Tin tức

Ký ức người lính một thời xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu

Thứ hai - 23/12/2024 00:59
Đây là chủ đề của hội thảo khoa học được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 80 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Hội thảo do Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kết hợp với Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 20/12/2024 vừa qua, thu hút sự tham dự của các cựu chiến binh đến từ các trường đại học tại Hà Nội.
Nơi tái hiện những ký ức hào hùng của các các cựu chiến binh
Với chủ đề “Ký ức người lính - một thời xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”, hội thảo không chỉ là diễn đàn khoa học mà còn là nơi gặp mặt các đồng chí cựu chiến binh các trường ĐH-CĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội, ôn lại ký ức một thời của những sinh viên sẵn sàng gác bút nghiên lên đường đi chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc, vì sự tự do của Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Công Nhất - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN bày tỏ: Ôn lại “Ký ức người lính-một thời xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu” hôm nay không chỉ là kể chuyện người đi chiến đấu mà còn là kể chuyện những người ở lại hậu phương tích cực tham gia sản xuất, làm hậu phương vững chắc cho các anh ra chiến trường đánh giặc cứu nước.
PGS.TS Phạm Công Nhất - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Đây còn là những câu chuyện của các cựu chiến binh, những người thầy giáo, những nhà khoa học với những công việc đời thường còn đầy ngổn ngang; là mối quan tâm của những thầy giáo là người lính cựu chiến binh đến công tác giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ trẻ, các em sinh viên trên các giảng đường đại học hôm nay.
Đó cũng là những câu chuyện về những người cựu chiến binh tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trong sản xuất, kinh doanh, trong công tác nghiên cứu và giảng dạy, là những cán bộ cựu chiến binh cần mẫn ngày đêm chăm lo cho công tác Hội ngày càng vững mạnh...
PGS.TS Phạm Công Nhất nhấn mạnh: “Các bác, các đồng chí, đồng đội đến hội thảo hôm nay không chỉ với tư cách là những nhà khoa học mà còn là những đồng đội, đồng chí một thời hăng say cống hiến, nay về già trở lại đây như một dịp ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp của nhau, đồng thời cũng là nhắn gửi những sự kỳ vọng đối với thế hệ trẻ cho công cuộc xây dựng đất nước hiện tại và tương lai”.
Đại tá Phạm Thanh Quý - Ban Tuyên giáo Hội Cựu Chiến binh Thành phố Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo
PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Tri ân những mất mát, hy sinh của các thầy cô là các cựu chiến binh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐH THHN) trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN bày tỏ, kế thừa truyền thống vẻ vang của người lính, Hội Cựu chiến binh đã tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của nhà trường nói riêng và của đất nước nói chung, truyền lửa tới thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, sự hy sinh anh dũng, tinh thần quật cường của người lính trí thức ra đi từ Trường ĐH THHN. Trở về hậu phương, các thầy cô cựu chiến binh tiếp tục là lực lượng quan trọng đóng góp vào kỷ nguyên phát triển và vươn mình của dân tộc.
Trước thềm hội thảo, các cựu chiến binh Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã tới dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các thế hệ cán bộ, sinh viên Trường ĐH THHN tham gia quân ngũ bảo vệ Tổ quốc
Khí phách và niềm tự hào của những cựu chiến binh ra đi từ mái trường ĐH THHN
Theo GS.TS Nguyễn Quang Báu - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường ĐH KHTN, ĐHQGHN, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, hàng vạn sinh viên đại học, trong đó có gần 2.000 cán bộ, sinh viên Trường ĐH THHN (sau này là 2 Trường ĐH KHXH&NV và Trường ĐH KHTN, ĐHQGHN) đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ kính yêu, tình nguyện xếp bút nghiên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
GS.TS Nguyễn Quang Báu - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đồng chủ trì hội thảo
Với ước vọng thiêng liêng “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường ĐH THHN đã cử nhiều cán bộ theo đường dây 559 và đường mòn Hồ Chí Minh vào với cách mạng miền Nam trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Tiếp nối, là lớp cán bộ, sinh viên tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đỉnh cao là cuộc tiễn đưa gần 4.000 cán bộ, sinh viên của 33 trường đại học và cao đẳng trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa lên đường nhập ngũ vào ngày 06/09/1971. Trong đợt lên đường nhập ngũ này, Trường ĐH THHN đã tiễn gần 400 sinh viên thuộc 07 khoa cơ bản (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa) lên đường đi chiến đấu. Và một năm sau, ngày 23/09/1972, trên 300 sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trong đó có Trường ĐH THHN lên đường chiến đấu. Rồi những đợt tiễn đưa cán bộ, sinh viên của Trường ĐH THHN từ nơi sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên, ở Đại Cường, Ứng Hòa, Hà Tây cũ,...với gần 2.000 cán bộ, sinh viên lên đường đi chiến đấu.
Đa số họ được biên chế vào các binh chủng kỹ thuật, một số khác về các sư đoàn bộ binh trực tiếp tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường ác liệt như: Đường 9 – Khe Sanh, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, An Lộc, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, chiến trường biên giới Tây Nam, Campuchia, chiến trường biên giới phía Bắc,... Ở bất cứ mặt trận nào, họ cũng chiến đấu ngoan cường, dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc – xứng đáng với niềm tự hào “Người lính của Trường ĐH THHN”.
Có 63 anh hùng, liệt sĩ là cán bộ, sinh viên Trường ĐH THHN đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân (và còn nhiều anh hùng liệt sỹ chưa xác định rõ thông tin) như Lê Anh Xuân, Phạm Văn Phong, Ngô Văn Sở, Chu Cẩm Phong, Hồng Tân, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Chí Tâm, Đặng Luận, Nguyễn Quốc Khải, Bùi Khắc Tường, Vũ Như Minh, Nguyễn Khánh Thụy, Đào Công Khắc, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Kim Giao, Nguyễn Văn Thạc,... Có hàng trăm cán bộ, sinh viên đã để lại nơi chiến trường ác liệt một phần xương máu của chính mình. Họ là những thương binh, bệnh binh, mỗi khi trái gió, trở trời thì những cơn đau lại hành hạ họ. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn kiên cường, vẫn sống, vẫn làm việc - cống hiến hết mình vì mọi người, vì cuộc sống hòa bình và hạnh phúc hôm nay.
PGS.TS. NGUT Lâm Bá Nam - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức, hội viên Hội Cựu chiến binh Trường ĐH KHXH&NV
Kể lại những câu chuyện vui nơi chiến trường, PGS.TS. NGUT Lâm Bá Nam - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức, hội viên Hội Cựu chiến binh Trường ĐH KHXH&NV cho biết, những người lính từ giảng đường đến chiến trường luôn luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó và quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Khi trở về sau hoà bình, người lính có bản lĩnh thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy tại trường đại học cũng như trong cuộc sống.
Sau chiến tranh, một số cán bộ, sinh viên còn trong quân ngũ, một số chuyển sang cơ quan dân sự và về lại Trường ĐH THHN, đều vẫn phát huy được bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và Trường ĐH THHN nói riêng. Trong thành tích Trường ĐH THHN được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới có đóng góp của 79 cựu chiến binh đã và đang làm việc tại trường, trong đó có 55 đồng chí là đảng viên, 3 nhà giáo nhân dân, 20 nhà giáo ưu tú, 45 đồng chí là tiến sĩ - tiến sĩ khoa học, 6 giáo sư và 27 phó giáo sư, 25 đồng chí đã và đang đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Trường, Khoa, Bộ môn. Các cựu chiến binh Trường ĐHTHHN đã, đang và sẽ mãi là tấm gương tỏa sáng cho các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên của Trường noi theo.
PGS.TS Phạm Thành Hưng - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường ĐH KHXH&NV
Theo PGS.TS Phạm Thành Hưng - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường ĐH KHXH&NV, những người lính ra đi từ Trường ĐH THHN có “chất Tổng hợp” rất riêng, mang trong mình hai dòng văn hoá chiến tranh và văn hoá học đường. Người lính trong điều kiện chiến đấu oanh liệt, gian khổ, vẫn khát khao được học tập, nghiên cứu, được cống hiến tri thức cho đất nước cả ở thời chiến và thời bình. Nhiều người lính vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút viết lên những hồi ký, vừa cầm phấn để giảng dạy trong những ngày chiến tranh ác liệt.
Mỗi câu chuyện được PGS.TS Phạm Ngọc Thanh kể lại đã mang tới hội trường nhiều sự xúc động
Nhắc nhớ về ký ức của những ngày đi học sơ tán tại Bắc Ninh, PGS.TS Phạm Ngọc Thanh – nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học KHXH&NV chia sẻ, những sinh viên Trường ĐH THHN đã không một phút đắn đo khi nhận mệnh lệnh lên đường chiến đấu. Những lời nhắn gửi, động viên của những người bạn ở lại đã trở thành ký ức tươi đẹp, được ghi dấu trong trái tim những người lính Tổng hợp. Đó cũng chính là động lực để những người lính quyết tâm lên đường chiến đấu, và dù ở chiến trường nào, ở nhiệm vụ nào, họ cũng chiến đấu bằng cả lý tưởng, niềm tin và trái tim của người lính Trường ĐH THHN.
Đại tá, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn - Đại học Thăng Long, cựu sinh viên Trường ĐH THHN phát biểu tại hội thảo
Đại tá, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn - Đại học Thăng Long, cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp nhấn mạnh, những nhà giáo, nhà khoa học cựu chiến binh luôn nêu cao đạo đức của người chiến sĩ, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương trong công tác và đời sống. Bằng những hoạt động của mình, các cựu chiến binh đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn tới các thế hệ sinh viên, thanh niên Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận có giá trị khoa học cao từ các nhà giáo, nhà khoa học là các cựu chiến binh. Các báo cáo sẽ được xuất bản thành cuốn sách nhân dịp chào mừng 80 năm truyền thống Trường ĐH THHN vào năm 2025.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, PGS.TS Trần Quý Liên - Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, hội thảo mang đậm chất lính, đậm chất trí thức của những người lính ra đi từ Trường ĐH THHN.
TS. Trịnh Văn Định - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu chúc mừng hội thảo
 
 

Tác giả: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây