Mùa hè năm 1965 đến sớm. Lớp Ngữ văn khoá 6 chúng tôi ra trường trong tiếng còi báo động và tiếng pháo cao xạ rền nổ. Mới bốn năm trước, một ngày thu nắng vàng rực rỡ, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ở giảng đường lớn phố Lê Thánh Tông trong không khí ngày hội với bao mơ ước của những ngày thái bình. Bây giờ tất cả, đều xa tít tắp. Năm trước hai phần ba lớp đã tốt nghiệp sớm để ra mặt trận vào các công việc thời chiến. Lớp chúng tôi còn lại 12 người, trong đó có các bạn Diệp Minh Tuyền, Lữ Huy Nguyên, Hữu Nhuận, Hoàng Lại Giang, Mã Giang Lân, Nguyễn Trọng Định… và tôi.
Một chiều mưa tháng 6, chúng tôi bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp. Kí túc xá Mễ Trì hoang vắng. Thầy hiệu trưởng Nguỵ Như Kon Tum đã đi xe Jeep xuống tận nơi động viên chúng tôi. Sau buổi bảo vệ, tôi và Định ngồi ở bậc thềm lặng lẽ chia sẻ với nhau tâm sự của buổi vào đời. Hai tháng trước, Định được thông báo sẽ nhận một công việc đặc biệt, chúng tôi đoán là vào miền Nam làm phóng viên mặt trận. Tôi và Định về quê Định bên kia sống Hồng, một làng có hoa gạo đỏ ối và bãi ngô xanh rờn. Định về quê chia tay người bà nội đã ngoài 80 tuổi, nhưng sau đó mọi việc đã tạm ngừng và chúng tôi lại chờ đợi.
Đầu tháng 7 năm ấy, các sinh viên khoa Ngữ Văn tốt nghiệp cùng các thầy giáo trong khoa đi thực tế ở tuyến lửa Khu IV. Chúng tôi lên đường vào một chiều hè oi ả. Nhóm chúng tôi có Nguyễn Trọng Định, Lữ Huy Nguyên, Mã Giang Lân và tôi. Chúng tôi không có xe đạp nên lập thành nhóm đi bộ. Nhóm đi trước bằng xe đạp có Hữu Nhuận, Hoàng Lại Giang… Đến Ninh Bình vào ban đêm đúng vào trận oanh kích máy bay của Mĩ. Bom bi nổ liên hồi, pháo sang đỏ trời, cầu đã sập, chúng tôi vượt sông bằng thuyền nan rồi đi bộ 60 ki-lô-mét, ngủ lại trong rừng cà phê chỉ một lúc, Nguyễn Trọng Định đi rất giỏi, tôi và Mã Giang Lân nhiều lúc tụt lại đằng sau. Qua cầu Hàm Rồng lại một trận bom. Chúng tôi vào nhà Mã Giang Lân ở Nam Ngạn vào lúc hửng sáng. Ngày đầu tiên ở thị xã Thanh Hoá, chúng tôi gặp các thầy giáo và được phân công về đội của anh Nguyễn Kim Đính và anh Đỗ Hồng Chung. Trong đoàn còn có anh Nguyễn Văn Khoả, anh Chu Xuân Diên, chị Hồng Sâm và bạn Lê Huy Anh khoá 7. Ngay sang hôm đó, may bay Mĩ đánh phá thị xã Thanh Hoá hết sức dữ dội. Chúng tôi nằm cách chỗ bom rơi chỉ khoảng mấy trăm mét. Nguyễn Trọng Định vẫn thản nhiên hút thuốc lá và bảo tôi: “Chắc gì bom đã rơi trúng”. Chúng tôi được lệnh quay trở lại cầu Đò Lèn đang là trọng điểm đánh phá của máy bay Mĩ. Quá nửa đêm hôm sau chúng tôi tới Đò Lèn. Cầu gãy đã được nối lại cho nên máy bay Mĩ đánh rất ác liệt. Đêm mưa, chúng tôi nằm dưới gầm xe tải, thầy Đính, thày Khoả và Định đi liên hệ với địa phương. Ở một vùng chết chi chít hố bom mà vẫn có phở xào và nước vối. Có lẽ về sau này bài thơ “Nước vối quê hương” của Nguyễn Trọng Định cũng bắt nguồn từ cảm xúc đêm mưa ấy.
Chúng tôi chốt lại ở xã Hà Ngọc mười ngày. Suốt đêm máy bay Mĩ gầm rú. Nắm vững cá tính của từng người, anh Nguyễn Kim Đính giao cho tôi trách nhiệm tập hợp tư liệu và viết sơ thảo về lịch sử làng xã kháng chiến này. Nhưng để cho dân dễ hiểu, dễ nhớ, anh Đính và anh Chung quyết định phải đồng thời diễn giải lịch sử vùng quê này bằng thơ. Anh đã chọn Định làm cái công việc hứng thú và cũng vất vả này. Thế là hình thành một “công nghệ” với hai “công đoạn”. Tôi thì viết văn xuôi rồi chuyển ngay cho Định để viết thành thơ.
Là người rất thông minh và giàu cảm xúc, Định hiểu ngay cái hồn của những dòng tôi viết. Tôi nhớ mãi đọn viết về hình thể và địa dư của xã Hà Ngọc. Cả một trang của tôi, trong mười phút, Định đã viết nên khổ thơ mở đầu rất có duyên:
Hà Ngọc ơi quê hương anh dũng,
Núi hai bên sừng sững thành cao
Sông xanh một dải rì rào
Thuyền đi xuôi ngược nơi nào đẹp hơn?
Cứ như vậy, cuốn sơ thảo lịch sử của xã được Định chuyển thành 400 câu thơ giàu hình tượng và sâu sắc về nghệ thuật. Các anh trong đoàn đều là những người am hiểu về thơ ca đã hết sức khen ngợi Định. Tôi nhớ một đêm đồng bào tụ tập rất đông, dưới ánh đèn dầu lờ mờ, anh Nguyễn Kim Đính thay mặt Đoàn đã đọc lịch sử vùng quê này bằng cả văn xuôi và thơ tới quá nửa đêm làm cho mọi người hết sức xúc động không ai muốn về.
Mùa thu năm ấy, chúng tôi cảm thấy như dài vô tận. Ở tuyến lửa trở về, những buổi chiều yên ả không có tiến sung, chúng tôi thường tụ tập ở nhà anh Xuân Diệu. Nguyễn Trọng Định, Hữu Nhuận và các bạn bàn luận với nhau về thơ, về báo, về các đề tài chiến tranh. Nguyễn Trọng Định bắt đầu tập hợp các sáng tác từ tuổi 17. Lúc đó bản phác thảo bài
Nước vối quê hương cũng đã hình thành nhưng khác với bản chính sau này. Tôi nhớ câu mở đầu:
Một đêm rừng già đi trong mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi hớp từng giọt nhỏ.
Sau này tôi rất bực mình vì mình trong một lần in thơ Nguyễn Trọng Định, một người biên tập nào đó đã bỏ câu giữa làm hỏng cả cái hồn của một đoạn thơ hay.
Thế rồi chúng tôi bước vào đời! Định trở thành phóng viên chiến trường của báo Nhân Dân, Hữu Nhuận về Tuần báo Văn nghệ, Lữ Huy Nguyên, Hoàng Lại Giang về nhà xuất bản Văn hoá… Mã Giang Lân và tôi ở lại trường trở thành thầy giáo đại học.
Ngày 10/10/1965 kỉ niệm ngày giải phóng Thủ đô. Định lặng lẽ tiễn tôi theo Khoa Ngữ văn trở lại núi rừng sơ tán. Trong những năm tháng tôi xa nhà, Định ở lại căn phòng bé nhỏ của tôi trong một ngõ vắng. Định làm thơ liên tục trong những ngày tháng là phóng viên thường trú ở Hà Bắc. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi rất vội nhưng thay cho những cuộc “trà dư, tửu hậu”, Định thường đọc cho tôi những bài thơ mới. Bản thảo hoàn chỉnh của bài Nước vối quê hương, tôi được Định cho xem bản cuối vào năm 1967.
Mùa xuân năm Mậu Thìn, Định nhắn tôi về Hà Nội để chia tay trước lúc đi xa. Tôi không về kịp. Buổi chia tay ở căn phòng nhỏ của tôi được Hữu Nhuận ghi lại trong một cuộn băng cối trên cái máy ghi âm già nua của anh Xuân Diệu. Nụ cười vẫn hồn nhiên, vẫn những lời chia tay và nhắn nhủ bạn bè như năm nào, nhưng không ai nghĩ rằng đó là lần mà mãi mãi Định đi xa. Cuối thu năm 1968, Định đã nằm xuống bên bờ sông Thu Bồn với tư cách là một phóng viên chiến tranh ở mặt trận Đà Nẵng. Người thay mặt chúng tôi tiễn đưa Định sau này từ chiến trường trở về kể cho chúng tôi nghe là một sinh viên Khoa Văn – Anh Trần Mai Hạnh, nay là người phụ trách tờ báo Tuần tin tức.
Mỗi lần nhớ tới Nguyễn Trọng Định, riêng tôi vẫn hình dung anh qua bài thơ “Nước vối quê hương”. Trên bàn làm việc của tôi trong nhiều năm có tấm gỗ chặn giấy vẽ hình Puskin và câu thơ: “Và người đời nhớ mãi tên ta”. Đó là một vật kỉ niệm của Định về năm học cuối cùng. Sau này, ở mọi nơi, kể cả trong những chuyến đi xa, nhớ về bè bạn, bao giờ Nước vối quê hương cũng là một giọt nước thấm mãi trong lòng tôi, kí ức về một nhà báo – một người chiến sĩ - một người làm thơ – một người bạn trung thực – hồn hậu.