Tin tức

Hệ tri thức văn hoá biển Việt Nam: Di sản và phát huy giá trị

Thứ năm - 19/12/2024 04:07
Khảo cứu toàn diện về hệ tri thức biển, đề xuất các kiến nghị, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hệ tri thức văn hóa biển Việt Nam... là nội dung được thảo luận tại hội thảo khoa học do Nhóm Nghiên cứu mạnh Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sáng nay ngày 19/12/2024.
Sự cấp thiết của việc khảo cứu toàn diện về hệ tri thức biển
Với chủ đề “Hệ tri thức văn hoá biển Việt Nam: Di sản và phát huy giá trị”, hội thảo thu hút sự tham dự và nhận được được 37 báo cáo có hàm lượng khoa học cao đến từ các nhà khoa học uy tín tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGH, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Bảo tồn di sản văn hoá Hội An, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQGHN); Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (ĐHQGHN); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trường Đại học Đại Nam, Trường Cao đẳng Sư phạm TW TP. Hồ Chí Minh,…
Là một quốc gia Đông Á, giáp với bờ Tây Thái Bình Dương, Việt Nam có đường bờ biển dài và không gian biển rộng lớn. Từ nhiều nghìn năm trước đây, biển đã là môi trường sống, không gian sinh tồn, vùng tài nguyên phong phú và là cửa ngõ tiếp giao kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Cư dân biển Việt Nam đã sớm tích hợp được một hệ tri thức đa dạng, phong phú về biển.
Hệ tri thức biển Việt Nam đã được thể hiện rõ trong các nền văn hóa cổ, từ văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, đến văn hóa Sa Huỳnh - Champa (miền Trung), văn hóa Óc Eo - Phù Nam ở châu thổ Cửu Long. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các cộng đồng cư dân biển đã sáng tạo, kế thừa, phát huy nguồn lực tri thức biển để duy tồn cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, mở rộng quan hệ, bang giao.
Tuy nhiên, đến nay những nghiên cứu về hệ tri thức biển còn khá khiêm tốn, chưa được hệ thống hoá. Mặt khác, không ít giá trị trong hệ tri thức biển của dân tộc đã không được bảo tồn và ngày càng bị mai một trước những tác nhân xã hội và tự nhiên, do vậy cần sớm có những khảo cứu toàn diện về hệ tri thức biển để đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu khai mạc hội thảo
Nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tin tưởng, hội thảo không chỉ là diễn đàn học thuật chuyên sâu của giới học giả, chuyên gia, các nhà nghiên cứu, mà còn chắt lọc nhiều thông tin giá trị, cung cấp các luận cứ, kiến giải quan trọng, tham góp tư vấn, phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước và các bên liên quan.
GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trưởng Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á chủ trì hội thảo
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trưởng Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á, với sự hiện diện của nhiều chuyên gia đầu ngành, với cách tiếp cận chuyên ngành kết hợp với liên ngành, sẽ tiếp tục làm rõ không gian phân bố, bước đầu đánh giá trữ lượng, đặc trưng, giá trị của Hệ tri thức văn hóa biển Việt Nam; những thuận lợi, thách thức đã và đang đặt ra với việc bảo tồn Di sản văn hóa biển trong đó có Hệ tri thức văn hóa biển và khả năng huy động, phát huy nguồn lực ấy vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1992-1995), nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXH&NV
Đánh giá cao những giá trị khoa học của hội thảo, GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1992-1995), nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXH&NV khẳng định, hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ và nâng cao tầm quan trọng của biển ở nhiều góc độ. Các nhà nghiên cứu với vốn hiểu biết khoa học phong phú đã góp phần nâng cao tầm nhìn về vai trò của biển đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Hệ tri thức văn hoá biển từ nhiều góc nhìn khoa học
Hội thảo được chia làm 03 phiên qua hình thức trực tiếp và online, gồm (1) Hệ tri thức văn hóa biển Việt Nam: các vấn đề tổng quan; (2) Tri thức văn hóa biển Việt Nam: Một phức hệ; (3) Tri thức biển Việt Nam: Thời đại và Nhân vật.
Những vấn đề tri thức biển đã được các nhà khoa học thảo luận toàn diện ở các lĩnh vực: Nhận thức về các không gian biển, về đặc tính của điều kiện tự nhiên, chế độ gió mùa, dòng hải lưu; tri thức về các nguồn tài nguyên biển, các bãi cá, tuyến giao thương biển, hoạt động kinh tế, sinh kế biển. Bên cạnh đó là tri thức về kỹ thuật đóng tàu, thuyền và các phương tiện đi biển; tri thức về bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, những nguồn lợi kinh tế biển; tri thức biển thể hiện trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, đời sống tâm linh của các cộng đồng cư dân biển; tri thức về cứu hộ, cứu nạn trên biển và khả năng nhận biết, phòng tránh những tai biến bất thường của biển và thế giới tự nhiên,... Từ những nghiên cứu trên, các nhà  khoa học đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hệ tri thức văn hóa biển Việt Nam.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, các kết quả nghiên cứu cho thấy, trên cả 04 không gian biển và trong các cộng đồng, vẫn duy tồn một trữ lượng di sản văn hóa biển đặc sắc. Đó là hệ tri thức của những con người mạnh mẽ, giàu lòng nhân ái và tinh thần sáng tạo. Cư dân biển, nhất là các lão ngư luôn là những người: “Thông thiên - thông địa - thông hà - thông hải”. Các cộng đồng cư dân, cá nhân tài năng đó luôn có ý thức trong việc bảo tồn nguồn gene văn hóa và chính họ là những người lưu giữ mã di truyền văn hóa hiếm, quý của dân tộc.   
GS.TS. Từ Thị Loan trình bày tham luận về “Hệ tri thức văn hóa biển của cư dân vùng Đông Bắc”
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu chia sẻ thông tin về chủ đề “Đi biển theo các vì sao: Tri thức bản địa của ngư dân Việt”
Trong tham luận với chủ đề “Đi biển theo các vì sao: Tri thức bản địa của ngư dân Việt”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu cho biết, tri thức địa phương của ngư dân là một kho tàng vô tận với những giá trị văn hóa phi vật thể góp phần làm nên bản sắc văn hóa của từng cộng đồng người. Trình bày tại hội thảo, diễn giả đã cung cấp thông tin dồi dào về các nhóm tri thức bản địa như: Nhóm tri thức bản địa về tri nhận không gian, nhóm tri thức xác lập theo khung thời gian, nhóm tri thức nhận biết về tập tính của các đối tượng đánh bắt; dự đoán thiên tai; thích ứng với thiên nhiên, chống bão của người Bồ Lô; chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu khẳng định, ngoài ý nghĩa thực tế trong đời sống thường nhật, tri thức dân gian đã trở thành một bộ phận để tạo nên bản sắc của từng cộng đồng người cụ thể. Kể cả khi người dân buộc phải di dời lên tái định cư trên đất liền và tệ hơn thế là họ buộc phải chuyển đổi nghề truyền thống và phải xa rời các tri thức mà cha ông họ để lại, thì trách nhiệm của xã hội của các tổ chức và cá nhân liên quan tới nghiên cứu và quản lý văn hóa cũng cần phải có chiến lược nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa kho tàng tri thức địa phương giàu có của họ để bảo tồn kho tri thức quý báu ấy cho muôn đời con cháu mai sau.
GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam báo cáo tham luận “Nguồn lực và sức sống mới trên quê hương Trạng Trình thế kỷ XVI”
Nghiên cứu về nguồn lực và sức sống mới trên quê hương Trạng Trình thế kỷ XVI, GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, quê hương Trạng Trình tại xã Trung Am, huyện Vĩnh Bảo (quê nội) và xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng (quê ngoại), là cửa ngõ lớn nhất và quan trọng nhất của quốc gia Đại Việt thế kỷ XVI, cũng là nơi nâng bước phát triển trội vượt của tài năng và trí tuệ xứ Đông.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bậc hiền triết thông kim bác cổ, đại diện kiệt xuất nhất của trí tuệ Việt Nam thời Mạc, cũng là người đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử - văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỷ XVI cho đến nay. Để lại dấu ấn đặc sắc và bao trùm hơn cả chính là ông là nhà chiến lược thiên tài, vượt lên tất cả những phức tạp và hiểm nguy của một thời loạn lạc một lòng vì nước vì dân. Hiểu rõ nguồn năng lực dồi dào từ Biển Đông mang lại và tầm nhìn hướng biển của nhà Mạc, ông ngày đêm suy ngẫm thế sự và tổng kết thành nguyên tắc sinh tồn của quốc gia, dân tộc Việt Nam: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Nếu giữ được Biển Đông thì Việt Nam muôn thuở ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Nếu để mất Biển Đông, Việt Nam sẽ mất tất cả. GS.TS. NGND. Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, đó được xem là những cống hiến lớn lao của trí tuệ và minh triết Trạng Trình cho đất nước, nhân dân, không chỉ riêng ở thế kỷ XVI, mà còn mãi mãi về sau.
PGS. TS. Phạm Lan Oanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và báo cáo "Đôi nét bản sắc biển cả tri thức dân gian trong văn hóa ẩm thực biển Việt Nam” 
Phân tích tri thức dân gian biển Việt Nam từ góc độ văn hóa học, đặc biệt là trong văn hóa ẩm thực, PGS.TS.Phạm Lan Oanh đề cập tới vai trò của tri thức dân gian trong các kỹ thuật khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, và sự gắn bó chặt chẽ giữa ẩm thực với các nghi lễ tín ngưỡng, tập quán văn hóa. Diễn giả nhấn mạnh sự đa dạng văn hóa vùng miền trong ẩm thực biển, so sánh với các nước trong khu vực, đồng thời chỉ ra những thách thức như ô nhiễm môi trường, mai một tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tri thức dân gian biển, đặc biệt trong văn hóa ẩm thực, là một minh chứng rõ nét cho sự giao thoa giữa con người và tự nhiên, đồng thời phản ánh chiều sâu văn hóa của các cộng đồng ven biển Việt Nam. Dưới góc độ chuyên ngành văn hóa học, nghiên cứu tri thức này không chỉ giúp hệ thống hóa các giá trị văn hóa biển mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới trong bảo tồn và phát triển văn hóa, mở ra cơ hội phát triển bền vững ẩm thực truyền thống trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS. Lại Văn Tới - Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tham luận “Biển với người tiền sử và tín ngưỡng thờ Đông Hải Đại Vương”
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - TS. Trịnh Thị Hường, Trường Đại học Y Hà Nội Dấu ấn Phật giáo thời Trần ở vùng ven biển và biển đảo Việt Nam
PGS.TS. Trần Thị An - Trưởng Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN trình bày báo cáo "Tri thức bản địa trong việc tìm kiếm “An ninh tinh thần” nghiên cứu nghi thức thả thuyền Long Châu trong lễ hội Diêm Phố, Hậu Lộc, Thanh Hóa"
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, giàu giá trị khoa học và thực tiễn từ nhiều nhà khoa học ở các thế hệ, thể hiện sức thu hút, sự trao truyền và tiếp nối trong nghiên cứu khoa học về hệ tri thức văn hoá biển ở Việt Nam. Nhiều tham luận đã thể hiện tư duy chuyên ngành, liên ngành, mang đến bước tiến mới trong nghiên cứu về vấn đề khoa học đang được quan tâm hiện nay.
Sau hội thảo, Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á sẽ đưa ra những tư vấn chính sách đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn di sản văn hóa biển cũng như huy động, phát huy nguồn lực ấy vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ yếu hội thảo dự kiến sẽ được xuất bản thành công trình nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của giới khoa học, các cơ quan hữu quan, khẳng định uy tín, trình độ học thuật và tính chuyên sâu trong nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam nói chung và nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong lĩnh vực này.
Một số hình ảnh tại Hội thảo "Hệ tri thức văn hoá biển Việt Nam: Di sản và phát huy giá trị" ngày 19/12/2024:
GS.TS.NGUT Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
TS. Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
TS. Đỗ Danh Huấn - Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với tham luận “Các Nhà nước quân chủ Việt Nam với nguồn lợi muối trong lịch sử: Tư liệu và Nhận thức”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin về tri thức biển trong việc chinh phục và khai thác vùng biển Nam Bộ
TS. Vũ Đức Liêm, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội với tham luận Biển trong cấu trúc địa - chính trị Đại Nam của hoàng đế Minh Mệnh
PGS.TS. Phạm Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm Biển và Hải đảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
 
Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á (Group of Maritime and Asian Commercial Studies, VNU) có lịch sử từ năm 1999 (khi đó có tên gọi là Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á - Group of Asian Commercial Studies, VNU-USSH, được thành lập trên cơ sở một số thành viên của Bộ môn Lịch sử Thế giới (nay là Bộ môn Lịch sử Toàn cầu), Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong quá trình phát triển, thành viên của Nhóm đã có sự mở rộng. Trải qua gần 25 năm phát triển, Nhóm đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế.
Năm 2015, Nhóm Nghiên cứu Lịch sử và quan hệ thương mại châu Á chính thức được công nhận là một trong 21 Nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Với những thành tích đạt đạt được, Nhóm đã khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kết hợp giữa nghiên cứu, đào tạo với công bố các kết quả nghiên cứu. Năm 2023, đổi tên thành Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á và được ĐHQGHN tiếp tục công nhận Nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN.
Trong những thập niên gần đây, việc nghiên cứu về biển và hải đảo, văn hóa biển, hoạt động giao lưu kinh tế, bảo vệ môi trường biển,… của giới khoa học trong và ngoài nước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về biển, làm rõ truyền thống kinh tế, văn hóa, bang giao biển,... Trung tâm Biển và Hải đảo (CSIS), Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á, đã xác định một số định hướng nghiên cứu cơ bản trong đó có việc tập trung khảo cứu sự hình thành, hoạt động và vai trò kinh tế, xã hội của các không gian biển và hệ thống các thương cảng Việt Nam.
Trong sự hợp tác với các trường đại học, cơ quan chuyên môn và địa phương, Nhóm nghiên cứu đã tổ chức được các hội thảo về các thương cảng vùng biển đảo Đông Bắc; Bắc Trung Bộ; hệ thống thương cảng miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Năm 2023, Nhóm đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo khoa học: “Các loại hình thuyền và phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam”.
Cùng với việc tổ chức các hội thảo khoa học, nhiều thành viên Nhóm nghiên cứu đã tham gia tích cực các hoạt động chuyên môn trong nước, quốc tế, trực tiếp chuẩn bị các báo cáo tư vấn cho các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương. Năm 2024, Nhóm nghiên cứu tiếp tục tổ chức Hội thảo về “Hệ tri thức văn hóa biển Việt Nam - Di sản và phát huy giá trị”. Theo Ban tổ chức, hội thảo sẽ tiếp tục là một bước tiến mới của Nhóm nghiên cứu và Trung tâm trên hành trình nghiên cứu và tăng trưởng học thuật; góp phần thiết thực vào sự nghiệp nghiên cứu biển đảo; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển và thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam.
Thông tin liên hệ:
Trung tâm Biển và Hải đảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Phòng 205 và 206 nhà B, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội


Tin bài liên quan:
Nhóm nghiên cứu lịch sử và quan hệ thương mại Châu Á
Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á tiếp tục được công nhận là nhóm Nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin, tri thức khoa học mới về thuyền và phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam

Tác giả: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây