Những cơ sở để Bộ Tư lệnh tối cao hoạch định kế hoạch Giải phóng miền Nam

Thứ sáu - 28/04/2017 02:05
Vào những ngày cuối năm 1974 đầu 1975, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam được thông qua. Sau đó, khi mặt trận Tây Nguyên toàn thắng, kế hoạch trên được điều chỉnh thêm và xác định quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975 rồi sau đó trước mùa mưa…
Những cơ sở để Bộ Tư lệnh tối cao hoạch định kế hoạch Giải phóng miền Nam
Những cơ sở để Bộ Tư lệnh tối cao hoạch định kế hoạch Giải phóng miền Nam

Trải qua chỉ đạo chống Mỹ, cứu nước suốt 2 thập kỉ, vào đầu mùa xuân năm 1975, Bộ chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến – bao hàm Bộ Chính trị, Tổng quân ủy Trung ương…đã quyết định dứt khoát tiến lên đưa swj nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam từ thắng lợi hoàn toàn lên thắng lợi quyết định.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày vấn đề trong giới hạn cụ thể là những cơ sở khoa học nào để Bộ tư lệnh tối cao họp vào cuối năm 1974 đầu 1975 đã hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất.

Những cơ sở mang tính khách quan này bao gồm các yếu tố chủ quan, khách quan; từ các kết quả chỉ đạo của thời kỳ trước và cả các yếu tố vừa xuất hiện. Có thể nêu và phân tích các các yếu tố đó như sau:

1. Kế thừa tính nhất quán dùng thực lực cách mạng giải phóng miền Nam

Sau mấy năm kiềm chế và kiên trì thực hiện phương châm hòa bình thống nhất nước nhà nhưng bị đối phương cự tuyệt, đến năm 1959, Bộ chỉ huy tối cao của cách mạng Việt Nam đã chủ trương giải phóng miền Nam bằng con đường bạo lực cách mạng. Từ đó, trải qua những thời kỳ đấu tranh gian khổ, quyết liệt chống 3 loại hình chiến tranh khốc liệt của Hoa Kì, nhân dân Việt Nam kiên trì, kiên quyết sử dụng bạo lực để đánh bại chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và đến năm 1972 đã đánh bại một bước căn bản Việt Nam hóa chiến tranh của Hoa Kì ở miền Nam. Với chiến thắng ở mặt trận phía Nam trong năm 1972 cùng với Điện Biên Phủ trên không buộc đối phương phải kí hiệp định Pa-ri về Việt Nam (1973).

Với việc hiệp định Pa-ri được ký kết, Hoa Kỳ buộc rút quân khỏi miền Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự ở Việt Nam. Sự kiện này mở ra thời kỳ cách mạng miền Nam “đánh cho Ngụy nhào” bắt đầu. Tuy nhiên, có một vấn đề nẩy sinh là Hiệp định đã quy định lập lại hòa bình  chấm dứt chiến sự, công nhận sự tồn tại của 2 chính quyền, 2 vùng kiểm soát…, thì việc đánh đổ chế độ chế độ Sài Gòn – thế lực không bao giờ thi hành hành Hiệp định nên buộc phía cách mạng phải vượt Hiệp định, sẽ diễn ra như thế nào. Đây là một trong những câu hỏi lớn đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lúc đó.

Chính Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 (10-1973) đã giải quyết vấn đề này, với nội dung khái quát như sau:

- Với tiến công và chiến thắng của quân dân 2 miền Nam Bắc, buộc đối phương phải ký hiệp định Pa-ri, là thắng lợi quyết định của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Hiệp định quy định nhân dân Việt Nam sẽ tự do tuyển cử thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, vì bản chất của mình, nên đối phương vẫn âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta[1] và đối phương đã và đang vi phạm Hiệp định hết sức nghiêm trọng[2].        

- Thực tiễn tình hình miền Nam lúc đó đang phát triển theo hai khả năng. Một là nhân dân Việt Nam từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định, hòa bình được lập lại thật sự và nhân dân miền Nam vượt qua khó khăn phức tạp để hoàn thành độc lập, dân chủ. Khả năng thứ 2 là do đối phương phá hoại Hiệp định nên “ta lại phải tiến hành chiến tranh  cách mạng gay go, quyết liệt đẻ đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn”[3] (Nghị quyết nhấn mạnh).

- Cân nhắc các tình huống sẽ xẩy ra, Hội nghị lần thứ 21 khẳng định vấn đề mấu chốt để để hoàn thành công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà là “Trong bất kỳ tình hình nào, phải nắm vững lực lượng vũ trang” [4].

Trên chiến trường miền Nam lúc đó, sau khi Hiệp định được ký kết, một số địa phương vì không nhận thức hết âm mưu của đối phương nên một số nơi bị địch lấn chiếm, mất đất, mất dân. Trong khi đó, ở Khu 9, dù lực lượng chưa được tăng cường nhiều như những địa bàn khác, nhưng đã chủ động tiến công địch lấn chiếm nên vùng giải phóng được củng cố, mở rộng.

Từ bối cảnh trên, Trung ương Đảng chỉ đạo lực lượng cách mạng miền Nam “Phải kiên quyết phản công và tiến công địch, giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta[5].

Tóm lại tinh thần cơ bản nhất của Hội nghi 21 của BCH Trung ương Đảng quán triệt cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là chuẩn bị và sẵn sàng sử dụng bạo lực cách mạng, giữ vững thế tiến công chiến lược của cách mạng miền Nam, sẵn sàng vượt Hiệp định nếu đối phương không chịu thi hành các điều khoản đã được kí kết.

Kể từ tháng 10 năm 1973 trở đi, tư tưởng nhất quán này đã được quán triệt sâu rộng trong mọi lực lượng cách mạng và từ đó tạo thế đồng bộ cả về thế tiến công chiến lược và tư tưởng để từ đó đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước về đích cuối cùng. Những hiện tượng một số địa phương bị mất đất, mất dân vì không đối phó kiên quyết với quân Sài Gòn lấn chiếm sau tháng 1-1973 được khắc phục nhanh chóng. Thấm nhuần tunh thần Nghị quyết 21, từ đầu năm 1974 trở đi, quân Giải phóng không chỉ giữ vững địa bàn của mình mà còn đánh thẳng vào các trung tâm nơi Sài Gòn xua quân lấn chiếm.

Tư tưởng sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam là tiền đề để Bộ Tham mưu tối cao kế tục và phát huy cao độ trong Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tháng 12 năm 1974/tháng giêng 1975.

2. Ý đồ và khả năng của đối phương

Một vấn đề cốt lõi trong tư tưởng chỉ đạo cách mạng miền Nam sau khi có Hiệp Định Pa-ri là đối phương sẽ phản ứng như thế nào khi cách mạng miền Nam không có con đường nào khác là phải vượt Hiệp định để hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thực chất của bài toán này là Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào khi ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trên thực tế, Hoa Kì sẵn sàng xóa mọi cam kết khi cần thiết. Thực tế trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kì từng cư xử như vậy. Năm 1968, Hoa Kì cam kết chấm dứt ném bom miền Bắc, nhưng sau đó đến năm 1972 lại đánh phá miền Bắc tàn bạo hơn…Vì vậy, Hoa Kì sẽ phản ứng như thế nào nếu cách mạng miền Nam tiến lên đánh đổ chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là bài toán sống còn mà Trung ương xem xét can nhắc suốt trong những năm 1973-1974 và đầu 1975.

Cũng trong thời gian lịch sử kể trên, có nhiêu quốc gia cũng quan tâm thái độ thực sự của Hoa Kỳ, là ở lại hay ra đi khỏi miền Nam, khỏi Đông Nam Á để tính toán chiến lược của mình. Riêng phía chính quyền Sài Gòn cũng đang tìm câu trả lời về vấn đề này, tuy nhiên ý đồ của họ xuất phát từ khía cạnh khác. Vì thế, cả Hà Nội và Sài Gòn đều ra sức thăm dò thái độ của Hoa Kỳ.

Sự kiện đầu tiên đánh dấu phản ứng của Hoa Kỳ về tình hình miền Nam là vụ Tống Lê Chân. Đây là căn cứ của quân đội Sài Gòn, đóng ở xã Minh Tâm, huyện Bình Long, Bình Phước. Tống Lê Chân là một căn cứ tiến đồn do 1 tiểu đoàn biệt kích Sài Gòn đóng chốt. Nhưng bởi căn cứ này đóng sâu trong vùng giải phóng, bị cô lập hoàn toàn nên việc tiếp viện của Sài Gòn cho quân đồn trú ở đây rất khó khăn, phải sử dụng cả trực thăng.

Bị quân Giải phóng bao vây chặt, trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, đống giữ vị trí này tỏ ra lợi bất cập hại nên Sài Gòn tính toán triệt thoái quân khỏi Tống Lê Chân và Sài Gòn rất muốn vị trí này bị Giải phóng đánh chiếm (mà họ gọi là tràn ngập) để lên tiếng tố cáo với quốc tế. Nhưng lực lượng Giải phóng hiểu thế lưỡng nan của quân Sài Gòn ở đây, nên chỉ vây chặt và sẵn sàng diệt quân địch tiếp viện từ đường hàng không. Cuối cùng, ngày 11 tháng 4 năm 1974,  quân Sài Gòn ở Tống Lê Chân đã bí mật rút khỏi căn cứ và sau đó lên tiếng đổ cho quân giải phóng đánh tiền đồn của họ.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho hệ thống truyền thanh “tố cáo” Việt Cộng tràn ngập Tống Lê Chân và ca ngợi rằng ở Tống Lê Chân “mỗi chiến sỹ (quân Sài Gòn) là một anh hùng!” và hy vọng Hoa Kỳ sẽ lưu tâm sự kiện này, dù nó do Sài Gòn dàn dựng. Nhưng Hoa Kỳ phớt lờ mọi thông tin về vụ Tống Lê Chân của Sài Gòn[6].

Cũng trong thời gian này, tại Wasington, cuộc đấu tranh giữa cơ quan lập pháp với hành pháp về hoạt động quân sự của Hoa Kì ở nước ngoài- trong đó ở Việt Nam là chủ chốt, đang diễn ra ngày một quyết liệt.

Ngày 7 tháng 11 năm 1973, đạo luật War Powers Act (tạm dịch là Luật về quyền chiến tranh) được Quốc hội Hoa Kì thông qua. Dù còn có tranh luận về tính khả thi của War Powers Act, nhưng đạo luật này đã hạn chế sự lạm quyền sử dụng quân đội tham chiến ở nước ngoài của Tổng thống Hoa Kì. Đặc biệt thời điểm ra đời và nội dung Đạo luật này tác động đến các hoạt động quân sự của quân đội Hoa Kì ở Việt Nam khi Hoa Kì đã cam kết chấm dứt dính líu quân sự ở miền Nam. Bởi vậy, từ cuối năm 1973 trở đi, Tổng thống Hoa Kì không còn được quyền sử dụng quân lực gần như vô hạn ở chiến trường Việt Nam và Đông Dương giống như đã từng có từ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ- van kiện được quốc hội Hoa Kì thông qua vào tháng 8 năm 1964[7].

Một sự kiện khác gây tác động sâu sắc đến tình hình Sài Gòn và cả phía Hoa Kỳ lúc đó là vụ Oa-tơ-ghết- một sỉ nhục của nền dân chủ  Hoa Kỳ lúc đó, như dư luận công chúng Mỹ nhận xét.

Trước khi vụ Oa-tơ-ghết bị phanh phui, Tổng thống Nixon và Kissinger đã có ý đồ tìm cớ để oanh tạc lại miền Bắc Việt Nam. Họ tính toán rằng, Hiệp định Pa-ri chỉ là văn bản thuận lợi lợi cho Hoa Kỳ vì theo Hiệp định, miền Bắc sẽ trao trả số phi công Hoa Kì bị bắt khi máy bay bị bắn rơi trong 2 lần thực hiện  chiến tranh phá hoại Việt Nam  Dân chủ Cộng hòa. Bàn về ý đồ này của Hoa Kỳ, Trong cuốn sách nổi tiếng “Không hòa bình, chẳng danh dự” của mình, Larry Berman, một học giả nổi tiếng ở Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam, người từng làm tham vấn chính trị cho Tổng thồng Johnson đã đánh giá rằng “Bản hiệp ước trở thành một nghi thức để Hoa Kỳ rút quân và được trao trả tù binh chiến tranh chứ không phải để cho một nền hòa bình lâu dài”[8] .

Những sử liệu được giải mật ở Hoa Kỳ trong thời gian qua cho thấy cả Nixon và Kissinger đều muốn thực hiện chiến dịch tiếp tục đánh phá miền Bắc. Nixon muốn oanh kích sau khi miền Bắc trao trả nhóm phi công cuối cùng (29-3-1973) và có thể ném bom hủy diệt đến tận năm 1976- mốc thời gian  Nixon hết nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 2. Còn Kissinger  muốn thực hiện chiến dịch Vịt Đá (ném bom làm miền Bắc kiệt quệ) sau khi ông ta nhận xong giải thưởng Nô-ben hòa bình vì đã có công đưa lại hòa bình ở Việt Nam bởi Hiệp định Pa-ri!

Trong 5 đời tổng thống Hoa Kỳ liên đới đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Tổng thống Nixon là người hiếu chiến, thâm hiểm nhất. Nhưng sự kiện Oa-tơ ghết đã làm cho ông ta không thể thực thi mưu đồ của mình. Kissinger  đã có nhận xét rất xác đáng về thái độ của Tổng thống Nixon về vấn đề Việt Nam là ông ta đã đối phó một cách thiếu mạch lạc một cách kỳ cục: Ông ta buông suôi. Ông ta không làm một việc chuyên chú và đầy nghị lực như đặc tính của ông ta[9].

Cuối cùng vụ Oa-tơ –ghết đã nhấn chìm Tổng thống Nixon. Ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.

Việc Nixon buộc phải từ chức là một dấu hiệu báo nguy cho chế độ Sài Gòn. Đây là điều mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải thừa nhận trong diến văn từ chức ngày 21-4-1975. Ngược lại, đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, sự kiện này đánh dấu thêm khả năng rằng, dù muốn hay không, nhưng thực tế Hoa Kỳ đã khó quay lại miền Nam khi nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng  hoàn toàn tổ quốc.

Bốn tháng sau khi Nixon từ chức, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch đường 14- Phước Long. Trong vòng 3 tuần lễ cuối năm 1974 đầu năm 1975, quân Giải phóng đã tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Đây là tỉnh đầu tiên được giải phóng hoàn toàn ở miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Mất một vị trí tiền đồn ở miền Đông Nam bộ, chính quyền Sài Gòn ra thông cáo ầm ỉ hi vọng Hoa Kỳ sẽ có phản ứng quyết liệt. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh tổ chức quốc tang 3 ngày vì mất Phước Long. Tuy nhiên, sau phản ứng chiếu lệ, Nhà trắng tuyên bố cuộc chiến ở Việt Nam đã nằm ngoài chương trình nghị sự của Hoa Kỳ.

Chiến thắng Phước Long diễn ra khi Bộ Chính trị đang họp bàn về kế hoạch giải phóng miền Nam. Sự kiện Phước Long có ý nghĩa như một trận trinh sát chiến lược, thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ như thế nào nếu lực lượng cách mạng miền Nam đánh đổ chế độ Sài Gòn. Đây là một cơ sở khoa học để Trung ương vạch phương án giải phóng miền Nam lúc đó.

Như vậy, qua 2 năm thăm dò, với 3 sự kiện chủ chốt trên, bài toán về thời cơ giải phóng miền Nam đã được trải nghiệm. Trung ương Đảng đã có kết luận khoa học là Hoa Kỳ ít có khả năng can thiệp lại miền Nam nếu nhân dân miền Nam tiến lên đánh đổ chế độ Nguyễn Văn Thiệu, thống nhất đất nước.

3. Thế và lực của hai bên ở chiến trường

Trong 2 năm 1973-1974, hậu phương miền Bắc gửi hàng chục vạn quân vào các chiến trường miền Nam. Trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước, chưa bao giờ trong thời gian ngắn lực lượng cách mạng miền Nam được chi viện số lượng những như vậy. Dù quân Sài Gòn còn trên dưới 1 triệu người, nhưng với khoảng 29 vạn quân tăng viện từ miền Bắc vào đã làm thay đổi tương quan giữa ta và đối phương trên chiến trường.

Cùng với việc tăng cường quân lực, các quân đoàn chủ lực được thành lập. Ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1 (còn gọi Binh đoàn Quyết thắng) được thành lập ở Tam Điệp. Ngày 17-5-1974, Quân Đoàn 2 (còn gọi Binh đoàn Hương Giang) ra đời. Ngày 20-7-1974, Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) được thành lập. Các binh đoàn khác (Tây Nguyên và 232) sau đó cũng ra đời.

Việc thành lập các quân đoàn thể hiện bước phát triển mọi mặt của đội quân cách mạng. Mỗi binh đoàn quân số tương đương 3-4 sư đoàn. Nhưng nó không phải là phép cộng thuần túy từ sức mạnh đột phá của các sư đoàn chủ lực Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là sự thay đổi về chất của bộ đội chủ lực. Các binh đoàn thực sự là quả đấm thép đủ sức nghiền nát chủ lực đối phương như nó sẽ thể hiện ở thời gian sau. Cũng trong năm tháng này, các trung đoàn chủ lực Miền được sát nhập với nhau thành các sư đoàn mạnh.

Cùng với việc tăng cường quân số, tổ chức khối chủ lực cơ động mạnh, trong năm 1973-1974 hàng vạn cán bộ dân chính, kỷ thuật … từ miền Bắc tăng cường cho lực lượng miền Nam. Nhiều cán bộ Dân - Chính – Đảng ra Bắc trong thời gian trước nay đã về quê làm nhiệm vụ.

Từ đầu năm 1973,  hệ thống hậu cần được  chỉnh đốn. Cục vận tải và Bộ Tư lệnh Trường Sơn (tiền thân là 559) được củng cố tăng cường phương tiện và lực lượng vận chuyển, kho bãi. Gần chục trung đoàn vận tải cơ giới được hoạt động thường xuyên trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Các kho bến bãi ở trên trục giao thông chiến lược và chiến dịch được lập mới và mở rộng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 1973, hậu phương miền Bắc đã chuyển vào chiến trường 140.000 tấn hàng, gấp 4 lần năm 1972. Đến cuối năm 1974, các mặt trận ở miền Nam đã có hàng vạn tấn vật chất vũ khí. Riêng hậu cần Miền đã dự trữ được hơn 10 vạn tấn hàng hóa[10]

Đường Hồ Chí Minh được mở rộng thành hệ thống đường chiến lược có nhiều làn. Trước kia, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh dừng lại ở biên giới Việt – Lào hoặc Việt- Campuchia thì đến năm 1974 đã phát triển sâu vào nội địa miền Nam[11]. Cùng với hệ thống đường chiến lược, hàng vạn cây số đường chiến dịch nối từ đường Hồ Chí Minh thông với các mặt trận ở miền Nam đã được xây dựng xong trong năm 1973-1974. Hệ thống giao thông chiến lược chio phép các dơn vị hành quân từ hậu phương vào chiến trường cự nam chỉ còn 20 ngày. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hàng ngày đã có hàng ngàn xe cơ giới vận chuyển hàng hóa, bộ đội  vaò Nam.

Song song với xây dựng hệ thống đường chiến lược, chiến thuât, hệ thống xăng dầu được xây dựng trong 2 năm 1973-1974 đã nối từ hậu phương lớn vào tận các chiến trường. Hệ thống ống xăng dầu dài 1.700 km đã đủ sức cung cấp đầy đủ, kịp thời cho lực lượng cơ giới khi tác chiến ở chiến trường xa.

Hệ thống hậu cần cùng thiết kế chiến trường trong năm 1973-1974 đã tào tiền đề cho cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân dân ta ở miền Nam diễn ra với nhịp điệu “một ngày bằng 20 năm”..

Cùng thời gian này, bộ đội giải phóng chủ động phản công các đợt lấn chiếm của quân Sài Gòn. Các trận thắng của Quân Giải phóng ở Thượng Đức, Minh Long, Giá Vụt… cho thấy sự suy yếu của các sắc lính của quân Sài Gòn, kể cả các đơn vị dự bị chiến lược. Hàng loạt lõm căn cứ, địa bàn đứng chân cho các sư đoàn chủ lực quân Sài Gòn được mở ra trong năm 1974. ..

Việc tăng cường nhân lực toàn diện cho cách mạng miền Nam trong 2 năm kể trên, đặc biệt là lực lượng vũ trang cách mạng, đã làm tiền đề cho cuộc chiến đấu cuối cùng tất thắng trong thời gian tới.

Tuy nhiên quân Sài Gòn còn rất đông. Tổng số có khoảng trên 1 triệu quân. Nếu xét về lực lượng bộ binh thì đông vào loại tốp 5-6 trên thế giới. Hỏa lực phi pháo của quân Sài Gòn nhiều và được trang bị tốt, hiện đại và nhiều hơn lực lượng kháng chiến.

Hầu hết các vị trí chiến lược ở miền Nam vẫn do quân Sài Gòn kiểm soát. Đến gần cuối năm 1974, chưa tỉnh nào ở miền Nam được giải phóng trọn vẹn. Vùng giải phóng vẫn bó hẹp ở một số huyện rừng núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ dân số vùng giải phóng kiểm soát khoảng 10% tổng dân số miền Nam.

Với thế bố trí chiến lược mạnh hai đầu (Vùng Quảng trị ở phía Bắc và tuyến bắc Sài Gòn) quân Sài Gòn còn rất mạnh về thế và lực…Điểm yếu cốt tử của quân Sài Gòn là khi Hoa Kì rút quân khỏi miền Nam thì tinh thần chiến đấu sa sút trầm trọng. Tư tưởng chiến bại lan rộng trong mọi sắc lính…

Từ sự cộng hưởng của các yếu tố trên nên đến cuối năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam dù còn những khó khăn nhất định, nhưng đã có đủ điều kiện để tiến lên giành toàn thắng.

Trong khi quân dân cả nước đang khẩn trương đưa công cuộc cách mạng đến đích thắng lợi, thì có một số nhân tố khách quan mới xuất hiện.

Vốn đã có ý đồ từ trước, nên khi Hoa Kỳ đang rút khỏi miền Nam, chính quyền Sài Gòn đang hoang mang, tháng 1-1974, quân Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.  

