Tin tức

“Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị trụ cột tạo nên thương hiệu và bản sắc của ĐHQGHN”

Thứ sáu - 15/11/2013 10:38

Nhân kỉ niệm 20 năm ngày Chính phủ ra Nghị định về ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN) chia sẻ những suy nghĩ về vị trí, vai trò và đóng góp của Nhà trường vào chiến lược phát triển chung của ĐHQGHN.

“Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị trụ cột tạo nên thương hiệu và bản sắc của ĐHQGHN”
“Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị trụ cột tạo nên thương hiệu và bản sắc của ĐHQGHN”

- Xin giáo sư cho biết cảm nghĩ về sự kiện kỉ niệm 20 năm ngày Chính phủ ra Nghị định về ĐHQGHN?

 

Tháng 12/2013 tới đây sẽ kỉ niệm 20 năm ngày Chính phủ ra Nghị định về ĐHQGHN. Tôi cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của ĐHQGHN nói chung và Trường ĐHKHXH&NV nói riêng. Sự kiện này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh vị thế và vai trò của ĐHQGHN vừa chính thức được khẳng định trong Luật Giáo dục Đại học, tạo một cơ sở pháp lí cao nhất cho ĐHQGHN và các đơn vị thành viên có điều kiện phát triển, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khẳng định rõ nét hơn tính tiên phong và nòng cột trong đổi mới hệ thống giáo dục nước nhà. Đây cũng là dịp để ĐHQGHN và các đơn vị thành viên rà soát, đánh giá lại chủ trương về mô hình, phương hướng phát triển trong 20 năm qua trên cơ sở xem xét các kết quả, thành tựu đạt được và cả các vấn đề còn tồn tại cần được điều chỉnh.

- Trong 20 năm qua, Trường ĐHKHXH&NV đã đóng góp gì vào định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và đào tạo chất lượng cao của ĐHQGHN thưa giáo sư?

Trong giai đoạn phát triển ban đầu, Trường ĐHKHXH&NV tự hào là một trong những thành viên trụ cột tạo nên thế mạnh về khoa học cơ bản cho ĐHQGHN. Cùng với việc mở rộng cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc mở rộng các ngành nghề đào tạo của mình, từ các ngành truyền thống, thế mạnh như Ngữ văn, Lịch sử, Triết học cho đến tiên phong mở nhiều ngành học mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu xã hội như Đông phương học, Quốc tế học, Du lịch học, Quản trị Văn phòng, Báo chí Truyền thông, Xã hội học, Công tác xã hội, Khoa học Quản lí, Việt Nam học, Nhân học, Khoa học Chính trị… Đến nay, Trường đã đào tạo 23 ngành đào tạo cử nhân, 30 chuyên ngành bậc thạc sĩ và 29 chuyên ngành bậc tiến sĩ. Các ngành, chuyên ngành tại Trường được đào tạo theo hướng chuyên sâu nhưng trên nền tảng kiến thức chung rộng và chắc. Có thể nói rằng, các ngành học của Trường ĐHKHXH&NV có bản sắc riêng trong hệ thống đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN.

Thực hiện định hướng đào tạo chất lượng cao, hướng tới hội nhập quốc tế của ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị tiên phong và thực hiện hiệu quả các chủ trương quan trọng: chuyển đổi sang phương thức đào tạo tín chỉ, xây dựng CTĐT theo chuẩn đầu ra, đổi mới phương thức giảng dạy và học tập, xây dựng một số chương trình liên kết quốc tế với các đại học nước ngoài có uy tín, chú trọng xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế, xây dựng bằng kép, ngành kép, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các đại học Đông Nam Á (AUN) …

- Trong định hướng phát triển đại học nghiên cứu, đâu là những đóng góp nổi bật của Trường ĐHKHXH&NV thưa giáo sư?

Với mục tiêu xây dựng Trường ĐHKHXH&NV thành đại học theo định hướng nghiên cứu, Nhà trường xác định: hoạt động nghiên cứu phải được coi trọng như nhiệm vụ giảng dạy.

Trong quá khứ, Trường ĐHKHXH&NV mà tiền thân là Đại học Văn khoa và Đại học Tổng hợp Hà Nội có đội ngũ những nhà khoa học với tên tuổi chói sáng, là niềm tự hào của nền khoa học giáo dục nước nhà. Tên tuổi và di sản của những nhà khoa học ấy góp phần làm giàu thêm truyền thống và niềm tự hào của Trường ĐHKHXH&NV và ĐHQGHN. Đội ngũ cán bộ khoa học của Trường ĐHKHXH&NV hôm nay là thế hệ tiếp nối xuất sắc với những công trình nghiên cứu quy mô lớn, trọng điểm, liên ngành trên nhiều lĩnh vực. Trong 5 năm gần đây, Trường chủ trì thực hiện 15 đề tài cấp Nhà nước và Nghị định thư – đây là kết quả chưa từng có trong lịch sử phát triển của Trường kể từ thời Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về lĩnh vực KHXH&NV. Các kết quả đó cùng với các bài giảng giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, báo cáo khoa học tại hội thảo trong và ngoài nước, bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH và SĐH, đồng thời cung cấp các cơ sở lí luận, luận cứ, luận chứng khoa học, góp phần xây dựng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học giáo dục, văn hoá xã hội, phát triển nông thôn, bảo vệ chủ quyền quốc gia các vùng biên giới, hải đảo…

Hội đồng tư vấn chính sách Trường ĐHKHXH&NV. (Ảnh: NA/USSH)
Hội đồng tư vấn chính sách Trường ĐHKHXH&NV.

Trường có Hội đồng Tư vấn chính sách gồm nhiều nhà khoa học có uy tín ở trong và ngoài trường, nhiều chính khách, các nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước tham gia như: nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo TƯ – GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê… Trong nhiều năm qua, Hội đồng đã có những đề xuất quan trọng với Đảng và Nhà nước về phát triển KHXH&NV, phát triển văn hoá xã hội miền núi, triển khai các dự án nghiên cứu biển đảo, nghiên cứu về lịch sử văn hoá vùng đất phía Nam của Tổ quốc.

Trên cơ sở kế thừa thành tựu của nhiều thập niên trước, trong 20 năm qua Trường là đơn vị đóng góp nhiều giải thưởng lớn về khoa học công nghệ trong bảng thành tích chung của ĐHQGHN, trong đó có 11giải thưởng Hồ Chí Minh, 16 giải thưởng Nhà nước, hàng chục giải thưởng cấp ĐHQGHN.

- Là một trong những đơn vị đóng góp chỉ số cao cho ĐHQGHN về tỉ lệ người nước ngoài theo học cũng như xây dựng được môi trường học thuật quốc tế, Trường có chủ trương như thế nào về về vấn đề này?

KHXH&NV là những ngành khoa học liên quan đến đất nước, con người, văn hoá, lịch sử. Tri thức về KHXH&NV đóng vai trò nền tảng trong xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, giúp chúng ta định vị bản thân mình trong quá trình hội nhập. Hiện nay, ngày càng có nhiều người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam học và Tiếng Việt. Ngành Tiếng Việt và Việt Nam học là cầu nối đầu tiên để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN, Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.

Hàng năm, Trường tiếp nhận và đào tạo dưới các hình thức khác nhau hơn 600 sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Đồng thời, Trường tổ chức hàng chục hội thảo quốc tế lớn nhằm tạo cơ hội giao lưu học thuật ở tầm quốc tế cho đội ngũ cán bộ, sinh viên, học viên. Đến nay, Trường đã đặt quan hệ hợp tác chính thức với hơn 180 đối tác, trong đó có nhiều đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới; triển khai hàng chục chương trình, dự án nghiên cứu hàng năm về các đề tài: Quản lí chính sách, Khoa học công nghệ, Tôn giáo, Công tác xã hội, Tâm lí học… Trên cơ sở những thành tựu và uy tín của Trường, những năm qua, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN là điểm đến giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin và học thuật của các nhà doanh nghiệp, chính trị gia, nguyên thủ Việt Nam và thế giới.

Có thể nói, những thành tích ấy vừa đến từ thế mạnh riêng của Nhà trường, vừa là kết quả của việc nhận thức đúng tầm quan trọng và vị trí của KHXH&NV, vừa có nguyên nhân trực tiếp đến từ những nỗ lực quốc tế hoá hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường ĐHKHXH&NV trong nhiều năm qua.

- Trường nhận diện khó khăn gì cần vượt qua để tiếp tục phát huy được những điểm mạnh của mình, đóng góp vào sự phát triển của ĐHQGHN?

Khó khăn là tất yếu không tránh khỏi trong quá trình phát triển của mỗi cơ sở đào tạo. Trước hết, là thành viên của ĐHQGHN, Trường có quyền tự chủ cao nhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập do cơ chế, nhất là cách tổ chức quản lí chưa thông thoáng gây ra.

Khó khăn thứ hai là về xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong 2 thập kỉ qua, Trường đã phát triển khá nhanh cả về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ với 90% giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên, trong đó 48% có trình độ Tiến sĩ và học hàm PGS trở lên. Dù những con số này đã vượt gấp 2,5 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho các trường đại học Việt Nam, nhưng so với chuẩn của Trường và ĐHQGHN (70% giảng viên có học vị tiến sĩ vào năm 2020) thì vẫn còn phải phấn đấu rất nhiều.

Mặt khác, là một trường đại học có uy tín và vị thế hàng đầu đất nước nhưng toàn bộ diện tích làm việc và khu giảng đường, thư viện chỉ rộng có 1,4 ha, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là nhu cầu xây dựng hệ thống học liệu hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Nhà trường rất mong Chính phủ, các cơ quan Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội cũng như ĐHQGHN quan tâm tạo điều kiện, có đầu tư tương xứng về cơ sở vật chất cho Nhà trường.

Về phía mình, Nhà trường sẽ tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong các hoạt động đào tạo nghiên cứu, hợp tác quốc tế, đặc biệt là tập trung xây dựng các quan hệ hợp tác hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu xếp hạng cao trên thế giới, qua đó nhanh chóng quốc tế hoá chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đẩy mạnh hội nhập với giáo dục và đại học khu vực và thế giới. Đồng thời, rất cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN để Trường ĐHKHXH&NV và các đơn vị khác có đào tạo, nghiên cứu đến các lĩnh vực xã hội nói chung như: kinh tế, luật, giáo dục… có điều kiện phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và bản sắc cũng như thế mạnh của ĐHQGHN trong chặng đường phát triển sắp tới.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây