Ngôn ngữ
Đây là thông tin được lãnh đạo Ban Đào tạo - ĐHQGHN đưa ra tại Hội nghị đào tạo trực tuyến ở ĐHQGHN năm 2021 diễn ra sáng nay, 03/6/2021.
Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị bằng hình thức trực tuyến có đại diện lãnh đạo phụ trách công tác đào tạo của các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng của ĐHQGHN.
Tại hội nghị, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức cho biết, đến hết tháng 5/2021, toàn ĐHQGHN có 94% học phần của 11 đơn vị đào tạo được giảng dạy trực tuyến, trong đó có 7/11 đơn vị đào tạo giảng dạy online 100% học phần.
Công tác đào tạo trực tuyến ở ĐHQGHN đang được triển khai bằng các hình thức: Học tập điện tử (e-learning), Đào tạo kết hợp (Blended learning), Hoạt động giảng dạy sử dụng học liệu điện tử và tổ chức đào tạo trên hệ thống đào tạo trực tuyến.
Lãnh đạo Ban Đào tạo ĐHQGHN đánh giá, các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc đã chủ động triển khai hệ thống phòng máy tính tại trường, sẵn sàng cho hoạt động đào tạo từ xa. Đa số các đơn vị đào tạo báo cáo sinh viên đăng ký đáp ứng số tín chỉ tối thiểu cho một học kỳ theo Quy chế đào tạo đại học hiện hành. Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp lý về đào tạo từ xa và giáo dục thường xuyên cơ bản đã được hoàn thiện, kho học liệu số được tăng cường.
Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức cũng đề nghị các đơn vị cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý về đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến và ứng dụng CNTT trong đào tạo; bồi dưỡng, tập huấn về hoạt động quản lý đào tạo trực tuyến trong môi trường có ứng dụng công nghệ; Đảm bảo hoạt động giảng dạy và học tập không bị gián đoạn do dịch bệnh kéo dài; Kịp thời phản ánh những khó khăn, bất cập để hỗ trợ và tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện.
Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy cho biết, vừa qua, ĐHQGHN đã xây dựng Hệ thống học tập trực tuyến (LMS) với mục tiêu tích hợp được dữ liệu giảng dạy, học tập với kho dữ liệu thống nhất của ĐHQGHN nhằm tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến theo hướng tiếp cận giáo dục kết hợp tại các đơn vị trong ĐHQGHN, góp phần nâng cao chất lượng và đổi mới hoạt động giảng dạy.
Phần mềm LMS tích hợp được với hệ thống quản lý đào tạo của ĐHQGHN và các đơn vị để đảm bảo thông tin về chương trình đào tạo, học phần, lớp học phần, giảng viên, sinh viên được đồng bộ và thống nhất. Đồng thời, kết nối với Trung tâm Thông tin – Thư viện để sử dụng, bổ sung nguồn học liệu số do ĐHQGHN cung cấp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc ĐHQGHN đã nêu ra một số vấn đề còn vướng mắc khi triển khai đào tạo trực tuyến như: thiếu phương thức kiểm tra, đánh giá sinh viên trong quá trình học tập; các học phần đặc thù vẫn cần học tập trực tiếp; chất lượng học tập bị ảnh hưởng do tương tác trực tiếp bị hạn chế…
Theo Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn, có 4 nhóm vấn đề liên quan đến công tác chuyển đổi số ở ĐHQGHN: Phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý kho học liệu, hệ thống học tập trực tuyến LMS và hệ thống phần mềm video conferencing (Google Meeting, Microsoft Teams, Zoom Meeting…). Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đề nghị, các đơn vị cần thống nhất sử dụng phần mềm quản lý đào tạo để đồng bộ, thống nhất trong toàn ĐHQGHN để nâng cao hiệu quả, kiểm soát được chất lượng dạy học trực tuyến.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, cần thiết phải xây dựng quy định đối với việc đào tạo trực tuyến 100% trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, thay vì quy định hiện nay là tối đa 30% chương trình được đào tạo trực tuyến.
Về vấn đề kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của sinh viên, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN yêu cầu cần có cơ chế giám sát quá trình đào tạo và thi cử để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra của sinh viên. Các đơn vị có thể đưa ra các hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau, tuy nhiên cần báo cáo cụ thể về ĐHQGHN để có sự giám sát, đảm bảo chất lượng.
Về hình thức bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án trực tuyến, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải chỉ đạo, các đơn vị cho phép sinh viên, học viên cao học bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ bằng hình thức trực tuyến; riêng nghiên cứu sinh người nước ngoài được phép bảo vệ luận án tiến sĩ bằng hình thức trực tuyến hoàn toàn, nghiên cứu sinh người Việt Nam được phép bảo vệ luận án tiến sĩ trực tuyến một phần ở cấp cơ sở, bảo vệ luận án cấp ĐHQGHN bằng hình thức trực tiếp. Ngoài ra, đối với các trường hợp nghiên cứu sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh, không thể bảo vệ luận án bằng hình thức trực tiếp cũng có thể được bảo vệ luận án bằng hình thức trực tuyến.
Tác giả: Đăng An - Thùy Dương - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media