Ngôn ngữ
Trong kì thi tuyển sinh đại học vào Trường ĐHKHXH&NV năm 2012, sự xê dịch số lượng hồ sơ của các khối thi vào các ngành đào tạo của Trường cho thấy những thay đổi về nhu cầu xã hội đối với các ngành này. PGS.TS Vũ Đức Nghiệu - Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh đại học chính quy năm 2012 của Trường ĐHKHXH&NV - cho biết một số thông tin cụ thể. - Xin thầy cho biết những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN? Năm nay có một số điểm mới. Đây là năm đầu tiên Trường tuyển thí sinh thi khối B cho ngành Tâm lí học. Riêng khối B này, năm nay có 133 hồ sơ trong số 789 hồ sơ đăng kí dự thi vào ngành Tâm lí học. Năm nay cũng là năm đầu tiên ngành Báo chí, ngành Ngôn ngữ học tuyển thí sinh thi khối A. Như vậy số ngành học có tuyển sinh khối A của Trường năm nay là 12 ngành. Năm ngoái có 10 ngành. - Năm nay, các điểm thi của Trường tổ chức ở những đâu ạ? Tại Hà Nội, Trường có 7 điểm thi, gồm 2 điểm thi tại Trường, 5 điểm thi tại các trường THPT của quận Thanh Xuân. Ngoài ra, còn điểm thi ở Hải Phòng có 290 thí sinh, điểm thi ở Vinh có 292 thí sinh và cụm thi ở Quy Nhơn có 11 thí sinh. Đã có 3.909 thí sinh dự thi môn Ngữ văn khối C trong buổi sáng ngày 9/7. - Được biết là mở thêm khối thi tuyển thì tương quan số lượng hồ sơ đăng kí giữa các khối thi năm nay sẽ có sự thay đổi. Vậy thầy có cho biết cụ thể được không ạ? Bức tranh tổng quan là: Khối A, năm 2011 có 330 hồ sơ dự thi, năm 2012 là 664 hồ sơ, tăng gấp đôi. Khối D, năm 2011 có 890 hồ sơ dự thi, năm 2012 có 1.919 hồ sơ, tăng hơn 115%. Khối C giảm nhẹ, hơn 3,3%: năm 2011 có 4.728 hồ sơ dự thi, năm nay có 4.579 hồ sơ. Tính toàn thể thì hồ sơ đăng kí dự thi vào Trường năm nay là 7.295, tăng trên 22,6% so với năm 2011.
- Xin thầy cho biết ngành nào của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN có vẻ thu hút thí sinh nhất ạ? Căn cứ thuần hình thức trên số hồ sơ dự thi, thì trong số 18 ngành tuyển sinh của Trường, năm nay và nhiều năm qua, những ngành được xã hội quan tâm nhiều hơn (cũng tức là thu hút nhiều thí sinh dự thi) có lượng thí sinh dự thi ổn định là Báo chí, Công tác xã hội, Đông phương học, Khoa học quản lí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quốc tế học, Tâm lí học. Ngành Việt Nam học mới mở cũng có số thí sinh đăng kí dự thi liên tục tăng trong mấy năm vừa rồi. - Thầy có nhận xét gì về sự thay đổi tương quan số lượng hồ sơ dự thi vào Trường giữa các khối thi không ạ? Ý bạn muốn nói liệu có phải vì ít nguồn tuyển sinh nên Trường phải tuyển sinh khối thi A, B, phải không? Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cho rằng: cơ hội được đào tạo về các ngành KHXH&NV phải là như nhau cho tất cả các học sinh PTTH, không phân biệt họ dự thi tuyển ở khối thi nào. Chủ trương điều chỉnh khối thi của Nhà trường là đáp ứng nhu cầu xã hội và mang lại sự công bằng cho thí sinh. Khi thực hiện, chúng tôi thấy số thí sinh các khối không phải là khối C, khối D ngày càng tăng lên. Điều này chứng tỏ nhu cầu và sự quan tâm của xã hội, của thí sinh đối với các ngành KHXH&NV; mà trước đây chúng ta chưa tính đến. Ví dụ như khối A, năm 2010, lần đầu tiên sau 10 năm quay lại tuyển, có 172 hồ sơ đăng kí dự thi, năm 2012 này có 664 hồ sơ. Còn hồ sơ dự thi khối D năm nay tăng hơn gấp hai lần.
- Có ý kiến cho rằng năm nay khối C “tuyệt chủng”, thầy có nhận xét gì về tình trạng này ở Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội ạ? À, nếu có ý kiến như thế, thì đấy cũng là một cách nhìn nhận, cách nói của người nói thôi. Năm nay, ở Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG Hà Nội, trong số 7.295 hồ sơ dự thi vào Trường năm nay, có 4.579 hồ sơ dự thi là khối C, chiếm 62,8%, còn lại là thí sinh thi khối A, B, D. Toàn ĐHQGHN có 3.521 thí sinh xin dự thi khối C. Hôm nay số đến thi đạt 73,4%. - Xin thầy cho biết, những ngành học ít thí sinh đăng kí dự thi, Trường sẽ có giải pháp như thế nào để thu hút sự quan tâm của xã hội? Trước hết, phải nói rằng Trường không chỉ quan tâm đến những ngành học có ít thí sinh dự thi mà phải quan tâm tới tất cả mọi ngành Trường sẽ luôn rà soát để đưa ra định hướng về khối thi tuyển sinh dựa trên lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của ĐHQGHN, mở rộng cơ hội dự thi cho thí sinh và cơ hội tuyển chọn thí sinh cho Nhà trường. Trong quá trình đó, Trường tiếp tục cố gắng làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, cung cấp thông tin rõ ràng về ngành học, về chuẩn đầu ra sinh viên đạt được khi ra trường, giới thiệu các cơ hội nghề nghiệp của các ngành học trên Internet, tư vấn giải đáp trực tuyến các câu hỏi của thí sinh hàng tuần trên website của Trường… Về lâu dài, công tác tư vấn tuyển sinh sẽ hướng tới cả những đối tượng học sinh lớp 10,11, các em học sinh các trường THPT năng khiếu, trường chuyên, các trường THPT có chất lượng đào tạo tốt để các em có nhiều thông tin hơn về cơ hội được đào tạo và việc làm với các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
- Vẫn có những phụ huynh và sinh viên ngại rằng việc theo học các ngành KHXH&NV sẽ không “thời thượng” và triển vọng nghề nghiệp không cao, thầy có vui lòng chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này không ạ? Tôi nghĩ, cơ hội việc làm đối với ngành học nào cũng có thể có kém đi và ngành nào cũng có thể tốt lên. Điều này phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và rất nhiều vấn đề khác. Việc làm, nghề nghiệp, ngành đào tạo, … không phải là những thứ luôn luôn đồng hành và đồng nhất với nhau, cho nên chúng ta đừng lẫn cái nọ với cái kia. Trong bất kì điều kiện nào, những vấn đề, những yêu cầu liên quan đến sự phát triển của con người và xã hội cũng đều đòi hỏi phải có các nguồn nhân lực của các ngành KHXH&NV để giải quyết. Đó là lĩnh vực nghề nghiệp rất rộng cho KHXH&NV. Vì chưa chuẩn bị nên tôi không có số liệu cụ thể để nói với bạn như một phân tích thật nghiêm túc bây giờ. Phân tích về điều này phải có những dữ liệu cụ thể, không ngẫu hứng và tuỳ tiện được; đúng không? - Xin cảm ơn phó giáo sư.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn