Tin tức

"Nhân văn trong tôi"

Thứ hai - 16/11/2015 21:16
"Nhân văn trong tôi"

Sau những ngày mưa dầm liên miên từ ngày này qua ngày khác, ánh sáng bắt đầu le lói hắt bóng những hàng cây in trên mặt sân gạch nung màu đỏ đặc trưng. Tôi ngồi trên hàng ghế đá mát rượi, lặng lẽ nhìn và thơ thẩn chơi đùa thích thú với cảm giác tươi mới của thiên nhiên tràn đầy nhựa sống. Đôi ba nhóm sinh viên đang ngồi tán chuyện, đùa giỡn, học nhóm… Khung cảnh đột nhiên yên bình một cách lạ kỳ, tôi tự hỏi hành trình tôi đến với ngôi trường này đã bắt đầu từ khi nào vậy?

Thanh chắn sọc trắng đỏ nằm ngang ngạnh và nghiêm trang ngay giữa cổng vào của trường. Nếu bố tôi không chở tôi đi qua khu này và nói với tôi về ngôi trường này thì có lẽ tôi đã không nhận ra sự hiện diện của nó. Nói như vậy không phải là tôi không nhìn thấy dãy nhà với mày sơn vàng cổ điển in trong tiềm thức của học trò mỗi khi nhắc tới một ngôi trường nào đó, mà ý tôi muốn nhấn mạnh sự khiêm nhường của kiến trúc nơi đây, ẩn sau tán cây um sùm là một biển chỉ dẫn nhỏ nằm ngoài đường lớn (mà giờ đây cả biển chỉ dẫn và tán cây ấy đều không còn nữa…) có ghi rằng: “Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn”. Tôi vội vàng vẫy tay chào bố và mặc cho những hạt mưa cứ vô tình rơi như không cần để tâm tới những tân sinh viên hối hả, háo hức, ủ rũ, mệt mỏi…gần như mỗi người một vẻ mà tôi khó lòng diễn tả được. Mưa suốt thôi! Trời đã gần vào thu nên cơn mưa không mang sự ẩm ướt khó chịu của tiết trời oi bức mà là thổi vào luồn hơi ẩm lạnh len lỏi vào những khoảng trống của không gian để con người có thể xích lại gần nhau và làm quen nhanh hơn chăng? Mải lo nghĩ về những hạt mưa đang nhảy múa trên sân bê tông bóng loáng, tôi quên mất mình đã vào trường tự khi nào. Tôi lại bâng khuâng nghĩ về tên trường – mối liên kết duy nhất để thúc giục tôi đăng ký dự thi vào trường, biến nó thành mục tiêu quan trọng nhất mà tôi phải làm được – và dĩ nhiên tôi đã làm được. Tôi đi tìm đúng số nhà, số phòng đã ghi trong giấy hẹn và ung dung bước vào mặc dù tôi (lại) đến muộn.

Mỉm cười…ngày ấy trời cũng mưa…ánh nắng chợt chiếu vào mặt tôi khiến tôi nhảy về thời hiện tại. Đã gần 2 năm trời rồi. Người ta nói học đại học thời gian trôi nhanh vô cùng, ngoảnh qua ngoảnh lại là hết 4 năm thôi chứ có bao lâu đâu! Đối với các bạn xa nhà ở trọ trên này, hoặc ở ký túc xá, quãng thời gian còn có chút đặc biệt khác lạ, còn với một đứa sống trên này từ bé (mặc dù quê tôi ở Quảng Ngãi – dải đất miền trung đầy nắng gió) thì gần 2 năm trôi qua còn nhanh hơn, vội hơn và có chút buồn chán hơn những năm cấp 3. Nếu bảo tôi không biết tận hưởng thì thật sự không đúng chút nào. Tôi vẫn nỗ lực tham gia các hoạt động Đoàn – Hội, làm tròn trách nhiệm của một cán bộ mà suốt những năm cấp 3 tôi không để ý tới những việc như thế này. Đây chính là điểm khác biệt – và đó là những cố gắng của tôi để những năm tháng ngồi trên giảng đường Đại học có ý nghĩa hơn, đáng nhớ hơn. Tôi đã thử làm rất nhiều việc mà trước đó tôi nghĩ mình sẽ không làm được…như việc nói trước đám đông, làm việc nhóm…mọi thứ như được nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới khiến tôi có đôi chút lỡ nhịp và thật sự khó khăn để bắt nhịp. Và cả cảm giác ngồi trên thư viện để đọc sách với một đứa ham chạy nhảy như tôi, cảm giác ghi phiếu tra tên để mượn sách, cảm giác ngờ nghệch khi bị nhắc nhở về những điều đáng nhẽ ra phải biết, cảm giác tập làm quen với khái niệm nghiên cứu khoa học, cảm giác độc nhất vô nhị khi nhấn liên tục vào phím F5 trên bàn phím máy tính trong ngày đăng ký môn học,…những cảm giác đó thật sự rất đặc biệt.

Đại học giống như một xã hội thu nhỏ - thật sự là vậy. Nhưng trải nghiệm của tôi với xã hội “nhân văn” thu nhỏ lại không giống như bất kỳ trải nghiệm nào tôi có được trong xã hội bản gốc. Vì một lẽ đơn giản, tôi được tiếp xúc hàng ngày trong xã hội thu nhỏ để từ đó có đủ bản lĩnh ứng xử trong xã hội khắc nghiệt “bản gốc” kia. Về kiến thức tôi đã tích lũy gần 50 tín chỉ, nhưng về cách ứng xử, cách làm việc, cách quản lý thì quả thật tôi đã thu nhận được rất nhiều thông tin và công việc của tôi – của sinh viên nói chung là lọc ra những gì cần thiết và phù hợp với bản thân. Và thông tin đến từ những câu chuyện của các thầy cô mà tôi đã và đang được họ giảng dạy. Thầy cô ở cấp 3 giống như một quyển sách giáo khoa được lập trình từng bước và tôi cảm giác như mình phải đọc đúng từng bước ấy. Nhưng thầy cô trong trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì lại khác, họ  giống như một quyển bách khoa toàn thư mà cứ mỗi giờ lên lớp họ lại đóng vai người kể chuyện – những câu chuyện ngắn, dài khác nhau từ những kinh nghiệm trong đời sống, những kiến thức họ tích lũy qua năm tháng. Những câu chuyện đó luôn theo tôi, và sẽ mãi theo tôi trong suốt những năm tháng tiếp theo khi tôi chập chững bước trên đường đời…

“Reeeeeeeng” – âm thanh quen thuộc mà tôi luôn liên tưởng tới chiếc đồng hồ báo thức vang lên, đánh thức tôi khỏi những suy nghĩ miên man và gần như thức tỉnh tôi khỏi một giấc ngủ dài trong các thói quen không tốt mà tôi cần phải gỉam bớt để làm tốt hơn và hiệu quả hơn trong công việc học tập cũng như vui chơi khi còn ngồi trên ghế của ngôi trường vừa khác lạ, vừa thân quen này. Lần đầu tiên tôi gặp ngôi trường khi đổ mưa, và giờ đây trời lại đang hửng nắng…liệu đây mới là sự bắt đầu thật sự trong hành trình tôi tìm đến ngôi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn?

Tác giả: Vương Huyền Trang - K58 – Khoa Du lịch học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây