Tin tức

“Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài 1672-1697” – Tư liệu quý trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời trung đại.

Thứ sáu - 04/10/2024 06:57
Cuốn sách “Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài (1672-1697)” của tác giả Hoàng Anh Tuấn, được xuất bản lần đầu trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong lần tái bản năm 2024, Nhà xuất bản Hà Nội đã cùng tác giả rà soát, hiệu đính các thông tin, tiếp tục bổ sung các kết quả nghiên cứu, nhằm mang đến cho bạn đọc một công trình nghiên cứu tương đối toàn diện và cập nhật về Đàng Ngoài giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII. Tại Hội sách Hà Nội lần IX năm 2024 (ngày 27-29/9) cuốn sách đã chính thức ra mắt bạn đọc.
z5898174180664 34802aafab8b6e17f936e42f9e21af58


Thành quả của hành trình 20 năm sưu tầm, nghiên cứu tư liệu

Theo chia sẻ của tác giả Hoàng Anh Tuấn, khối tư liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Anh (English East India Company) liên quan đến Kẻ Chợ nói riêng, vương quốc Đàng Ngoài và rộng hơn là quốc gia Đại Việt nói chung trong thế kỷ XVII đã được giới thiệu và bước đầu khai thác bởi các học giả phương Tây từ khá sớm.
Kể từ đó đến thập niên cuối của thế kỷ XX, về cơ bản, khối tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh không được tổ chức khai thác sâu thêm. Trong thập niên 1990, cố tiến sỹ Anthony Farrington của Thư viện Quốc gia Anh (The British Library) đã đầu tư thời gian tập hợp khối tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh giai đoạn 1672 - 1683, đồng thời công bố bài giới thiệu về nguồn tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh liên quan đến Phố Hiến và Đàng Ngoài cuối thế kỷ XVII. Liên quan đến hoạt động chiếm đóng Côn Đảo của Công ty Đông Ấn Anh giai đoạn 1702 – 1705, tác giả Danny Wong Tze-ken khai thác tư liệu lưu trữ để công bố một nghiên cứu chuyên sâu vào năm 2011.
Những thông tin mới cùng với những thuận lợi nhất định về mặt hợp tác nghiên cứu trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập là cơ sở thuận lợi để các nhà nghiên cứu trong nước tiến hành khảo cứu tư liệu và tổ chức khai thác văn bản trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.
Khởi đầu bằng sự tiếp xúc trực tiếp với khối tư liệu viết tay tại Thư viện Quốc gia Anh (Luân Đôn) vào năm 2004, tác giả Hoàng Anh Tuấn đã lần lượt công bố một số chuyên luận giới thiệu về một phần khối tư liệu này. Và đến năm 2010, trong khuôn khổ tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Nhà Xuất bản Hà Nội tổ chức, một phần khối nhật ký thương điếm Anh ở Thăng Long - Kẻ Chợ và Đàng Ngoài đã được tác giả trích lục và giới thiệu. Đến năm 2019, một số văn bản khác (công văn của Công ty, báo cáo của thương điếm, biên bản họp Hội đồng Thương điếm...) được trích lục nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin mới. Tuy nhiên, do khó khăn trong tiếp cận tư liệu một cách tổng thể và sự tản mạn của nguồn tài liệu trong các phông lưu trữ khác nhau mà một số tệp văn bản gốc vẫn chưa được khai thác đầy đủ.
Nhận thức được giá trị khối tư liệu đồ sộ này, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng bằng tinh thần say mê nghiên cứu, cộng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức và nhà khoa học trong và ngoài nước, tác giả đã tiếp tục hoàn thành việc trích lục nội dung chính yếu của toàn bộ khối tư liệu đồ sộ đó, phân loại, sắp xếp theo niên đại và xuất bản một công trình hoàn chỉnh để giới thiệu đến đông đảo nhà nghiên cứu, bạn đọc.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện, tác giả Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Toàn bộ tư liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Anh được ghi chép bằng tiếng Anh cổ, cách ghi âm địa danh và nhân danh hết sức tương đối (Tonckin, Tongkin, Tongking, Tonquin, Tonqueen...; Dome, Domee, Domay...; Heen, Hein, Heine, Hean...; lings, pelings, pelangs...; hockings, hockien...; ungsja, ungja, unggia...; nhamoon, nhamones...; Dukba, Duck Ba...), việc phải phiên âm và dịch nghĩa cổ Anh ngữ viết tay thông qua bản scan (trong đó nhiều trang đã bị phai mực hoặc văn bản bị rách, mốc nên thông tin bị khuyết thiếu),… Vì vậy, trong quá trình sưu tầm, phân loại và chú dịch tư liệu chúng tôi đã thực hiện với tinh thần cẩn trọng lên cao nhất, tuy nhiên chắn chắn sẽ không thể tránh khỏi những chỗ chưa thật thoả đáng”.
MG 0096


“Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài 1672-1697” – Tư liệu quý đối với nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời trung đại.

Trong phần đầu của cuốn sách được tái bản, tác giả Hoàng Anh Tuấn đã giới thiệu sơ lược về kết cấu của khối tư liệu, cách phân loại và sắp xếp tài liệu, cách chú thích địa danh, tên riêng xuất hiện trong tư liệu. Đây là những thông tin quan trọng, để người đọc có thể hình dung một cách tổng quan về nguồn tư liệu, cũng như chỉ dẫn cần thiết để các nhà nghiên cứu có thể tiếp tục tìm hiểu, khai thác những thông tin rất phong phú phản ánh trong nguồn tư liệu.
Khối tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài có kết cấu tương đối đơn giản nhưng đậm đặc về thông tin. Toàn bộ khối tư liệu hiện còn là một bộ nhật ký kinh doanh của thương điếm Anh (ở Phố Hiến và Kẻ Chợ), ghi chép những sự kiện diễn ra hàng ngày, xen lẫn vào đó là các công văn trao đổi với Công ty, báo cáo thương mại của Giám đốc thương điếm (gửi về Bantam, Madras hoặc Luân Đôn), quyết nghị của Hội đồng thương điếm... Theo phân loại và sắp xếp của Thư viện Anh, tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài được chia nhỏ thành 10 tập sau:
  1. G/12/17-1, Tonqueen Journall Register, 25/12/1672 - 7/12/1672, fos. 1-58.
  2. G/12/17-2, W. Gyfford’s Journall at Tonqueen, 13/12/1672 - 28/6/1676, fos. 59-149.
  3. G/12/17-3, Tonqueen Journall Register, 29/6/1676 - 26/6/1677, fos. 150 - 200.
  4. G/12/17-4, Diary and Consultations of T. James and W. Keeling, 06/6/1677 - 24/6/1678, fos. 201 - 224.
  5. G/12/17-5, Tonqueen Journall Register, 02/7/1678 - 28/5/1679, fos. 225 - 251.
  6. G/12/17-6, Tonqueen Journall Register, 1/6/1679 - 31/5/1680, fos. 252 - 273.
  7. G/12/17-7, Tonqueen Letters of Consultations, 15/12/1681 - 28/7/1682, fos. 274 - 288.
  8. G/12/17-8, Diary and Consultations of W. Hodges, 29/7/1682 - 26/8/1683, fos. 289 - 315.
  9. G/12/17-9, Tonqueen Diary and Consultations, 13/5/1693 - 29/7/1697, fos. 316 - 479.
  10. G/12/17-10, Tonqueen Diary and Consultations, 27/7/1697 - 30/11/1697, fos. 480 - 503.
Đối với giai đoạn tài liệu thương điếm bị thất lạc (từ 26/8/1683 đến 13/5/1693), một số thông tin liên quan có thể được trích lược từ bộ Hồ sơ Java 7, ký hiệu E-3-87; E-3-88; E-3-99; E-3-90; E-3-91; E-3-92. Khối tư liệu này hiện đang được lưu tại Phòng Ấn Độ và Phương Đông (OIOC) thuộc Thư viện Quốc gia Anh (Luân Đôn). Đối với một số năm, tình hình kinh doanh của thương điếm Kẻ Chợ được phản ánh khá cụ thể trong khối tư liệu Java 7 này. Những nguồn tư liệu gián tiếp này góp phần quan trọng vào việc phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài trong suốt giai đoạn 1672 - 1697.
111
 
Một trang của bộ “Nhật ký thương điếm Anh ở Đàng Ngoài”, trích dịch nội dung sơ lược như sau:
- Ngày 1/11/1694: Lấy được sợi dây chão, chất lượng tốt, dài hơn dự kiến 9 inch, vào quãng 95 fathom, tin tưởng sợi chão đủ tốt cho tàu Pearl.
Đêm, giám đốc Hà Lan cùng nhân viên đi thuyền xuống cửa sông.
Ungja Tack đến thương điếm Anh, thết đãi ông trà và mứt. Ông đề nghị Công ty gửi sang cho ông hổ phách và một số giống chim nhỏ mà qua mô tả của ông, chúng tôi đoán giống chim đó là loại mà người Hồi gọi là Moonet. Chúng tôi muốn hỏi về chuyện lá 
cờ (Anh) bị đốt nhưng ông nói chừng nào còn chưa nói chuyện được với quan Trấn thủ thì chưa dám tâu lên Chúa.
- Ngày 2/11/1694: Viên thông ngôn Chubu mang lĩnh đến giao nhưng chúng tôi không thể nhận được vì chất lượng quá kém. Đêm, ông Blackmore và ông Warren đi trên một chiếc ghe nhỏ xuống tàu.
- Ngày 4/11/1694: Buổi trưa, Giám đốc Richard Watts và ông Warren đi bằng đường bộ xuống dưới tàu. Hôm qua, Domingo đã tháp tùng hai ông Farmer và Blackmore xuống tàu. Giám đốc yêu cầu họ dừng chân ở Phố Hiến để phản đối quan Trấn thủ về vụ việc lá cờ…
Nguồn: Thư viện Quốc gia Anh (Luân Đôn - Vương quốc Anh)
 Xuất phát từ cấu trúc của khối tư liệu, việc trích lục thông tin về cơ bản dựa theo kết cấu hiện tại của khối tài liệu đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Anh ở Luân Đôn. Thứ tự tài liệu được sắp xếp theo niên đại. Nội dung cuốn sách căn bản là trích lục nội dung chính yếu của tập nhật ký thương điếm, lồng vào bộ nhật ký và một số văn bản liên quan như quyết nghị hội đồng thương điếm, thư từ trao đổi giữa ban giám đốc và nhân viên thương điếm, đơn kiến nghị của thương điếm gửi đến chúa Trịnh và quan lại Đàng Ngoài…
 
8R3A7277
 
8R3A7244
 
8R3A7282
Buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách “Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài (1672-1697)” của tác giả Hoàng Anh Tuấn nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và bạn đọc yêu sách
 
Trao đổi tại tọa đàm ra mắt cuốn sách của GS.TS Hoàng Anh Tuấn, TS Trần Ngọc Dũng (đang công tác tại Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), một trong những chuyên gia nghiên cứu về tư liệu lưu trữ các công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan, bày tỏ sự ngưỡng mộ và trân trọng thành quả lao động khoa học miệt mài của GS.TS Hoàng Anh Tuấn khi giành quãng thời gian 20 năm để miệt mài sưu tầm, dịch thuật khối tư liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng ngoài 1672-1697. Trong lần xuất bản này, tác giả đã cùng với Nhà xuất bản Hà Nội rà soát, hiệu đính các thông tin, tiếp tục bổ sung các kết quả nghiên cứu, mang đến cho bạn đọc một công trình nghiên cứu tương đối toàn diện và cập nhật về Đàng Ngoài giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII. Đây là cuốn tư liệu được thực hiện công phu, nghiêm cẩn và có giá trị tham khảo rất lớn đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam trong thế kỉ XVII trong nhiều lĩnh vực: chính trị, quan hệ bang giao, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, giao lưu thương mại quốc tế,…”
MG 0106

Về giá trị của tư liệu được tác giả Hoàng Anh Tuấn giới thiệu trong cuốn sách Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng ngoài 1672-1697, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ có chia sẻ: “Các tư liệu Công ty Đông Ấn đã giúp ta hiểu biết thêm về tình hình kinh tế xã hội, ngoại thương, về tầng lớp vua chúa, quan lại ở Thăng Long – Kẻ chợ thời kì này qua cách ứng xử, giao dịch với người ngoại quốc. Tư liệu cũng hé lộ một số câu chuyện thâm cung bí sử, nội tình của chính quyền Thăng Long, bổ khuyết cho các bộ chính sử Việt Nam”.
Cũng tại lễ ra mắt cuốn sách, tác giả Hoàng Anh Tuấn bày tỏ lời tri ân sâu sắc tới tất cả các nhà khoa học trong và ngoài nước, bạn bè đồng nghiệp đã hỗ trợ chuyên môn cho các lần xây dựng và hiệu chỉnh bản thảo; cảm ơn Nhà xuất bản Hà Nội đã đồng hành để cuốn sách được xuất bản và đến với độc giả. Tác giả Hoàng Anh Tuấn cũng mong muốn các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ coi cuốn sách như là một sự gợi ý, khai mở để có thể tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các giá trị phong phú, nhiều mặt của nguồn tư liệu này cũng như nhiều tư liệu quý đang được lưu trữ tại Trung tâm Tư liệu văn hiến Việt Nam, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Những nguồn tư liệu hải ngoại thực sự là những tài sản quốc gia, không chỉ có giá trị khoa học tự thân phản ánh rất nhiều thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội của giai đoạn lịch sử đã qua, mà còn có giá trị rất lớn trong công cuộc phát triển và bảo vệ tổ quốc trong thời kì hiện đại.
8R3A7293
Tác giả Hoàng Anh Tuấn tặng hoa tri ân GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Vũ Văn Quân - những người thầy đáng kính luôn ủng hộ, động viên và dành cho tác giả những chỉ dẫn quý báu trong quá trình nghiên cứu khoa học cũng như hoàn thiện cuốn sách
8R3A7303
Đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản Hà Nội tặng hoa chúc mừng tác giả
MG 0112
 
MG 0123
Đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản Hà Nội, lãnh đạo và các cán bộ giảng viên trường ĐHKHXH&NV chúc mừng, chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả Hoàng Anh Tuấn nhân dịp ra mắt cuốn sách

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây