Ngôn ngữ
Bức tranh đời sống của cộng đồng người Việt ở Liên xô hiện lên trong tiểu thuyết thông qua các nhân vật chính, phụ. Mỗi người một vẻ, tuy nhiên mười phân chưa thể vẹn mười, vì “nhân bất thập toàn”. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Liên xô (trước đây) và nước Nga ngày nay làm lộ những “gót chân A sin” khó bề che đậy - sự nhếch nhác, rời rã, lỏng lẻo của một “đám đông” nặng về mưu sinh mà nhẹ về tu chỉnh tính người, một đám đông tưởng rất đoàn kết, mạnh mẽ khi ở trong nước nhưng tỏ rõ rất rời rã, yếu kém khi ở xứ người. Vì mưu sinh mà đôi khi đánh mất tiết tháo, nhân cách. Và quan trong nhất là ứng xử văn hóa, khi lấy cái văn hóa làng xã mà đối diện, đối thoại với văn hóa của văn minh công nghiệp. Cái bức tranh đời sống ấy hiển thị qua con người, qua nhân vật của văn chương/ tiểu thuyết. Nhân vật khúc xạ chủ đề tư tưởng, hơn thế nhân vật còn in dấu phong cách của nhà văn, cha đẻ tinh thần của nó. Trong Chuyện người mình ở nước Nga, tôi chú ý đến cặp nhân vật Hùng - Hảo, nói theo ngôn ngữ bây giờ đó là một “cặp đôi hoàn hảo ”. Đây là cái “trục” chính, xuyên suốt tác phẩm, như một thỏi nam châm lớn hút vào đó nhiều quan hệ, nhiều đường dây (tình cảm, kinh tế, thế sự), nhiều nhân vật khác xa và gần. Hùng là người lính chiến, trải qua chiến tranh ác liệt, được thử thách qua “lửa đỏ và nước lạnh”, đã được thăng hàm đại úy. Nghĩa là có cái nhìn chiến tranh ở tầm mức trên chiến thuật. Anh đã từng bị bắt làm tù binh, và may mắn được một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa giải cứu. Người đó là trung úy Minh. Trái đất tròn, hai mươi năm sau họ đối mặt nhau trên đất Nga trong những phi vụ và mánh lới làm ăn giữa các băng nhóm có tướng, có soái tranh giành lãnh địa và lợi ích. Hùng và Minh trong quan hệ làm ăn đã hé mở một dòng chảy khác của đời sống, tôi gọi dó là “dòng ngầm”. Trong cái dòng chảy này mới quyết liệt thậm chí hung bạo, chỉ có cạnh tranh một mất một còn, chỉ có thừa sống thiếu chết vì “thị trường là chiến trường”. Tôi đã ở nước Nga ba năm vào độ thoái trào của chế độ Xô viết, đã biết mùi của cái cơ chế thị trường trên xứ tuyết trước khi bị nó cuốn vào như thác lũ trên quê hương mình sau đó. Hữu Đạt khi viết về cái dòng này không phải với tư cách người quan sát mà phần nào là người can dự. Những cái khốc liệt mà Hùng nếm trải trong chốn làm ăn qua sự miêu tả của Hữu Đạt, riêng tôi thấy sinh động, chân thực, thậm chí đôi khi “đam mê đến từng chi tiết” như cách quảng cáo trên truyền hình bây giờ. Đây là một mảng hiện thực đời sống tạo nên sự bắt mắt với độc giả khi tiếp nhận tiểu thuyết Chuyện người mình ở nước Nga của Hữu Đạt. Những đồng tiền mà người Việt mình làm ra được trên đất khách quê người đều chan đầy nước mắt, thậm chí đôi khi thấm máu. Chính vì thế tiểu thuyết đem lại một sự tri nhận mới về thời cuộc, về con người và cả bầu không khí chính trị của một đất nước bao la vĩ đại ngày xưa đang đi vào đổ bể tất yếu. Trong cơn bão lốc ấy số phận của cộng đồng người Việt thật bé nhỏ, ít thấy tương lai.
Nhưng cái dòng chảy thứ hai mới làm nên chiều sâu của tiểu thuyết, đấy là những câu chuyện tình cảm của người Việt trên chốn đất khách quê người, dẫu sống trong tao loạn của thời cuộc nhưng vẫn cứ phải nương theo quy luật của muôn đời - quy luật của con tim. Người Việt đã vui và buồn, yêu thương và căm giận, hi vọng và thất vọng như thế nào trên xứ sở tuyết trắng và bạch dương? Họ đã tham sân si, ái ố hỉ nộ như thế nào trong một nỗi quan hoài xa xứ? Trả lời cho câu hỏi này lại phải tìm đến mối quan hệ của cặp nhân vật Hùng - Hảo như đã nói ở trên. Dẫu là một mối quan hệ “ngoài luồng” trong cái tình cảnh “ngoài chồng ngoài vợ”, có vẻ như không phù hợp với truyền thống dân tộc, song nó cứ tồn tại khách quan. Nhưng dưới ngòi bút của nhà văn thì đôi khi nó lại như một tất yếu - đó là sự gặp gỡ của những “mảnh vỡ”, sự hàn gắn những vết thương lòng mà nơi này thì không thể nhưng nơi khác lại có thể. Tôi biết Hữu Đạt bao giờ trong tác phẩm của mình cũng ưu ái những người nữ như Hảo, như Thư, Lưu, Lệ Thu,… Vì sao? Câu hỏi không khó trả lời khi dễ dàng nhận ra sự thiệt thòi, hi sinh của họ dù trong bất kì hoàn cảnh sống nào, dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, dù lúc này hay lúc khác, dù trong gia đình bé mọn hay ra ngoài xã hội rộng lớn. Với họ cần sự rộng lượng, che chở, nâng đỡ. Tôi thấy tiểu thuyết thấm nhuần một tinh thần vị tha với nhân vật nữ. Với Hảo, thì Hùng là nguồn vui vì thế mà mỗi lúc đi ra khỏi nhà: “Chiếc taxi chở Hảo đi qua các đại lộ thênh thang, hai bên có các dãy nhà đồ sộ được kiến trúc gần như một kiểu mang đến cho Hảo sự đơn điệu trong cảm xúc và nỗi buồn tẻ nhạt mỗi khi phải đi một mình mà không có Hùng”. Thế mới biết họ quan trọng với nhau đến mức nào, mới biết họ có trong nhau sâu sắc đến mức nào. Tôi có cảm giác Hữu Đạt kể chuyện người mà như kể chuyện mình, viết cứ như rút ruột mình mà trang trải tên từng câu chữ. Ấy là tôi đoán chừng vậy thôi! Với cặp đôi hoàn hảo này tôi thấy tác giả không có ý phê phán hay ca ngợi, ông viết về họ như một tồn tại khách quan, còn quyền phán xét thuộc về độc giả.
Trong tiểu thuyết có nhân vật thi sĩ Bạch Giang được Hữu Đạt “chăm sóc” khá kĩ lưỡng. Viết về nhân vật nghệ sĩ, Hữu Đạt tỏ ra thông thuộc vì họ cùng giới với ông, là một phần máu thịt của ông. Là nỗi niềm của ông. Bạch Giang có những nét lập dị vốn có của giới nghệ sĩ nói chung. Anh hào hiệp, phóng khoáng như bản chất vốn có của nghệ sĩ. Nhưng anh cũng không đến nỗi u ơ với chuyện tiền nong, làm ăn kinh tế. Nói như nhân vật Hai Tư: “Dân nghiên cứu sinh họ có cái đầu, nên làm ăn hơn hẳn chúng mình là phải”. Nhưng Bạch Giang phát lộ đầy đủ chỉ trong niềm phấn khích, say mê sáng tạo. Anh là người lãng mạn. Nhưng Tuyết vợ anh thì lại quá thực tế, hay níu kéo chồng xuống thực tại. Tôi thấy Hữu Đạt đồng cảm với nhân vật thi sĩ Bạch Giang. Thậm chỉ đôi khi tri âm tri kỉ với nhân vật này. Người tinh ý sẽ thoáng thấy vài ba nét nào đó khúc xạ cái thần thái của tác giả. Đúng thôi, viết là một sự bộc lộ cái chủ thể ở một mức độ nào đó.
Trong Chuyện người mình ở nước Nga thấy Hữu Đạt có chủ ý “trưng” ra cùng lúc rất nhiều nhân vật cùng lúc với dụng ý đó là bức chân dung “đám đông” người mình. Dù được miêu tả kĩ càng như Hùng, Hảo, Minh, Bá, Bạch Giang,..hay được chấm phá như Lã văn, Chấn, Hoàng Giang, Thắm, Xoan, Chuẩn,…họ đều có cá tính, có thân phận, cảnh ngộ. Họ đều đáng để độc giả chia sẻ, cảm thông và bầu bạn. Họ đều như những hành khách trên một chuyến tàu đến miền đất hứa. Nhưng miền đất hứa đó đang tan rã và lúc trở về cố quốc thì mỗi người một có một hữu sản lớn nhỏ hoàn toàn khác nhau. Họ giống nhau ở chỗ đều chấp nhận dấn thân, nhập cuộc để mưu đổi đời. Để rồi cuối cùng tất cả kéo nhau trở về quê cha đất tổ. Đúng là “cáo chết ba năm quay đầu về núi”. *
Kỹ thuật tiểu thuyết của Hữu Đạt trong Chuyện người mình ở nước Nga quả thật không theo lối tân kỳ. Không “hậu hiện đại”, không “dòng ý thức”, cứ “lối cũ ta về”. Nhưng đọc hấp dẫn. Vì sao? Hóa ra đôi khi lối viết truyền thống lại có sức mạnh chinh phục độc giả. Tôi nghĩ có cả hai yếu tố “chuyện” và “văn” tạo nên sức hấp dẫn chung của tiểu thuyết. Chuyện thì rõ rồi, chuyện làm ăn sinh sống của người Việt ở nước ngoài thì biết bao nhiêu là cơ sự, bao nhiêu là “pha” gây cấn hồi hộp, biết bao nhiêu tình huống, bao nhiêu là tâm trạng và kịch tính, biết bao nhiêu là lên bổng xuống trầm. Biết bao nhiêu là kết cục may và không may. Thậm chí không tránh được những bi kịch. Còn văn, Hữu Đạt có lối viết thống thoáng, dễ đọc và có sức lôi cuốn. Chuyện được kể bằng những “điểm nhấn”, những “khoảng lặng” cần thiết, “”động” và “tĩnh” xen kẽ, chi phối nhau tạo nên “cái đà” của câu chuyện (chẳng hạn tình huống mở đầu tiểu thuyết, khi Hùng đang thả hồn về với Hảo thì bị cánh của Minh đo ván). Một cách giữ chân độc giả trong cách viết của Hữu Đạt là kết hợp miêu tả hành động và tâm lí nhân vật. Không để cho nhân vật thuần túy hành động, nhưng cũng không đẩy nhân vật chìm ngập vào tâm trạng, đôi lúc vì thế mà rơi vào độ ỳ. Nên nhớ đời sống của người Việt ở nước Nga là rất “động” nhưng cũng không thiếu “tĩnh” Đó là biện chứng của tự nhiên và xã hội. Hùng - Hảo, cặp đôi hoàn hảo như chúng ta thấy, được Hữu Đạt chăm sóc kĩ càng nhất, hiện lên trong tác phẩm từ đầu đến cuối rất sinh động nhờ vào cái năng lượng tinh thần của họ hiển thiện ra cả trong hành động, cả trong tâm trạng.
Hữu Đạt có khả năng đặc biệt khi viết đối thoại. Điều này có thể thấy trong một số tiểu thuyết của anh. Các đối thoại của Hữu Đạt thường tinh tế, có tính hàm nghĩa sâu sắc. Trong tiếu thuyết này, nhờ đối thoại mà nhịp độ câu chuyện trở nên căng hơn, hoạt hơn, những chuyển ý, chuyển đoạn trở nên uyển chuyển, linh hoạt. Nhưng theo tôi, những cuộc đối thoại của nhân vật nữ vẫn “bắt mắt” hơn cả. Một dẫn dụ về điều này - đó là cuộc đối thoại nhanh của Thư và Hảo:
-Kể có chồng đi chuyên gia như mày cũng sướng - Thư pha cho Hảo một cốc cà phê tan và nói - Mỗi một năm, một chuyến ra nước ngoài. Tất cả đều có chồng bao cho. Đời thế là mỹ mãn rồi.
-Hì - Hảo bĩu môi - Mày cứ tưởng…đợi cái lão béo nhà tao cho có mà đến tết. Lão ta chi li, tính toán đến từng đồng xu có khi nào lại dám nghĩ đến chuyện bỏ tiền bao tao đi chơi?
- Ừ…kể ra có vẻ như lãng phí thật. Nhưng tao nghĩ thấy chán cuộc đời lắm rồi.
- Cái gì? - Thư quay ngoắt lại - mày nói cái gì? Mày mà cũng chán đời được sao? Chồng là chuyên gia. Nhà cao cửa rộng, xe cộ đề huề. Mày còn mơ ước gì hơn nữa?
-Ôi - Hảo thở dài - Hạnh phúc của con người đâu chỉ là cái nhà, cái xe. Còn biết bao điều khác nữa!
Đoạn đối thoại này hé mở cho độc giả biết lí do vì sao nàng đến với chàng. Cô tìm thấy ở Hùng chất đàn ông mã thượng, hào hiệp, biết cảm thông và chia sẻ, nhất là biết nâng niu Hảo như “nâng niu đôi bàn chân Việt” theo lối quảng cáo của Bitis! Hảo nhận ra: “Chỉ khi sống với Hùng rồi Hảo mới thực sự nhận thức được rằng, mình đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ vô nghĩa, nhạt nhẽo biết nhường nào (…). Chưa bao giờ Hùng yêu ai đến như thế. Đời chiến chinh đã chắt lọc từ muôn vàn đau thương để anh đến với Hảo bằng một tình yêu với giá cao nhất của cuộc đời”.
Cái kết của tiểu thuyết có vẻ hơi bị đột ngột, gây cho độc giả cảm giác nuối tiếc, thậm chí có vẻ còn thòm thèm muốn biết thêm đôi ba câu chuyện nữa cho có đầu có cuối theo lối tiếp nhận truyền thống về số phận các nhân vật. Đây có lễ là một chiêu “bỏ đói độc giả” của nhà văn?! Một cái gì đó không trọn vẹn biết đâu đôi khi lại kích thích trí tò mò của con người ta, lại khơi gợi cái năng lực tưởng tượng ở mỗi người. Cái kết này, theo tôi có hiệu quả và hay, vì nó tạo liên tưởng, và nhờ đó có thể tạo dư ba cho tác phẩm./.
Hà Nội, tháng 7 năm 2015
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn