Tin tức

"Bay lên nhé những ước mơ được khởi nguồn từ đây"

Thứ hai - 16/11/2015 21:15
"Bay lên nhé những ước mơ được khởi nguồn từ đây"

"Nhi học Nhân văn à? Học nhân văn làm chi? Sau này ra trường khó xin việc lắm, bây giờ người ta học kinh tế, tài chính, y mới dễ xin việc, lương mới cao chứ..??? “

Không biết tôi đã nghe bao nhiêu lần những câu tương tự như trên của đám bạn thân khi biết tôi làm hồ sơ thi vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn.

Tôi là một đứa con gái bướng bỉnh, khó ưa, dễ thương mà thương mà thương không dễ. Tôi ham thích khám phá, thích những điều mới lạ nhưng cũng nhanh nhàm chán với những cái cũ. Một đứa con gái nông nổi, nồng nhiệt và vội vã như những cơn mưa mùa hạ. Tôi chẳng phải là một cô gái Nhân Văn dịu dàng và mềm mại, mỏng manh vàyếu đuối…như người ta vẫn nghĩ. Có lẽ ngay từ tính cách tôi đã không phải và cũng chẳng hợp với phong cách một cô gái Nhân văn điển hình.Thế nhưng tôi đã là cô gái nhân văn được ba năm nay và cụ thể hơn tôi là cô gái của Nhân học- ngành học tôi đang theo đuổi và yêu tha thiết.

Thú thực lúc đầu khi đi chơi cùng nhóm bạn, tôi cũng ngại lắm khi nói tôi học trường Đại học KHXH-NV. Tôi không muốn ai hỏi han đến ngôi trường tôi đang theo học, tôi lẩn trốn và che dấu để khỏi phải nghe những câu đại loại như : “Nhân văn à! Khó xin việc lắm”, “ Tương lai mờ mịt lắm”, “ Ra trường biết làm gì”… Tôi chán ngấy những câu nói mà lúc đó tôi không biết là nó vô cùng vô căn cứ. Tôi chỉ muốn dấu nhẹm đi và hét lên: “ Tôi không muốn nghe, tôi không muốn biết”.

Thế rồi vào một ngày kia, ngày mà tôi cảm thấy vui nhất, tự hào nhất khi tôi được học trong ngôi trường thân yêu này. Đó là một ngày đầu mùa hạ khi những tia nắng yếu ớt đầu tiên len lỏi qua những kẽ tay, những làn gió đầu mùa mát rượi mơn man mái tóc của tôi. Đây là kì hè trong năm thứ hai đời sinh viên của tôi.

Chẳng là hôm đó tôi có được gặp một nhóm các bạn sinh viên nước ngoài chủ yếu đến từ Mỹ và Pháp tại hội thảo nghiên cứu Nhân học cùng cộng đồng. Khi đến lượt tôi giới thiệu về bản thân, tôi cảm thấy run run và không biết có nên giới thiệu về  ngôi trường tôi đang theo học không? Nhưng thôi mặc kệ, tôi nhắm mắt cứ vậy mà liến thắng: “ Hi ,everyone. My name is Nhi. I am a third student of university of social science and humanties. I am learning anthropology…

Chẳng hiểu sao cả nhóm bạn trẻ đó ồ lên rồi nhìn tôi với con mắt có vẻ đầy ư là ngưỡng mộ. Đặc biệt có bạn sinh viên người Pháp ghé vào tai tôi và bảo: “ Wow!!! Social science and humanties. Wonderful… ”

Hôm đó tôi được một ngày phổng mũi hết sức và tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi biết sinh viên nhân văn cũng có giá lắm ấy chứ?

Bắt đầu từ đó tôi không còn cảm thấy ngượng ngùng khi có người hỏi về ngôi trường tôi đang theo học. Bất cứ khi nào được hỏi bạn đang học ở đâu? Tôi đều ngẩng cao đầu và trả lời : “ Tôi đang học Đại học KHXH- NV, Đại học Quốc Gia Hà Nội”.

 Tôi đã nhận thấy rằng cuộc sống của chúng ta không chỉ được tính bằng mỗi tháng chúng ta làm được bao nhiêu tiền, chúng ta ở trong ngôi nhà bao nhiêu tầng, chúng ta đi xe Lamborghini Murcielago, Mercedes hay đơn giản chỉ là một chiếc Honda Dream huyền thoại. Chúng ta xài thời trang của Victoria`s Seeret, Louis Vuitton…hay đơn giản chỉ là những món hàng mua ngoài chợ không thương hiệu , không tên tuổi. Mà cuộc sống của chúng ta còn được tính bằng những gì chúng ta đã làm được, đã dựng xây, những cảm nhận và những chuyến đi…

Là một sinh viên Nhân Văn, tôi được đi đến nhiều miền của tổ quốc. Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc hành trình đối với tôi mang lại hàng nghìn điều mới mẻ, những câu chuyện cảm động của những người dân vùng sâu vùng xa, những tri thức địa phương, những cảm nhận về cuộc sống mới lạ và đáng sống hay đơn giản chỉ là cái ôm ấm áp của người Mẹ miền sơn cước với đứa con Nhân Văn Hà thành xa xôi cũng đủ làm tôi mạnh mẽ vững bước trên con đường mà tôi đã chọn.

Nhân Văn - nơi tôi đã học được những bài học mà có lẽ chẳng khi nào những con số, những khoản tiền lớn lao cũng chẳng đủ để mua được nó. Chỉ mai nay thôi khi tất cả tôi và những người bạn thân cùng ra trường, có thể tôi không có một công việc ổn định như họ, một mức lương dư thừa để trang trải cuộc sống, một ngôi nhà lớn hay một chiếc xe hơi hạng sang…Nhưng tôi chẳng cảm thấy hối tiếc ít nhất là cho đến hiện nay vì đã chọn học tại ngôi trường này. Ngôi trường với những người Thầy tâm huyết đã dạy cho tôi biết thế nào là Nhân văn, thế nào là một con người nhân văn, một lối sống nhân văn. Con người nhân văn thì không phải là kẻ nào mạnh thì đứng trên vai người khác, trà đạp người khác để sống. Mà nhân văn là để yêu thương, để kết nối những con người từ những miền xa xôi xích lại gần nhau hơn. Nhân văn đơn giản chỉ để gửi trao một lời chào ấm áp, một nụ cười dễ thương hay một cái nắm tay thật chặt.

Nhân văn trong tôi là một khoảng trời nhỏ nuôi dưỡng một ước mơ lớn lao đó là làm cho cuộc sống của những người kém may mắn trong xã hội thêm tươi đẹp và đáng sống hơn. Hàng ngày, quanh ta có biết bao con người đang mất niềm tin vào cuộc sống, họ còn thiếu thốn nhiều lắm, chẳng có đủ miếng ăn, áo mặc, chịu lạnh chịu rét trên những hẻm đường, những ngõ ngách tối tăm của những con phố ngập tràn ánh sáng nhưng thiếu tình người. Họ là hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khi những ngôi nhà cao tầng xây một ngày một cao hơn thì những hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo một cách ngẫu nhiên cũng được xây cao như vậy. Chẳng lẽ ta cứ ngồi yên để những con người đó lầm lũi bước đi trong những “ đêm trường trung cổ” hay sao? Tôi sẽ phải làm một điều gì đó cho họ, một điều nhỏ nhoi thôi. Có lẽ bạn sẽ bảo tôi tôi quá mơ mộng, quá viển vông vì “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” nhưng đối với tôi như vậy cũng đủ để báo hiệu một mùa xuân mới sắp về.

Nếu những đứa con là niềm tự hào của cha mẹ thì sinh viên cũng chính là niềm tự hào của ngôi trường thân yêu này. Từ ngôi trường này đã sản sinh ra bao nhiêu nhà lãnh đạo tài ba của đất nước (…..), những người nắm những cương vị chủ chốt trong quốc hội như Nguyễn Phú Trọng.., những nhà giáo ưu tú như Phan Hữu Dật…. Vậy thì có lẽ cũng chẳng quá khi nói Nhân văn đã và đang là nơi nuôi dưỡng nguyên khí ( hiền tài) quốc gia ? Còn gì tự hào hơn khi được học tập tại ngôi trường đáng tự hào này.

Tạm biệt nhé những cảm giác ngây ngô của những năm đầu chập chững bước vào trường. Giờ đây trong tôi tràn đầy sự tự hào, niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Nhẹ nhàng thôi, bay lên nhé những ước mơ được khởi nguồn, ấm ủ và nuôi dưỡng tại mái trường Nhân Văn yêu dấu này.

Tác giả: Trần Thị Phượng -: K57 Nhân học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây