Tin tức

Đại sứ Sri Lanka thuyết trình trước sinh viên Trường ĐHKHXH&NV

Thứ ba - 29/12/2020 04:39
Ngày 29/12/2020, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Sri Lanka tại Việt Nam Walpita Gamage Prasanna đã tới thăm và có bài thuyết trình trước các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Tham dự đón tiếp ông có GS.TS Phạm Quang Minh (Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường).
Bài thuyết trình của Đại sứ Walpita Gamage Prasanna có chủ đề về chính sách đối ngoại của Sri Lanka, những đặc điểm chính, những thuận lợi, thách thức trong quá trình thực thi chính sách đối ngoại. 
9eb0b58f9bde6b8032cf
Đại sứ Walpita Gamage Prasanna 
 
Sri Lanka có vị trí địa lý nằm gần như ở trung tâm Ấn Độ Dương, có đường biển bao bọc dài 1.340km và có sự tương tác và chịu ảnh hưởng từ các quốc gia, châu lục quanh khu vực này như Ấn Độ bởi phía Bắc, Châu Phi ở phía Tây và các nước Đông Nam Á ở phía Đông. Vị trí địa lý đã biến đất nước này thành một giao điểm của các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, tôn giáo trong lịch sử cũng như hiện tại giữa phương Đông và phương Tây. Chế độ chính trị của nước này là nghị viện, dân chủ đa đảng do chịu ảnh hưởng của Vương quốc Anh cũng như nước láng giềng Ấn Độ.

Để hài hòa mối quan hệ với nhiều quốc gia xung quanh Ấn Độ Dương, trong đó có các cường quốc, Sri Lanka duy trì đường lối đối ngoại tương đối trung lập, không liên kết về chính trị trong cả Chiến tranh lạnh cho tới ngày nay. Chính sách đối ngoại của nước này gồm ba trụ cột: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế; trong đó yếu tố phát triển kinh tế được bổ trợ bằng chính sách ngoại giao kinh tế, vận động các định chế tài chính quốc tế để vay vốn phục vụ sự phát triển.
bad0b79599c4699a30d5
Quang cảnh hội trường
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại hướng vào kinh tế nói trên, Sri Lanka cũng gặp không ít thách thức, trong đó việc cân bằng quan hệ giữa Ấn Độ, Trung Quốc, phương Tây là thách thức lớn nhất trong quan hệ quốc tế. Chính phủ Sri Lanka đã khéo léo xoay chuyển để phát huy các mặt tích cực, xoa dịu các mâu thuẫn để tận dụng các lợi ích kinh tế và giảm thiểu xung đột xảy ra với các bên. Cũng như các quốc gia thuộc Phong trào Không liên kết, điều quan trọng trong chính sách đối ngoại của Sri Lanka là cân bằng các tương tác, tránh bị rơi vào vòng xoáy quyền lực giữa các cường quốc.
 
134065391 3548613791925461 7246942999336174468 n
Bạn Nguyễn Mỹ Diệu (Chuyên ban Quan hệ quốc tế - Khoa Quốc tế học) đại diện cho các bạn sinh viên tặng hoa cho Đại sứ Walpita Gamage Prasanna 
 
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, Sri Lanka chủ trương đóng góp vào sự phát triển ổn định và hòa bình trong khu vực thông qua các thể chế đa phương như Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARS), Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hiệp ước thân thiện ASEAN (ACD), Công ước Luật biển của Liên hợp Quốc UNCLOS. Sri Lanka mong muốn đóng góp vào sự ổn định, hòa bình của khu vực và nhấn mạnh vào phát triển thương mại để tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia.
 
132341589 3548613551925485 9169544090692729805 n
GS.TS Phạm Quang Minh tặng quà cho Đại sứ Walpita Gamage Prasanna 
 
Đối với Việt Nam, Sri Lanka duy trì mối quan hệ truyền thống, hữu hảo trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/7/1971). Trong 50 năm qua, hai nước đã chứng kiến 53 chuyến thăm cấp cao giữa các nhà lãnh đạo hai bên; trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Sri Lanka ba lần vào năm 1911, 1928, 1946. Kim ngạch thương mại hai nước trong năm đạt gần 301 triệu USD và phấn đấu trong tương lai lên tới 1 tỷ USD. Hiện Sri Lanka có 14 dự án đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may và các công ty Sri Lanka tạo ra cho khoảng 9.000 lao động Việt Nam. Trong thời gian tới, Sri Lanka mong muốn có thể thúc đẩy hợp tác giáo dục, văn hóa với Việt Nam. Đại sứ Walpita Gamage nhấn mạnh tới vai trò của thế hệ thanh niên, nhất là thế hệ sinh sau năm 2000 đối với tương lai quan hệ song phương hai nước.
c4dc9b2fb47e44201d6f
Đại sứ Walpita Gamage Prasanna chụp ảnh cùng sinh viên Nhà trường
 
Xung quanh bài thuyết trình, Đại sứ Walpita Gamage Prasanna nhận được các câu hỏi đến từ sinh viên Nhà trường về các vấn đề như quá trình ra quyết định về chính sách đối ngoại trong chính phủ Sri Lanka, cách thức cân bằng quan hệ với các cường quốc của Sri Lanka; tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Sri Lanka; kế hoạch thúc đẩy quan hệ giao lưu, trao đổi sinh viên Việt Nam-Sri Lanka; tình hình hợp tác trong thương mại dệt may giữa hai nước…

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây