Ngôn ngữ
Khách mời tham gia tọa đàm gồm có: GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia; PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông; nhà báo Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế.
Buổi tọa đàm là diễn đàn cung cấp những thông tin nóng nhất về thực trạng gia tăng đáng lo ngại của bệnh ung thư tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 thế giới về tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Theo thống kê của dự án phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có 80.000 người chết vì ung thư và 150.000 người mắc mới. Số tiền bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh ung thư lên đến hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Bên cạnh đó, các khách mời cũng chia sẻ về nhu cầu ghép tạng - như một trong những giải pháp quan trọng tại Việt Nam để cứu chữa bệnh nhân mắc những bệnh nan y - cũng ngày càng tăng.
Từ trái qua phải: nhà báo Nguyễn Cao Cường - Phó Giám đốc CMP, nhà báo Vũ Mạnh Cường, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, GS.TS.BS Trịnh Hồng Sơn
Từ nhiều góc nhìn khác nhau, các diễn giả đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin chính xác, kịp thời trong lĩnh vực y tế, nâng cao nhận thức và hiểu biết của xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe, tạo sự hợp tác tích cực giữa ngành Y với người dân trong việc đẩy lùi bệnh tật, nâng cao chất lượng sống.
Nhà báo Vũ Mạnh Cường cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng các báo đưa tin vội vàng, thiếu chính xác về các hoạt động y tế gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các bác sỹ, y tá và bệnh viện cũng như niềm tin của người dân vào hệ thống y tế. Ông minh chứng bằng vụ việc một số báo phản ánh chưa đầy đủ về việc trẻ tử vong do tiêm vắc xin khiến rất nhiều phụ huynh đã ngừng cho con tiêm chủng do lo ngại rủi ro. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự bùng phát những dịch bệnh trong cộng đồng trong những năm tới mà vốn chúng ta có thể dễ dàng khống chế bằng tiêm chủng. Nhà báo Vũ Mạnh Cường cũng cho rằng lĩnh vực y tế là lĩnh vực chuyên môn rộng nên cũng thách thức các nhà báo phải có kiến thức nhất định về ngành này mới có thể có cái nhìn thấu đáo với những sự kiện xảy ra.
Từ góc độ người trong cuộc, bác sỹ Trịnh Hồng Sơn cho biết: bản thân ông và nhiều đồng nghiệp đã từng rất buồn lòng trước một số thông tin sai lệch hay phiến diện mà báo chí phản ánh về việc cứu chữa người bệnh. Điều đó khiến những người thầy thuốc vừa phải nghĩ cách cứu chữa bệnh nhân nhưng cũng vừa phải lo lắng tìm cách bảo vệ bản thân trước dư luận. Ông cũng đề nghị, báo chí truyền thông nên hướng tới việc tuyên truyền những thông tin tích cực và thiết thực, ví dụ như tìm cách giải thích cho dư luận và người dân ý nghĩa nhân văn của việc tình nguyện hiến tạng ở những bệnh nhân chết não để đem lại cơ hội sống cho những người bệnh khác.
Từ góc độ của một nhà nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng truyền thông về y tế cần gắn chặt với văn hóa và truyền thông trong lĩnh vực y tế phải với tinh thần nhân văn, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Bà đưa ra lý giải về thực trạng nguồn hiến tạng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế là có gốc rễ nguyên nhân là quan niệm văn hóa về sự sống và cái chết của người Việt Nam. Chính điều này gây ra tâm lý ngần ngại của người dân đối với hoạt động hiến tạng. Hiểu được điều này thì người làm báo mới có thể truyền thông đúng và “trúng” để tháo bỏ rào cản tâm lý này, qua đó không chỉ hỗ trợ ngành Y tế trong công việc chuyên môn mà còn góp phần đem lại cơ hội sống cho rất nhiều người.
Các vị khách mời cũng đề xuất rằng để hoạt động truyền thông về y tế nói riêng hay trong các lĩnh vực chuyên biệt khác được hiệu quả thì ngay từ khâu đào tạo ở bậc đại học, các sinh viên cần được giảng dạy môn học chuyên đề về nội dung này. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thu Hương - Chủ nhiệm Khoa Báo chí cho biết, trong CTĐT của Khoa có học phần về báo chí chuyên biệt nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng báo chí và truyền thông trong từng lĩnh vực cụ thể. Và buổi tọa đàm hôm nay cũng chính là hoạt động nằm trong lộ trình xây dựng các môn học báo chí chuyên biệt ngày chất lượng và hiệu quả, phù hợp nhu cầu và thực tiễn cuộc sống.
Tác giả: Thanh Ha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn