Bến Vượt xưa và Bến Hoa hôm nay
admin
2012-07-26T21:49:24-04:00
2012-07-26T21:49:24-04:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/ben-vuot-xua-va-ben-hoa-hom-nay-8531.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ năm - 26/07/2012 21:49
“Mẹ ơi! Sao lại gọi là Bến Vượt”. Người mẹ lặng im không trả lời. Mọi người cũng lặng im. Có thể một trong những người đã nằm xuống tại Bến Vượt, hoặc dưới dòng sông đây là cha của người mẹ trẻ, là ông của cháu bé đang tuổi hồn nhiên.
“Mẹ ơi! Sao lại gọi là Bến Vượt”. Người mẹ lặng im không trả lời. Mọi người cũng lặng im. Có thể một trong những người đã nằm xuống tại Bến Vượt, hoặc dưới dòng sông đây là cha của người mẹ trẻ, là ông của cháu bé đang tuổi hồn nhiên.
Bến Vượt xưa
Sông Thạch Hãn bắt đầu thượng nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía tây tỉnh Quảng trị và đổ ra biển Đông qua cửa Việt. Tương truyền tên Thạch Hãn được lí giải rằng do ở thượng nguồn có mạch đá ngầm chắn ngang dòng sông, nên tên sông được gọi là sông Thạch Hãn.
Sông Thạch Hãn cũng như bao dòng sông khác chảy xuôi dòng bên bồi bên lở bồi đắp phù sa và dâng nước nuôi người. Nhưng trên đất nước cong cong hình chữ S này, nơi mảnh đất mà nơi đâu cũng in dấu trận mạc, hiếm có dòng sông nào như dòng sông Thạch Hãn khi chảy qua vùng đất Quảng trị anh hùng. Hơn 81 ngày đêm năm 1972 cả đất trời Quảng trị đỏ lửa và dòng sông quặn mình sôi lên vì bom đạn của đối phương dội xuống. Dòng sông xanh và bờ bãi xanh nhuộm một màu máu của những người anh hùng đã không tiếc mình xả thân cho Tổ quốc. Nơi các anh qua sông để bổ sung lực lượng cho các trận địa thành cổ và cùng là nơi các anh đưa thương binh, các liệt sĩ trở về bờ bắc. Nơi này các anh gọi là Bến Vượt. Bến Vượt xưa là nơi các anh ra đi, là nơi các anh trở về và cũng là nơi các anh ngã xuống rồi hoà vào dòng sông, nằm sâu dưới đáy, hay theo dòng xuôi cửa Việt hoà vào đại dương bao la
Bến Vượt là nơi thử thách kiên gan, là nơi các anh đi vào cửa tử bằng một trái tim vì nghĩa nước để viết nên bàn hùng ca bi tráng của dân tộc Việt ngàn đời ghi danh.
Vượt qua Bến Vượt các anh dầm mình trong mưa bom, bão đạn, các anh dầm mình trong máu của đồng đội. Một cựu binh đã từng chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị và cũng may mắn khi qua Bến Vượt nhớ lại: Có những đêm bộ đội ta từ bờ Bắc vượt sông sang bờ Nam, đến giữa dòng gặp bộ độ ta đưa thương binh liệt sĩ về, chỉ kịp chớp nhìn và không quên vuốt vội cho đồng chí mình. Có những anh em hi sinh thật đau đớn. Bị thương rồi được đưa về qua sông lại bị pháo đạn địch dội xuống, coi như bị hi sinh 2 lần.
Bến Vượt xưa thấm một dòng máu đỏ
Bến Hoa hôm nay
Có người mẹ trẻ, tay dắt đứa con bước từng bậc, từng bậc xuống bờ sông để thả ngọn đèn hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn trong dịp đại lễ cầu siêu . Cơn gió nhẹ như nâng bước đôi bàn chân non của bé. Đứa con ngước nhìn mẹ rồi băn khoăn hỏi: “Mẹ ơi! Sao lại gọi là Bến Vượt”. Người mẹ lặng im không trả lời. Mọi người cũng lặng im. Có thể một trong những người đã nằm xuống tại Bến Vượt, hoặc dưới dòng sông đây là cha của người mẹ trẻ, là ông của cháu bé đang tuổi hồn nhiên.
Tôi hoà vào dòng người thả hoa đăng trong đêm. Những cựu binh trong bộ quân phục huân huy chương đỏ ngực, khuôn mặt sạm màu vì khói súng của gần 40 năm về trước. Các anh giơ tay nghiêm chào đồng đội. Những người dân với nhiều tầng lớp khác nhau vừa đi, vừa thả hoa đăng, rì rầm cầu nguyện. Rì rầm cho đủ nghe, sợ các anh giật mình trong giấc ngủ ngàn năm. Rì rầm chỉ đủ nói lên lòng mình tâm nguyện với những người đã khuất.
Trời Thạch Hãn hôm nay trăng non. Những vì sao nhấp nháy đồng hành với những ngọn hoa đăng kết thàng từng dòng lặng lẽ, chầm chậm xuôi về. Cả dòng sông lung linh đôi bờ, lung linh trong trầm mặc. Những khuôn mặt nhoè đi, Ánh trăng cũng nhoè đi và những ngọn hoa đăng cũng nhoè đi…Ánh sáng của hoa đăng mang linh hồn những người lính nhắc nhở rằng: Ngày hôm qua bi tráng không chỉ ở thành Cổ, mà bao nơi khác trên đất nước này đã thấm máu của các anh, của ông cha để dựng xây và bảo vệ, luôn thức tỉnh những người đang sống.
Chuyện kể rằng, nhân ngày rằm tháng 7, có một cựu binh đã mua hết hoa ở thị xã Quảng trị, chờ đến hoàng hôn buông xuống, ông lặng lẽ đi xuống bến Vượt thắp đèn và thả hoa xuống dòng Thạch Hãn, rồi đọc mấy câu thơ như một lời nhắn nhủ:
Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Rồi thành lệ, cứ đến rằm tháng 7 hàng năm người dân thành cổ lại mang hoa thả xuống dòng sông cầu nguyện vong linh các anh siêu thoát.
Bến Vượt xưa bây giờ được gọi là Bến Hoa. Bến Hoa bây giờ được xây thành nhiều bậc để ai cũng có thể xuống gần mặt nước để thả hoa đăng, để có thể đưa tay vào dòng nước như đưa cho các anh cầm. Bến Hoa được dựng hành lang có mái che cho những ai muốn dừng chân đôi phút để ngắm nhìn dòng sông và suy tưởng. Đôi bờ sông bây giờ xanh mát cỏ cây. Dòng sông lại vỗ về đôi bờ bồi đắp phù sa và ru các anh giấc ngủ ngàn năm. Bốn câu thơ của người cựu binh đọc năm xưa nay được khắc ghi và dựng bên Bến Hoa. Bến Hoa trở thành nơi gặp gỡ linh thiêng của những người anh hùng đã vì Quảng trị mà ngã xuống với các thế hệ hôm nay và mai sau
Xin các anh cứ yên lòng. Chúng tôi và thế hệ mai sau sẽ làm hết sức mình có thể để vơi đi nỗi đau, nỗi nhớ, vơi đi sự cách xa nơi các anh nằm lại.
Bến Hoa bây giờ xanh mát cả trời xanh.