GS. Hoàng Anh Tuấn: Quy định bao trùm về liêm chính học thuật từ góc độ quản lý Nhà nước cần hài hoà giữa yếu tố “pháp luật” và “văn hoá”

Thứ hai - 25/12/2023 20:09
Theo ông, lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay, sau khi có những tranh luận, các nhà khoa học đã ý thức rất cao về vấn đề liêm chính học thuật.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học về Liêm chính nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh vấn đề cần tránh việc lợi dụng sự liêm chính để hạ bệ nhau, mạt sát, làm tổn thương các nhà khoa học.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Cần có một khung hay một quy định bao trùm về liêm chính học thuật từ góc độ quản lý Nhà nước"
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, thời điểm năm 1995 - khi ông còn học đại học đã có cuốn giáo trình rất tốt về phương pháp nghiên cứu khoa học mà ở đó có nhắc đến vấn đề liêm chính. Tuy nhiên, giữa việc giáo trình có nhắc đến và thực thi về liêm chính học thuật thời điểm đó không tương thích với nhau. Tới thời điểm ông bắt đầu bước vào nghề, nhiều giáo sư lúc đó cũng nghĩ về vấn đề liêm chính học thuật một cách rất đơn giản, thậm chí có phần “hồn nhiên”.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn sau đó du học ở Hà Lan - quốc gia có nền học thuật liêm chính rất cao và rất rõ quy định. Nhưng nhìn lại những năm 1980- 1990, quy định trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn của Hà Lan hay quốc tế cũng rất đơn giản. “Ví dụ, luận án tiến sĩ của thầy tôi là tập hợp 9 chương và 9 chương đó là 9 bài báo trên tạp chí rất nổi tiếng”, ông nhớ lại.
Gần đây, GS.TS Hoàng Anh Tuấn vô tình nhận được bài báo của mình được một tạp chí rất nổi tiếng ở Bắc Kinh, Trung Quốc dịch sang tiếng Trung gửi về - đó là một phiên bản dịch không hỏi ý kiến của ông.
“Nói như vậy để thấy, có những vấn đề có lẽ cần một sự chia sẻ, nhìn nhận và đặt trong bối cảnh sẽ tốt hơn. Và quan trọng là chúng ta hướng đến những gì chúng ta muốn xây dựng, hình thành một thiết chế, khung hay nền tảng pháp luật gắn với nền tảng văn hóa và giáo dục trong đó”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.
Theo ông, lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay, sau khi có những tranh luận, các nhà khoa học đã ý thức rất cao về vấn đề liêm chính học thuật. Với riêng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, liêm chính học thuật được đặt ra trong các văn bản quy định của nhà trường. Vấn đề này chưa thành quy chế độc lập, nhưng lồng ghép vào trong các yêu cầu về đào tạo, giáo dục rất rõ.
Ví dụ, từ năm 2017 đến nay, nhà trường đều quét trùng lặp với luận án tiến sĩ, sau đó mở rộng ra luận văn thạc sĩ và bắt đầu quét sản phẩm của các nhà khoa học dùng kinh phí từ nhà trường hay bài báo trong tạp chí của nhà trường.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần có một khung hay một quy định bao trùm về liêm chính học thuật từ góc độ quản lý Nhà nước. Trong đó, vai trò của 2 Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT rất quan trọng, bởi có Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, mà gần như tất cả cơ sở giáo dục và khoa học đều có liên quan. Đây là căn cứ nền tảng, vì thực chất để tạo ra liêm chính học thuật, cuối cùng vẫn phải là các cá nhân khoa học, các tổ chức khoa học.
Nói riêng cho lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn thường bị nói nhiều nhất hay được bàn luận nhiều nhất trong vấn đề liêm chính học thuật, nhưng cũng đang là lĩnh vực vướng nhiều nhất.
“Vướng ở chỗ, ví dụ một số khái niệm nằm trong nghị định và thông tư liên quan đến bài báo khoa học, mà bài báo khoa học đang căn bản được định nghĩa là bài tạp chí. Đây là định nghĩa cần phải chỉnh lại. Theo tôi, bài báo khoa học là sản phẩm khoa học được đăng tải trên tạp chí hoặc sách hoặc chương sách. Nếu “khuôn” vào tạp chí thì các nhà khoa học lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ bị vướng”, ông nói.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn đề xuất, bài báo khoa học dùng trong điều kiện đầu vào, đầu ra của Quỹ khoa học công nghệ quốc gia, của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước là sản phẩm khoa học được đăng tải trên tạp chí hoặc các chương sách quốc tế. Còn thứ hạng phân loại sẽ dựa theo Web of Science hoặc tổ chức của các Hiệp hội những nhà xuất bản thế giới.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học: "Liêm chính khoa học hiện nay rất tinh vi và phức tạp"

PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học nhìn nhận, trong các ngành nghề, ngành nghiên cứu và đào tạo là những ngành đòi hỏi liêm chính cao nhất.

“Vì sao lại như vậy? Vì rõ ràng ngành nghiên cứu và đào tạo không có quyền lực và không có tiền bạc, nhưng chúng ta theo đuổi tri thức, trí tuệ và chân lý. Bản thân chân lý là giá trị, nếu như không bảo vệ điều này sẽ không còn khoa học”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Tài Đông cho rằng, Việt Nam không phải là một “hoang mạc” về liêm chính khoa học. Chúng ta đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, nghị định, trong các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT cũng như của nhiều trường, nhiều tạp chí. Chỉ có điều, chúng ta chưa có một quy định tổng thể và bây giờ cần một khung cơ chế pháp lý chung.
 

PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học

Viện trưởng Viện Triết học nhấn mạnh, liêm chính khoa học hiện nay rất tinh vi và phức tạp. Do đó, yêu cầu của chúng ta chính là cần một khung tổng thể.
PGS.TS Nguyễn Tài Đông đồng ý với ý kiến rằng: luật là đạo đức tối thiểu và đạo đức là luật tối đa. Cần phải thống nhất về luật và quy định; cần nghiên cứu, xác định, xây dựng các nguyên tắc lớn, quy định phổ quát và bộ chỉ số hoặc tiêu chí chung về liêm chính khoa học. Điều này là bắt buộc.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một số đơn vị tiên phong đồng hành, dẫn dắt, tương tự như Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhìn nhận, tác dụng tiên phong, tác dụng dẫn dắt về liêm chính khoa học rất lớn. Vì vậy, 2 Đại học Quốc gia, 2 Viện hàn lâm, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ GD-ĐT cần tự mình thúc đẩy một số đơn vị mang tính chất dẫn dắt, các Viện nghiên cứu, trường đại học, tạp chí đầu ngành làm tấm gương.
PGS.TS Nguyễn Tài Đông cũng kiến nghị, nói đến liêm chính khoa học, liêm chính học thuật, phải xem xét đến yếu tố lịch sử cụ thể, phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam. Liêm chính khoa học, liêm chính học thuật là một hình thái ý thức, phải dựa trên nền tảng kinh tế xã hội, bối cảnh lịch sử văn hóa nhất định. Cần có những quy định phù hợp với thông lệ thế giới, những gì bắt buộc làm sẽ phải làm, nhưng có những điều cần nghiên cứu và tính toán thêm.
“Đặc biệt, cần truyền thông, định hướng dư luận để tránh tình trạng đấu tố các nhà khoa học mang danh bảo vệ liêm chính, biến công việc liêm chính thành cơ hội để mạt sát các nhà giáo, các nhà khoa học - vốn là những người nghèo nhất, có liêm sỉ nhất và cũng có sự liêm chính nhất”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH: “Nghiên cứu khoa học một cách thực sự là điều rất khó”

Cùng bàn về vấn đề liêm chính, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH) kể: “Năm 2006, khi tôi làm tiến sĩ ở phương Tây, sau 3 tháng làm việc, thầy hướng dẫn của tôi đã “tròn mắt” và “đỏ mặt” hỏi: “You” đến từ hành tinh nào, vì lý do tôi không được học một cách bài bản về phương pháp nghiên cứu khoa học. Sau 15 năm, tới nay, các học trò tôi vẫn phải đối mặt với câu chuyện này. Việc nghiên cứu khoa học một cách thực sự là điều rất khó”.

Qua việc này, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng bày tỏ mong đợi, các trường đại học sẽ đẩy mạnh hơn nữa môn phương pháp nghiên cứu khoa học. “Bản thân tôi dạy cao học về phương pháp nghiên cứu khoa học nhưng số tiết cũng rất ít, hầu như có những hạn chế nhất định”, ông nói.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, tại Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã đề ra quy chế về liêm chính vào tháng 4.2023. Tuy nhiên, để thực hiện quy chế này, các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, bởi giảng viên đang ở bậc thạc sĩ của trường phải làm rất nhiều công việc khác nhau. “Qua câu chuyện này, cũng rất hy vọng chúng ta có một sự chia sẻ, yêu thương với các thầy cô”, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Xuân Hùng đề xuất các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT sẽ sớm có một bộ quy tắc chung, rõ ràng về vấn đề liêm chính. Từ bộ quy tắc này, các trường sẽ tham chiếu để xây dựng bộ quy tắc riêng và thực hiện. Theo thời gian sẽ có quy trình giám sát và hậu kiểm, từ đó đưa ra một chế tài cụ thể. Việc này cần có thời gian.

Về phương pháp nghiên cứu khoa học, ông cho rằng đến thời điểm này, chúng ta còn rất nhiều khó khăn trong phương pháp nghiên cứu khoa học. “Học trò tôi, nhân viên vào lab của chúng tôi hầu như phải đào tạo lại hết về phương pháp nghiên cứu khoa học”, ông nói.
GS.TS Nguyễn Xuân Hùng nhìn nhận, đi theo con đường nghiên cứu là một trong những sự lựa chọn rất khó khăn. Do đó, ông hy vọng các nhà khoa học sẽ có một tình yêu thực sự trong nghiên cứu, mong cộng đồng có thể chia sẻ với các nhà khoa học, bên cạnh việc có những đóng góp thẳng thắn.

Tác giả: Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây