Ngôn ngữ
Cuối cùng mưa cũng ngừng rơi sau mấy ngày rả rích. Ánh mặt trời đã lên cao, ngồi trên hàng ghế đá, lặng đếm những bước chân và thả lỏng mình trôi theo những cảm xúc về mái trường. Gió mơn man như kéo tôi trở về cái buổi đầu thu năm ấy, khi tôi là một tân sinh viên e dè, bỡ ngỡ bước qua cánh cổng trường Đại học này.
Tôi là một sinh viên bị trượt nguyện vọng một. Đến với Nhân văn, ban đầu coi như một điểm dừng chân tạm của tôi để tôi có thể xua đi cái bóng của một đứa không đậu Đại học. Tôi đến đây mang theo cả nắng và gió của mảnh đất nghèo xứ Nghệ Tĩnh xa xôi, vượt qua hàng trăm cây số để đến với cuộc hành trình mới trong cuộc đời. Khác với những tân sinh viên khác, tôi đi nhập học với một tâm trạng rất lo lắng. Tôi sợ rất nhiều điều.Tôi sợ có sự phân biệt giữa sinh viên nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Tôi mang theo nỗi lo lắng không thể hòa nhập được với cuộc sống phồn hoa thành thị của một cô gái nông thôn. Một chút lo âu, một chút buồn bã… Liệu rồi đây, những tháng ngày tiếp theo tôi sẽ như thế nào, khoảng cách của tôi với những cuộc xã giao, những bài giảng trên lớp có xa như cái khoảng cách hàng trăm cây số Hà Nội – Hà Tĩnh hay không? Bao suy nghĩ vởn quanh trong đầu. Cứ thế, thời gian trôi đi cùng những suy nghĩ mơn man thuở ban đầu.
Đi qua mấy mùa thu, giờ đây tôi đã trở thành một sinh viên “sắp sửa già” của trường Nhân văn. Ít nhiều cũng mang trong mình những kinh nghiệm, những hành trang để có thể tự bước đi trong cuộc đời. Kỉ niệm thuở ấy chỉ còn là những dòng kí ức của ngày hôm qua. Những dấu hỏi của ngày xưa cuối cùng cũng đã bung gỡ bằng chính những ngày tôi học tập ở nơi này. Đó là những gương mặt thân thiện của các bạn trong lớp, là những tiết học thú vị trên giảng đường, là những hoạt động vui chơi hấp dẫn trong tiết sinh hoạt lớp mỗi cuối tuần và cả những lần bùng tiết đi ăn quà vặt cùng lũ bạn thân. Tôi rất tự hào về trường Nhân văn của mình. Trường của tôi không mới, không to đẹp như nhiều ngôi trường khác trong thành phố, nhưng bạn bè tôi ai cũng tự hào về ngôi trường có bề dày thành tích đào tạo, biết bao nhiêu thế hệ trưởng thành. Những thành tích mà các thầy cô và các thế hệ sinh viên đại học Văn khoa đã đạt được chắc chắn sẽ luôn là niềm tự hào trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Tự hào về vẻ đẹp giản dị, thân thương nơi đây. Tự hào về môi trường học tập và rèn luyện rất nhân văn hệt như cái tên của nó. Theo thời gian, những áp lực, những rào cản đã dần vơi đi và dừng lại ở phía “không ranh giới”. Tôi đã có một mùa đông ấm cúng bên bạn bè tôi, một mùa hè nhiệt huyết cùng anh chị em đôi tình nguyện, những khoảnh khắc “muốn bùng cháy” cùng “lên” và những ngày thường êm dịu bên những con người tôi gặp hàng ngày dưới mái trường này trong lòng Hà Nội phố. Yêu lắm những bạn bên tôi. Yêu lắm trường Nhân văn!
Thời gian trôi nhanh quá, chỉ một cái chớp mắt thôi, trong tay mỗi người chỉ còn là kỉ niệm. Thời gian đâu có chờ đợi ai, cứ vùn vụt trôi nhanh qua đến nỗi đôi khi chẳng thể nhận thấy. Tự nhủ mình nên quý trọng quãng thời gian cuối cùng được ở bên bạn bè, thầy cô, được học tập dưới mái trường mến yêu. Bốn năm học không dài nhưng cũng không ngắn nhưng đủ để những con người xa lạ trở nên thân thiết giống hệt như một gia đình.
Vậy là tôi đã có thêm ngôi nhà thứ hai, để cho tôi yêu, cho tôi nhớ mỗi khi xa rời. Ánh mặt trời đã lên cao, ngồi trên hàng ghế đá, lặng đếm những bước chân và thả lòng mình trôi theo những cảm xúc về mái trường.
“Reng…! Reng…! Reng…!
Tiếng chuông vào lớp. Tiết học mới đang chờ tôi.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy - K58 Thông tin học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn