Ngôn ngữ
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm 2017/Ảnh: Đình Hậu
- Thưa Thầy, công tác tuyển sinh của Nhà trường đã có những đổi mới nào trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh mỗi năm lại có những thay đổi nhất định về phương thức thi tuyển?
Ai cũng biết rằng mức độ thành công của hoạt động tuyển sinh phần nào phản ánh vị thế chuyên môn và uy tín xã hội của một trường đại học. Nguồn tuyển sinh có ổn định và dồi dào thì các trường mới có cơ hội chọn lựa những sinh viên có chất lượng để đào tạo. Vì vậy, nếu một trường đại học có chất lượng tốt (cả trong giảng dạy, nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên) song lại không hấp dẫn được thí sinh đăng ký dự tuyển, không thu hút được sự quan tâm của cộng đồng… có thể do trường đó chưa tương tác tốt với các thí sinh tiềm năng của mình.
Vì vậy, liên tục đổi mới để đảm bảo thành công cho công tác tuyển sinh là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi đơn vị đào tạo, nhất là trong bối cảnh tư duy của thí sinh nói riêng, của cộng đồng nói chung về việc học đại học đã có nhiều thay đổi. Đối với Trường Đại học KHXH&NV, trong năm qua, đã có những thay đổi căn bản trong tư duy và cách thức tiếp cận đối với việc tuyển sinh. Nhà trường đặc biệt coi trọng công tác tuyển sinh bởi đây là công đoạn đầu tiên của cả quá trình đào tạo: nếu tuyển được các thí sinh giỏi về kiến thức và đam mê với ngành học họ lựa chọn…thì quy trình đào tạo trong 4 năm tiếp theo sẽ hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp.
Nhiều năm trước đây, xuất phát từ việc các trường tự tổ chức thi tuyển sinh nên Nhà trường tự thực hiện tất cả các công đoạn của họat động tuyển sinh, từ quảng bá đến ra đề thi và chấm thi. Hai năm trước, khi Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực, Nhà trường đã tham gia xét tuyển theo phương thức đó và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm nay, với việc Đại học Quốc gia Hà Nội dừng việc thi đánh giá năng lực để sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT cho việc xét tuyển, Nhà trường đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển sinh để bắt nhịp ngay với những điều chỉnh mới.
Gian trưng bày của Trường ĐHKHXH&NV tại Ngày hội tuyển sinh 2017
- Đổi mới tư duy đã đưa đến những thay đổi nào trong hoạt động tuyển sinh của Trường vài năm gần đây, thưa Thầy?
Trước đây, hoạt động tuyển sinh diễn ra mỗi năm một lần vào mùa hè nên tư duy mang tính “thời vụ”. Từ năm trước, Nhà trường thay đổi quan điểm và cách tiếp cận đối với công tác tuyển sinh: quảng bá tuyển sinh quanh năm và tuyển sinh cho nhiều chương trình đào tạo khác nhau, từ đại học đến sau đại học, từ hệ đào tạo chính quy đến đào tạo bằng kép, từ tuyển sinh trong nước đến tuyển sinh quốc tế... Để thực hiện hiệu quả công việc này, Nhà trường đã thành lập bộ phận chuyên trách công tác tuyển sinh, hoạt động quanh năm, tư vấn trực tuyến 24/7 đến những ứng viên quan tâm qua các kênh khác nhau: điện thoại, hotline, email, fanpage… Vào mùa cao điểm tuyển sinh, cán bộ tuyển sinh tổ chức nhiều đợt tư vấn tuyển sinh trực tuyến, có buổi chúng tôi trả lời vài trăm câu hỏi của các bạn học sinh quan tâm đến các ngành học của Nhà trường, từ kỹ thuật đăng ký xét tuyển đến chế độ ưu tiên, chính sách học bổng, triển vọng nghề nghiệp, cơ hội du học... Có thể nói, trong hai năm qua, sự thay đổi này đã mang đến những kết quả khả quan, tạo sự tương tác kịp thời và chính xác giữa Nhà trường và các ứng viên tiềm năng.
Về đội ngũ, bên cạnh bộ phận tuyển sinh chuyên trách, mỗi thầy - cô giáo đều có trách nhiệm tham gia quảng bá và tư vấn tuyển sinh cho Nhà trường. Về phương thức, nếu trước đây hoạt động quảng bá tuyển sinh diễn ra tương đối thụ động (chỉ tư vấn cho những ai trực tiếp tìm đến) thì bây giờ Nhà trường chủ động giao lưu với các trường phổ thông để giới thiệu các ngành đào tạo kèm theo những thông tin cập nhật về thực trạng việc làm. Địa bàn tư vấn cũng được mở rộng hàng năm ra nhiều tỉnh khác nhau để tạo điều kiện cho nhiều học sinh phổ thông có thể tiếp cận được với thông tin cập nhật về Nhà trường. Đặc biệt, Nhà trường đã sử dụng rất hiệu quả các “đại sứ sinh viên” trong công tác quảng bá tuyển sinh đến các trường trung học phổ thông trong toàn quốc.
