Ngôn ngữ
Nhân văn trong tôi
Khi tôi là học sinh lớp 12…
Với mỗi đứa học sinh giống tôi lúc ấy, trường đại học là ước mơ của bản thân, là kì vọng của giáo viên và niềm tự hào của bố mẹ. Thế nên từ đứa thuộc hàng siêu sao của lớp, hạng trung hay hạng “bê bối” thì cũng đều mơ ước sẽ được đặt chân vào cổng trường đại học cao vời vợi. Còn một điều to đùng với chúng tôi lúc đó là: đại học là một thế giới vừa gần vừa xa và quan trọng là ở đó chúng tôi có tự do. Trong cuộc chạy đua ráo riết ấy, mỗi đứa chúng tôi tự chọn cho mình một con đường riêng. Có đứa thì chọn theo khả năng học, đứa thì chọn theo lời khuyên của gia đình và một số đứa thì chọn theo sở thích…giống tôi. Không phải dễ để đấu tranh cho điều đó bởi tôi đã phải “kiên cường” chống lại cả một loạt “định kiến” để đặt bút vào hồ sơ ghi ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN. Thực ra sẽ không ai phản đối nếu như tôi không phải là đứa đã có 7 năm theo ban tự nhiên. Tôi đã từng ăn ngủ cùng toán, lý, hoá, sinh; đã từng “sống chết thề thốt” rằng tôi sẽ thành một nhà vật lý học trẻ tuổi xuất sắc nhất trong tương lai; cũng đã từng vượt qua những đợt “tuyển quân gắt gao” của các đội tuyển lý sinh mà cho dù tôi chẳng bao giờ được giải cao hết. Cũng buồn ghê! Vì lẽ đó mà khi tôi nói “tôi muốn trở thành một nhà văn, một nhà nghiên cứu văn học” mọi người đều thấy thật khó để chấp nhận. Tôi đã phải cố gắng rất nhiều, thực sự là rất rất nhiều để chứng tỏ với mọi người rằng: Tôi có thể làm được. Để “hợp lý hoá” chuyện tôi đã theo học nhiều năm ban tự nhiên, tôi cũng đành làm thêm một bản hồ sơ khối A và điều đó thật là vất vả. Việc chọn trường đại học với tôi là thế đó, cô học sinh 18 tuổi lúc đó là tôi cảm thấy hào hứng với thế giới mới mang tên “Khoa học Xã hội và Nhân văn” mà sau này tôi vẫn âu yếm gọi đó là “Nhân văn”.
Khi tôi là sinh viên năm nhất…
Những ngày thi xong là những ngày căng thẳng và áp lực nhất với tôi, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày tinh thần tôi xuống thêm một chút. Tôi đã từng ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính chỉ để là một công việc duy nhất: F5 trang web của trường một cách liên tục nhất có thể. Vậy nên cũng tự hào để “khoe khoang” rằng tôi thuộc top những người được nhìn điểm sớm nhất khi nó vừa xuất hiện. Và dĩ nhiên, tôi đã vờ oà trong sung sướng, đã nhấc điện thoại mà không biết phải gọi cho ai đầu tiên. Hạnh phúc nhiều khi làm con người ta trở nên buồn cười như thế đó…! Những ngày háo hức sắp đồ, chuẩn bị giấy tờ, rồi đến ngày nhập học…mọi thứ với tôi y như là một giấc mơ vậy. Nhưng lúc những giọt nước có vị mặn lăn dài trên má khi thấy bóng bố mẹ khuất xa cổng trường cũng là lúc tôi “tỉnh” lại sau cơn mơ, tôi nhận ra rằng đến lúc cần bắt đầu một cuộc sống mới – cuộc sống không giống 18 năm tôi từng sống! Nhân văn bắt đầu cho tôi quen những người bạn mới, những hoàn cảnh mới và những cách thức mới. Có rất nhiều sự kiện lần đầu tiên bắt đầu từ cuộc sống mới này. Đó là lần đầu tiên tôi xa nhà; lần đầu tiên tôi được biết nhiều người bạn đến từ nhiều vùng miền khác nhau, mỗi người có một đặc trưng riêng rất thú vị; cũng là lần đầu tiên tôi được biết cuộc sống kí túc xá – cuộc sống mà tôi tò mò nhất từ khi tôi biết về nó và nhiều lần đầu tiên nữa cơ! Những bài học đầu tiên, những người thầy đầu tiên, tất cả đều thật lạ. Nhân văn với tôi lúc ấy có thật nhiều điều để khám phá và cũng thật nhiều khó khăn. Mỗi người thầy, người bạn mới là một thế giới, mỗi bài học mới là một không gian, tất cả tôi đều muốn khám phá bởi đơn giản, đó là Nhân văn trong tôi! Nhân văn làm tôi quên đi những lúc mít ướt nhớ nhà, làm tôi hiểu ra rằng đã đến lúc tôi cần trưởng thành hơn và suy nghĩ nhiều hơn cho cuộc sống…!
Khi tôi là sinh viên năm hai,…
Khi đã là một cô sinh viên năm hai, tôi có thể tự hào mà nói “tôi thuộc hết từng góc sân, từng cái gốc cây của Nhân văn”. Nhân văn cổ kính của tôi nằm gọn xinh bên con đường náo nhiệt và tấp nập, vậy mà lúc nào cũng thấy Nhân văn thật yên bình! Năm hai, mọi thứ bắt đầu hình thành theo thói quen, sự bỡ ngỡ cũng đã thay đổi nhiều, thầy cô mới nay đã thành những người thân thuộc, bạn mới nay cũng đã thành những người tri kỉ, những bài học cũng không còn xa lạ như trước nữa. Tôi bắt đầu mạnh dạn hơn khi tham gia vào các hoạt động đoàn hội, bắt đầu tự tin hơn với vai trò của một “thủ lĩnh”. Với tôi lúc này, nhân văn như một thách thức! Thách thức ấy khiến tôi trưởng thành hơn, năng động hơn và biết yêu thương nhiều hơn. Nhưng…cho đến tận bây giờ, với tôi, năm hai là khoảng thời gian đẹp nhất ở Nhân văn mà tôi từng có. Tôi yêu cái cảm giác mỗi buổi sớm đến trường, căng ngực hít lấy những bầu không khí thân quen, hớn hở cùng những người bạn, cuộc sống sao mà vô tư đến lạ…! Nhân văn cho tôi những bài học về cuộc sống, những người bạn luôn bên tôi, với tôi họ như gia đình thứ hai vậy. Quanh tôi luôn có những người luôn sẵn lòng nghe tôi tỉ tê bao câu chuyện, luyên thuyên đủ thứ trên trời dưới biển. Những cảm giác rung động đầu đời, tôi và đám bạn đều gửi cả vào Nhân văn.…
Và giờ đây tôi là một cô sinh viên năm thứ ba.…
Năm ba, mọi thứ bắt đầu thay đổi, có những thứ thay đổi thật nhiều. Việc học bắt đầu khó và vất vả hơn rất nhiều. Chúng tôi bắt đầu làm quen với niên luận, với báo cáo khoa học. Lúc này, Nhân văn bắt đầu yêu cầu chúng tôi có ý thức hơn với những gì chúng tôi đang theo học và với những gì chúng tôi tích luỹ được trong suốt thời gian vừa qua. Mỗi người bạn bắt đầu có những thế giới riêng của họ, những thứ như công việc, gia đình bắt đầu chen chân vào sự vô tư của những cô bạn, cậu bạn năm nhất năm hai. Sự ý thức về cuộc sống khiến họ trưởng thành nhiều hơn. Và đương nhiên, trong cuộc sống, khi bạn được một thứ thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đánh mất một thứ gì đó. Các bạn tôi, họ đã đánh rơi một thứ gì đó ở Nhân văn! Tôi vẫn thường tìm lại những gốc cây, những ghế đá nơi tôi đã từng có những giây phút vô tư ở đó để tìm lại một chút không gian nhẹ nhõm. Nhưng tôi biết rằng, Nhân văn của tôi sẽ buồn lắm nếu chúng tôi cứ mãi là những cô bé cậu bé vô tư lự, bởi Bạn ấy muốn chúng tôi sẽ là những con người cứng rắn và trưởng thành. Bất chợt một ngày, tôi tự nhận ra một điều, đã bao lâu tôi chưa đến trường sớm, chưa níu lại trường một chút khi trời chuyển xế tà. Có lẽ tôi cũng vội! Chúng tôi vội vã với những dự định và kế hoạch riêng của bản thân, khép mình vào thế giới riêng và “ngại” tỉ tê với cuộc sống. Và cũng bất chợt một ngày, khi bạn tôi, họ dừng lại vội vã để ngắm nhìn nhau, họ nhận ra rằng có lẽ tình bạn không đuổi kịp sự vội vã. Họ bắt đầu thảng thốt nhận ra rằng, không còn nhiều thời gian ở bên nhau nữa! Nhân văn là điều đã kết dính chúng tôi lại, đem chúng tôi đến với nhau như một thứ duyên…
Rồi chỉ vài tháng nữa thôi, tôi sẽ lại trở thành một cô sinh viên năm cuối và sẽ bắt đầu cuống quýt trong guồng quay của thực tập, của khoá luận. Nhân văn, Bạn ấy đã ở bên tôi trong suốt những năm đầu tiên tôi bước chân ra cánh cửa cuộc đời, những năm bỡ ngỡ và non nớt. Nhân văn giản dị và chân thật lắm. Đó là thầy tôi, anh chị tôi, bạn tôi, là những giảng đường, là những gốc cây và góc khuất,…tất cả đó là Nhân văn trong tôi.
Tác giả: Phạm Thị Ngọc Lớp - K57 Văn học CLC – Khoa Văn học
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn