Chờ sân trường rộn ràng nhạc vui

Thứ năm - 12/03/2020 03:24
TTO - Tôi mong sao sân trường sớm trở lại rộn ràng, tưng bừng với những gương mặt hào hứng, những nhóm tập nhảy múa náo nhiệt. Ngày mai, tôi sẽ đề nghị trường cho phát các bản nhạc vui vào những giờ nghỉ giải lao... Cuộc sống sẽ vẫn phải tiếp diễn...
Chờ sân trường rộn ràng nhạc vui
Chờ sân trường rộn ràng nhạc vui

Chờ sân trường rộn ràng nhạc vui - Ảnh 1.

Giảng đường Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội trong những ngày đầu đi học trở lại

Thời tiết ở Hà Nội từ sau tết ẩm và lạnh, căn bệnh xoang mãn tính khiến tôi bị ho, khó thở và phải đi bác sĩ điều trị mỗi ngày. Anh bác sĩ bảo bệnh tôi không lây, nhưng tôi nên tránh các cuộc gặp đông người vì việc mình ho khiến người khác lo lắng.

Nhớ "chất thanh xuân" của trường đại học

Trừ những cuộc họp bắt buộc ở trường, tôi làm việc ở nhà. Đọc chữa bài của học trò, nghiên cứu, soạn giảng... là những công việc có thể không cần đến trường vẫn làm được tốt. Tôi nhớ các học trò của mình và thèm ở giữa cái không khí tươi vui, sống động của trường đại học luôn đầy ắp chất thanh xuân mà tôi đã quen. Nhưng lúc này, nghĩ đến sự năng động ấy của sinh viên, không hiểu sao tôi lại hơi e ngại và trí tưởng tượng của tôi được dịp kích hoạt những viễn cảnh đáng sợ.

Theo học chế tín chỉ, mỗi sinh viên có riêng một thời khóa biểu, nghĩa là họ không học chung với nhau ở tất cả các môn học trong ngày. Một sinh viên có thể học đến 3-4 môn trong một ngày, chung lớp với các bạn hoàn toàn khác nhau. Mỗi lớp có thể có tới 100, thậm chí 120 bạn khác. Hệ số di động và tiếp xúc của họ vì thế rất lớn. Nếu chẳng may có một bạn bị nhiễm COVID-19 thì nguy cơ lây truyền căn bệnh đáng sợ này sẽ rất rộng và nhanh.

Con trai lớn của tôi đang chuẩn bị thi hết THPT, kỳ thi quan trọng nhất trong đời học sinh của cháu. Con nhỏ của tôi mới 9 tuổi. Chúng tôi sống ở một chung cư. Nếu chẳng may tôi bị lây nhiễm hoặc tiếp xúc với người có bệnh và phải cách ly thì sao? Gia đình tôi, những người cùng sống trong chung cư của tôi sẽ như thế nào... Hàng loạt câu hỏi tôi không tự trả lời được và không tìm thấy hướng dẫn chính thức ở đâu.

Từng người có ý thức, cộng đồng sẽ an toàn

Hơn một tháng nghỉ sau tết vì dịch COVID-19 trong hồi hộp, lo lắng, lịch trình sinh hoạt, làm việc bị đảo lộn, cơ thể tôi muốn thay đổi trạng thái vì cảm giác trì trệ trong khi đầu óc cứ băn khoăn như thế, thật là mệt mỏi. 

Tôi nghĩ nếu mình cứ ngồi đây và lo lắng cũng không giải quyết được gì, trong khi nhiệm vụ trường giao vẫn phải thực thi. Vậy thì mình cần kêu gọi các học trò cùng nâng cao ý thức phòng dịch của cá nhân. Từng người có ý thức thì sẽ có một lớp học, một trường học, một cộng đồng an toàn.

Thế là tôi đăng lên Facebook của mình lời nhắn gửi các em sinh viên về những lưu ý khi trở lại trường vào tuần sau. Tôi tự thông báo tình trạng sức khỏe của mình và gợi ý cho các em cách bảo vệ bản thân. Tôi không quên nhắc các em hãy báo cho tôi nếu em có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, tôi sẽ hỗ trợ các em tìm giải pháp trong khi cố gắng đảm bảo quyền lợi học tập của các em cao nhất trong môn của tôi. 

Không ngờ có rất nhiều em đáp lại lời tôi một cách tích cực. Tôi thấy lòng mình ấm áp, tự tin hơn. Có học trò cùng chia sẻ nỗi lo lắng cho bản thân và trách nhiệm đối với người khác, tất cả chúng tôi có thêm hi vọng sẽ an toàn để vượt qua học kỳ sóng gió này.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn

Những buổi học đầu tiên cả thầy và trò đến trường với tâm trạng hồi hộp khó tả. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ nước rửa tay khô, dán thông báo hướng dẫn phòng dịch ở mỗi giảng đường, bảng tin; xịt khuẩn tất cả các giảng đường, khuôn viên, hành lang, nhà vệ sinh... 

Sinh viên được khuyên không tiếp xúc gần, tạm bỏ thói quen bắt tay nhau, được yêu cầu phải đeo khẩu trang toàn thời gian trong phòng học. Micro được sát khuẩn và bọc trong túi vải, thay sau mỗi lần sử dụng...

Nhiều giảng đường số lượng sinh viên đến học chỉ đạt khoảng 70% do nhiều em có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng thêm từ các bạn đã đến trường, một số em báo cáo bị ốm. Tôi hỏi một vài em về cảm giác khi trở lại trường, tất cả đều tỏ ra không quá lo lắng nhưng không còn vô tư, vui vẻ như trước nữa. Không phải em nào cũng đeo khẩu trang suốt buổi vì cảm giác ngột ngạt, bức bí.

Tôi đứng trên hành lang lớp học nhìn xuống sân trường vắng vẻ. Đôi chỗ lác đác mấy sinh viên đeo khẩu trang chụm đầu trò chuyện sau chuỗi ngày dài xa cách. Trong phòng tự học, chỉ có vài người đeo khẩu trang lặng lẽ bên trang sách. 

Tôi mong sao sân trường sớm trở lại rộn ràng, tưng bừng với những gương mặt hào hứng, những nhóm tập nhảy múa náo nhiệt đầy sức sống và nhất là những nụ cười tươi trẻ như hồi xưa. Phải rồi, sân trường thiếu âm nhạc và những nụ cười. Ngày mai, tôi sẽ đề nghị trường cho phát các bản nhạc vui vào những giờ nghỉ giải lao... Cuộc sống sẽ vẫn phải tiếp diễn.

Một khung cảnh rất khác

Trong phòng chờ của giảng viên, đa số thầy cô vào ký sổ nhận micro xong là về giảng đường, ít nán lại uống nước nói chuyện giao lưu như hồi chưa có dịch. Một số đồng nghiệp của tôi mọi ngày gặp nhau rôm rả thế, mấy hôm nay cũng nhanh chóng rời trường ngay sau giờ dạy. Có chị nuôi con nhỏ, ánh mắt rưng rưng bảo về đến nhà con chạy ra ôm mà phải ngăn lại ngay để thay đồ, sát khuẩn... khiến em bé tủi thân nức nở.

Trước ngày đi dạy trở lại, cô Thanh Huyền viết trên Facebook của mình, chia sẻ với sinh viên cách đến trường an toàn mùa dịch. Trong đó có đoạn: “Các em cũng nên chủ động theo dõi sức khỏe của mình, nếu thấy các biểu hiện ho, sốt, đau ngực, khó thở... thì cứ báo cho cô để mình cùng tìm cách bảo vệ sức khỏe cá nhân, tránh lây cho các bạn và thầy cô, mà vẫn đảm bảo hoàn thành chương trình học của mình nhé. Đừng lo, cô đã chuẩn bị phương án rồi…”.

Theo Tuổi trẻ online

Tác giả: Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây