Với điểm trung bình 3,71, Hồ Thu Hà (sinh viên chuyên ngành Tâm lí học lâm sàng, Khoa Tâm lí học) đã trở thành thủ khoa của khoá QH-2008-X năm nay.
Học chuyên Pháp ngay từ lớp 1 cho đến lớp chuyên Pháp tại THPT Amsterdam Hà Nội, Hồ Thu Hà đã có một nền tảng kiến thức khá tốt khi bắt đầu bước vào cánh cửa đại học. Trong khi nhiều bạn bè khác đều chọn các ngành học về kinh tế, ngoại thương thì Hà lại một mình nhen nhóm tình yêu với ngành Tâm lí học. Lựa chọn này ban đầu không nhận được sự đồng tình của gia đình, bạn bè bởi, trong suy nghĩ của mọi người, Tâm lí học là một ngành mới, không phải là ngành dễ kiếm việc. Nhưng đối với Hà, ngành học này chứa đựng những điều hấp dẫn mà bạn đang muốn khám phá về con người. Thích quan sát hành động của mọi người, bạn luôn tò mò tự hỏi, tại sao trong những tình huống như nhau mà mỗi người lại ứng xử khác nhau, vậy cơ chế tâm lí đằng sau hành vi của mỗi người hoạt động như thế nào... Cuối cùng, Khoa Tâm lí học Trường ĐHKHXH&NV với ngành Tâm lí học lâm sàng học bằng tiếng Pháp là một sự kết hợp tuyệt vời cho cả hai tình yêu của Hồ Thu Hà: tiếng Pháp và ngành Tâm lí học.
Khi được hỏi bí quyết để có kết quả học tập xuất sắc, bạn chia sẻ: “Có lẽ vì niềm hứng thú của em nằm ở chính những môn học ấy, em không học chỉ để mai sau em có tấm bằng để đi làm mà bản thân em thích tìm hiểu đến tận cùng những kiến thức chuyên ngành mà mình được học”. Càng học, tình yêu và niềm say mê với ngành học càng lớn lên trong bạn.
Những kiến thức trong chương trình đào tạo hay việc học trên lớp không đủ làm thoả mãn những câu hỏi luôn thường trực nên Hà đọc thêm rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thói quen học tập có phương pháp đã được tích luỹ và rèn giũa từ những năm học cấp dưới đã giúp việc học tập của Hồ Thu Hà đơn giản và hiệu quả. Đó là các kĩ năng hệ thống kiến thức, cách đặt vấn đề, tìm kiếm thông tin, phân tích, tổng hợp… cho đến kĩ năng lập kế hoạch chủ động cho học tập.
Không đi làm thêm như nhiều bạn sinh viên khác nhưng Hồ Thu Hà luôn tìm cách cọ xát và trải nghiệm những kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Hà đã có chuyến đi thực tế đáng nhớ tại trại giáo dưỡng trẻ em Ninh Bình vào năm thứ ba đại học. Suy nghĩ và cảm nhận của em về những trẻ em “lầm lạc” - như suy nghĩ của phần đông mọi người - hoàn toàn khác biệt. Hà nhận ra rằng mình có những tình cảm đặc biệt dành cho các em nhỏ ấy. Không ngỗ ngược, hư hỏng hay bất cần như trong suy nghĩ ban đầu, mà bạn chỉ thấy đó là những em nhỏ đáng thương, có những uẩn ức tâm lí rất cần được giúp đỡ. Đối với Hà, đây là kỉ niệm đáng quý với bản thân bởi chưa bao giờ bạn được trải nghiệm cảm giác thấu hiểu như thế.
Bạn chia sẻ: “Bài học lớn nhất mà em có được sau 4 năm học là cách nhìn con người như những cá nhân có giá trị riêng biệt cần được tôn trọng. Không nên dùng bất cứ chuẩn gì để đánh giá người khác, hãy học cách “chấp nhận” mỗi cá nhân ấy với những giá trị và tính cách của họ. Đó là điều hay nhất mà ngành Tâm lí học đã dạy em”.
Không nên dùng bất cứ chuẩn gì để đánh giá người khác, hãy học cách “chấp nhận” mỗi cá nhân ấy với những giá trị và tính cách của họ.
— Hồ Thu Hà, thủ khoa QH-2008-X
Hà cũng không ngần ngại chia sẻ mong ước được trở thành giảng viên ngành Tâm lí học để có cơ hội được tiếp tục đi sâu nghiên cứu về chuyên môn, có cơ hội trao đổi kiến thức với các thầy cô giáo và bạn bè đồng nghiệp. Bạn cũng mong muốn qua công việc này sẽ góp phần thay đổi những suy nghĩ sai lệch về ngành nghề này trong xã hội.
“Rất nhiều người nghĩ rằng học tâm lí ra chỉ để làm công việc chăm sóc, giúp đỡ trẻ em tự kỉ hoặc tư vấn những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Đó là suy nghĩ không đúng, kiến thức về tâm lí học sâu rộng hơn nhiều và tri thức về tâm lí học có thể áp dụng ở rất nhiều công việc khác nhau trong xã hội. Và quan trọng hơn, Tâm lí học giúp chúng ta thấy yêu con người” - Hà nêu quan điểm.
Ngoài việc học tập, Hồ Thu Hà có sở thích chụp ảnh thiên nhiên những lúc rảnh rỗi. Bạn giải thích: cùng một khung cảnh nhưng mỗi người lại chụp những bức ảnh khác nhau, chứa đựng suy nghĩ, tinh thần khác nhau và mang dấu ấn cá nhân rất rõ nét. Hơn nữa qua góc ảnh, từ những sự vật bình thường ta có thể làm cho nó đẹp lung linh hơn rất nhiều lần. Tôi thì lại nghĩ, có lẽ chính Tâm lí học đã không chỉ dạy bạn cách yêu con người với những giá trị riêng của họ, mà còn cho bạn tình yêu với cái đẹp và có cái nhìn nhân ái hơn đối với cuộc sống này.