Hội thảo đã thu hút đông đảo học giả trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh Hội thảo
Chủ trì phiên 1 Hội thảo: GS.TS Detlef Werner Briesen, Đại học Justus-Liebig (Đức) và PGS.TS Bùi Hồng Hạnh (Giảng viên Khoa Quốc tế học, VNU-USSH)
Chủ trì phiên 1 Hội thảo: GS.TS Detlef Werner Briesen, Đại học Justus-Liebig (Đức) và PGS.TS Trần Thiện Thanh (Trưởng khoa Quốc tế học, VNU-USSH)
Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các học giả đã quan tâm tham dự và viết bài cho Hội thảo. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng củaKhu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về địa chính trị. Với 60% dân số thế giới và sự hiện diện của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN, khu vực này là trung tâm quan trọng của sự tương tác toàn cầu.
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có tình hình địa chính trị vô cùng phức tạp và có cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Khu vực này cũng đang đối mặt với một loạt vấn đề xuyên quốc gia như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cướp biển. Những thách thức này có khả năng gây ra sự bất ổn, nguy cơ leo thang thành xung đột hoặc khủng hoảng khu vực.
Với ý nghĩa đó, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn tin tưởng rằng: Hội thảo chính là dịp để các học giả cùng chia sẻ những quan điểm về tình hình hiện tại của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các cơ hội và thách thức đối với sự ổn định, phát triển của khu vực, và các chính sách, chiến lược được các quốc gia trong khu vực chọn lựa trong sự liên kết và hợp tác ở khu vực. Qua đó, có thể gợi ý các chính sách liên quan giúp Việt Nam vượt qua thách thức và tận dụng tối đa những cơ hội hiện có ở khu vực để ổn định và phát triển.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc khẳng định ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Hội thảo trong nghiên cứu về lĩnh vực quan hệ quốc tế
Ngoài phiên khai mạc, Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 phiên thảo luận chính:
Phiên 1: Bối cảnh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ quan điểm lý thuyết
Phiên 2: Sự tham gia của các cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển
Qua các báo cáo tham luận và phát biểu tại Hội thảo, các học giả thống nhất cho rằng, hiện sự ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp, đan xen, tác động lẫn nhau.
Theo GS.TS. Philippe Le Prestre, ĐH Laval (Québec, Canada) những yếu tố đó cần được xem xét từ góc độ của lí thuyết phức hợp, tức là “xem xét cùng lúc nhiều tác nhân, hoạt động ở nhiều quy mô không gian hoặc chức năng khác nhau, tham gia vào các tương tác theo mô hình phi tuyến tính và mạng lưới, và hiển thị các động lực độc đáo, tức là cả những động lực ổn định hoặc bất ổn định, thúc đẩy hoặc cản trở”.
GS.TS. Philippe Le Prestre trình bày tham luận tại hội thảo
Dựa trên những nguồn tài liệu, phong phú đáng tin cậy về tình hình kinh tế, chính trị, quân sự, an ninh, các liên minh hợp tác cũng như những cạnh tranh, xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhóm nghiên cứu đến từ Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, đã đưa ra phân tích cho thấy sự cần thiết xây dựng chỉ số tổng hợp về hợp tác và xung đột quốc tế. “Việc xây dựng các chỉ số tổng hợp dựa trên tất cả các biến số về hợp tác cũng như xung đột (như Hợp tác kinh tế, ngoại giao, quân sự; tranh chấp lãnh thổ, đối đầu quân sự, xung đột , trừng phạt ngoại giao, kinh tế) sẽ giúp chúng ta không chỉ đo lường tình trạng hiện tại của các mối quan hệ quốc tế mà còn cung cấp một khuôn khổ để dự đoán sự hợp tác hoặc xung đột trong tương lai” – TS Nghiêm Tuấn Hùng chia sẻ.
TS Nghiêm Xuân Hùng (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trình bày tham luận tại Hội thảo
Trong phiên thứ 2 của Hội thảo, các học giả tập trung làm rõ những biến đổi trong chiến lược của các cường quốc về khu vực này điển hình là Mỹ và Trung Quốc và những tác động đến tình hình kinh tế, an ninh chung của khu vực cũng như các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích về chiến lược cũng như chương trình hành động cụ thể của 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, PGS.TS Bùi Thành Nam (VNU-USSH) và TS Hoàng Huệ Anh (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) khẳng định: khu vực này có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, quân sự, gia tăng tầm ảnh hưởng của hai quốc gia không chỉ đối với khu vực mà còn trên phạm vi thế giới. Điều đó cũng tạo ra nhiều cơ hội (thúc đẩy hình thành, thiết lập mạng mạng lưới kinh tế, thương mại khu vực rộng lớn, tăng cường đầu tư) nhưng cũng kéo theo không ít thách thức (điển hình là xung đột an ninh, quân sự, tranh chấp lãnh thổ,…). Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam cần phải có những chiến lược phù hợp để có thể tận dụng cơ hội cũng như hạn chế thách thức, tăng cường vai trò trong việc thúc đẩy xu thế hoà bình, ổn định, hợp tác hữu nghị trong khu vực.
PGS.TS Bùi Thành Nam trình bày tham luận: “Triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ: Diễn biến mới và triển vọng”
TS Hoàng Huệ Anh trình bày tham luận: “Chiến lược của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức”
Các tham luận tại hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả, với những ý kiến bình luận sâu sắc. Bên cạnh việc thể hiện sự đồng thuận với những kiến quả nghiên cứu, nhận định được đưa ra, các ý kiến bình luận cũng đưa ra một số câu hỏi để làm sáng tỏ hơn vấn đề liên quan đến cơ hội cũng như thách thức lớn nhất cho sự ổn định và phát triển của khu vực, hay triển vọng hợp tác của các cường quốc và các quốc gia đang phát triển để cùng giải quyết những vấn đề có tính toàn cầu: biến đổi khí hậu,…
TS Lê Lêna (chia sẻ trực tuyến) cho rằng: trong khi xây dựng chỉ số tổng hợp để đánh giá xu thế hợp tác hay xung đột không chỉ chú ý đến biến số liên quan quyền lực cứng, mà cần phải xem xét đến những yếu tố quyền lực mềm như văn hoá.
TS Vũ Vân Anh (Khoa Quốc tế học – VNU-USSH) cho rằng bộ khi dự báo về kịch bản trong tương lai có thể xảy ra cho khu vực này cũng cần xem xét kĩ những yếu tố mang tính đan xen, phức tạp: trong xung đột có hợp tác, trong hợp tác cũng tiềm ẩn những yếu tố xung đột
TS Nguyễn Thuỳ Trang (Khoa Quốc tế học – VNU) gợi ý, trên cơ sở đi sâu phân tích chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc, các tác giả có thể mở rộng nghiên cứu về các vai trò của quốc gia khác đối với ổn định và phát triển của khu vực.
Ngoài 5 báo cáo và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo, Ban tổ chức cũng nhận được bài viết của gần 30 nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Sau khi hội thảo kết thúc, các bài viết sẽ được chỉnh sửa, biên tập và xuất bản thành Kỷ yếu vào một dịp gần nhất.