Cũng xuất phát từ mưu đồ bên ngoài, sau khi Việt Nam chủ động ký hiệp định Pa-ri, lực lượng Khơ me đỏ đã tìm cách chống phá cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Từ giữa năm 1974, khi lực lượng Giải phóng miền Nam tiến công quân Sài Gòn ở các vị trí sát biên giới Campuchia, quân Khơ me đỏ đã nhiều lần tập kích vào hậu cứ, trạm y tế, cướp phá cơ sở hậu cần. Vì thế nhiều đơn vị bộ đội  buộc phải để lại một số lực lượng không nhỏ, kể cả xe tăng, để ngăn chặn tập hậu của quân Pôn pốt. Cuộc tiến công Việt Nam của tập đoàn Pôn –pốt sau tháng 5-1975 chỉ là sự kế tục của các hành động đã dư tính toán từ trước.

Trong khi đó, ở vùng đô thị Sài Gòn, Chợ Lớn, một số người được gọi là ngoại kiều đã và đang toan tính lập một số Chi bộ Đảng do giật dây từ bên ngoài…

Rõ ràng tất cả các sự kiện tưởng chừng là riêng lẻ kể trên đều nằm trong một kế hoạch nhất quán là tìm cách khống chế, hạn chế sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đang ở thời khắc quyết định cuối cùng. Bởi sự thắng lợi của nhân dân Việt Nam, trong chừng mực nào đó là ngăn cản ý đồ nước lớn của họ trong ý đồ chiến lược bành trướng.

Những sự kiện trên đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân là cần phải dứt điểm, giải quyết Việt Nam miền Nam càng sớm, càng tốt, tránh những ý đồ đen tối có thể triển khai mưu lược chủ nghĩa dân tộc bành trướng của mình.

Cân nhắc mọi tình thế kể trên, trong các hội nghị của Bộ Tư lệnh tối cao – bao gồm các hội nghị diễn ra từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975 tại Tổng hành dinh, đã quyết định rằng cách mạng miền Nam có đủ điều kiện và cần thiết phải tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ tư lênh tối cao đã dự đoán đúng khả năng và hạ quyết tâm đưa  cách mạng miền Nam tiến lên toàn thắng trong thời gian ngắn và đã chọn địa điểm, mặt trận đột phá cho kế hoạch tỷ mỷ, khoa học đó.

Chiến thắng vang dội Mùa xuân năm 1975 là kết quả và đỉnh cao của sự nghiêp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng lịch sử này là kết tinh của cuộc kháng chiến trường kỳ do Đảng lãnh đạo, nhưng trực tiếp mà nói, nó nguồn gốc từ quá  trình chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, khoa học và chỉ đạo kịp thời của Bộ Chỉ huy tối cao của cách mạng Việt Nam. Trong những nguyên nhân thắng lợi, có nhân tố vô cùng quan trọng là Bộ Tư lệnh tối cao đã bắt mạch đúng căn nguyên để chỉ đạo kịp thời quân dân cả nước giành thắng lợi vang dội, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa xuân 1975.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 34 (1973). NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 227.

[2] Như trên, tr. 226.

[3] Như trên, tr. 231.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 34 (1973). NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 243.

[5] Như trên, tr. 237.

[6] Trong diễn văn từ chức ngày 21 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu đã thú nhận rằng vụ Tống Lê Chân là một trong những phép thử đầu tiên về khả năng ủng hộ của Hoa Kỳ đối với chính quyền Sài Gòn.

[7] Nội dung của Đạo luật trên qui định Tổng thống phải thông báo cho Quốc Hội trước khi mang quân ra nước ngoài và trong vòng nửa năm phải rút quân về nước nếu Quốc hội không chấp thuận.

[8] Larry Berman: Không hòa bình, chẳng danh dự, Việt Tide (Hoa Kỳ) 2003, tr. 329.

[9] Dẫn theo: Larry Berman, SDd, tr. 343.344.

[10]   Bộ Quốc phòng- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập VIII, Toàn Thắng. NXB Chính trị Quốc gia, H, 2008, tr. 210.

[11] Lê Mậu Hãn (chủ biên): Lịch sử Việt Nam, Tập IV, NXB Giáo dục Việt Nam, H, 2013, tr. 413.

Tác giả: Nguyễn Đình Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây