Ngôn ngữ
Tôi biết giáo sư Đỗ Đức Hiểu có phần hơi muộn, phải đến đầu những năm 70 của thế kỉ trước, nhưng có may mắn được gần gũi, học, làm việc, chia sẻ tâm sự, và nhờ thế mà hiểu được ít nhiều về ông. Quả thật không khó có thể hình dung lại ông ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, và cả phút cuối cùng phải vĩnh viễn xa ông. Ở Khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, ông là người “đầy cá tính”. Gần như tất cả các thế hệ đồng nghiệp và học trò của ông đều dễ dàng hình dung ra một Đỗ Đức Hiểu thế này: gầy gò, xanh xao, đôi khi có cảm giác “thiếu sức sống”, ngồi gần nói chuyện với ai thì chỉ “thẽ thọt”, nhẹ nhàng, nhưng khi giảng bài thì giọng ông âm vang như sóng biển ngày lộng gió (ngồi ở phía cuối lớp vẫn có thể nghe được hết từng âm thanh rành rọt). Sức làm việc của giáo sư Đỗ Đức Hiểu thì thật sự phi thường. Thật khó ai có thể hình dung nổi, một người bị cắt tới hai phần ba dạ dày ngay từ tuổi thanh niên, hình hài chẳng khác nào một cây sậy, vậy mà vẫn đạp xe đều đặn, dù mưa hay nắng vẫn không hề sai giờ, từ 26 phố Hàng Bài vào kí túc xá Mễ Trì, nơi đóng đô của hai khoa Văn, Sử những năm 70, khi còn là phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn; đêm về, lại “còng lưng” xuống những trang sách (do mắt kém, phải đeo kính cận trên 5 điôp), để cho ra đời hàng ngàn trang viết mơ mộng và sáng tạo cho nhiều thế hệ học trò. Những năm cuối đời do bệnh tật, giữa những cơn đau, tôi biết, giáo sư Đỗ Đức Hiểu vẫn đọc, làm việc, mặc dù, dường như đã đến lúc sức khoẻ không cho phép ông còn đủ minh mẫn để viết ra những ý tưởng sáng tạo của mình.
Đúng ra, nếu không có sự biến thiên của cuộc đời, cứ theo vào sự lựa chọn ban đầu, lẽ ra Đỗ Đức Hiểu phải trở thành một luật sư, hay nếu khác hơn một chút, ông đã là một công chức hành nghề luật. Đỗ tú tài năm 1943, ông vào học ban luật, cùng thế hệ với nhà văn Nguyễn Đình Thi, lúc đó học triết. Khá lâu sau này, cả hai, cuối cùng, cũng sẽ lựa chọn con đường văn chương, một bên, Đỗ Đức Hiểu, chọn giảng dạy và nghiên cứu; và bên kia, Nguyễn Đình Thi, chọn sáng tác. Cả hai đều giống nhau là không đi đến tận cùng sự lựa chọn ban đầu của mình. Kháng chiến bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, hai ông rời Trường Pháp lên chiến khu. Với Nguyễn Đình Thi, hình như một chút “máu nghề nghiệp” ban đầu vẫn còn theo đuổi ông cho đến tận những ngày đầu tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông đã viết khá nhiều công trình nghiên cứu triết học in trên một số báo, tạp chí lúc bấy giờ; còn Đỗ Đức Hiểu, hình như, sự lựa chọn ban đầu muốn trở thành luật sư, hay chí ít cũng là một công chức dính líu với luật, thế nhưng cuối cùng, ông không để lại bất cứ dấu vết nào. Ông giống nhà hài kịch Pháp thế kỉ XVII, Molière, người mà ông giành rất nhiều tâm huyết trong bộ giáo trình Lịch sử văn học Pháp, cũng từ bỏ lựa chọn ban đầu là nghềtrạng sư, để dấn thân vào con đường nghệ thuật. Với Đỗ Đức Hiểu, một chút dấu vết nghề nghiệp ban đầu có chăng chỉ còn được bộc lộ phần nào qua cách ông trình bày hay diễn thuyết một vấn đề gì mà ông cho là tâm đắc; hay khi phải bộc lộ chính kiến phản bác một vấn đề gì mà ông không bằng lòng. Lúc đó, những lí lẽ của ông thật vô cùng sắc bén. Có lẽ, tất cả còn lại chỉ là như thế. Còn thì, văn chương dường như đã là một sự “lựa chọn định mệnh” với ông. Chính xác, từ ngay sau năm 1945, nghĩa là ngay sau khi rời giảng đường Luật, 19 Lê Thánh Tông, cho đến tận những ngày cuối đời, ông chỉ “đau đáu” với duy nhất với một con đường định sẵn – văn chương – khi là một nhà giáo gõ đầu trẻ ở Trường phổ thông trung học Phú Thọ; rồi Trường Lương Ngọc Quyến Thái Nguyên, lúc là giáo sư ở Khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội; và có khi trong công việc một giáo sư Tây học với đúng nghĩa, dạy tiếng Pháp tận bên Nam Kinh, Trung Quốc; và lúc khác nữa, là công chức ban Tu thư của Bộ Giáo dục Đào tạo, tổ chức biên soạn sách giáo khoa phổ thông. Dù “viễn du” trong nhiều lĩnh vực khác nhau đến như thế, tất cả mọi công việc của ông vẫn đều gắn bó “duyên nợ” với văn chương. Có lẽ vì thế về sau này, ta sẽ thấy một Đỗ Đức Hiểu luôn “quảng bác” trong sự nghiệp văn học của mình. Thật rất khó có thể xếp ông chỉ riêng vào một lĩnh vực chật hẹp nào đó. Chẳng hạn, nếu cho rằng ông là một chuyên gia có hạng về văn học phương Tây. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, bên cạnh những trang viết sắc sảo về mảng văn học này, ta còn bắt gặp không ít những trang viết tinh tế, sâu sắc của ông về văn học Việt Nam; thậm chí nhiều người cho rằng, ông phải là một chuyên gia về văn học Việt Nam mới đúng. Đành là như vậy, đã có thời kì, từ 1955 đến 1958, ông tham gia viết sách giáo khoa tại Ban Tu thư, Bộ giáo dục đào tạo, đồng thời cũng là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn, những nhà Tây học và Việt Nam học cự phách một thời, gồm Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn dịch Những người khốn khổ, trong một thứ tiếng Việt thấm đẫm tinh thần Hugo, mà cũng rất Việt Nam. Còn nữa, đọc những trang viết của Đỗ Đức Hiểu, có lúc, người ta nhận ra trong đó kiến thức của một bậc hàn lâm, bởi lẽ, từ cách đặt vấn đề, lí giải vấn đề đến dẫn giải tư liệu, phân tích văn bản, ông không khác gì một giáo sư Pháp học thực sự; lại có khi, ông viết những trang văn trong trẻo, réo rắt như một “cậu học trò” phổ thông. Và thật khó “định giá” phẩm chất nào ưu thế hơn phẩm chất nào (?). Nhà giáo, người đồng nghiệp gần gũi và hiểu ông nhất trong nhiều năm, nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm, trong một bài viết ngắn sau khi ông qua đời, đã có một nhận xét rất chính xác rằng, ở ông “có lắm chất hugolien, rõ nhất là những tương phản: nhà Tây học và ông đồ, rụt rè và can đảm, tuổi già và suy nghĩ trẻ trung…”. Quả là phải rất hiểu ông mới rút ra được nhận xét tinh tế đó. Và đó chưa phải đã hết, tôi cho rằng, điều quan trọng hơn, cần phải làm rõ phẩm chất con người và công việc của ông như thế này: chính nhờ ở những đối nghịch, mà ông đồng thời cũng luôn là người không ngừng mơ mộng. Mơ mộng và sáng tạo là hai mặt thống nhất trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Soi sáng toàn bộ sự nghiệp của Đỗ Đức Hiểu, chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn điều đó.
Có thể khẳng định, Đỗ Đức Hiểu bắt đầu đến với văn chương bằng sự say mê và trải nghiệm từ nền văn học dân tộc, văn học Việt Nam. Những năm cuối đời, trong tâm sự với nhà phê bình Trung Đức, ông viết: sau khi đã “viễn du” sang “tận trời Tây” lang thang bên Trường Giang, bên sông Tiền Đường, ngồi bên Tây Hồ, Tô Châu, Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải (thời gian sang Đại học Tổng hợp Nam Kinh, dạy tiếng Pháp). Có khi tôi lang thang bên bờ sông Seine, trong vườn Luxembourg, ngồi ở ghế dưới tượng George Sand, có khi ngắm nhìn Mona Lisa ở Louvre, Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, Điện Panthéon (thời kì sang trường Đại học Paris VII, nghiên cứu phương pháp viết lịch sử văn học Pháp)…”, ông lại trở về với mình, với những gì thân quen trong vườn văn chương dân tộc, để viết những điều tâm đắc thứ văn chương tiếng Việt thân yêu nhất của mình. Với văn học Việt Nam, thực ra, ông đã say mê và gắn bó với nó từ bé. Say mê văn học Pháp, nhưng Đỗ Đức Hiểu không bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nền văn chương này. Có lẽ, điều đó hoàn toàn dễ hiểu: ông không được đào tạo thật sự chính quy. Ban đầu ông vốn là sinh viên luật. Mặc dù sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu văn học Pháp, gắn bó với ông gần năm chục năm trời (thành tựu quan trọng của ông cũng là ở mảng văn học này), nhưng phải đến năm 1958, khi rời Ban Tu thư về Khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp, vốn liếng về văn học Pháp, như ông nói, là do “tự đào tạo”. Trong khi đó, vốn kiến thức về văn học Việt Nam, ông đã tích luỹ nó từ rất lâu. Sinh ra trong một gia đình trí thức, yêu nghề dạy học, ông đã được người cha động viên và khích lệ rất nhiều. Từ tận đáy sâu tâm hồn mình, ông nhớ lại, tôi “ca hát” Ba năm trấn thủ lưu đồn…” Nàng Tô thị, Thiếu phụ Nam Xương, Mày ai trăng mới in ngần, Phấn thu hương cũ bội phần xót xa…”. Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh, một đồng nghiệp khác cũng rất gần gũi và hiểu bậc “đàn anh” của mình, đã kể lại, lần đầu tiên gặp và dự giờ giảng của giáo sư Đỗ Đức Hiểu tại trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên, như sau: “Khi vừa chân ướt chân ráo về trường, tôi đã được dự một giờ dạy văn của anh Đỗ Đức Hiểu. Sau này, tôi sẽ cùng ở tổ bộ môn với anh nhiều năm, nhưng năm tháng trôi qua, từ lần gặp đầu tiên cho đến mấy chục năm sau, lúc anh ra đi, về diện mạo và tính cách, tôi thấy, hầu như anh không hề thay đổi. Năm anh khoảng 75 tuổi, một cậu học sinh trường Tổng hợp gặp lại thầy, sau nhiều năm đã tuyên bố: “Thầy vẫn trẻ như xưa, bởi từ xưa thầy đã già”. Có thể nói về anh bằng cách mượn câu thơ Tổ Hữu đã miêu tả một cô gái anh hùng nổi tiếng (anh “có tuổi hay không có tuổi”). Vào lớp cùng đồng nghiệp, ngồi xuống bàn cuối, tôi thấy một người đàn ông cao và gày nhom, mắt hay ngước lên trời, vẻ đầy cảm hứng. Nhưng khi anh bắt đầu giảng bằng cái giọng the thé (nhất là khi anh bốc lên) – điều đáng ngạc nhiên là giọng đó và vẻ đó không có gì nực cười – cả lớp im phăng phắc….” (Cô bé nhìn mưa, NXB Phụ nữ, 2008).
Là một bậc “hàn lâm”, nhưng Đỗ Đức Hiểu luôn biết tôn trọng người đọc khi mang đến cho họ những tri thức, kiến giải à laportée de tous (trong tầm tay của tất cả mọi người). Với ông, tất cả những gì khi được viết ra trên trang giấy, đều phải rõ ràng, minh mạch, dễ hiểu. Đó là sự bền bỉ, rèn rũa và nỗi day dứt, băn khoăn trong suốt hơn năm mươi năm cầm bút của một người dạy học. Một đồng nghiệp khác cũng rất gần gũi và hiểu biết ông trong nhiều năm, cộng tác làm việc với ông trong không ít công trình, nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm, từng kể lại một câu chuyện nhỏ rằng “Có lần, trước một bài viết rối rắm, trong khi nhiều người “sổ toẹt” không nề hà, anh (Đỗ Đức Hiểu – TH) nhũn nhặn, đắn đo: cậu ấy nói gì ấy nhỉ, tôi đọc bốn lần vẫn chưa hiểu ra”. Ấy là một cách phản ứng “lịch thiệp” của Đỗ Đức Hiểu trước lối nghiên cứu văn chương “tắc tị, khoe chữ”, loè người đọc. Đỗ Đức Hiểu không bao giờ lấy thế “bề trên”, “thâm niên” hay “cây đa, cây đề” để trùm lên che khuất những cây con phía dưới. Trong lĩnh vực dịch thuật, Đỗ Đức Hiểu để lại không ít những bản dịch về các nhà văn người ta vẫn thường hay quen gọi là “classique” (thường được giảng dạy trong nhà trường). Nhà giáo nhân dân Lê Hồng Sâm viết: “Những đóng góp lớn trong lĩnh vực dịch thuật – cũng như lĩnh vực phê bình – của một nhà giáo yêu nghề đến như vậy, theo tôi, trước hết nhằm mục đích đào tạo. Không kể những truyện nổi tiếng dành cho thiếu nhi, các tác phẩm anh dịch thuộc một số tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học Pháp: Tartuffe, Anh ghét đời, Lão hà tiện của Molière (thế kỉ XVII), Paul và Virginie của Bernadin de Saint – Pierre (thế kỉ XVIII), kịch Marion Delorme và tiểu thuyết Những nguời khốn khổ (dịch chung) của V.Hugo (thế kỉ XIX)…Trong bộ Tuyển tác phẩm văn học Pháp song ngữ, do anh và tôi đồng phụ trách, anh chủ biên và dịch phần lớn tập II (thế kỉ XVII). Anh đã dịch những trang cuối cùng của đời mình vào dịp kỉ niệm 200 năm sinh Balzac, đó là Lời nói đầu bộ Tấn trò đời”.
Trong gần nửa thế kỉ làm nghề dạy học, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, GS.NGƯT Đỗ Đức Hiểu đã để lại hàng ngàn trang viết, gồm giáo trình, nghiên cứu lí thuyết, dịch thuật và một tấm gương lao động hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Mười năm cuối cuộc đời (khoảng từ 1992 đến 2002), khi tự biết sức khoẻ không còn nhiều, ông đã dành tâm huyết viết ba công trình về đổi mới cách đọc văn chương. Biết quỹ thời gian của mình còn rất ngắn, Đỗ Đức Hiểu phải giành giật lấy nó để mơ mộng và sáng tạo. Ba tập sách cuối Đổi mới phê bình văn học (1993), Đổi mới đọc và bình văn(1999), Thi pháp hiện đại (2000), ra đời khi thế kỉ XX vừa khép lại. Mười năm sau ngày ông qua đời, những bài viết mơ mộng và sáng tạo nhất của giáo sư Đỗ Đức Hiểu trong ba công trình trên đã được người học trò của ông – nhà giáo Trần Hinh – biên soạn và giới thiệu dưới cái tên Thi pháp hiện đại – Một số vấn đề lí luận và ứng dụng (NXB Giáo dục, 2012, 700 trang). Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã có những nhận xét tinh tế về ông như sau: “Những trang viết của ông in dấu những run rẩy, vừa quả quyết, vừa ngỡ ngàng của một nhà nghiên cứu đang muốn nghĩ về cái mới”.
Chấp nhận một cuộc sống đạm bạc cho đến tận cuối đời, GS.NGƯT Đỗ Đức Hiểu không bao giờ thôi suy nghĩ: sống có nghĩa là phải biết mơ mộng và sáng tạo. Trong công việc chuyên môn của mình, nhất là trong nghiên cứu và giảng dạy, nỗi lo sợ nhất của ông là không “hiện đại hoá” được bản thân mình. Rồi còn cả nỗi lo biến mình thành một bản sao của người khác, hoặc nữa “biến người khác” (thế hệ học trò) thành bản sao của mình. Sự mơ mộng sáng tạo không cho phép người ta mắc phải sai lầm đó. Đó là lời căn dặn của một người thầy tôi không bao giờ quên.
Là thế hệ hậu sinh thua kém rất nhiều bậc tiền bối của mình, không dám chủ quan cho rằng đã hiểu hết về ông – con người với bề sâu tâm hồn và tri thức thăm thẳm, tôi chỉ có thể viết đôi dòng tản mạn như trên về Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu. Hãy đọc chính những gì ông viết để hiểu về ông.
Cuối thu 2013
Tác giả: Hình Trân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn