Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn bước đầu thành công trong triển khai e-learning với platform UPM

Thứ bảy - 14/03/2020 09:10
Thời gian gần đây, Trường ĐH Khoa học và Nhân văn, ĐHQGHN đã đẩy mạnh dạy học trực tuyến qua việc ứng dụng công nghệ, phần mềm platform UPM. Sau thời gian triển khai đã có những kết quả nhất định từ việc dạy và học này.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn bước đầu thành công trong triển khai e-learning với platform UPM
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn bước đầu thành công trong triển khai e-learning với platform UPM

Theo lãnh đạo Nhà trường, nhờ có sự hỗ trợ triển khai e-learning bằng công nghệ platform của Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục UPM mà bước đầu việc giảng dạy trực tuyến đã triển khai thuận lợi và khá hiệu quả trên diện rộng. Điều đáng trân trọng là UPM đã tài trợ và hỗ trợ miễn phí phần mềm này cho thầy cô và sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV. Đây là nghĩa cử của một cựu sinh viên của Nhà trường hiện đang là Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Bảo Ninh, công ty mẹ của UPM.

Các giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN hào hứng với công tác tập huấn triển khai dạy -học trực tuyến

Hơn 200 giảng viên của Trường ĐHKHXH&NV đã có hai ngày tập huấn thành công phần mềm giảng dạy e-learning này. Trong mùa dịch Covid-19, dù phải đeo khẩu trang kín mít và rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn nano bạc theo đúng khuyến cáo của chuyên gia - các thầy cô vẫn tích cực tập huấn, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm để chuẩn bị cho một học kỳ đổi mới mạnh mẽ về cả tư duy và phương thức giảng dạy trên cơ sở ứng dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin. Theo kế hoạch, cuối tuần này sẽ có thêm 01 lớp tập huấn online cho giảng viên, nâng số lượng giáo viên được tập huấn lên khoảng 250 người.

Platform giảng dạy e-learning của UPM bước đầu được các thầy cô và cán bộ kỹ thuật của Nhà trường đánh giá là có nhiều tiện ích vượt trội so với các ứng dụng học trực tuyến khác, đặc biệt là ở khả năng tương tác đa chiều giữa thầy cô và sinh viên; quản lý lớp, nhóm hiệu quả; hỗ trợ giảng dạy đa phương tiện với video, hình ảnh, text, đồ họa; chia sẻ dữ liệu dễ dàng.... Platform giúp tổ chức lớp  học ảo nhưng cho phép triển khai đầy đủ các hoạt động giảng dạy, trao đổi nhóm, thảo luận, thuyết trình... như một lớp học bình thường.

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Ninh

Chủ tịch Tập đoàn Bảo Ninh – ông Nguyễn Phan Huy Khôi chia sẻ: UPM là hệ thống được công ty Việt hóa dựa trên hệ thống do chính công ty xây dựng và đã triển khai cho nhiều trường đại học tại Pháp. Phần mềm này đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số trong công tác đào tạo hiện nay tại Trường ĐHKHXH&NV. Về phần mềm, UPM có thể triển khai ổn định với số lượng hàng chục, hàng trăm ngàn CCU (số lượng người dùng mạng internet cùng lúc) với điều kiện hệ thống phần cứng và băng thông tương ứng.

Thời điểm bắt đầu triển khai tại Trường, hệ thống đáp ứng việc giảng dạy của 180 giảng viên, 392 lớp học phần, hơn 6.000 sinh viên đăng kí. Đến ngày 12/3, con số này đã tăng lên 200 giảng viên, 400 lớp học phần, hơn 8.000 sinh viên. Vốn dĩ trong giai đoạn đầu, Nhà trường chỉ định tiên phong thí điểm cho một số lượng nhất định các thầy cô triển khai dạy trực tuyến, nhưng trước sự hưởng ứng tích cực, vượt quá kỳ vọng ban đầu của giảng viên trong toàn trường nên Nhà trường và UPM đã nhanh chóng quyết định nâng cấp hệ thống, server và đường mạng để đẩy mạnh công tác giảng dạy e-learning trên nền tảng mới, hướng tới mục tiêu triển khai đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả.

Tích cực tham góp và hỗ trợ cho Nhà trường, UPM đề xuất: nâng cấp phần cứng và băng thông; phân tải bằng cách bố trí lịch học phù hợp, phân bổ đều; tập huấn cho giảng viên các kỹ năng cụ thể để tránh quá tải đường truyền...

GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQGHN) chia sẻ tại buổi tập huấn công tác giảng dạy trực tuyến

Phó Hiệu trưởng Nhà trường - GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các giảng viên đều tỏ ra hứng thú và thích ứng nhanh với nền tảng giảng dạy mới; đánh giá rằng phần mềm Platform UPM sử dụng rất thuận tiện, đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dạy và người học. Sinh viên Nhà trường cũng thích nghi rất nhanh và tận dụng được tiện ích và lợi thế của phương thức giảng dạy mới. Nhà trường sẽ hỗ trợ hết sức mình trên mọi phương diện để việc giảng dạy trực tuyến hiệu quả, đảm bảo chất lượng và thuận tiện cho cả thầy và trò cũng như công tác quản lý của Nhà trường. Triển khai E-learning sẽ là một hoạt động trọng tâm trong công tác đổi mới giảng dạy của trường trong năm học này và cả những năm học tới.

Phó Hiệu trưởng cũng bày tỏ lòng tri ân tới sự hỗ trợ nhiệt thành của Tập đoàn Bảo Ninh và cá nhân ông Huy Khôi đã giúp các thầy cô có sự chuyển mình rất kịp thời trong tư duy và phương thức giảng dạy, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo của các trường hiện nay.

 

Tác giả: Thùy Dương - VNU Media - USSH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây