Tham dự buổi lễ có GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐHKHXHNV), ông Nadav Eshcar (Đại sứ Israel tại Việt Nam), TS Guido Hildner (Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam), ông Kamal Malhotra (Trưởng Đại diện Tổ chức LHQ tại Việt Nam) cùng đại diện các đơn vị ngoại giao và tổ chức quốc tế.
Ngày 27/1 được Đại hội đồng Liên hợp Quốc chỉ định là ngày quốc tế thường niên để tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị Đức Quốc xã tàn sát, gọi là Ngày tưởng niệm các nạn nhân Holocaust. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, hơn 6 triệu người Do Thái đã bị Phát xít Đức sát hại tại châu Âu chỉ vì họ là người Do Thái. Sự kiện tưởng niệm Holocaust hàng năm ở Việt Nam có mục đích giúp người dân Việt Nam có thêm hiểu biết và đồng cảm với các nạn nhân Holocaust, góp phần đẩy lùi chủ nghĩa bài Do Thái.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) nhấn mạnh ý nghĩa của Lễ tưởng niệm Holocaust, như một hoạt động để ôn lại một giai đoạn lịch sử mà hàng triệu người đã bị Đức Quốc xã sát hại trong Thế chiến thứ 2. Sự kiện này cũng nhắc nhở thế hệ ngày nay cần chung tay ngăn chặn những tội ác và sự hung tàn tái diễn trong một thảm kịch tương tự.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn cũng nêu bật tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, giáo dục, luật pháp, an ninh trong xây dựng niềm tin, giải quyết xung đột, xây dựng văn hóa đối thoại để thúc đẩy các giá trị nhân quyền. Giáo dục và đối thoại giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế chính là nền tảng quan trọng cho một xã hội bao dung và hòa bình. Đối với các cán bộ và sinh viên Nhà trường, sự kiện này là dịp để hiểu hơn về thảm họa Holocaust thông qua chia sẻ từ đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam và xem phim tài liệu.
Đại sứ Nadav Eshcar phát biểu
Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Nadav Eshcar chia sẻ: Holocaust không phải một quyết định cảm tính, mà được đưa ra trong khuôn khổ cân nhắc có hệ thống và chặt chẽ của Đức Quốc xã, được nhắm vào tất cả các tầng lớp xã hội trong cộng đồng Do Thái. Nếu chiếm thế thượng phong trong Thế chiến thứ 2, Đức Quốc xã đã hoàn thành công việc của mình nhanh chóng và nhiều người đã không thể may mắn sống sót tới ngày nay. Ông cho rằng, Holocaust tồn tại như một trong những thảm họa kinh hoàng nhất của con người, và trong tương lai vẫn có khả năng diễn ra một bi kịch như thế. Chính vì vậy, mỗi người cần có trách nhiệm đảm bảo rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa.
Đại sứ Guido Hildner phát biểu
TS Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam bộc bạch, Holocaust là giai đoạn đen tối nhất, một sự thật không thể chối cãi trong lịch sử nước Đức. Do đó, CHLB Đức đã mạnh dạn thừa nhận trách nhiệm của mình trong lịch sử và có nhiều nỗ lực để bù đắp những mất mát cho cộng đồng Do Thái. Trong đó hoạt động tưởng nhớ là rất quan trọng, nhằm bày tỏ sự trân trọng danh dự của những người đã hy sinh trong thảm họa, để tên tuổi của họ không bị xóa đi, không rơi vào lãng quên.
Trưởng Đại diện LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra phát biểu
Thay mặt Tổ chức LHQ tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Tổ chức là ông Kamal Malhotra trích dẫn thông điệp của Tổng thư ký LHQ rằng, trong thời điểm Đại dịch Covid-19, những rạn nứt và bất công lâu dài lại bộc lộ, góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái và bài ngoại. Điều đó cho thấy, tinh thần bài Do Thái cũng như Holocaust phát sinh từ những định kiến lâu đời, từ sự thiếu hiểu biết, oán giận, sự băng hoại rộng trong xã hội chứ không chỉ sai lầm của một vài cá nhân. Để góp phần đẩy lùi nó, cần có sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội. Các quốc gia cần xóa bỏ hận thù và sự phân biệt đối xử để xây dựng xã hội toàn diện, đa dạng, tôn trọng quyền con người. Về phần mình, Liên hợp Quốc sẽ tiếp tục đứng về sự thật và chống lại sự dối trá, cố chấp, chống chủ nghĩa bài Do Thái và hận thù. Tạo ra thế giới bình đẳng, công bằng là cách tưởng nhớ tốt nhất với những nạn nhân Holocaust.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn thay mặt Nhà trường thắp nến tưởng nhớ Berta Pik, một phụ nữ bị sát hại tại tập trung Auschwitz, Ba Lan năm 1944
Sau phần phát biểu, các đại biểu tiến hành nghi thức thắp nến tưởng niệm nạn nhân Holocaust tượng trưng, một truyền thống của Israel và người Do Thái trên khắp thế giới.
Tiếp đó, các đại biểu xem bộ phim tài liệu “Vernichtet” (Bị tàn sát). Bộ phim của đạo diễn Andreas Christoph Schmidt kể câu chuyện của gia đình góa phụ Rosa Labe và 3 người con ở làng Glambeck, Brandenburg, Đức. Từ năm 1938, gia đình Labe bị Đức Quốc xã xé lẻ, bị bóc lột ở nhiều nơi khác nhau, bị sử dụng như những công cụ lao động. Các thành viên bị chia cắt, thất lạc. Chặng đường khổ đau của nhà Labe là ví dụ tiêu biểu về những gì các nạn nhân của phát xít Đức đã phải trải qua.
Các đại biểu tham gia phần thảo luận với sinh viên, từ trái sang: GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), ông Nadav Eshcar (Đại sứ Israel tại Việt Nam), TS Guido Hildner (Đại sứ Đức tại Việt Nam), GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển ĐHQGHN)
Trong phần thảo luận, sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV đã bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ về bộ phim cũng như về thảm họa Holocaust với các đại sứ và giáo sư. Các bạn sinh viên đều có sự ấn tượng và xúc động sâu sắc với số phận, với nỗ lực sinh tồn của những người Do Thái bị đối xử tàn bạo trong Thế chiến thứ 2. Đồng thời, các bạn cũng liên hệ thảm họa này với những sự kiện tương tự xảy ra với Việt Nam và các nước láng giềng. Là thế hệ trẻ được sinh ra trong thời bình, các bạn sinh viên không quên vai trò của mình trong việc thấu hiểu, trân trọng quá khứ và rút ra bài học để kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn. Một số câu hỏi được gửi tới các đại biểu về các vấn đề như: công tác giáo dục, tuyên truyền về thảm họa Holocaust tại Đức và Israel; hiện trạng của chủ nghĩa bài Do Thái ngày nay tại Đức; những đóng góp của thế hệ trẻ nhằm những vết thương do hận thù, chiến tranh để lại…
Sinh viên Nhà trường đặt câu hỏi cho các đại biểu