- Bên cạnh thay đổi công tác tuyển sinh, Nhà trường có quan tâm đổi mới hoạt động tổ chức đào tạo không, thưa Thầy?
Bên cạnh công tác tuyển sinh, đổi mới hoạt động tổ chức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, rút ngắn quá trình đào tạo để sinh viên học vượt và tốt nghiệp sớm là mục tiêu hàng đầu của Nhà trường. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Nhà trường đã chú trọng hỗ trợ giảng viên và sinh viên đổi mới hoạt động dạy và học, đa dạng hóa hình thức đánh giá, đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc gia và quốc tế.
Trong năm 2016, Nhà trường tập trung đổi mới quy trình tổ chức đào tạo: xây dựng lịch trình đào tạo chuẩn cho các ngành học, chuyên nghiệp hóa công tác tổ chức và quản lý lớp học quy chuẩn theo phương thức đào tạo tín chỉ, nâng cao tinh thần phục vụ của bộ phận đào tạo, tiến tới xác lập văn hóa phục vụ trong công tác đào tạo và hỗ trợ sinh viên…theo phương châm chuyên nghiệp, hiệu quả, hòa nhã… Đặc biệt, lịch trình đào tạo vừa đảm bảo đúng quy chế lại thể hiện tính linh hoạt, tránh thời gian “chết” trong triển khai các học phần, quy định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ phận trong quá trình tổ chức thực hiện… Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và cố vấn học tập có nhiệm vụ tư vấn kịp thời cho sinh viên để họ có thể điều chỉnh kịp thời kế hoạch học tập. Quy chế đào tạo cho phép sinh viên tốt nghiệp sớm hơn (hoặc chậm hơn) 4 năm và Nhà trường có trách nhiệm tổ chức nhịp nhàng để đảm bảo quyền lợi cho các em về mặt tiến độ đào tạo. Thực thế cho thấy nhiều sinh viên đã tốt nghiệp sau khoảng 38 đến 40 tháng học, tiết kiệm chi phí cho gia đình đồng thời gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho bản thân sinh viên.
Trong năm 2017, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đổi mới công tác đào tạo, tập trung rà soát và tiến hành vi chỉnh chương trình đào tạo theo hướng cập nhật, hiện đại và liên thông cao giữa các ngành đào tạo. Tăng cường liên thông trước hết đảm bảo quyền lợi được học tập cho sinh viên, đồng thời mở thêm cơ hội để sinh viên thuận lợi trong học vượt, học ngành kép trong trường cũng như trong các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Đẩy mạnh liên thông giữa các ngành đào tạo cũng mở ra cơ hội để giao lưu với các đối tác quốc tế, thu hút được sinh viên quốc tế đến học tập và giao lưu…qua đó đẩy mạnh tiến độ quốc tế hóa hoạt động đào tạo của Nhà trường.
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông trong lễ bảo vệ tốt nghiệp. Đây cũng dịp Khoa và Trường "chào hàng" sản phẩm đào tạo của mình tới các đơn vị tuyển dụng
- Trải qua chặng đường hơn 70 năm xây dựng và phát triển, trường Đại học KHXH&NV đã khẳng định được thương hiệu vững chắc trong cộng đồng, với những đổi mới mạnh mẽ trong tuyển sinh và đào tạo thời gian qua, Thầy mong muốn gửi thông điệp gì đến các bạn thí sinh đang quan tâm đến Nhà trường?
Trong một lần làm việc với đối ở khu vực Tây Nam Bộ, một đồng nghiệp chia sẻ rất cởi mở rằng: “chúng tôi nhìn nhận Trường Đại học KHXH&NV là một trường “sang” ở Việt Nam nên đôi khi cảm thấy dè dặt trong việc đề xuất hợp tác đào tạo và nghiên cứu!” Nghe xong, tôi nói vui rằng Nhà trường sẽ tiếp tục giữ bằng được tiếng “sang” nhưng nhất quyết không để anh em có ấn tượng rằng Nhà trường “chảnh”!
Nói rằng “sang” là bởi vị thế dẫn dắt của Nhà trường hiện nay trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Với hơn 70 năm truyền thống và hơn 60 năm đào tạo - nghiên cứu, Trường Đại học Tổng hợp trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay là cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước, với nhiều tên tuổi lớn trong cả lĩnh vực khoa học, chính trị và quản lý; là đối tác tin cậy của hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu của quốc tế muốn đến hợp tác giáo dục và khoa học với Việt Nam. Hiện nay, Nhà trường đang tổ chức đào tạo 29 ngành cử nhân, hơn 30 chuyên ngành thạc sỹ và hơn 30 chuyên ngành tiến sỹ; có thể nói, các ngành của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều hiện diện trong tổng số 98 chương trình đào tạo của Nhà trường, từ các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Văn học, Sử học, Ngôn ngữ học…đến các ngành khoa học hiện đại và mang tính ứng dụng như Khoa học Quản lý, Báo chí - Truyền thông, Quan hệ công chúng, Quốc tế học, Đông Phương học (Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Trung Quốc học, Đông Nam Á học, Iran học, Ấn Độ học…), Xã hội học, Công tác Xã hội, Tâm lý học, Tôn giáo học…
Để không bị mang tiếng “chảnh”, trong năm qua, Nhà trường đã quyết liệt đổi mới phong cách làm việc, giảng dạy và học tập. Với phương châm lấy hoạt động “dạy” của giảng viên và “học” của sinh viên làm trung tâm, với tinh thần phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo và nghiên cứu, một không khí đổi mới và khai phóng, một tinh thần phục vụ đã thực sự lan tỏa trong đội ngũ cán bộ và sinh viên của Nhà trường. Cùng với đó, các thủ tục hành chính cũng đã được Nhà trường quyết liệt điều chỉnh sao cho thuận lợi nhất cho người học và người dạy… Vì thế, Nhà trường luôn mong muốn xây dựng và nâng cao thương hiệu USSH “sang” mà không “chảnh” trong mắt cộng đồng học thuật trong và ngoài nước!
Các đại sứ sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV tại Lễ ra quân Chương trình đại sứ sinh viên 2017. Các đại sứ sẽ mang thông tin và hình ảnh về Nhà trường đến 140 trường THPT trên địa bàn Hà Nội và làm cầu nối giữa Nhà trường và các em học sinh THPT trong mùa tuyển sinh ĐH năm nay.
- Một trong những quan tâm hàng đầu khi thí sinh quyết định chọn trường, chọn ngành là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là cơ hội làm việc gần/đúng ngành... Thầy có chia sẻ gì cho các bạn về vấn đề này không ạ?
Từ nhiều năm nay, Nhà trường thường xuyên tổ chức khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và coi đây là nhiệm vụ quan trọng để điều chỉnh định hướng đào tạo của Nhà trường cũng như trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Theo số liệu khảo sát cập nhật nhất vào tháng 3 năm 2017, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tại thời điểm khảo sát đang có việc làm, hoặc đang học tập nâng cao trình độ là 93,1%, nếu tính riêng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đang tham gia thị trường lao động đạt 84,2%. Trong đó, có một thực tế rất đáng quan tâm là sự năng động của sinh viên Nhà trường trong các lĩnh vực công tác: khu vực kinh tế tư nhân (67,9%), khu vực kinh tế liên doanh với nước ngoài (15,1%), khu vực nhà nước (14,0%), sinh viên tự tạo việc làm (3,0%). Trong đó, mức độ hài lòng về công việc đúng/gần chuyên môn vào khoảng 80%.
Trong thực tế, khái niệm đúng/gần chuyên môn cũng cần được hiểu một cách linh hoạt, có tính tương đối, rất khó minh định bởi nó phụ thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân. Chẳng hạn, một cử nhân ngành Xã hội học quyết định chọn việc làm trong lĩnh vực truyền thông nhưng liên quan đến công tác xã hội chứ không đi theo nghiệp nghiên cứu về Xã hội học; một cử nhân ngành Công tác xã hội lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật; một cử nhân Quản trị du lịch lữ hành mở công ty du lịch riêng; một cử nhân ngành lịch sử mở văn phòng tư vấn về di sản văn hóa… đều có thể coi là đúng hoặc gần ngành nghề được đào tạo. Khái niệm đúng/gần chuyên môn giờ đây không phụ thuộc vào cảm giác của phụ huynh về việc con em mình xin được vào các cơ quan nhà nước…mà gắn chặt hơn với mức độ hài lòng của bản thân người tốt nghiệp đối với công việc họ lựa chọn - dù công việc đó hoàn toàn ở lĩnh vực tư nhân.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay, thị trường nhân lực có rất nhiều di biến động. Không phải chỉ ở Việt Nam mà tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người lao động đều đối diện với thực tế này. Sự cạnh tranh đương nhiên tạo ra những thách thức lớn cho mỗi người, song cũng không phải là không đưa đến những cơ hội. Với sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn, cơ hội thành công thực sự không phải là ít trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế, tài chính, kỹ thuật đang dư thừa nhân lực; đồng thời nhiều lĩnh vực liên ngành khoa học xã hội và nhân văn đang khẳng định được vị thế trong xã hội hiện đại, như Tâm lý học, Công tác xã hội, Truyền thông, Quản lý, Tài nguyên văn hóa… Nhưng để thành công trong một thị trường lao động đầy tính cạnh tranh như hiện nay, mỗi sinh viên phải khẳng định mình bằng năng lực thực (chuyên môn giỏi, ngoại ngữ thành thạo, kỹ năng tốt, thái độ làm việc tích cực…) chứ không thể dựa thuần túy vào một tấm bằng, dù đó là bằng cấp ở trình độ nào.
- Xin cảm ơn Thầy về những chia sẻ trên!
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn