Báo chí Hồ Chí Minh: Bản sắc và dấu ấn độc đáo của chủ thể sáng tạo

Thứ năm - 18/05/2017 05:05
"Báo chí Hồ Chí Minh" là công trình trong cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2010 của GS.NGND Hà Minh Đức. Nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang thông tin điện tử của Trường ĐHKHXH&NV trích đăng chương V trong cuốn sách với nhan đề "Bản sắc và dấu ấn độc đáo của chủ thế sáng tạo" để trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc.
Báo chí Hồ Chí Minh:  Bản sắc và dấu ấn độc đáo của chủ thể sáng tạo
Báo chí Hồ Chí Minh: Bản sắc và dấu ấn độc đáo của chủ thể sáng tạo

Khác với lĩnh vực sáng tạo văn nghệ, báo chí là hoạt động chính luận nhằm thông tin và tuyên truyền nên vai trò của chủ thể sáng tạo bộc lộ kín đáo và trong giới hạn của thể loại. Tuy nhiên, với những nhà báo xuất sắc, có bản lĩnh độc đáo thường thể hiện một cách sáng tạo chủ thể trên trang viết. Hồ Chí Minh là nhà báo lớn mà cuộc đời hoạt động báo chí trải qua nhiều giai đoạn suốt trên 50 năm: thời kì trước 1945, thời kì kháng chiến chống Pháp, thời kì hòa bình xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, thời kì chống Mỹ, cứu nước. Cái tôi trong báo chí của Người biểu hiện với nhiều tư cách: người chiến sĩ cách mạng trong thời kì hoạt động bí mật; Chủ tịch nước từ sau Cách mạng Tháng Tám, vị tướng lĩnh chỉ huy suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược; người cha, người bác, người anh với quảng đại quần chúng nhân dân. Có thể nói dấu ấn chủ quan đâm nét trong báo chí Hồ Chí Minh chính là khí chất mạnh mẽ của tinh thần biểu hiện qua chất thép của chính luận. Trong bài “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Người cũng yêu cầu thơ này phải có chất thép. Với báo chí, phương châm và nguyên tắc đó càng rõ nét. Chất thép biểu hiện ở sự cứng rắn trên những vấn đề nguyên tắc, ở nhiệt tâm, nhiệt huyết đấu tranh cho chân lí thắng thế, ở sự phân minh rạch ròi về ranh giới. Không mơ hồ, lẫn lộn, dè chừng và biểu hiện nước đôi. Người nói thẳng, trực tiếp, mạnh mẽ, sáng tỏ lập trường, quan điểm. Trong đối thoại, luận chiến với kẻ thù, Người sử dụng văn phong sắc bén, nguyên tắc và chủ động. Trong chính luận về những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc, Người dùng văn phong trang trọng hùng tráng. Mạch văn mang âm hưởng hào hùng, quyết đoán ấy được thể hiện điển hình trong “Tuyên ngôn độc lập”: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh, chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”. Và trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bản lĩnh và phong cách ấy thể hiện qua nhiều thể loại báo chí, kể cả phỏng vấn. Trả lời nhà báo Mỹ Harôn Ixắc, Người đã thể hiện rõ lập trường, trí tuệ và bản sắc riêng qua những câu trả lời:

“Hỏi: Theo ý Cụ, thì cuộc đàm phán giữa Pháp và Bảo Đại sẽ như thế nào?

Trả lời: Chúng tôi không cần biết đến cuộc “đàm phán” ấy.

Hỏi: Theo ý Cụ, thì có thể căn cứ trên những điều Pháp đã nhượng cho Bảo Đại để sửa đổi mối quan hệ giữa Chính phủ Cụ với Bảo Đại không?

Trả lời: Giữa một tư nhân với Chính phủ cả nước bầu lên thì có gì là sửa đổi mối quan hệ?

Hỏi: Trong một thời gian gần đây, lực lượng Việt Nam có thể đánh quỵ Pháp được không? Và trong tình hình hiện tại, thì bao giờ cuộc đánh ấy sẽ đến?

Trả lời: Chắc chắn có thể đánh quỵ thực dân, bao giờ thời cơ đến, tôi sẽ nói với ông.

Hỏi: Theo ý Cụ, tình hình nước Tàu sẽ có ích cho cuộc độc lập ở Việt Nam không?

Trả lời: Độc lập của Việt Nam luôn nhờ lực lượng của Việt Nam.

...

Hỏi: Cụ có sợ Việt Nam thành một nước chư hầu của nước nào không?

Trả lời: Không, tôi không sợ.

...

Hỏi: Chính sách của Mỹ ở Á Châu thế nào?

Trả lời: Chỉ đứng về phía Việt Nam mà nói, thì chúng tôi tiếc rằng Mỹ đã tiếp tế khí giới cho Pháp giết hại người chúng tôi, phá phách xứ sở chúng tôi”.

Trên đây, chỉ là một số câu trong số 45 câu hỏi của Harôn Ixắc; song, chỉ ngần ấy, đã bộc lộ rõ bản lĩnh chính trị của Hồ Chí Minh. Cái tôi được tạo nên từ cốt cách và bản lĩnh chính trị này như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ những trang viết của Hồ Chí Minh. Cuộ đời của Hồ Chí Minh là cuộc đời không ngừng tranh đấu nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người nên một bộ phận quan trọng trong báo chí của Người là những lời kết tội, tố cáo thực dân, những luận chiến chống kẻ thù, những lời kêu gọi nhân dân, và tất cả đều in đậm dấu ấn của một nhà chính trị kiệt xuất, một cái tôi có cốt cách trang trọng, khí chất mạnh mẽ và tình đời gần gũi, đằm thắm. Chủ tịch Phạm Văn Đồng đã đúc kết sâu sắc về phẩm chất Người Hồ Chí Minh: “Hồ Chí Minh là con người của lòng tin không gì lay chuyển nổi vào tương lai dân tộc, vào loài người, vào chủ nghĩa xã hội,... Hồ Chí Minh là người kiên cường trong đấu tranh trước mọi quân thù trước mọi khó khăn và truyền ý chí kiên cường ấy cho toàn Đảng, toàn dân tộc. Hồ Chí Minh là người năng động và linh hoạt trong cống hiến, minh triết và thanh thản trong tâm hồn và phong độ”. Tất cả vì mọi người, vì cuộc đời chung, trong các bài báo, Người không kể về mình vầ cũng không muốn người khác kể về mình. Nói như nhà thờ Tố Hữu: Người “như đỉnh non cao tự giấu hình”.

Người luôn thể hiện tinh thần tự phê bình, nhận trách nhiệm trước các công việc: “Tôi phải nói thật, những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi. Người đời không phải là thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm”. Bản chất của Người là khiêm tốn, sự khiêm tốn của một con người cao cả, ý thức sâu sắc về những giá trị thực của bản thân và về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Sự khiêm tốn cũng thể hiện ở ý thức về những giới hạn trong cuộc sống mà con người có thể đạt đến và không thể đạt tới. Dĩ nhiên, kết quả của nhận thức không phải là nỗi buồn, là sự thụ động mà là sự chủ động, tự tin vào mình, vào mọi người trong công việc chung cũng như riêng. Cũng vì thế mà mọi người dễ nhận thấy ở Người một thái độ bình tĩnh, trầm sâu, độ lượng. Người có cách ứng xử khéo léo trước những sự việc phức tạp, những lời nói còn thiếu thiện chí.

“Có người nói: “Hồ Chí Minh không biết làm gì, chỉ nay cám ơn người này, mai cám ơn người khác”. Vâng! Tôi vui lòng nhận lời phê phán ấy! Hơn nữa, tôi mong rằng ngày nào tôi cũng phải viết nhiều thư cảm ơn, vì như thế chứng minh rằng đồng bào ta đã sốt sắng thực hành cái khẩu hiệu: “Ai có tiền giúp tiền, ai có sức giúp sức”.

Phẩm chất thẳng thắn, chân tình, quyết đoán của Người thường bộc lộ trong công việc. Trong lần trả lời một nhà báo nước ngoài, Người viết: “Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”.

Nói đến dấu ấn sáng tạo trong hoạt động báo chí cần chú ý đến những đặc điểm của chủ thể sáng tạo. Đặc biệt là cái tôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho các hoạt động chính luận có cốt cách và bản lĩnh sáng tạo riêng, những trang viết có hồn, chất liệu khách quan hội tụ và thấm nhuần yếu tố chủ quan một cách hài hòa.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám chúng ta càng nhận thấy rõ cái tôi chân tình, trang trọng, đằm thắm của Người qua những trang báo. Người chú ý đến đối tượng phục vụ (nói với ai, viết cho ai, nói về vấn đề gì) và cách thể hiện thích hợp để có hiệu quả nhất.

Nhân dịp tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, với cương vị Chủ tịch nước, Người đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước. Bức thư đó đã tạo được sự giao cảm và gần gũi đặc biệt với những em nhỏ qua câu chuyện, qua cách xưng hô gần gũi: “Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em”, “Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em". Tuy nhiên, Ngưòi không chỉ đem đến cho các em tình thương yêu mà còn luôn nhắc nhở trách nhiệm của các em trong cuộc sống hiện nay và đặc biệt là mai sau. Trong “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên ờ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tha thiết, chân tình và mang tư tưởng khích lệ, động viên, vì sự nghiệp chung, thường là đặc điểm quen thuộc của nhiều bài báo khi Người lấy cái tôi ra để chia sẻ, cam kết, cổ vũ cho một điều gì cấp bách của thời cuộc, đặc biệt là những bài báo ở thời kỳ đầu Cách mạng Tháng Tám. Trước tình thế chính trị phức tạp, thù trong giặc ngoài và các thứ giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt đang hoành hành, Người đã thiết tha kêu gọi, giải thích, động viên lực lượng toàn dân vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy.

Lương thực thiếu, cái đói đe doạ, Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người thực hành tiết kiệm và chính Người nêu gương thực hiện trước: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước:

Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo.

Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Trong những lời nói trên bộc lộ tình thương yêu lá lành đùm lá rách, vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam trong trường kỳ lịch sử. Về hiệu quả kinh tế, đó chỉ là một biện pháp tình thế, vấn đề cơ bản là phải làm ra lương thực. Trên tờ báo Tấc đất, số 1, ngày 7-12-1945, Người kêu gọi:

“Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập. Hỡi anh em nhà nông, tiến lên! Tiến lên!”.

Cùng là chủ để về lương thực, hai đoạn văn trên là hai mạch tình cảm, tư tưởng của một con người vừa giàu lòng nhân ái, vừa thể hiện chất trí tuệ sắc sảo nhưng thật bình dị và ân cần - vẫn là đặc điểm của cái tôi trong văn chính luận của Hồ Chí Minh.

Trong bài nói chuyện với cán bộ cao cấp toàn quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tương quan giữa thế và lực, một vấn đề vừa gần gũi, vừa mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. Nói thế và lực chính là nói tới bản chất, sức mạnh của đối tượng trong thế tồn tại riêng và trong sự vận động biện chứng trong không gian và thời gian. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích vấn đề trên một cách dễ hiểu và thuyết phục: “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực. Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều được là nhờ cái thế của ta rất lợi. Thế ta thắng đã rõ ràng. Thế địch thua đã rõ ràng; nhưng chúng còn rất ngoan c ố, chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta”. Tuy trang viết không trực tiếp có chữ tôi nào, nhưng phương thức tư duy có chiều sâu triết lý, hình ảnh cụ thể, giản dị và linh hoạt ấy mang đậm dấu ấn của Hồ Chí Minh.

Đôí với một đề tài, một suy nghĩ và tình cảm được đề cập nhiều lần, tác giả vẫn luôn có cách nói mới vừa cụ thể, vừa sâu sắc và gây ấn tượng.

Trong thời kỳ hoạt động ở nước ngoài, tác giả luôn tâm niệm lòng kính yêu Tổ quốc. Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, nhiều tiểu phẩm văn chương và báo chí thấm sâu tư tưởng đó. Tại Đại hội Tua, với tư cách đại biểu Đông Dương, Người đã phát biểu: “Thưa các đồng chí, lẽ ra hôm nay, tôi đến đây là để cùng với các đồng chí góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, nhưng với một nỗi đau buồn sâu sắc, tôi đến đây với tư cách là đảng viên xã hội, để phản kháng những tội ác ghê tởm trên quê hương tôi”. Có mặt trong một đại hội lớn, người thanh niên ở xứ thuộc địa không hề mất bình tĩnh mà vẫn chủ động nói lên chân thật và sâu sắc ý tưởng của mình.

Cũng trong thời kỳ này, khi được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin, người thanh niên cách mạng ấy đã tìm thấy con đường cứu nước: “Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta””. Đó là những suy nghĩ đánh dấu bước ngoặt cơ bản về nhận thức chính trị của Nguyễn Ái Quốc mang theo cả không khí, hơi thở và khát vọng của cả dân tộc. Đó là thời điểm đặc biệt mà tác giả đã bộc lộ hết mình và tạo nên những ấn tượng nội dung và ngôn từ dặc biệt.

Cũng có thế nêu tiếp nhiều luận điểm lớn mà tác giả đã ghi lại dấu ấn cá nhân độc đáo. Trước hết là bức thư “Kính cáo đồng bào”, viết ngày 6-6-1941 ký tên Nguyễn Ái Quốc đã nêu bật đặc điểm của thời cuộc. Đó là lúc thế lực của kẻ địch ở vào lúc suy tàn nên chúng càng hung dữ. Các cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương nối tiếp truyền thống của các bậc tiền bối Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng đã bị dìm trong bể máu. Nhưng đây cũng là cơ hội giải phóng đến rồi nên tác giả kêu gọi toàn dân đồng tâm hiệp lực: “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quôc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.

Bức thư của Nguyễn Ái Quốc là lời kêu gọi toàn dân thức tỉnh, đoàn kết giết giặc. Bức thư như lời dự báo những chuyển động lớn của xã hội sắp xảy ra ở trong cũng như ngoài nước. Bức thư nhấn mạnh yếu tố thời cơ, phân tích tương quan lực lượng của ta và địch, khẳng định thế mạnh của ta “giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị là Chủ tịch nước, vị trí của Người là caơ sang, lời nói của Ngưòi là mệnh lệnh, tư tưởng của Người là sự chỉ đạo chiến lược. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được gặp một cái tôi chân tình, gần gũi, hết lòng vì dân, vì nước. Suốt trong mấy thập kỷ, đồng bào miền Nam sống dưới ách thống trị của Mỹ ngụy, phải chịu cảnh nước sôi lửa bỏng. Thấu hiểu cảnh ngộ đó, Người luôn dành cho miền Nam những tình cảm đằm thắm nhất: “Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Và trong những ngày tháng cuối của cuộc đời mình Người vẫn có những ý tưởng và tình cảm sâu sắc về nhân dân và dân tộc, đặc biệt với nhân dân miền Nam:

“Ở miền Nam Việt Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa chữ Tự do. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Như thế là giữa tôi và cuộc đời là một, tôi là một phân số, hoặc là bội số của cuộc đời chung khi cá nhân đã hoàn toàn hòa hợp và hiến dâng cho cuộc đời chung. Người khẳng định: Tôi hiến cả đời cho dân tộc tôi.

Đó là một sự thiêng liêng, cao cả về một cuộc đời vì dân vì nước.

Báo chí Hồ Chí Minh thường bộc lộ cái tôi vui tươi, dí dỏm. Trước Cách mạng Tháng Tám, phong cách văn thơ Hồ Chí Minh đậm chất châm biếm, trào phúng. Qua những trang viết trong “Bản án chế độ thực dán Pháp” và những bài luận bàn về cái gọi là công lý thực dân Pháp ở Đông Dương, nhà báo Hồ Chí Minh đã chứng tỏ là một cây bút châm biếm, trào phúng xuất sắc. Phong cách châm biếm, trào phúng vốn là phẩm chất, đặc điểm của Hồ Chí Minh thể hiện trong toàn bộ tác phẩm thơ ca, truyện ngắn và văn chính luận. Trong nhiều bài văn chính luận, Người tiến công trực diện chủ nghĩa thực dân Pháp với những đòn châm biếm mạnh mẽ, sắc sảo, giàu chất liệu và thuyết phục, ý tưởng thâm thuý, tinh vi, nụ cười trào lộng, vừa của người bị áp bức vừa có cái thế của người nắm được chính nghĩa. Châm biếm, trào phúng trở thành bút pháp quen thuộc của Hồ Chí Minh để tiến công kẻ thù. Từ chủ nghĩa thực dân Pháp đô hộ người bản xứ đến bọn thực dân xâm lược Pháp, rồi đế quốc Mỹ... suốt trên nửa thế kỷ lúc nào kẻ thù cũng hiện hình, cũng kìm hãm, bao vây, xâm lược đất nước ta. Đòn bút của Người dưới nhiều bút danh từ Nguyễn Ái Quốc đến Chiến Sĩ, Trần Lực, C.B., Đ.X., v.v. luôn ở thế chủ động tiến công kẻ thù. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị Chủ tịch nước, Người không sử dụng bút pháp châm biếm, trào phúng theo những phương thức quen thuộc mà chủ yếu là luận chiến với những người đứng đầu nhà nước Pháp và Mỹ, phê phán trực tiếp những âm mưu xâm lược và tội lỗi của kẻ thù. Riêng với nhân dân, Người ít dùng ngôn từ châm biếm, trào phúng. Người thường bộc lộ nét vui tươi, dí dỏm khi đối thoại vời quần chúng. Có thế tìm thấy ở Người, bên cạnh một chất trí tuệ, kiên định, mạnh mẽ là một n ụ cười nhân ái, tươi vui, dễ tạo nên không khí gắn bó, chan hoà giữa mọi người. Nếu là một ý kiến phê phán thì người nghe dễ tiếp nhận. Nếu là một nụ cười hóm hỉnh thì mọi sự càng dễ hoà hợp hơn. Trong một lần nói chuyện với cán bộ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, bằng cách nói vui, hóm hỉnh mà nghiêm khắc, Người phê phán việc chè chén khi họp hành: “Việc “liên hoan, chè chén” tuy có giảm bớt so với trước nhưng vẫn còn phổ biến. Dân phải đóng tiền để cho cán bộ ăn mà mình không được ăn; như vậy tức là không giúp cho cán bộ “vạn thọ vô cương”. Có nơi Bác tới thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng để “chiêu đãi Hồ Chủ tịch”; thế là họ “ăn” cả Hồ Chủ tịch. Phải tích cực sửa chữa”.

Trong bài trả lời đồng chí Mácta Rôhát - phóng viên báo Granma (Cuba), Người có một cách nói hóm hỉnh rất vui, dễ thấm vào lòng người và tạo hiệu quả giáo dục rất cụ thể: “Hiện nay, chị em đang làm những nhiệm vụ và giữ vững cương vị lãnh đạo trước đây họ chưa từng đảm đang. Chúng có thể gặp nhiều phụ nữ hiện đang làm chủ nhiệm hợp tác xã. Đồng chí có biết không, chị em làm còn có kết quả hơn nam giới, vì cánh nam giới khi thu được thành tích trong lao động thì hay tổ chức liên hoan, chè chén, có khi tiêu quá cả số tiền đã làm thêm được. Phụ nữ không làm những việc như vậy.

Đồng chí đừng kể lại điều tôi vừa nói cho cánh nam giới biết đấy nhé, nhưng quả thật là phụ nữ làm việc rất tốt”.

Có thể nói, trong các bài viết của mình, Hồ Chí Minh rất chú ý đến đối tượng mà mình viết, người mà mình đối thoại và có một cách ứng xử thích hợp. Có thể nói, văn hoá ứng xử trong các bài viết, bài nói được Người tôn trọng, song không rơi vào nghi lễ, kiểu cách. Thân tình, gần gũi mà vẫn theo đúng quy tắc ứng xử về văn hoá đã tạo cho trang viết sức hấp dẫn, lôi cuốn riêng.

Qua hàng ngàn bài báo, bản sắc và dấu ấn của chủ thể sáng tạo có thể bộc lộ qua nhiều cách. Có khi là lời trực tiếp của tác giả. Nhưng phổ biến và bao quát hơn là những đặc điểm của tư duy, phương pháp, phong cách, ngôn từ... của tác giả thấm sâu trong các bài viết. Chủ tịch Phạm Vân Đồng nhận xét:

Về tư duy của Hồ Chí Minh: “Đặc điểm nổi bật trong tư duy lý luận của Hồ Chí Minh là quan điểm hệ thống” và “một điều cực kỳ quan trọng cần nhấn mạnh là phong cách, là sự ứng phó khớp với diễn biến lịch sử”.

Về luận về con người: “Trong luận điểm về cách mạng của Hồ Chí Minh, trung tâm là luận điểm về con người”, “là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản” và trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng là “tin ở dân, dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, phát huy năng lực của dân”, “chất con người Hồ Chí Minh là chất Việt Nam, chất cách mạng, chất cộng sản, chất nhân văn...”.

Về phương pháp luận: “Hồ Chí Minh đã làm cho lý luận sinh động trong thực tiễn và làm cho thực tiễn thấm nhuần lý luận”. Hồ Chí Minh là nhà lý luận và nhà thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin. Những phẩm chất, những đặc điểm trên bộc lộ ở những mức độ khác nhau qua các tác phẩm, góp phần tạo nên bản sắc và dấu ấn của Hồ Chí Minh qua trang viết.

Bản sắc và dấu ấn của chủ thể sáng tạo không khép kín hoặc chỉ quy tụ ở một cá nhân nhà báo Hồ Chí Minh mà là tấm gương chung có thể và đã được nhân rộng ra ở nhiều nhà báo cách mạng.

Tác giả: GS. NGND Hà Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây