Ngôn ngữ
Buổi chiều 9/7, 3.892 thí sinh đã đến làm bài thi môn Lịch sử. Tại điểm thi nhà AB, BC và điểm thi nhà G của Hội đồng tuyển sinh đại học Trường ĐHKHXH&NV, phóng viên chứng kiến rất nhiều thí sinh ra về sớm trước khi hết thời gian làm bài thi. Các thí sinh khi được hỏi đều đánh giá đề thi ra rõ ràng, dễ hiểu, có nhiều kiến thức cơ bản, song lại có nhiều thí sinh không làm được hết bài. Trong số 4 câu hỏi của đề thi, câu thứ nhất và câu thứ ba được đánh giá là không khó bởi câu hỏi rõ ràng và hỏi về những kiến thức cơ bản trong chương trình học. Nhưng câu thứ 2 và câu thứ 4 là hai câu hỏi gây khó khăn và lúng túng nhiều nhất cho thí sinh. Thí sinh Nguyễn Thanh Tuấn (thi ngành Luật) nhận xét: năm nay đề thi dễ hơn năm ngoái ở chỗ các câu hỏi về lịch sử Việt Nam dễ hiểu, rõ ràng chứ không hỏi xoáy theo kiểu đánh đố. Riêng câu 4 hỏi về lịch sử thế giới thì em hơi bất ngờ vì từ năm 2006 đến nay, phần câu hỏi riêng thường theo nguyên tắc: năm nay hỏi về sử Việt Nam thì năm sau hỏi về sử thế giới. Mà năm trước, phần riêng đã hỏi về sử thế giới rồi nên năm nay em và nhiều bạn không nghĩ đề thi tiếp tục hỏi về sử thế giới nữa. Riêng câu hỏi về phân kì các giai đoạn lịch sử, em chia làm 6 giai đoạn: 1919-1929; 1930-1931; 1936-1939; 1939-1945; 1945-1954; 1954-1975. Thí sinh Nguyễn Thị Thu (thi ngành Đông phương học) thì nói: Đề thi ra đúng trọng tâm học và ôn thi nhưng do không ôn kĩ lắm nên em không làm được câu hỏi về phần lịch sử thế giới.
Thí sinh Nguyễn Văn Tuấn (thi ngành Xã hội học) cũng thừa nhận chỉ làm được 50% bài, dù câu hỏi toàn là kiến thức cơ bản nhưng nội dung quá rộng nên bạn không thể ôn hết được. Riêng về câu 2, thí sinh Tuấn chia sẻ: “Đây là câu rất khó, không có trong đề cương ôn thi. Em chưa từng gặp dạng câu hỏi này bao giờ cả và em không hiểu đề yêu cầu chia giai đoạn theo các tiêu chí nào. Câu hỏi về chính sách đối ngoại Nhật Bản thì không trúng 'tủ' của em vì trọng tâm của lịch sử thế giới em chỉ học phần kinh tế của các nước châu Âu”. Cũng cùng suy nghĩ trên, thí sinh Ngọ Thị Thu Thảo (thi ngành Việt Nam học) cho rằng đề thi bao quát các nội dung kiến thức cơ bản nhưng hơi dài. Riêng câu 2 là khó nhất, bao quát nhất vì yêu cầu khát quát lịch sử cách mạng Việt Nam thành từng giai đoạn. Các câu khác thì chỉ tập trung vào một nội dung cụ thể trong một bài và chỉ yêu cầu trình bày thôi nên đơn giản hơn. So sánh với các đề thi năm trước, thí sinh Phạm Quang Tuấn (thi ngành Báo chí và Truyền thông) nói: Đề thi Lịch sử khó hơn các năm trước ở yêu cầu phân chia các thời kì lịch sử. Cách ra đề làm em không hiểu lắm, em không xác định được là đề hỏi về nội dung chiến dịch Điện Biên Phủ hay là thế nào. Cuối cùng, em trình bày diễn biến của chiến dịch. Này. Về phân kì, em chia trên 10 giai đoạn, theo như sách giáo khoa như: 1919-1925; 1925-1930; 1930-1945; 1954-1975... Riêng câu hỏi về chính sách đối ngoại của Nhật Bản, theo Phạm Quang Tuấn, ít thí sinh nghĩ đến bởi trọng tâm mà các thầy cô giáo ôn thi ở phần lịch sử thế giới là Liên Xô và Mĩ.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn