Tin tức

“Nguyễn Quốc Hùng với thế kỷ XX”

Thứ tư - 27/04/2016 10:38
Trên tay bạn đọc là cuốn sách thể hiện trí tuệ và tâm huyết của một Người Thày đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục, thầy Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: PGS. NGND. Nguyễn Quốc Hùng.
“Nguyễn Quốc Hùng với thế kỷ XX”
“Nguyễn Quốc Hùng với thế kỷ XX”

PGS. Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1936 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Sau khi học cấp I tại Hà Nội, ông theo học trường Trung học Tân trào – Tuyên Quang (1949-1951) và Trường Trung cấp Sư phạm khối Xã hội của Khu học xá Trung ương (Nam Ninh – Trung Quốc). Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, ông được cử về dạy cấp II tại trường cấp II thị xã Ninh Bình. Đến giữa năm 1957, ông chuyển về công tác tại Khu Giáo dục Liên khu III. Từ năm 1958-1960, ông làm việc tại Ty Giáo dục Sơn Tây. Năm 1961, ông được cử đi học tại Đại học Sư phạm Lê-nin ở Moscow, chuyên ngành Lịch sử. Năm 1964, theo quyết định của Nhà nước, ông là một trong số các sinh viên ngành khoa học xã hội ở Liên Xô và Đông Âu về nước, tiếp tục theo học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông là sinh viên khóa đầu tiên của chuyên ngành Lịch sử thế giới (1965-1966). Năm 1966, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đảm nhiệm việc giảng dạy học phần Lịch sử thế giới hiện đại và các chuyên đề về chủ nghĩa đế quốc. Sau khi Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập năm 1993, ông được phân công làm trưởng nhóm Quan hệ quốc tế thuộc chương trình đại cương. Cũng vào năm 1993, ông cùng GS. Phan Huy Lê và PGS. Lê Quang Thiêm tham gia Ban Điều hành chuẩn bị xây dựng Khoa Đông phương học. Khi Khoa Đông phương học chính thức thành lập năm 1995, ông chuyển sang công tác tại Khoa, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Nhật Bản học, đóng góp công sức vào việc xây dựng ngành Nhật Bản học còn non trẻ tại Việt Nam.

PGS.NGND Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhật Bản học, Khoa Đông phương học

Là một nhà giáo, PGS. Nguyễn Quốc Hùng ý thức rõ tầm quan trọng của việc chuẩn bị nội dung lên lớp. Để giảng dạy tốt các môn học được phân công, ông dành nhiều công sức tự học, tự trang bị thêm kiến thức, nhất là về các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tài chính của chủ nghĩa đế quốc… Có lẽ, ý thức tự lực, tự vượt khó tôi luyện trong môi trường Khu học xá Trung ương trước đây đã giúp ông hình thành năng lực tự học cao. Năm 1986, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đường lối đổi mới, chủ trương hội nhập quốc tế đòi hỏi phải đẩy mạnh việc nghiên cứu sâu rộng về quan hệ quốc tế. PGS. Nguyễn Quốc Hùng, với sự nhạy bén chuyên môn, đã chủ trương đưa thành tựu nghiên cứu về quan hệ quốc tế vào nội dung giảng dạy bậc đại học và sau đại học, nhằm góp phần phục vụ đường lối hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương của nước ta. Đặc biệt, ông quan tâm đến các vấn đề về Trật tự thế giới, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN…

Là chuyên gia về lịch sử thế giới, PGS. Nguyễn Quốc Hùng đã công bố nhiều công trình có ý nghĩa nền tảng về lịch sử thế giới hiện đại, lịch sử quan hệ quốc tế, lịch sử Liên Xô (Nga) và lịch sử Nhật Bản. Tiêu biểu là các giáo trình về Lịch sử thế giới hiện đại 1917-1945 (1984), Lịch sử thế giới hiện đại 1917-1995 (1998), Cách mạng Tháng Mười và phong trào giải phóng dân tộc (1987), Liên hợp quốc (1992), Quan hệ quốc tế thế kỷ XX (2000), Lược sử Liên bang Nga 1917-1991 (viết chung với Nguyễn Thị Thư, 2002), Hồ Chí Minh – Người chiến sĩ quốc tế (2005), Quan hệ quốc tế - Những khía cạnh lý thuyết và vấn đề (viết chung với Hoàng Khắc Nam, 2006), Lịch sử Nhật Bản (chủ biên, 2007), Liên hợp Quốc và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp Quốc (viết chung với Nguyễn Hồng Quân, 2008)… Ông đã tham gia biên soạn sách giáo khoa lịch sử (phần lịch sử thế giới) cho học sinh phổ thông như Sách Giáo khoa Lịch sử lớp 9, Sách Giáo khoa Lịch sử lớp 12… Ngoài ra, ông tham gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (4 tập). PGS Nguyễn Quốc Hùng là người đã phát hiện, sưu tầm và dịch bản Tham luận của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ (1924) và đã được đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập. Ông là người đầu tiên dịch và giới thiệu những văn kiện có ý nghĩa quan trọng về quan hệ quốc tế như Tuyên bố của ba cường quốc tại Hội nghị Tehran 1943, Hiệp định của Ba Cường quốc Vĩ đại về các vấn đề Viễn Đông tại Hội nghị Yalta 2-1945, Văn kiện về đầu hàng quân sự của nước Đức quốc xã 5-1945, Tuyên ngôn về quyền con người của Liên hợp quốc (1948).

PGS. Nguyễn Quốc Hùng đã sớm thể hiện năng lực quản lý giáo dục khi ở độ tuổi 19, ông đã trở thành Hiệu trưởng trường cấp II thị xã Ninh Bình. Khi về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp, ông được tín nhiệm giữ nhiều chức vụ quản lý như Quyền Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1983-1984), Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1983-1990), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương (1990-1995), Phó Chủ nhiệm Khoa Đông Phương (1995-2000), Chủ nhiệm Bộ môn Nhật Bản học (1995-2005). Dù ở cương vị nào, ông luôn hoàn thành tốt công tác quản lý và chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận. Ông đặc biệt đầu tư công sức xây dựng đội ngũ cán bộ có định hướng chuyên môn sâu, đề cao nỗ lực không ngừng học tập và nghiên cứu, biến quá trình được đào tạo thành tự đào tạo. Khi phân công giảng dạy cho cán bộ trẻ, ông luôn chú ý cân đối giữa môn học cung cấp kiến thức nền và môn học theo hướng nghiên cứu sâu, giúp giảng viên vừa bổ sung kiến thức, vừa có cơ hội truyền đạt những thành tựu nghiên cứu cập nhật vào nội dung bài giảng. Ông tận tình hướng dẫn cán bộ trẻ từ cách biên soạn giáo án, giáo trình, đến việc lập thời khóa biểu, liên lạc mời giảng viên ngoài trường… Ông rất coi trọng việc xây dựng quan hệ hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài trường. Ông đã thiết lập một mạng lưới cộng tác viên cho ngành Nhật Bản học, gồm chuyên gia các khoa Lịch sử, Quốc tế học, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á… và nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến việc biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng đào tạo. Ông là chủ biên cuốn Lịch sử Nhật Bản dày hơn 400 trang (2007) và là người động viên anh chị em bộ môn biên soạn bộ Bài giảng chuyên đề Nghiên cứu Nhật Bản (5 tập) bằng hai thứ tiếng Nhật - Việt với sự tham gia của các giáo sư, nhà nghiên cứu người Nhật Bản và Việt Nam. Một đặc điểm nổi trội trong nguyên tắc làm việc của ông là đòi hỏi sự cẩn trọng, đức tính lao động chăm chỉ, trung thực của cán bộ và sinh viên. Bản thân ông là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo. Hơn nữa, ông luôn chú ý đến việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong bộ môn và bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ. Quan điểm làm việc của ông đã trở thành nguyên tắc hoạt động của Bộ môn Nhật Bản học trong 20 năm qua.

Cuốn sách "Nguyễn Quốc Hùng với thế kỷ XX" vừa ra mắt bạn đọc như là món quà của các thế hệ giảng viên và học trò ngành Nhật Bản học gửi tới PGS.NGND Nguyễn Quốc Hùng nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh của ông. Cuốn sách tổng hợp những công trình tiêu biểu của ông trong 40 năm, từ năm 1973 đến năm 2013.

Đối với tập thể giảng viên và sinh viên Bộ môn Nhật Bản học, hai chữ Thày Hùng luôn gợi lên tình cảm vừa kính trọng, biết ơn vừa gần gũi, thân thiết. Từ những sinh viên khóa K53 đến K50 được thày đón vào trường, trực tiếp giảng dạy, đến các khóa sau này không được trực tiếp học thày nhưng được đọc sách và nghe về thày qua câu chuyện của các anh chị đồng môn, sinh viên Bộ môn luôn cảm nhận được niềm tự hào là thành viên trong đại gia đình Nhật Bản học mà thày là người đã dày công xây dựng nền tảng vững chắc. Trong những năm tháng làm Chủ nhiệm Bộ môn Nhật Bản học, ông luôn nhường nhịn để các giảng viên trẻ có điều kiện đi học, đi thực tập nâng cao trình độ ở nước ngoài, còn ông chỉ đi công tác Nhật Bản duy nhất một lần. Khó có thể kể hết lòng biết ơn và kỉ niệm của các thế hệ học trò đối với ông. Điều lớn nhất mà các cán bộ và sinh viên học được từ ông chính là tinh thần trách nhiệm, đức tính hi sinh thầm lặng của một Người Thày – Người Cha.

Cuốn sách này thể hiện lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc mà các thế hệ giảng viên và học trò ngành Nhật Bản học gửi tới Thày Hùng nhân kỉ niệm 80 năm ngày sinh của ông. Cuốn sách tổng hợp những công trình tiêu biểu của ông trong 40 năm, từ năm 1973 đến năm 2013 theo bốn nội dung chính.

Phần 1: Lịch sử Thế giới và Quan hệ quốc tế. Phần này tập hợp các bài nghiên cứu của PGS. Nguyễn Quốc Hùng về Cách mạng Tháng Mười Nga và lịch sử Liên Xô, Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh lạnh, các tổ chức quốc tế và các sự kiện quốc tế tiêu biểu trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX và thế kỉ XX.

Phần 2: Đông Á và Việt Nam. Đây là phần tập trung các nghiên cứu của PGS. Nguyễn Quốc Hùng về lịch sử Việt Nam, lịch sử Nhật Bản, lịch sử Đông Á và các sự kiện tiêu biểu trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Á.

Phần 3: Dịch thuật. Phần này giới thiệu bản dịch bốn văn kiện có ý nghĩa lịch sử, trong đó có văn kiện được PGS. Nguyễn Quốc Hùng phát hiện, sưu tầm khi ông tu nghiệp tại Liên Xô.

Phần 4: Vĩ thanh. Phần này ghi lại những tình cảm và kỉ niệm của PGS. Nguyễn Quốc Hùng với bạn bè đồng nghiệp tại Khoa Lịch sử, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nhân dịp xuất bản cuốn sách, Bộ môn Nhật Bản học xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS. Nguyễn Quốc Hùng và gia đình đã cung cấp các tư liệu quí báu để biên tập và xuất bản sách. Xin chân thành cảm ơn Khoa Đông phương học và các thế hệ sinh viên đã nhiệt tình tổ chức và hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm sinh nhật thày. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Thế giới đã tạo điều kiện tốt nhất để cuốn sách được ra mắt đúng dịp sinh nhật PGS. Nguyễn Quốc Hùng. Chúng tôi tin tưởng rằng cuốn sách không chỉ cung cấp những tư liệu quan trọng, những kiến giải sâu sắc của tác giả về các vấn đề lịch sử thế giới thế kỷ XX, mà còn giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nhân cách và tinh thần làm việc cẩn trọng, say mê của Thày Hùng.

Hà Nội mùa xuân năm 2016.

Tác giả: PGS. TS Phan Hải Linh, TS. Võ Minh Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây