Ngôn ngữ
- Đã kinh qua một số năm làm quản lí tại Khoa Tiếng Việt (nay là Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt), xin giáo sư cho biết những ấn tượng về giai đoạn này?
GS.TS Đinh Văn Đức: Cảm ơn nhà báo. Khoa VNH&TV có lịch sử tới 57 năm kể cả thời kì “tiền khoa”. Khoa đã có nhiều thế hệ lãnh đạo, lâu nhất là GS Hoàng Trọng Phiến làm Chủ nhiệm Khoa trong 10 năm. Tôi thì chỉ tham gia quản lí Khoa trong 5 năm thôi (1985-1990) nhưng ấn tượng và cảm xúc về Khoa thì rất nhiều, cả về con người, về công việc và tình cảm đồng nghiệp.
Tôi về Khoa năm 1985 là thời kì vô cùng khó khăn. Về đối nội thì vào cuối thời bao cấp, kinh tế khủng hoảng, lạm phát 700% sau vụ đổi tiền, sinh hoạt của Khoa cũng như ở nhà cái gì cũng thiếu thốn xơ xác. Đối ngoại thì các thế lực thù địch bao vây cấm vận, chia rẽ ta tứ phía trên tất cả các phương diện. Sinh viên quốc tế đến học ở Khoa rất ít. Công việc của tôi thuở ấy là tập trung lo chuyện CK (dạy tiếng Việt ở Campuchia) chứ chưa phải hội nhập như giai đoạn sau này. Tôi đã có bài viết: “Nỗi niềm CK một thời, một thuở” để nhớ về những ngày gian khổ.
Tuy vậy, theo lời Bác Hồ đã nói: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải phấn đấu dạy tốt, học tốt”, các thầy cô trong Khoa, già cũng như trẻ không quản đói kém bần hàn vẫn gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nước và ngoài biên ải. Thật là một thời đáng nhớ và đầy cảm xúc. Sau này không bao giờ còn có khung cảnh như thế trong lịch sử của Khoa. Tôi tự hào và cảm ơn Nhà trường, Khoa đã có dịp cho phép tôi tham gia gánh vác những sự tình đáng nhớ ấy.
- Giáo sư nhận xét như thế nào về những thành tựu mà Khoa VNH&TV đã đạt được?
GS.TS Đinh Văn Đức: Muốn đánh giá thành tựu của Khoa, tôi thiết nghĩ phải căn cứ vào nhiệm vụ, trách nhiệm lâu dài, trong từng giai đoạn cụ thể và phải đặt vào bối cảnh lịch sử của từng lúc cũng như tương quan với các khoa khác trong Trường. Vượt lên trên tất cả mọi khó khăn lúc thịnh thời cũng như khi vất vả, anh chị em cán bộ, giảng viên suốt mấy thế hệ đã mang hết nhiệt tình, niềm say mê và trí tuệ để phụng sự cho công việc theo đúng như câu của đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân”. Nhờ đó, những gì Khoa đạt được, tuy chưa thật là ngoạn mục nhưng phải nói là rất tốt đẹp. Tiếng Việt và Việt Nam học là công việc mang Việt Nam đến với thế giới, giúp cho việc giao lưu hòa nhập của chúng ta khởi sắc. Nhìn lại bước đường đi hôm nay so với mấy chục năm trước thì Khoa đã đi được một chặng đường dài. Mục tiêu rõ ràng hơn, nguồn lực cán bộ tốt hơn, cơ sở vật chất tốt hơn, thông tin nhiều hơn,…
- Trong bước đường phát triển sắp tới của Khoa, giáo sư có suy nghĩ và cảm nhận gì?
GS.TS Đinh Văn Đức: “Cờ ngoài, bài trong mà”. Nay cương vị của tôi là cờ ngoài, như một người qua đường ghé vào xem ván cờ nên không thể biết rõ hơn người cầm quân cờ. Tuy nhiên, “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, tôi rời Khoa đã gần 30 năm nhưng tình cảm với Khoa vẫn trọn vẹn, vẫn luôn có các cuộc đàm đạo với anh chị em ta về trách nhiệm người thầy dạy Tiếng Việt & Việt Nam học. Theo tôi, phải lấy tư duy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là căn bản. Như đã nói, Khoa không được xa rời mục tiêu, phải luôn chăm sóc bổ sung nguồn lực cán bộ, giữ vững tâm thế đầu ngành trong các hoạt động. Phải tăng tính chuyên nghiệp trong mọi nghiệp vụ giảng dạy và nghiên cứu. Khoa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác NCKH bởi một nhà Việt Nam học giỏi không chỉ là một người dạy tốt mà còn phải nghiên cứu tốt, có sản phẩm chất lượng. Đó cũng là sứ mệnh cụ thể nằm trong sứ mệnh của một trường đại hoc.
Nói thì nhiều lắm, tôi chỉ xin phác ra vài ý nhỏ như vậy thôi. Nhân dịp này xin chúc Khoa, các cô, các thầy và anh chị em cán bộ, sinh viên luôn thành công trong chặng đường phát triển mới.
- Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện và mong rằng giáo sư sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển và thành công của Khoa trong thời gian tới!
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn