Báo chí Hồ Chí Minh

Thứ ba - 13/10/2015 05:58
Báo chí Hồ Chí Minh
Báo chí Hồ Chí Minh

Trong di sản lớn của sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Khởi đầu của hoạt động báo chí là những bài phê phán chế độ thực dân Pháp với bút danh Nguyễn Ái Quốc như Tâm địa thực dân, Vấn đề người bản xứ,… đều viết năm 1919. Bút danh Nguyễn Ái Quốc lần đầu xuất hiện trong Bản yêu sách của An Nam gửi lên Hội nghị Versailles. Đây là mốc văn kiện vô cùng quan trọng trên con đường tìm đường cứu nước, Người đã khẳng định mục tiêu, phương hướng đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong thời điểm những năm tháng này, Người viết nhiều bài báo cho các tờ Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền, Người cùng khổ.

Những bài báo cuối cùng được viết ra vào năm 1969, khi sức khỏe của Người đã giảm sút nhưng ngòi bút vẫn sắc sảo tấn công kẻ thù và thấm đẫm lòng nhân ái với đồng bào đồng chí. Đó là các bài viết: Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng (1/6/1969), Thư trả lời Tổng thống Mỹ Risớt M.Nichxơn (25/8/1969). Một tuần sau Người qua đời với bản Di chúc thiêng liêng để lại cho đồng bào, đồng chí…

Trong cuộc đời hoạt động của Người, báo chí vẫn được xem là mũi nhọn về tư tưởng đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong các danh hiệu, Người không nhận mình là nhà thơ tuy thơ của Người, đặc biệt Nhật ký trong tù là tác phẩm thi ca bất hủ, Người nhận mình là nhà chính luận, nhà báo với trách nhiệm của một nhà hoạt động toàn năng về báo chí. Người tổ chức và trực tiếp lãnh đạo các tờ báo Người cùng khổ, Thanh niên, Việt Nam độc lập và Cứu quốc, Sự thật, Nhân dân thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám. Về tác phẩm báo chí, Hồ Chí Minh viết liên tục hàng trăm, hàng nghìn bài báo gắn liền với những vấn đề thời cuộc bức xúc, định hướng với tầm nhìn xa hoạt động đấu tranh cách mạng. Trong thời kỳ hoạt động ở Pháp, xuất bản tờ báo Người cùng khổ. “Ông Nguyễn được mọi người cử ra để làm cho tờ báo chạy, vì vậy ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm chủ bút, chữa bài, xuất bản và liên lạc”[1]. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trên tờ Người cùng khổ có tiếng vang lớn.

Từ năm 1923 trở đi trên đất nước Liên Xô, Trung Quốc, Người viết nhiều bài báo về tình hình các nước sở tại bằng chính ngôn ngữ Nga, Trung Quốc.

Về hoạt động báo chí ở những thời điểm này, Người đã thể hiện tư cách, năng lực xuất sắc của một nhà báo quốc tế. Khi trở về nước, Người chỉ đạo tờ Việt Nam độc lập, tờ báo cách mạng của thời kỳ tiền khởi nghĩa. Sau Cách mạng tháng Tám cho đến khi Người qua đời, ngoài danh hiệu Hồ Chí Minh, Người còn hàng loạt bút danh được vận dụng thích hợp với những đề tài, nội dung, hoàn cảnh khác nhau như TL, ĐX, Trần Lực, Chiến sỹ, CB, L.T, Chiến Thắng. Một số tác phẩm của Người như Đời sống mới với bút danh Tân Sinh, Sửa đổi lối làm việc với bút danh XYZ, Vừa đi vừa kể chuyện với bút danh T.Lan.

Trong suốt 50 năm viết báo, Hồ Chủ tịch đã có trên dưới 2000 bài báo và đơn vị báo chí. Các bài báo được viết với các thể loại báo chí khác nhau như tin tức, bình luận, chính luận, thư, tiểu phẩm, lời kêu gọi, trả lời phỏng vấn,…

Với những đóng góp quan trọng trên Người được tôn vinh là nhà báo lớn của dân tộc, đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

  1. Quan điểm về báo chí cách mạng của Hồ Chí Minh

Báo chí là một vũ khí tinh thần của một chế độ, xã hội, một giai cấp nên thời đại nào, chế độ chính trị nào cũng sử dụng báo chí như một công cụ đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng hoạt động và phát triển theo những nguyên tắc cơ bản của đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước.

Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng vào tháng 6/1949, Hồ Chủ Tịch nêu 6 điểm chính của báo cách mạng:

“1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung;

  2.  Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì;

  3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân thi đua ái quốc. Vì vậy;

  4.  Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì:

 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:

 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.

Hiện nay các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:

  • Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.
  • Không biết giữ bí mật.
  • Đôi khi đăng tin vịt.
  • Hay dùng chữ Tàu quá, đôi khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.
  • Tin tức chậm.
  • Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết đậm và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ.”[2]

Sau ba tháng học tập, lớp học bế mạc Người lại gửi thư chúc mừng và khuyên: “3 tháng này các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính phải học nữa, phải học mãi.”[3]

Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khai giảng

Từ những ý kiến của Hồ Chủ tịch, chúng ta nêu các quan điểm sau:

a, Mục tiêu hàng đầu của báo chí cách mạng là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và xây dựng đất nước.

Tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, Người viết:

“Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nhà nước, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên các báo chính của ta đều phải có đường lối.

Báo chí của ta của ta không phải để cho một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của Đảng và chính phủ cho nên phải có tính chất quần chúng và tính chất chiến đấu.”

Nhấn mạnh tính chiến đấu và lập trường giai cấp vững chắc của báo chí cách mạng cũng là nhấn mạnh trách nhiệm đó đến từng nhà báo. Nhà báo, người viết là chính chủ của tờ báo. Trong bức điện mừng của nhà văn Á Phi họp hội nghị, Người viết:

“Đối với người viết chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để đảng viên quần chúng đoàn kết đấu tranh chống thực dân cũ và mới, đứng đầu là chủ nghĩa đế quốc Mỹ vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”[4].

Báo chí không những có tác động quan trọng về tư tưởng nhận thức mà có khả năng tạo thành lực lượng của phong trào. Lênin đã có những ý kiến sâu sắc về vấn đề này:

“Tác dụng của báo chí không những chỉ hạn chế ở chỗ truyền bá tư tưởng, giáo dục chính trị và thu hút những người đồng tình về chính trị, báo chí không những chỉ là người tuyên truyền tập thể và người cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể”[5].

Hiểu rõ chức năng quan trọng của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời vận dụng báo chí cho nhiệm vụ đấu tranh cách mạng. Với hàng ngàn bài báo viết qua nhiều chặng đường cách mạng nhưng theo Người tất cả chỉ nhằm một mục đích duy nhất là chống thực dân đế quốc, đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

“Nói về nội dung viết mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài mà Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó”[6].

b, Báo chí phải phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao vị trí và sự đóng góp của nhân dân cho cách mạng

Trong mối quan hệ giữa báo chí với nhân dân, ý kiến thường khai thác tác dụng của báo chí với nhân dân. Thực ra đây là mối quan hệ hai chiều. Sự phát triển của báo chí phụ thuộc vào trình độ của nhân dân và báo chí lại có vai trò tích cực.

Các Mác đã chỉ ra và nhấn mạnh vai trò của nhân dân với sự phát triển của báo chí:

“Rõ ràng ở đâu báo chí còn non trẻ thì ở đấy tinh thần của nhân dân non trẻ và sự biểu hiện vang dội của tư duy chính trị hàng ngày của một tinh thần nhân dân vừa mới thức tỉnh cũng sẽ kém thành thục, chưa thành hình và vội vã hơn so với tư tưởng của một nhân dân đã lớn lên cứng cáp và tự nhận thức được bản thân trong các cuộc đấu tranh chính trị”[7].

Cái gốc của sự phát triển báo chí chính là trình độ của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà trình độ phát triển báo chí của các nước chênh lệch. Vấn đề quan trọng chính là dân trí, là ý thức, tư tưởng ở mức độ nào. Khi nói đến hoạt động báo chí, một vũ khí tư tưởng năng động và sắc bén, không thể nói đến sự trung lập thoát khỏi một sự ràng buộc của các khuynh hướng chính trị, xã hội. Báo chí vô sản phục vụ cho giai cấp vô sản, cho nhân dân. Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ tính khuynh hướng của báo chí và khuynh hướng phục vụ nhân dân của báo chí cách mạng:

“Chúng ta hay đặt câu hỏi: Báo chí phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ các báo ở Pháp như Phigarô, báo Nước Pháp buổi chiều,… một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp, mặt khác nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại có những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền. Báo chí Pháp có thật sự không? Không! Ví dụ báo Nhân đạo thường bị bọn thông tin tìm cách để phá: nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó khăn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu”[8].

Trong cuộc đổi mới, nhân dân là một khối thuần nhất, đồng thuận về tư tưởng, bình đẳng về lợi ích, trình độ văn hóa được nâng lên nên báo chí cách mạng càng có điều kiện phát triển. Trong một bài viết về ý kiến người đọc, Người chú ý đến những ý kiến của bạn đọc đề xuất trên báo với tinh thần chân thành, thực sự cầu thị:

  • Nên đảm bảo thóc gạo sạch để nộp thuế.
  • Các ôtô hàng cần niêm yết giá.
  • Ôtô hàng chớ tham chở nhiều khách quá.
  • Nên thận trọng trong việc trình bày khẩu hiệu.
  • Cần quy định về phổ biến về luật đo lường.

Đó là biểu hiện tích cực của nhân dân với báo chí. Trong một bài viết về báo chí với bạn đọc, Người nêu lên một số ý kiến của người đọc nhận xét về báo chí với những nhận xét và đề nghị thiết thực. Người yêu cầu báo chí phải trân trọng, tiếp nhận những ý kiến đúng để làm tốt hơn. Chính ý tưởng này mở ra hướng thực hiện diễn đàn báo chí mà các bài báo thời kỳ hiện đại vận dụng có hiệu quả. Diễn đàn báo chí góp phần xích lại gần nhau giữa báo chí và nhân dân, tạo điều kiện cho báo chí đóng góp cho xã hội.

c, Báo chí phải đồng hành, đi tiên phong trước thời cuộc, phải hiện đại

Báo chí là hoạt động tuyên truyền thông tin nên phải có tính thời sự. Trong suốt cuộc đời hoạt động báo chí, chủ bút nhiều tờ báo, viết nhiều sự kiện chính trị, xã hội của dân tộc và của nhiều đất nước, báo chí Hồ Chí Minh luôn có ý nghĩa phát hiện với tầm nhìn rộng nhìn xa đi trước thời đại một vài bước. Với những bài báo trong tờ Người cùng khổ và tập Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên bắn những phát súng lớn vào thời đại của chủ nghĩa thực dân làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ này. Những bài báo trong thời kì hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), ở Liên Xô đều thể hiện sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, những tư tưởng mới trong phương hướng giải phóng các dân tộc hiện đại.

Tờ Việt Nam độc lập do Người chỉ đạo, đảm nhiệm hoạt động tuyên truyền cách mạng cho thời kỳ tiền khởi nghĩa. Và sau cách mạng, từng giai đoạn, từng thời điểm báo chí Hồ Chí Minh đều mang ý nghĩa phát hiện và những mốc về tư tưởng có ý nghĩa với thời cuộc. Nhiều bài báo của Người kết hợp được tính thời sự và lâu dài. Bài viết về cuộc hành hình ở Lynch kể lại tội ác dã man của chủ nghĩa đế quốc vẫn mang tính thời sự. Các bài viết của Người trong những thời điểm hệ trọng của đất nước như Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do, Di chúc… mãi mãi mang khí thế, sức sống của dân tộc như những áng văn thấm vào lòng người sâu sắc. Những lời kêu gọi “Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; những ý kiến giáo huấn về đạo đức “cần, kiệm, liêm chính”; về rèn luyện đạo đức xã hội chủ nghĩa; về chống chủ nghĩa cá nhân mãi mãi là những phương châm, những lời căn dặn nghiêm túc và chân tình. Có thể kể nhiều và khi nào cuộc sống, nhiệm vụ cần đến một lời khuyên, một phương án chỉ đạo, người đọc có thể tìm thấy trong cẩm nang báo chí của Người. Các bài báo viết về chăm sóc người già, thiếu nhi, quan tâm đến công tác phụ nữ, đến đồng bào nghèo khó đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Thời gian trôi qua, một thập kỷ, hai thập kỷ… một thế kỷ nhưng tính thời sự, giá trị bền vững của báo chí Hồ Chí Minh vẫn tồn tại và giàu sức sống.

d, Báo chí phải xác thực, có đặc điểm và màu sắc.

Nói đến báo chí phải xác định đến tính xác thực của hiện tượng được miêu tả, một số nhà báo phương Tây thường nhắc đến năm yếu tố: “Ai, Khi nào, Tại sao, ở đâu, Cái gì” khi nói đến phóng sự báo chí. Tính thời sự, tính xác thực, đều là những đặc điểm, tiêu chí không thể vi phạm. Vì người thật việc thật dù khai thác ở thể loại nào của báo chí, nhiếp ảnh, phim thời sự đều phải tuân theo nguyên tắc tôn trọng tính xác thực. Trong một lần xem triển lãm tranh ảnh, Người lưu ý phải phân biệt tranh và ảnh không thể sử dụng lẫn lộn. Trong bài Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, Hồ Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp với nhiều nhà xuất bản và báo chí bàn về việc làm sách người tốt, việc tốt. Xác định việc lấy tấm gương người tốt, việc tốt để giáo dục, ngăn chặn cái xấu là có hiệu quả. Người tốt, việc tốt là những con người và sự việc có thực, người viết chỉ cần miêu tả đúng sự thật không cần tô điểm, thêu dệt đặc biệt là cấm bịa đặt. Hồ Chủ tịch căn dặn:

“Viết giản dị thôi và phải dùng đúng sự thật, không được bịa đặt ra”[9].

Đây không phải là sách văn chương có hư cấu nghệ thuật, có tô điểm. Sách người tốt, việc tốt lại càng phải đảm bảo tính trung thực, xác thực. Chỉ cần thêm thắt một vài chi tiết và người đọc cảm nhận được là mất đi ý nghĩa.

Báo chí có nhiều loại: báo chí chính trị xã hội, báo chí chuyên ngành, báo chí của các đoàn thể, các giới… Hiện nay có hàng trăm loại báo: Trung ương và địa phương, báo chuyên ngành, báo đoàn thể… vấn đề quan trọng là mỗi tờ báo muốn thực hiện đúng chức năng phải thể hiện ra được đặc điểm chính của tờ báo. Tình trạng trùng lặp của báo chí khi sử dụng tin tức, hình ảnh là khá phổ biến. Nhiều tờ báo không thể hiện được đặc điểm của ngành mình. Báo Công an phải khác báo Quân đội, báo Phụ nữ khác báo Thanh niên, báo địa phương khác báo Trung ương. Trong bức thư gửi báo Bạn chiến đấu, Người chỉ rõ:

“Rất cảm ơn các bạn về những số báo của Bạn chiến đấu. Đây là một vài ý kiến nhỏ đề nghị với các bạn: Tờ báo này dành cho những người lính lê dương, những chàng trai vui tính, dễ cáu kỉnh, dễ cảm xúc chứ không phải là những người làm chính trị sâu sắc. Bởi vậy cần có những bức tranh, những bức vẽ khôi hài, những gì làm cho họ vui vẻ, những tin tức ngắn về nước Đức và nước Pháp, đặc biệt là những tin tức có liên quan đến đời sống nhân dân (như không lương thực tiếp tế, đình công, sự phiền nhiễu của các cơ quan cai trị). Nói tóm lại, cần làm cho họ cảm động, thoải mái, làm cho họ cười và khóc để lôi cuốn họ về phía chúng ta. Không nên viết những bài dài, không nên viết những bài chính trị lớn đương thời, các bạn nghĩ thế nào?”

Một bức thư nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấu tình đạt lý, hiểu kỹ đối tượng, tiếp tế cho họ những món ăn tinh thần thích hợp, lôi cuốn họ về phía chính nghĩa. Những quan điểm tiến bộ, cách mạng về báo chí thể hiện trong toàn bộ những trang viết của Người trong suốt nửa thế kỷ ở cả hai thời kỳ hoạt động ngoài nước và sau khi trở về nước.

2. Báo chí Hồ Chí Minh giàu tính thời sự và chất liệu hiện thực

Khác với sáng tác văn nghệ tuy dựa vào đời sống xã hội làm cơ sở, song phần quan trọng là vận dụng có hiệu quả như hư cấu nghệ thuật. Những truyện ngắn của Hồ Chí Minh như: Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành, Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu, rồi vở kịch Con rồng tre đều lấy một phần hiện thực nào đó làm điểm xuất phát và vận dụng hư cấu để sáng tác. Trong những trường hợp này người viết không có điều kiện trực tiếp quan sát chứng kiến những đối tượng do những hoàn cảnh khác nhau, nhưng có ý tưởng có hiểu biết, có trải nghiệm thực tế nên phải sáng tác theo hướng tác phẩm văn nghệ. Ngược lại, toàn bộ tác phẩm báo chí Hồ Chí Minh phản ánh theo nhiều hình thức, nhiều cấp độ khác nhau một cách xác thực, chân thực cuộc sống.

Điểm xuất phát của nhà báo Hồ Chí Minh là hoạt động cách mạng, trải qua nhiều hoàn cảnh, nhiều môi trường, vừa kiếm sống vừa hoạt động ở các nước Mỹ, Anh, Pháp, với nhiều nghề nghiệp vất vả nên hiểu biết sâu sắc bản chất xã hội, hiểu biết thấu đáo nhiều vấn đề và hiện tượng xã hội.

Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng nhưng cũng là nhà hành động: “Một lời nói một việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể nói là làm, thường làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không nói, tư tưởng hiện ra trong hành động” (Phạm Văn Đồng). Ở chặng đường lịch sử nào, vốn sống được tích lũy ở Người đều rất phong phú, nắm sâu sắc những vấn đề bản chất từ khái quát đến chi tiết hiện thực. Bản án chế độ thực dân Pháp, đanh thép về lý luận kết tội kẻ thù nhưng cũng rất giàu chứng cứ, từ những sự việc, con người, các tên Toàn quyền Công sứ Pháp độc ác lộng hành, đến nỗi khổ cực của người dân thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Tuynidi, Marốc. Phạm Văn Đồng đã có một so sánh sắc sảo và thích hợp tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc với tác phẩm Tình cảnh giai cấp công nhân Anh của Ăngghen:

“Đó là những trang trần trụi về cuộc sống thực tế với những chi tiết khốc liệt, không lý luận, không triết lý mà lại là sáng ngời lên triết lý của lịch sử, phương hướng đấu tranh của các dân tộc và của loài người”[10].

Trong tư duy của Người luôn có sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn là điều xuất phát của hoạt động và cũng là điểm kết thúc kiểm nghiệm và đánh giá hiệu quả của các hoạt động. Cuộc đời hoạt động của Người ở hai thời kỳ, những năm tháng hoạt động ở nước ngoài (1911-1941), ở nhiều nước, nhiều xứ sở trải qua nhiều cảnh ngộ, lăn lộn với cuộc sống, với công việc, từ người thợ làm bánh, người bếp trong khách sạn đến người cán bộ của phong trào, nhà hoạt động chính trị quốc tế. Những năm tháng vất vả khi hoạt động công khai, khi bí mật, hai lần bị tù đày... phải nói đó là những năm tháng cực nhọc, nhưng giàu ý nghĩa, rèn luyện cho người cán bộ biết bao phẩm chất. Từ sau năm 1945, trên cương vị Chủ tịch nước tuy không có điều kiện tiếp xúc nhiều với thực tiễn cuộc sống nhưng với sự hiểu biết nhạy cảm, Người nắm bắt cuộc sống qua nhiều phương thức. Trong chiến tranh chống Pháp có lúc đi kiểm tra chiến dịch, sống gian khổ giữa núi rừng Việt Bắc và khi trở về Hà Nội lại nắm bắt nhanh cuộc sống thành thị và nông thôn trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rồi thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người vẫn theo dõi cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam qua từng chiến dịch, đón mừng từng tin chiến tranh. Dù trong hoàn cảnh nào, Người tìm hiểu cuộc sống bằng nhiều phương thức, khi trực tiếp, khi qua thông tin báo chí... tất cả góp phần tạo cho những trang báo chí của Người giàu chất liệu hiện thực, chỉ đạo sát sao phong trào. Tuy phải lo trăm ngàn những công việc lớn của đất nước trong hòa bình, trong chiến tranh, đối nội, đối ngoại, Người vẫn qua báo chí biểu dương những người tốt việc tốt và phê phán những hiện tượng tiêu cực. Bài báo Lễ cưới viết ngày 25-3-1965 kể về hai đám cưới, một đám nên gương về sự giản dị tiết kiệm, một đám phê phán về sự hoang phí. Bài báo Càng già càng giỏi (in ngày 22-10-1965), khen ngợi các cụ phụ lão Hà Giang, Phố Yên, Bắc Thái, đã nêu gương cho con cháu trong phong trào thi đua sản xuất, hậu phương chi viện cho tiền tuyến. Trong bài Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán với bút danh Chiến sỹ (in ngày 10-07-1966), tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sơ tán, sơ tán tập thể, cơ quan trường học, sơ tán cá nhân. Về chuyện sản xuất, Người quan tâm đến việc chống lụt, chống hạn. Trong việc chống Giặc hạn, Người nhắc nhở “Thêm một gầu nước mát sẽ làm thêm một bát cơm vàng” (Báo Nhân dân ngày 9-10-1966). Bên cạnh những bài báo đề cập đến những vấn đề cụ thể trong đời sống hàng ngày của một cá nhân đơn vị, Người có khả năng khái quát hiện thực, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm với những căn cứ cụ thể của phong trào một thành phố, một địa phương. Trong ba bài báo, ba bài nói chuyện tại tỉnh Thanh Hóa ngày 13-6-1957, tại tỉnh Nghệ An ngày 14-6-1957 và tại Hà Tĩnh ngày 15-6-1957, Người đã chỉ ra rất cụ thể những ưu điểm và nhược điểm các phong trào ở địa phương.

Trong bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân Thanh Hóa, Người nêu lên một số ưu điểm của quân dân Thanh Hóa: “Dân công đã ra sức rất nhiều cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công, vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có phần vinh dự đến đó. Thanh niên tham gia bộ đội có các đồng chí anh hùng như đồng chí Lò Văn Bường, Phạm Minh Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai. Đó là những người con ưu tú làm vẻ vang cho tỉnh nhà mà còn làm vẻ vang cho cả nước ta”. Nói chuyện với thanh niên phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Thanh Hóa “Chị em phụ nữ Thanh Hóa có tinh thần lao động rất tốt, như thế là vừa làm lợi nhà vừa làm ích nước, mong rằng nam giới hãy thi đua với phụ nữ”. Còn nói về khuyết điểm, Người chỉ rõ: “Một là đồng bào đang còn lãng phí nhiều. Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”. Một khuyết điểm khác của đồng bào Thanh Hóa: “Là vay tiền của chính phủ rồi không trả. Vay tiền chưa nói thuế này khác chỉ nói vay tiền ngân hàng đã 2 tỷ rồi mà không chịu trả, không trả nợ cho chính phủ không những hại cho chính phủ mà còn hại cho nhân dân”1.

Thẳng thắn, chân tình, cụ thể, Người đã chỉ rõ bản chất của phong trào Thanh Hóa. Một ngày sau ngày 14-6-1957, Người lại đến nói chuyện với cán bộ toàn tỉnh Nghệ An. Bài viết của Người dài trên 4 nghìn chữ, Người chỉ ra những ưu điểm của toàn tỉnh Nghệ An:

“A. Trong thời kỳ kháng chiến các đồng chí đã đoàn kết được nhân dân và lãnh đạo nhân dân phục vụ kháng chiến thắng lợi. Đó là điểm tốt.

B. Đến khi hòa bình lập lại các đồng chí đã cùng với nhân dân công tác để thực hiện kế hoạch năm 1956 của Đảng và Chính phủ đó là một ưu điểm đáng kể.

C. Sau cải cách ruộng đất thì các đồng chí đã cố gắng đoàn kết với nhân dân, để sửa sai. Đó là một điểm tốt nữa.

Nói chung là đại đa số đồng chí đã chịu cực, chịu khổ, chịu khó, đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ giao cho, đó là một điểm đáng kể và đáng khen”[11].

Về khuyết điểm:

Khuyết điểm thứ nhất: Là vấn đề đoàn kết “đang còn nhiều thiếu sót. Đây là một khuyết điểm quan trọng”.

Khuyết điểm thứ hai: Là suy bì đãi ngộ và địa vị.

Hồ Chủ tịch nói thêm một số ý kiến. Người khuyên cán bộ phải học “ngày nay không phải học để có bằng cấp, để thoát ly sản xuất. Phải học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật để nâng cao hiểu biết”.

Người cũng đã nhắc nhở cán bộ phải có tinh thần trung thực và sòng phẳng, vay tiền ngân hàng nợ thuế phải trả tiền là của Nhà nước, của công “không trả thì lấy đâu cho người khác vay. Vì vậy khuyên các cô chú cán bộ Đảng viên phải sòng phẳng không mong các cô các chú hy sinh gì hơn, nợ bao nhiêu trả bấy nhiêu”.

Một điểm nữa mà Người nhắc nhở là thường xuyên tiến hành tốt về công tác tư tưởng “cần phải tự phê bình và phê bình”. Cần nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Nếu không có tính tổ chức và tính kỷ luật thì sẽ tự do, vô kỷ luật, vô chính phủ. Một ngày sau năm 1957, Người nói chuyện với đại biểu cán bộ Đảng viên tỉnh Hà Tĩnh. Bài viết dài với tinh thần gần gũi thân mật.

Về ưu điểm: Người cũng nói về đóng góp của nhân dân Hà Tĩnh trong việc sửa sai Cải cách ruộng đất và xây dựng nông thôn mới hiện nay. Người nêu cụ thể một số tấm gương. Ví dụ “đồng chí bí thư chi bộ Kỳ Hải, trong lúc trời mưa rét nhưng vì đê đập nguy ngập không sợ rét mướt, cả ngày lấy mình chắn nước cho nhân dân đắp đê. Đó là một đức tính tốt, biết hy sinh mình cho nhân dân”. Rồi nữ đồng chí Thiện dù nghèo nhưng vẫn xây dựng tổ đội công.

Về nhược điểm: Người phê bình “có hiện tượng cán bộ trong và ngoài Đảng, cán bộ cũ và mới, Đảng viên cũ và mới đoàn kết kém”[12].

Người cũng nêu lên một số thiếu sót của cán bộ Đảng viên Hà Tĩnh cũng như Nghệ An: Một vài cá nhân có óc công thần cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết có nhiều công đã tổ chức ra Xô viết... nên tự kiêu tự đại không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn. Người cũng căn dặn những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Hà Tĩnh. Trong ba ngày tại ba tỉnh khác nhau, Người đã nói chuyện với những bài viết dài được chuẩn bị sâu sắc kỹ lưỡng với nhiều dẫn chứng cụ thể, từ những ưu điểm, các gương người tốt, việc tốt đến những căn bệnh về tư tưởng, những khuyết điểm. Những trường hợp trên đã chứng tỏ khả năng nắm bắt hiện thực về phong trào cách mạng của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh một cách sâu sắc, chính xác và cụ thể của Người. Đó cũng là đặc điểm chung trong những bài viết của Hồ Chí Minh.

Một trong những năng lực tư duy sắc sảo của Người là khả năng nắm bắt chính xác, nhanh chóng qua báo chí trong và ngoài nước, những tư liệu chính xác cần thiết để sử dụng trong những bài viết. Đây là một nhu cầu nhận thức, tìm hiểu cuộc sống qua báo chí. Ngay từ những năm 1946, khi Người thăm Pháp và sống ở nhà ông Aubrac, mỗi sáng chủ nhà đã cung cấp cho Người đầy đủ các tờ báo quan trọng. Sáng sớm, Người ngồi trên thảm cỏ và đọc nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Và trong suốt cuộc đời, báo chí vẫn là món ăn tinh thần gần gũi và cần thiết nhất của Người. Sự thật ở từng địa phương qua báo chí địa phương, những sự việc của các ngành qua báo chí của các ngành, các đoàn thể, từng ngày có biết bao vấn đề phong phú. Riêng việc đánh dấu ghi chép về người tốt, việc tốt trên các báo và đề ra việc làm sách “Người tốt việc tốt” là một sáng kiến dựa trên cứ liệu báo chí.

Đọc báo nước ngoài, các tờ báo lớn của Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc đã cung cấp những mặt tốt đặc biệt là mặt trái về đời sống của các nước. Hàng trăm bài viết với những bút danh khác nhau về xã hội Mỹ và các nước tư bản, đã nói lên tinh thần làm việc khẩn trương giàu ý chí, nghị lực và trí tuệ của Người. Phẩm chất này thật quan trọng và không dễ thực hiện được.

Báo chí Hồ Chí Minh đã phản ánh chân thực xác thực, những sự kiện lớn về chính trị xã hội, những vấn đề về tư tưởng đạo đức của con người qua từng giai đoạn cách mạng. Một mặt khác bên cạnh dòng chảy của hiện thực dù mãnh liệt sôi động hay thanh bình vẫn có một nhà báo luôn có ý thức tìm hiểu, phân tích và bày tỏ thái độ góp phần định hướng qua những sự kiện của đời sống xã hội.

3. Giá trị nhân văn và chiều sâu văn hóa của báo chí Hồ Chí Minh

Xuất phát từ lý tưởng mà Người đấu tranh suốt đời là nhằm giải phóng cho dân tộc được độc lập tự do và nhân dân được hạnh phúc, nên những trang viết luôn có chỗ đứng vững chắc của lập trường dân tộc và quyền lợi của nhân dân. Báo chí thường thực hiện chức năng tuyên truyền và phổ biến tin tức nhanh chóng cập nhật theo vận động thời gian nên không dễ có điều kiện mở rộng tri thức về nhiều mặt của cuộc sống. Báo chí chú ý nhiều đến sự kiện, sự xuất hiện của những sự kiện chính trị xã hội và những tác động đến cuộc sống. Báo chí Hồ Chí Minh cũng mang những đặc điểm trên nhưng Người đặc biệt chú ý đến vấn đề con người, sự kiện gắn bó với con người, hành động cũng gắn bó với con người.

Đặc biệt quyền sống của con người được Người quan tâm trên nhiều trang viết. Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và của cách mạng Pháp Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1971 đã hấp dẫn Người ở việc đề cao và bảo vệ quyền con người. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 viết “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1971).

Những tư tưởng tiến bộ ấy đã thấm sâu và được Người tiếp nhận ngay trên đất Mỹ. Nhưng ở đây lại xuất hiện một tình huống trái ngược là tội ác, tội ác dã man hành hạ, hủy diệt con người, tội ác không phải gây ra do một cá nhân mà cả một đám đông điên cuồng lao vào đâm chém: Hành hình, Lynch, với tinh thần căm phẫn với những kẻ gây tội ác và cảm thương thân phận kẻ xấu số. Bài báo miêu tả chân thực, xác thực đến từng chi tiết, gây xúc động sâu xa đến người đọc. Bài báo có giá trị tố cáo và giá trị nhân văn. Tờ báo Chân trời của cộng hòa dân chủ Đức viết lời bình luận sắc sảo: “Bản cáo trạng này vẫn giữ nguyên vẹn tính thời sự của nó. Nó nhắc chúng ta nhớ lại rằng những bọn đế quốc đủ mọi màu sắc thời đó cũng như ngày nay đều luôn luôn là những kẻ tử thù của loài người. Với bản cáo trạng này Hồ Chí Minh đã xuất hiện như một chiến sỹ chân chính của chủ nghĩa quốc tế vô sản và Người bảo vệ nhân quyền và tự do của tất cả những người bị áp bức dù họ cư trú ở bất kỳ nước nào”.

Thực dân Pháp tự mệnh danh là người đi khai hóa cũng như đế quốc Mỹ huênh hoang về tự do Mỹ, văn hóa Mỹ, đạo đức Mỹ. Chắc là ở Pháp và Mỹ, nhân dân có nhiều người tốt, văn hóa có nhiều điều hay nhưng cũng có vô vàn chuyện xấu, nào cảnh thất nghiệp, trộm cướp, đĩ điếm, hút sách. Song chúng không tự biết mình mà còn đi bôi nhọ văn hóa các dân tộc thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần ác ý của bọn thực dân, khi chúng trưng bày nhiều ảnh xấu của các nước thuộc địa trong Triển lãm thuộc địa 1922.

Trong hội  nghị Mac-xây ngoài những tranh vẽ lũ công khanh Việt Nam đang lúc nhúc lạy quỳ trước Vua bù nhìn, cùng chó ngao, toàn quyền khâm sứ, ngoài những công nhân trần trụi kéo xe thuê còn có chiếu bóng, trong phim có những bà già ăn trầu răng đen, những nông dân gầy gò rách rưới, những người đóng khố đang trèo dừa. Chúng gọi đó là hình ảnh “An Nam”. Hồ Chí Minh luôn có ý thức bảo vệ đề cao văn hóa dân tộc đã có hàng ngàn năm phát triển tốt đẹp. Người phê phán những cái xấu xa hèn hạ của Khải Định. Bên cạnh đó, Người ca ngợi khí phách của Phan Bội Châu qua các chuyện: Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu, biểu dương đề cao cái tốt cái đẹp của văn hóa, đạo đức của dân tộc, đặc biệt chú ý giáo dục thế hệ trẻ.

Cho đến cuối đời khi bàn về việc làm sách người tốt, việc tốt, Người cũng nhắc lại những kỷ niệm thời trẻ với tinh thần tôn trọng đạo đức truyền thống nhất là lòng hiếu thảo với cha mẹ, trung thành với tổ quốc.

Nhắc lại chuyện xưa Nhị thập tứ hiếu, Người nói: “Bác gần 80 tuổi mà vẫn nhớ chuyện ông Lão Lai, vợ chồng Quách Cự, cháu bé Hán Lục Tích, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào. Những chuyện như thế ngày xưa cả những người không biết chữ cũng thuộc. Các cháu cũng phải biết rút kinh nghiệm, học tập cách giáo dục của ông cha ta, các cháu có thể làm tốt hơn vì đạo đức ngày nay cao rộng hơn không phải chỉ hiếu thảo với bố mẹ mà còn trung với nước, hiếu với dân”[13].

Báo chí Hồ Chí Minh cũng mang đậm chiều sâu giá trị văn hóa. Người đặc biệt quan tâm vấn đề văn hóa và góc độ văn hóa của các sự kiện. Người say mê học tập nghiên cứu tìm hiểu văn hóa văn học của nhiều dân tộc “văn học ông Nguyễn thích đọc Sếchpia (Shakespeare) và Đíchken (Dickens) bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Huygô (Hugo), Dola (Zola) bằng tiếng Pháp, Anatôn Phơrăngxơ (Anatole France) và Lêông Tônxtôi có thể nói là những người đỡ đầu văn hóa cho ông Nguyễn”[14].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhận xét: “Người quan tâm nghiên cứu các tư tưởng triết học và chính trị đặc biệt là tư tưởng cách mạng và văn học Pháp. Thông hiểu nhiều ngoại ngữ, Người đã tiếp thu được những giá trị tinh thần và tư tưởng nhân đạo của nhiều nền văn hóa cổ kim, Đông Tây, đã đọc Tân thư của Trung Hoa và Nhật Bản. Nay lại nghiên cứu triết học và văn học Phục hưng và thế kỷ Ánh sáng. Nghiên cứu kinh tế học Ricácđô, A-đamXmit, nghiên cứu tác phẩm của Các-Mác... đọc Víchtohuygô, Xíchpia, Lỗ Tấn, Tônxtôi từ nguyên bản. Vừa học tập vừa viết báo viết kịch. Trước con mắt của bạn bè, Nguyễn Ái Quốc “là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người uyên bác mà vào thời đó có người nhận xét từ con người Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa mới”.

Qua những bài báo của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy nhiều kiến thức văn hóa phương Tây được người vận dụng một cách sáng tạo. Từ chuyện Khải Định sang Pháp với động cơ chính trị xấu đến việc vận dụng Platông để chỉ trích vua bù nhìn là một sáng kiến, một ý tưởng độc đáo (Sở thích đặc biệt). Trong bài báo Những người bản xứ được ưa chuộng, tác giả liên hệ đến vở kịch Ôtenlô của Sếch-pia. Trong một số bài báo, Người sử dụng văn phong đặc biệt:

“Ông Giôdép Cayô, cựu thủ tướng, nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anxtanh nói, sau khi đã cai trị hơn 40 triệu dân Pháp, đã nắm trong tay hàng hiệu, hàng tỷ bạc, ông viết sách vở rồi một buổi sáng nọ ông vò đầu và gãi điên cuồng. Không phải là gãi tóc vì không có sợi tóc nào cả - mà gãi tai- đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: Châu Âu sẽ đi đi tới đâu nhỉ? Nước Pháp sẽ đi đến đâu nhỉ?

Này, ngài thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và của nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói ngài biết châu Âu và nước Pháp đi tới đâu”. Nhận xét về bài báo Động vật học đăng trên tờ Le Paria năm 1925, nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét “thật là trào phúng và vô vàn xúc động, trào phúng bằng máu, cười ra căm hờn tất cả tâm trạng của người dân thuộc địa là chúng ta lúc ấy”. Người cũng am hiểu sâu sắc văn hóa và văn học Trung Quốc. Trong lời kết thúc của buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, Người nhắc đến hai câu thơ của Lỗ Tấn:

Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng

Và Người giải thích “nghìn lực sĩ” là những kẻ địch mạnh, thí dụ lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, cũng có nghĩa là những khó khăn gian khổ. “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành đông đảo, cũng có nghĩa là những công việc ích quốc lợi nhà. Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ định nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nặng nề, nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.

Về văn hóa và văn học Việt Nam, Người luôn nhắc đến truyền thống và những nhân vật anh hùng dân tộc để nêu gương cho cuộc sống hôm nay, trân trọng với những tác giả văn học lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu. Trong nhiều bài viết, Người vận dụng sinh động những câu ca dao để nguyên thể hoặc có đổi thay cho thích hợp với văn cảnh”

Còn non còn nước còn người,

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Người cũng hay vận dụng những câu thơ trong Chinh phụ ngâm, trong Truyện Kiều vào tác phẩm báo chí. Tất cả đã hòa quyện nhuần nhuyễn tạo cho bài viết sinh động. Báo chí Hồ Chí Minh giàu chất ấy đã góp phần tạo nên một phong cách riêng, dấu ấn riêng cho các bài báo.

Nói đến tác phẩm báo chí là nói đến cách khai thác phản ánh những tin tức của thời cuộc và thái độ nhận xét và đánh giá của người viết. Ở đây không cần đến sự bộc lộ cảm xúc trực tiếp như trong thơ văn, không cần đến sự tô điểm nghệ thuật, vì thế người viết ít bộc lộ mình qua trang báo. Thực tế ấy dễ tạo nên trong báo chí sự tương đồng gần gũi thậm chí từng mặt trùng lặp nhau giữa các trang viết. Có thể nói đến phong cách báo chí của một tác giả nhưng điều ấy không dễ dàng. Phải có tư tưởng, có tài năng mới có khả năng tạo nên một phong cách báo chí. Báo chí Hồ Chí Minh có phong cách và đặc điểm, trước hết là ở tư tưởng nhất quán của Người qua những sự kiện và vấn đề chính trị xã hội. Tính nhất quán dựa trên cơ sở một mục đích, một lý tưởng mà Người gắn bó suốt đời trong cuộc đấu tranh cho dân tộc. Dấu ấn của chủ thể thể hiện ở cách đề cập và giải quyết các vấn đề. Mềm dẻo mà kiên quyết, chủ ý tính hiệu quả. Người thường căn dặn không có việc gì dễ mà cũng không có việc gì khó, nếu dễ mà chủ quan thì cũng không thành công, nếu khó mà quyết tâm gắng sức hoàn thành thì kết quả tốt đẹp. Báo chí Hồ Chí Minh giàu tri thức, tri thức về chính trị xã hội gắn với thời cuộc từng giai đoạn, tri thức về con người, tri thức về các mối quan hệ xã hội. Toàn tập Hồ Chí Minh là một kho tàng tri thức chính trị, xã hội, văn hóa, một đóng góp lớn vào sự phát triển của cách mạng Việt Nam, là thiên cẩm nang để mọi người có thể tìm thấy một lời khuyên, một bài học, một cách giải quyết vấn đề.


[1] Trần Dân Tiên, 1975. Những mẩu chuyện về hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Sự thật.

[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 5, tr 625-626.

[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 5, tr 653.

[4] Báo Nhân dân ngày 24.4.1965

[5] Lênin toàn tập, Nxb Sự thật, tập 34, tr 592.

[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 9, tr 419.

[7] C.Mác, P.Ăngghen toàn tập, tập 1, tr 238.

[8] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 9, tr 414.

[9] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 12, tr 559.

[10] Tạp chí Văn học số 3-1970.

[11] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 8, tr 406-415.

[12] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 8, tr 416-423.

[13] Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 12, tr 558.

[14] Trần Dân Tiên, 1975. Những mẩu chuyện về hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Sự thật.

Tác giả: GS. Hà Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây