Ngôn ngữ
Kế thừa truyền thống học thuật của Đại học Tổng hợp, với sự đóng góp tiên phong và tích cực của các học giả nổi tiếng như cố GS. Trần Quốc Vượng, cố GS. Hoàng Thiếu Sơn, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, cố PGS.TS. Đinh Trung Kiên, PGS.TS. Trần Đức Thanh và nhiều học giả khác..., sau những năm tháng vượt khó buổi ban đầu, Khoa Du lịch học đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ đào tạo, nghiên cứu khoa học tin cậy về du lịch ở Hà Nội cũng như toàn quốc.
Hiện nay, Khoa Du lịch học gồm 3 bộ môn là Văn hóa và Địa lý Du lịch, Quản lý Du lịch, Quản trị Sự kiện. Toàn khoa có 18 cán bộ, trong đó có 2 chuyên viên, 15 cán bộ giảng dạy, 1 giảng viên thỉnh giảng, tỷ lệ cán bộ là giảng viên chính chiếm 37,5%, tỷ lệ cán bộ có học vị tiến sĩ đạt 50%, tỷ lệ cán bộ có học hàm phó giáo sư đạt 27,5%.
Để thực hiện sứ mệnh trở thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao và trình độ cao về du lịch, ngay từ buổi ban đầu thành lập, Khoa đã chú trọng tập trung đào tạo định hướng nghiên cứu. Các mô hình đào tạo cử nhân chính quy, vừa học vừa làm, bằng kép, thạc sĩ lần lượt được thí điểm thành công. Hiện nay, chương trình đào tạo của Khoa hoàn thiện từ bậc cử nhân đến tiến sĩ, trong đó có hai chương trình đào tạo cử nhân là Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (với hai chuyên ngành là Quản trị Lữ hành và Quản trị Sự kiện) và Quản trị Khách sạn, một chương trình đào tạo thạc sĩ và một chương trình đào tạo tiến sĩ đều theo định hướng nghiên cứu chuyên ngành Du lịch. Ngoài ra, Khoa còn có các chương trình đào tạo bằng kép và đào tạo ngắn hạn... Khoa Du lịch học là đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo thạc sĩ du lịch (năm 2003) và tiến sĩ du lịch (năm 2018). Qua 25 năm phấn đấu, với số lượng hơn 4.000 sinh viên chính quy, hơn 500 học viên cao học và hàng nghìn sinh viên các lớp hệ vừa học vừa làm, bằng kép, ngắn hạn được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho du lịch Việt Nam, lấp dần khoảng cách giữa kiến thức khoa học với kinh nghiệm và kiến thức thực tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của đội ngũ lao động ngành. Nhiều sinh viên, học viên của khoa tốt nghiệp ra trường đã giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp kinh doanh... trên cả nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Du lịch học cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, cán bộ của Khoa đã có khoảng 1.000 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước. Từ chỗ chủ yếu xuất bản các công trình trong nước, đến nay nhiều cán bộ đã có các bài viết khoa học xuất bản quốc tế. Tập thể cán bộ Khoa đã xuất bản được hơn 50 giáo trình, bài giảng và sách chuyên khảo; chủ trì hơn 30 đề tài khoa học các cấp (trong đó có 12 đề tài cấp Đại học Quốc gia, 17 đề tài cấp trường, 2 đề tài cấp thành phố...). Hằng năm, Khoa đều tổ chức hội nghị, tọa đàm khoa học cho cán bộ cũng như sinh viên, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực du lịch. Tháng 12/2019, trong khuôn khổ Dự án TOURIST, Khoa đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững: Bài học cho các nước Đông Nam Á”. Đây là những minh chứng cụ thể cho sự nỗ lực và năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ Khoa, qua đó khẳng định thế mạnh và vị thế của Khoa trong nghiên cứu khoa học du lịch ở Việt Nam.
Nhằm liên tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chuẩn mực quốc tế, Khoa Du lịch học đã xây dựng quan hệ hợp tác với hàng chục trường đại học và tổ chức quốc tế như ĐH Toulouse Le Mirail (Pháp); ĐH Rikkyo, ĐH Kumamoto, ĐH Nagoya City (Nhật Bản); ĐH Missouri (Mỹ); Trường Du lịch thuộc ĐH Khoa học Ứng dụng Munich, ĐH Greifswald (Đức); ĐH Chiang Mai (Thailand); ĐH Taylor (Malaysia); ĐH Kent, ĐH Leed (Vương Quốc Anh); ĐH Queensland, ĐH TAFE (Australia); ĐH Quảng Tây, ĐH Hồng Hà (Trung Quốc)... qua đó trao đổi cán bộ, sinh viên trong Khoa sang học tập và tiếp nhận nhiều học giả, sinh viên quốc tế. Với những nỗ lực đó, Khoa Du lịch học không chỉ thể hiện vị thế nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học du lịch ở trong nước, mà còn góp phần nâng dần uy tín học thuật trong đào tạo và nghiên cứu khoa học du lịch của Việt Nam ra tầm khu vực và thế giới.
Với những kết quả đạt được trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập thể cán bộ và cá nhân các thầy, cô Khoa Du lịch học đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn...
Khoa Du lịch học luôn đưa ra những định hướng phát triển để khắc phục các mặt hạn chế, tồn tại hiện có như: nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ - giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên về sứ mệnh đầu tàu trong sáng tạo, truyền bá tri thức; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, hướng đến những xuất bản quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao; cải thiện cơ sở vật chất và hệ thống tư liệu; đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước; hoàn thiện, bổ sung kiến thức thực tế vào hệ thống bài giảng, giáo trình; triển khai hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học của Khoa.
Trong 25 năm qua, với mục tiêu phát triển đúng đắn, Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội (cùng với nhiều cơ sở đào tạo khác trong cả nước) đã từng bước thực hiện việc đào tạo nhân lực ở nhiều cấp độ cho ngành Du lịch Việt Nam. Đến nay, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo và khẳng định được vị thế, Khoa Du lịch học vẫn luôn nỗ lực phấn đấu với mong muốn cung cấp những nhân lực trình độ cao cho ngành Du lịch nước nhà, phấn đấu dần xuất hiện trên bản đồ đào tạo và nghiên cứu khoa học du lịch, khách sạn trong khu vực và trên thế giới.
Bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức đang chờ đón, tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên cao học, sinh viên của Khoa Du lịch học sẽ quyết tâm, nỗ lực hết mình để đưa Khoa Du lịch học phát triển nhanh, bền vững và toàn diện theo hướng sáng tạo và hội nhập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, tiến tới ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn tin: Khoa Du lịch học