Từ năm 2019, trên cơ sở những thành tựu và kinh nghiệm đã tích lũy được, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam đã xây dựng Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Văn hóa học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Không phải là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam, nhưng Ngành Văn hoá học tại VNU-USSH đã xác định hướng đi mới mẻ: đào tạo văn hóa dựa trên thế mạnh của khoa học cơ bản nhưng mang tính ứng dụng cao, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế-văn hóa-xã hội trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan tuyển dụng ở Việt Nam. Và từ năm học 2020-2021, Chương trình Cử nhân Văn hóa học đã chính thức được đưa vào đào tạo, tuyển sinh khoá đầu tiên 60 sinh viên. Và sau đó, đều đặn hàng năm ngành Văn hoá học của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển khoảng 50-60, vượt chỉ tiêu ĐHQGHN giao.
Sau Lễ tốt nghiệp một Tân Cử nhân K65 Văn hoá học đã xúc động chia sẻ: “Trong một buổi chiều tháng 7 nắng vàng như mật, chúng tôi vui mừng cầm trên tay tấm bằng cử nhân Văn hoá học – những cử nhân khoá đầu tiên của ngành tại Trường ĐHKHXH&NV. Đây là trái ngọt của những nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi dưới sự dẫn dắt của các thầy cô và sự ủng hộ của gia đình, bạn bè. Chúng tôi tự hào khi được là những người đặt dấu chân hoàn thiện đầu tiên của ngành Văn hoá học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN”.
Các Tân Cử nhân K65 Văn hoá học chụp ảnh cùng Thầy cô Khoa Lịch sử và Bộ môn Văn hoá học trong Lễ tốt nghiệp và trao bằng ngày 6 & 7/7/2024
Vậy đâu là bí quyết để chuyến tàu đưa sinh viên ngành Văn hoá học cập bến thành công? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ phía TS Nguyễn Hoài Phương (Trưởng bộ môn Văn hoá học, Khoa Lịch sử) và những thành viên trên chuyến tàu đầu tiên ấy.
Chương trình đào tạo ngành Văn hoá học: Kết hợp hài hoà giữa lí thuyết và thực hành, tăng cường tính trải nghiệm
Theo TS Nguyễn Hoài Phương: So với nhiều đơn vị khác cùng đào tạo ngành Văn hóa, chương trình đào tạo Cử nhân Văn hóa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều lợi thế hơn để phát huy giá trị của khoa học cơ bản, kết hợp hài hòa và hiệu quả với các khoa học ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống thực tiễn. Sinh viên sẽ được tìm hiểu các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu văn hóa, áp dụng trong nghiên cứu, phân tích, luận giải các thành tố của văn hóa (ẩm thực, trang phục, nhà ở, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, lễ tết, lễ hội...) cho đến các vấn đề của văn hóa trong xã hội hiện nay (tiếp xúc và hội nhập văn hóa, di sản và quản lý di sản, công nghiệp văn hóa, vấn đề về giới và tính dục...). Theo đó, người học sẽ được tìm hiểu về cội nguồn, bản chất của các giá trị văn hóa; nhìn nhận, đánh giá sự biến đổi của các giá trị văn hóa trong diễn trình lịch sử, từ đó gợi ra thông điệp: Văn hóa không phân biệt cao thấp, chỉ là khác biệt và tôn trọng sự khác biệt.
Chương trình đào tạo Cử nhân ngành Văn hoá học trang bị cho sinh viên lí thuyết và phương pháp nghiên tiếp cận có hệ thống và bài bản để tìm hiểu về tất cả lĩnh vực của đời sống văn hoá. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng có nhiều môn học có khả năng ứng dụng cao, cập nhật xu hướng phát triển như Văn hoá truyền thông, Văn hoá du lịch, Công nghiệp văn hoá,…
Các môn học đều được sắp xếp các hoạt động thực tế phù hợp, linh hoạt, đa dạng hình thức tổ chức: có thể đi trong khoảng 1 ngày tại địa điểm trong nội thành và ngoại thành Hà Nội, cũng có những dài 7 ngày và dài nhất 10 ngày (dành cho năm sinh viên năm thứ tư). Với các môn học như Cơ sở văn hoá, Văn hoá biểu tượng, Thiết chế văn hoá, Cộng đồng với hoạt động/thực hành di sản văn hoá, v.v. hoạt động thực tế thường diễn ra trong khoảng 1 buổi, 1 ngày, nhưng riêng học phần Thực hành văn hoá, sinh viên được đi thực tế từ 4-7 ngày và lớp K65 Văn hoá học đã có chuyến thực tập rất thành công kéo dài 7 ngày tại Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.
Chuyến đi dài và đáng nhớ nhất là chuyến đi thực tập tốt nghiệp, thường được tổ chức trong thời gian khoảng 10 ngày. Lớp K65 Văn hoá học, chúng tôi đã có 10 ngày khám phá cảnh quan và di sản văn hoá tại Thành phố Huế.
TS Nguyễn Hoài Phương (đứng ngoài cùng bên phải) cùng các thầy cô Bộ môn Văn hoá học đưa sinh viên ngành Văn hoá học thăm qua thực tế tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (Thành phố Đà Nẵng)
Cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực
Trong một khảo sát gần đây về nhu cầu nhân lực cử nhân ngành Văn hóa học do USSH thực hiện trên 150 nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và sinh viên, phần lớn cho rằng các kiến thức, kỹ năng của Văn hóa học phù hợp với một loạt ngành nghề quan trọng mà Việt Nam đang cần. Trong đó, 93% người được hỏi cho rằng sinh viên theo học hoàn toàn có cơ hội việc làm ở các lĩnh vực gần gũi như quản lý văn hóa, bảo tàng, bảo tồn di sản, phát triển không gian di sản, nghệ thuật…. Trên 92% cho rằng báo chí, truyền thông có thể tuyển dụng nhân lực ngành này. Hơn 85% cho rằng các ngành du lịch, khách sạn, giáo dục có nhu cầu cao với những người hiểu biết sâu sắc về văn hóa và khoảng 65-70% cho biết nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến nghiên cứu văn hóa phù hợp với nhiều vị trí quản lý nhà nước, đối ngoại và lãnh đạo.
TS Nguyễn Hoài Phương cho biết thêm: Trong số hơn 60 em sinh viên của Khoá đầu tiên, nhiều em đã tìm được việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp và hầu hết các em nhận bằng Cử nhân là có thể ứng tuyển ngay vào vị trí việc làm phù hợp chuyên ngành đào tạo và lĩnh vực mà em yêu thích.
Điều đặc biệt, các cử nhân ngành Văn hoá học tại VNU-USSH đã được tuyển dụng và hoàn thành tốt công việc trong nhiều lĩnh vực: nhân viên truyền thông, sale marketing, content marketing, marketing sự kiện, telemarketing du lịch, truyền thông dự án văn hoá; giảng dạy, nghiên cứu; nhân viên văn phòng, quản lý nhân sự, quản lí văn hoá; hướng dẫn viên du lịch; nhân viên bảo tàng, khu trưng bày; xuất bản; kinh doanh sản phẩm văn hoá,…
Điều đó phần nào cho thấy nhu cầu lao động trong lĩnh vực Văn hoá học đang rất cao và phản ánh chất lượng nguồn nhân lực do VNU-USSH đào tạo.
Cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn cho Cử nhân ngành Văn hóa học tại VNU-USSH
Văn hóa học là một khoa học có tính tổng hợp - liên ngành rất cao, nên sinh viên ngành Văn hóa học có thể đồng thời học thêm bằng kép các ngành trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như Lịch sử, Văn học, Báo chí, Du lịch, Ngôn ngữ, Quốc tế học, Đông Phương học… hoặc với các ngành ngoài trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội như Kinh tế, Giáo dục, Luật, Ngoại ngữ… Sau khi hoàn thành CTĐT Cử nhân, nếu yêu thích và gắn bó với lĩnh vực Văn hoá học các em sẽ hoàn toàn có thể học tiếp lên bậc học cao hơn (Thạc sĩ Văn hóa học, Thạc sĩ Quản lí văn hoá, Tiến sĩ Quản lí văn hoá) ngay tại Trường ĐHKHXH&NV, hoặc nhiều đơn vị đào tạo khác trong cả nước.
Những sinh viên yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống có thể lựa chọn các môn chuyên ngành theo Hán Nôm, theo đó sinh viên sẽ được học các loại hình văn bản, tại các di tích để có thể tiếp cận và xử lý được với các tài liệu chữ Hán như văn bia, thần tích, thần sắc, hương ước… do các chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trực tiếp giảng dạy.
Ngoài ra, sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Vì vậy, ngoài việc tăng cường khả năng ngoại ngữ, sinh viên có cơ hội trao đổi, tìm hiểu về ngành học này ở nước ngoài trong tương lai, cũng như tìm kiếm các học bổng, hỗ trợ học tập tại nước ngoài.
Thông tin tuyển sinh ngành Văn hoá học tại Trường ĐHKHXH&NV
Tên ngành: Văn hóa học
Mã ngành: QHX27
Đơn vị đào tạo: Khoa Lịch sử
Tổ hợp xét tuyển: C00, D01, D04, D78, D14
Chỉ tiêu năm 2024: 55
|