Ngày 04/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông đã diễn ra phiên thảo luận chuyên đề “Thách thức của thế kỷ 21 đối với hệ thống giáo dục truyền thống ở các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).”
Phiên thảo luận nhằm kết nối những nỗ lực hợp tác, qua đó định hình chính sách giáo dục có tính đáp ứng, toàn diện và hướng tới tương lai hơn trong thế kỷ 21.
Tham dự sự kiện có đại diện các trường đại học hàng đầu của các quốc gia trong khu vực như Nga, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản.
PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)
PGS.TS
Bùi Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, có bài phát biểu tại phiên thảo luận.
Tình hình thế giới biến động mạnh mẽ trong những năm gần đây, bao gồm dịch bệnh COVID-19, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã thay đổi thói quen học tập, đào tạo. Nền kinh tế chịu các tác động của tình hình thế giới cũng làm thay đổi đáng kể nhu cầu đối với thị trường lao động, buộc ngành giáo dục phải nhanh chóng điều chỉnh để trang bị cho học sinh, sinh viên của mình những kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự đều khẳng định phiên thảo luận “Thách thức của thế kỷ 21 đối với hệ thống giáo dục truyền thống ở các nền kinh tế APEC” là thực sự cần thiết trong tình hình hiện tại, mang đến cơ hội tìm kiếm triển vọng cho chính sách giáo dục ở các nền kinh tế APEC, qua đó góp phần tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế khu vực thời gian tới.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh nhu cầu đối với việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục một cách nhanh chóng và linh hoạt để đáp ứng những thách thức hiện tại.
Trong bài tham luận được trình bày tại phiên thảo luận, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Thành Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm cải cách phương pháp giáo dục của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, được các đại biểu tham dự đánh giá cao. Theo ông Nam, trong bối cảnh thực hiện chiến lược mở cửa trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đang mở rộng các loại hình hợp tác quốc tế, không còn bó hẹp trong việc trao đổi giảng viên, sinh viên như trước đây.
Về phần mình, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện cũng đang tìm kiếm các hướng hợp tác mới, điển hình như công nhận tín chỉ lẫn nhau, giúp người học vừa có thể tham gia môi trường đào tạo tiên tiến ở nước ngoài, vừa đảm bảo lộ trình kết thúc chương trình đào tạo ở trong nước, trong khi gánh nặng tài chính không quá lớn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN sau phiên thảo luận, ông Evgeniy Vlasov, Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế của Đại học Liên bang Viễn Đông cho biết nhiệm vụ của phiên thảo luận này là kết nối với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, bởi vì đây là khu vực tham gia tích cực vào hợp tác kinh tế của khu vực APEC.
Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực có thể hỗ trợ để phát triển kinh tế tích cực, nâng cao mức sống cho người dân sống ở khu vực này.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9 với chủ đề “Viễn Đông 2030. Kết nối sức mạnh tạo tiềm năng mới” diễn ra từ ngày 3-6/9 tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga, diễn đàn năm nay thu hút hơn 6.000 đại biểu đến từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới./.
Vietnamplus: Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế giải quyết thách thức mới trong giáo dục