Nam, tập I (viết chung). Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 1995.

Tổng tập văn học Việt Namtập 6 (chủ biên). Nxb Khoa học Xã hội, 1997.

Tổng tập văn học Việt Nam,tập 7 (chủ biên). Nxb Khoa học Xã hội, 1997.

Lê Thánh Tông – con người và sự nghiệp (viết chung). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.

Hoàng đế Lê Thánh Tông (viết chung). Nxb Khoa học Xã hội, 1998.

Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX (viết chung). Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1998. 

Giáo trình văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XVIII. Nxb Giáo dục, 1998.

Tinh tuyển thơ văn Hán Nôm,tập A – thế kỉ X – XV (chủ biên). Huế 1999.

Tinh tuyển thơ văn Hán Nôm,tập B – thế kỉ XVI – nửa đầu XVIII (chủ biên). Huế 1999.

Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập I. Nxb Giáo dục, 1999.

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan: tác gia – tác phẩm (chủ biên). Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 2000.

Khảo và luận một số gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập II. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam, tập 1 (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2004.

Theo dòng khảo luận. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.

Bùi Duy Tân tuyển tập. NXB Giáo dục, 2007.

Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam, tập 2 (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2008.

Hợp tuyển văn học Trung đại Việt Nam, tập 3 (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2009.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2007 cho công trình Khảo và luận một số thể loại, tác giả, tác phẩm văn học trung đại Việt Nam (2 tập).

Tác giả: TS. Đỗ Thu Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây