{Dự thi Ấn tượng Nhân văn - Khoa Khoa học Quản lý} Người thầy trong tôi

Thứ năm - 12/11/2020 04:34
Dành tặng những người yêu quý đã xây nền đắp móng, tạo dựng những thế hệ học trò làm thầy tiếp theo!

Khoa Khoa học Quản lý được ra đời từ sự kết hợp hai Khoa “cha mẹ” là Khoa Xã hội học và Khoa Triết học.

Quá trình gần 20 năm xây dựng và phát triển, có biết bao thế hệ học trò đã tốt nghiệp! Trong đó, có chúng tôi – những thế hệ được nuôi dưỡng và phát triển để trở thành người thầy, người cô ngày hôm nay, chưa bao giờ thôi nhớ tới công ơn đối với “người thầy” của mình!

Tôn sư trọng đạo!

Uống nước nhớ nguồn!

Trong không khí ngày Nhà giáo Việt Nam đang tới gần, chúng tôi – thế hệ học trò, thế hệ giảng viên trẻ ngày hôm nay xin được dành những lời tâm sự từ đáy lòng mình viết về “người thầy trong tôi”. Xin được kính chúc thầy, cô và những người làm trong lĩnh vực giáo dục lời chúc tươi đẹp nhất nhân dịp này!

Thầy Bùi Thanh Quất!

Tôi đã trưởng thành từ mái nhà Khoa Khoa học Quản lý thân thương. Từ khi Bộ môn Khoa học Quản lý còn trực thuộc Khoa Triết học, nhiều thế hệ sinh viên chúng tôi đã truyền tai nhau về một người Thầy mà khi Thầy nói thì “đến cua trong lỗ cũng phải bò ra”. Đó là PGS. Bùi Thanh Quất.

Suốt năm đầu đại học, tôi không gặp Thầy. Tôi còn dõng dạc phát biểu trên lớp: “Giáo trình Logic học của Thầy Quất viết khó hiểu hơn Giáo trình của Trường Đại học Sư Phạm”. Chả biết lời nhận xét ấy của tôi có đến tai Thầy hay không, chỉ biết rằng tôi đã được 10 điểm sau khi Thầy hỏi thi vấn đáp, hú hồn.

Những bài học Nhập môn Quản lý xã hội của Thầy đến giờ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi – chuyện về vai trò của ong Chúa/ong Thợ trong đàn ong; chuyện con đầu đàn của đàn trâu rừng bảo vệ cả đàn, cho đến khái niệm “Thể chế”, “Thiết chế” đầy trừu tượng, v.v.

Sau này, một lần Khoa tổ chức đi nghỉ mát, cả Khoa vào một hàng ăn, nhà hàng sử dụng nhiều bát sứt để phục vụ khách. Thầy đã gọi nhân viên nhà hàng ra và thả rơi một chiếc bát xuống đất cho vỡ để nhắc nhở. Sau đó, toàn bộ số bát sứt đã được đổi.

Giờ Thầy đã nghỉ hưu, hiếm khi chúng tôi mới được gặp Thầy. Với tôi, Thầy Quất để lại ấn tượng không thể phai theo năm tháng: Một người Thầy giản dị, nhân hậu trong ứng xử; uyên bác, đanh thép trong khoa học và luôn yêu cầu chất lượng công việc cao trong quản lý.

Phó giáo sư Bùi Thanh Quất

Phó giáo sư Bùi Thanh Quất

Thầy Vũ Cao Đàm, Thầy Đào Thanh Trường

Có lẽ không có cảm xúc nào chân thật bằng những suy nghĩ về Người Thày khi chính bản thân Chúng tôi cũng trải nghiệm và lựa chọn nghề của những người chở con thuyền tri thức. Suy nghĩ và cảm xúc của những năm tháng khi còn là sinh viên cho đến khi bước chân lên giảng đường với tư cách là Giảng viên quả là một quãng đường dài và thênh thang những trăn trở: Làm thế nào trở thành Một Người Thày đúng mực? Chúng tôicảm thấy may mắn, khi luôn có bóng dáng của những người Thày truyền cảm hứng phía sau, giúp Chúng tôi vững tin và vững tâm với nghề. Được sống trong một môi trường học thuật đầy nhân văn, nơi những thế hệ học trò lại được chắp cánh trở thành những người Thày trên giảng đường đại học, Chúng tôi cảm thấy thấm thía những bài học đầu tiên trên con đường học Làm Thày.

Nếu như có ai đó nói rằng Giảng viên là một nghề ổn định, đi làm theo “tám giờ vàng ngọc” thì quả thực chưa thực sự hiểu về môi trường đại học – nơi mà ranh giới giữa “giảng dạy” và “nghiên cứu” không thể tách rời. Bài học các Thày dạy chúng tôi đầu tiên với tư cách không còn là “Thày và Trò”, mà là “Thày và những Đứa Học Trò Làm Thày” chính là một câu nói: “Khoa học liệu có phải trò chơi của tuổi trẻ?”. Quá trình lao động miệt mài và không ít lần vấp ngã, với nước mắt cho những thất bại đầu tiên trên giảng đường, khi làm khoa học của đám học trò, có lẽ các Thày là người chứng kiến nhiều nhất. Sự hà khắc của các Thầy về chuẩn mực khoa học, chuẩn mực của nghề giảng viên khiến Chúng tôi có lúc hoài nghi về chính con đường nghề nghiệp mình đã chọn…Nhưng sau những lần gặt gái được thành công nho nhỏ trong nghiên cứu, sau những giờ giảng được sinh viên yêu mến và công nhận, Chúng Tôi mới hiểu rằng: Trong làm Khoa học, trong giảng dạy không có chỗ của hai chữ“BẰNG LÒNG”. Tri thức luôn là một đại dương khi mà kinh nghiệm mà Chúng tôi có, chỉ là những giọt nước – có thể nhanh chóng bốc hơi khi khoa học ngoài kia đang ngày càng biến đổi và cả một thế hệ trẻ 4.0 có vô vàn “Người Thày công nghệ” sẽ cần và muốn được học những cái mới (và phải là mới với thế giới).
 

Thày Vũ Cao Đàm

Thày Vũ Cao Đàm

Sự tâm huyết, niềm đam mê với khoa học, với nghề làm Thày của các Thày dường như đã khiến Chúng tôi trưởng thành trong suy nghĩ về thất bại, và đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ. Chúng tôi đã quên đi băn khoăn “Mình đã bao nhiêu tuổi khi làm Thày, khi làm Khoa học”và chỉ còn quan tâm rằng “Mình đã, đang và sẽ làm được gì khi làm Thày và làm Khoa học”. Bài học đầu tiên Chúng em đã thuộc rồi Thày ơi!

Câu chuyện Thày Trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh với các đồ đệ mỗi người mỗi tính khiến Chúng tôi liên tưởng bật cười thành tiếng khi nghĩ đến những lần chạy deadline yêu quái, những ngày “tấn công não” tìm 7749 ý tưởng chỉ để apply thành công cho 01 nhiệm vụ, những buổi làm việc thực địa khắc nghiệt và mệt nhọc chẳng còn nhớ đâu là bữa sáng bữa trưa của các Thày và mấy đồ đệ đang trên đường tu luyện Làm Thày. Chúng tôi làm việc với nhau và chia sẻ thành công, nhưng cũng không ít lần cùng khóc tu tu vì những thất bại non nớt đầu tiên trong khoa học, trên giảng đường. Có câu nói “Người Khổng lồ không phải là những người dẫm lên người khác, mà là người nâng đỡ người khác trên đôi vai của Mình”. Các Thày – những người Khổng lồ Gánh Team đã dẫn dắt Chúng tôi gắn kết và bổ khuyết cho nhau từ lúc nào không biết. Trong sâu thẳm suy nghĩ của Chúng tôi, đằng sau mỗi thành công dù lớn dù nhỏ đềulà sự nỗ lực của cả một tập thể - nơi mà Một người vì Mọi người, Mọi người vì Một người. Sức mạnh không phải để tranh đấu xem ai giỏi hơn, mà là để tạo ra những Sức mạnh lớn hơn và lớn hơn nhiều hơn nữa. Nhất là khi Sức mạnh được truyền lửa qua nhiều thế hệ Thày và các học trò Làm Thày.Bài học thứ hai mà Chúng tôi “thỉnh” được trên đường tu luyện, đó chính là – Không ai thành công một mình trong Khoa học, trong Giảng dạy.
 

Thày Đào Thanh Trường

Thày Đào Thanh Trường

Trong một lần tham gia một tọa đàm khoa học liên ngành quốc tế, Nhóm nghiên cứu của Chúng tôi được mời tham gia trình bày ý tưởng và kết quả làm việc. Điều bất ngờ nhất là các Thày chỉ định và động viên Chúng tôi đại diện báo cáo, với một tâm thế tự tin, tự hào giới thiệu về những “Vietnamese scientists” - không phải là “Vietnamese PhD students” trong diễn đàn khoa học–chứ không phải một “cuộc thi về ngôn ngữ”. Bài trình bày hôm đó của Chúng tôi không hoàn hảo dù được ghi nhận về ý tưởng, phương pháp và kết quả nghiên cứu. Các nhà khoa học ghi nhận sự trưởng thành của từng cá nhân Chúng tôi suốt quá trình tham gia nghiên cứu cho đến bài trình bày trong tọa đàm ngày hôm đó. Song trong khoảng khắc ấy, sự tôn trọng mà các Thàydành cho học trò khi bước ra khỏi vòng an toàn để hòa nhập với một cộng đồng khoa học lớn hơn, khiến Chúng tôi cảm thấy xúc động, thật khó để diễn tả bằng lời.Bài học thứ ba - “Learning by doing” - Chúng em đã thực sự hiểu ý nghĩa của lời nói này rồi Thày ạ!

Sẽ không thể viết và diễn tả hết được những cảm xúc khi được là Học trò của các Thày. Chúng Tôi thật sự yêu kính và thầm cảm ơn “Tổ nghề” đã giúp Chúng Tôi tìm thấy và được Những người Thày trân quý. Những bài học truyền cảm hứng mà các Thày truyền dạy vẫn đâu đó nguyên vẹn và sâu đậm trong tâm trí Chúng tôi như những ngày đầu khi còn là sinh viên, cho đến khi trở thành một giảng viên trên giảng đường đại học.

 Trở thành Người Thày khó lắm, phải đâu chuyện đùa? “Không Thày đố mày làm nên” - Học làm Người Thày có lẽ là con đường học gian nan nhất,cần có những người Thày chỉ dạy không chỉ có tâm, có tầm mà còn có tấm lòng rộng mở. Tấm lòng ấy chứa đựng những bài học hà khắc về chuẩn mực của nghề Giáo, chuẩn mực của cộng đồng khoa học, những cũng mang theo những ấp ủ và niềm tin vào thế hệ học trò kế cận sẽ trở thành những Người Thày chân chính và chuyên nghiệp trong tương lai.

Nguồn tin: Khoa Khoa học Quản lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây