Tin tức

Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ tư - 16/10/2024 21:30
Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 16/10/2024.
Hội thảo khoa học quy tụ nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025” và kế hoạch hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Hội đồng Lý luận Trung ương trong năm 2024.
Hội thảo tổ chức là dịp để tổng hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN để phục vụ hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, nhất là Báo cáo chính trị trong thời gian sắp tới.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo định hướng Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Hội đồng lý luận Trung ương làm đầu mối tổ chức thực hiện cùng sự tham gia của các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giai đoạn tới.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và chỉ đạo định hướng Hội thảo
Để hội thảo thiết thực góp phần phục vụ hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, nhất là Báo cáo chính trị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn các nhà khoa học thảo luận, làm rõ hơn một số vấn đề như: xu hướng phát triển của cục diện thế giới và khu vực giai đoạn tới và những yêu cầu mới đặt ra đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng cần thảo luận về vấn đề tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn mới; vấn đề về chấn hưng văn hóa, quản lý phát triển xã hội, xây dựng con người phát triển toàn diện, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; những vấn đề trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện…
GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQGHN phát biểu chào mừng tại hội thảo
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương
Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc toàn diện trên các lĩnh vực
Các tham luận tại hội thảo đã thảo luận toàn diện các vấn đề về bối cảnh mới và quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Bàn về xu hướng phát triển của Cục diện thế giới và khu vực đến năm 2030 và một số yêu cầu mới đối với công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc, PGS. TS Đặng Đình Quý - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, để ứng phó hiệu quả với những biến động của cục diện thế giới và khu vực đến 2030, Việt Nam cần phải tiến hành đồng bộ nhiều chính sách, quan trọng nhất là: Thứ nhất, nâng cao năng lực tổng hợp quốc gia, khả năng chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; tăng cường năng lực tự chủ nói chung, và tự chủ trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng nói riêng, theo đó, trong mọi tình huống phải bảo đảm được an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh y tế và an ninh chính trị - xã hội. Thứ hai, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về xây dựng và hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng nhưng có trọng tâm hơn và phù hợp hơn với yêu cầu mới về chuyển đổi sô, chuyển đổi xanh và hội nhập hiệu quả hơn vào khu vực và thế giới. Đồng thời, triển khai các khâu đột phá mới, trong đó có đột phá về khoa học công nghệ, cả về nghiên cứu, phát triển và tiếp nhận, triển khai.
PGS. TS Đặng Đình Quý - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh, tình hình mới.
Bàn về quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị về đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN bày tỏ, để đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời đại mới và hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường, công tác đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài cần phải được xác định là một đột phá của đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài là đảm bảo cả về số lượng gắn với chất lượng, có cơ cấu hợp lý để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh 05 quan điểm, 05 mục tiêu và 07 giải pháp trong đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài. Theo đó, để hiện thực hoá mục tiêu thì các giải pháp căn bản là cần tiếp tục hoàn thiện nhận thức về đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo cơ chế hiệu quả trong đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài; Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài; Kiến tạo môi trường làm việc phù hợp để nhân tài phát huy năng lực và cống hiến; Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài; Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Các vấn đề quan trọng khác được các nhà khoa học, nhà quản lý báo cáo tại hội nghị như: Dự báo bối cảnh, tình hình trong nước và quan điểm, giải pháp, kiến nghị xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ths. Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê trình bày; Quan điểm, định hướng giải pháp về giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội để đẩy nhanh phát triển đất nước trong thời đại mới do PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa - Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, Học viện CTQGHCM trình bày; Quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia chia sẻ; Các vấn đề đặt ra đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN…
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ths. Đỗ Thị Ngọc - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê
 
Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh quan điểm, định hướng, giải pháp vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Thảo luận tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng KHĐT Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh, hệ quan điểm chỉ đạo của các văn kiện Đại hội cần có tính dẫn dắt, truyền cảm hứng để thôi thúc cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. động lực, nguồn lực, đòn bẩy cho sự đổi mới của dân tộc. Bàn về tư tưởng phát triển văn hoá, GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định, sứ mệnh của văn hoá chính là xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng con người, dân tộc thông thái.
GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng KHĐT Trường ĐH KHXH&NV
Đưa ra quan điểm về đào tạo nhân tài, GS. TSKH Đào Trọng Thi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Nguyên Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, cần có quan điểm và cách tiếp cận mới về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Bên cạnh việc phát hiện nhân tài đã được thực hiện tốt, thì các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ưu tú, xuất sắc ngang tầm thế giới cũng như thu hút nhân tài để phục vụ trực tiếp cho sự phát triển dân tộc là vấn đề rất cần thiết hiện nay.
GS. TSKH Đào Trọng Thi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Nguyên Giám đốc ĐHQGHN
GS. TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, ĐHQGHN khẳng định, quan điểm về xây dựng, phát triển cần nhấn mạnh đến sự phát triển toàn diện của đất nước, duy trì vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN chia sẻ giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời khẳng định, Đảng cần lấy công nghệ cao là yếu tố cốt lõi và nền tảng để phát triển đất nước vững mạnh.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao ý kiến, quan điểm của các chuyên gia tham dự hội thảo, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQGHN. Ban tổ chức sẽ tóm tắt dự thảo dựa trên trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài ĐHQGHN và đây cũng là sứ mệnh, trách nhiệm của ĐHQGHN trước Đảng, trước dân tộc Việt Nam.
Với tinh thần trách nhiệm, khách quan, khoa học, hội thảo đã có nhiều thảo luận, đề xuất có giá trị, thiết thực, phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác hoạch định đường lối của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV, đưa đất nước Việt Nam phát triển hùng mạnh, sánh với các cường quốc năm châu trong thời gian tới.
Vai trò, trách nhiệm quốc gia của ĐHQGHN  
Tại hội thảo, GS.TS Lê Quân nhấn mạnh: ĐHQGHN thành lập với mục đích hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực và dần dần đạt trình độ quốc tế.
Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định sứ mạng của ĐHQGHN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Vì vậy, việc Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” hết sức có ý nghĩa. Một mặt, khẳng định vị thế tiên phong của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Bên cạnh bề dày lịch sử, truyền thống, nhờ thế mạnh của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực và đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, trình độ cao, ĐHQGHN thực sự là một trung tâm lớn và có uy tín trong và ngoài nước, là địa chỉ tin cậy trong tư vấn và triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu nói riêng.
Mặt khác, để chuẩn bị cho các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thực hiện “Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”, việc ĐHQGHN với Hội đồng Lý luận Trung ương đồng tổ chức Hội thảo này là hoạt động có ý nghĩa, tạo cơ hội cho ĐHQGHN phát huy các nguồn lực có sẵn và thế mạnh của đội ngũ nhà khoa học, cơ sở dữ liệu vật chất, mạng lưới đối tác quốc tế, doanh nghiệp, địa phương để cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và cung cấp luận cứ thực tiễn trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
 
Báo chí đưa tin về sự kiện:
VTV1: Bản tin thời sự
Báo Nhân dân: Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc
Báo điện tử Chính phủ: Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc
Học viện Chính trị Quốc gia HCM: Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc
Báo Quân đội Nhân dânLuận cứ khoa học để hoạch định đường lối phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Báo Giáo dục và thời đại: Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc
Báo Đại biểu Nhân dân: Chuyên gia kiến nghị giải pháp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới
Thông tấn xã Việt Nam: Những luận cứ khoa học để hoạch định đường lối bước vào kỷ nguyên mới
Giáo dục Việt Nam: Hội thảo về quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc
Đại học Quốc gia Hà Nội: Tiến tới ĐH lần thứ XIV của Đảng: Nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới

Tác giả: Thuỳ Dung, Đại Hữu - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây