Ngôn ngữ
Có lẽ rằng con đường đến với nghề của tôi nó khác biệt vì đúng theo câu nói “ghét của nào trời trao của đó”. Tôi không chọn học sư phạm mặc dù trong gia đình tôi, nhất là đằng ngoại, mọi người theo nghề giáo cũng ở mức kha khá vì tôi không thích làm giáo viên. Hình ảnh công việc giảng dạy theo bản tôi thấy từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 gói gọn trong chữ “nhàm chán”. “Nhàm chán” ở đây là nói về tính chất công việc: lên lớp – giảng bài – chấm bài – lên lớp – giảng bài – chấm bài,…Tôi nghĩ đến thôi đã thấy bản thân mình không hợp với nó chút nào. Tôi thích được thử nghiệm, bay nhảy, thay đổi trong nhiều môi trường. Tôi mơ mộng đến sự hào nhoáng và thay đổi nay đây mai đó trong các doanh nghiệp, vì vậy tôi lựa chọn học ngành mà tôi thấy thỏa mãn các điều kiện cần và đủ: “chẳng liên quan gì đến sư phạm” và “có sự năng động kèm di động”. Ngay cả khi đang học đại học, tôi còn bĩu môi với câu phán xanh rờn của đứa bạn cùng lớp được mệnh danh “có giác quan thứ 5 rưỡi”: “Sau này mày làm công việc kiểu ổn định như giáo viên”. Đúng là “đời không như là mơ” khi tôi không chọn nghề mà nghề nó chọn tôi. Sau vài lần dòng đời đưa đẩy, và chẳng biết vô tình hay hữu ý mà tôi có cơ duyên đến với giảng đường. Bạn bè tôi bất ngờ, gia đình tôi ngỡ ngàng và tôi quả thực cũng “chưa từng nghĩ đến”.
Buổi lên lớp đầu của giảng viên trẻ
Buổi lên lớp đầu tiên bắt đầu là khi tôi đi trợ giảng cho thầy Vũ Cao Đàm ở một lớp chuyên ngành cho các em sinh viên khóa ngay sau tôi. Trước hôm lên lớp, tôi thấy khó ngủ vô cùng. Trong đầu tôi những hình ảnh tưởng tượng về buổi đầu tiên hiện ra với nhiều viễn cảnh. Tôi sợ. Tôi lo. Tôi run. Nhưng tôi cũng háo hức cho buổi đầu “trình diện” này. Ngày hôm sau, mọi thứ không như tôi nghĩ. Khi tôi vào lớp, vẫn là lớp học đã gắn bó với tôi từ hồi sinh viên nhưng bây giờ đây, tôi không đứng đó để trả bài mà là với một vai trò, trách nhiệm vô cùng khác. Đứng trước các em sinh viên, tôi thấy mình như biến đổi thành con người khác: đĩnh đạc và cảm thấy bản thân mình trưởng thành hơn nhưng cũng có đôi chút mất tự tin. Tôi vẫn cảm thấy mình non nớt, ít kinh nghiệm với vô vàn nỗi sợ: sợ mình không đủ khả năng để truyền tải, để trả lời những câu hỏi hóc búa của các em sinh viên, sợ tiết học không đủ thu hút, không đủ các em thấy yêu môn tôi dạy,… Lần đầu tôi đứng trên giảng đường là khi thầy yêu cầu hướng dẫn lớp làm bài tập thảo luận. Những phút giây đứng trên bục giảng đầy ngại ngùng, lúng túng bởi lần đầu đứng trước biết bao sinh viên nên rất hồi hộp, lắm khi tôi quên mất những lời mình định nói, quên luôn kịch bản thảo luận tôi vạch ra ban đầu. Nhìn vào mắt các em sinh viên, tôi còn thấy rõ sự hoài nghi “Cô trẻ quá, không biết có đủ kinh nghiệm dạy mình không?”. Thế nhưng, mất vài phút đầu với sự bỡ ngỡ của cả cô và trò, buổi học cũng trôi qua cùng sự chăm chú, tham gia tích cực vào bài giảng của sinh viên, sự hòa đồng của thầy/cô và trò; và tiếng giảng của thầy, những lời trao đổi còn đôi chút ngượng ngùng của tôi với các em. Thế mà trước đó, trong tâm niệm của tôi, tôi nghĩ rằng làm giảng viên đứng trên bục giảng phải thể hiện cái uy, phải điều khiển được lớp học và phải tỏ ra thật lạnh lùng để các em sợ, các em chịu học, ko nói chuyện gây ồn vì mình còn trẻ dễ bị bắt nạt.
Sau buổi học, thầy có ngồi lại cùng tôi và trao đổi về những điểm “được” và “chưa được” của “cô giáo” khi trên lớp: từ cách xưng hô, từ cách đi đứng, cách dẫn dắt thảo luận và kết luận, cách “chữa cháy” khi đang giảng bài… Thầy nhấn mạnh từ giọng nói đến cử chỉ, thái độ, sự biểu cảm của khuôn mặt của giảng viên đều rất quan trọng. Và từng chút, từng chút một, tôi trưởng thành hơn. Thầy cũng kể với tôi về buổi đầu tiên thầy lên lớp giảng ở Đại học Bách Khoa cách đây khoảng hơn 50 năm và buổi đó thầy giảng cũng là cho các em sinh viên khóa sau thầy. Những cảm xúc thầy trải qua cũng như tôi bây giờ. Các thầy của tôi cũng là những bậc thầy về tâm lý khi tôi được nghe rất nhiều những câu chuyện về buổi đầu tiên lên giảng đường. Thầy Đào Thanh Trường kể về lần đầu lên lớp với cùng tình huống lên giảng đường bất ngờ, không biết trước. Có lẽ rằng, buổi đầu tiên đó không chỉ riêng tôi mà nó luôn thật ấn tượng và thật đong đầy cảm xúc với tất cả những người thầy, người cô.
Giảng đường theo thời gian cũng có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, thông minh và tiện ích hơn: có điều hòa, bảng kéo kết hợp màn chiếu,…. Nhưng dù công nghệ có đổi thay thì có một điều luôn ở đó là sự say sưa, sự tập trung, sự nhiệt huyết cùng những sự lo lắng cho cuộc sống, cho tương lai của các em sinh viên đang ở độ tuổi trưởng thành, và, tôi còn nhìn thấy tôi của gần 10 năm trước.
Những thế hệ giảng viên trên một giảng đường
Nhắc đến giảng đường, tôi muốn kể thêm về “điều đặc biệt” riêng có mà tôi nghĩ sẽ rất hiếm gặp khi mà ở đây – khoa Khoa học Quản lý – có đến bốn thế hệ trên cùng một giảng đường. Mới nghe thì tưởng chừng như điều không tưởng nhưng trên thực tế thì đúng là như vậy. Đáng lẽ tôi phải vẽ sơ đồ ra thì sẽ dễ hình dung hơn nhưng trong một bài cảm nghĩ như thế này mà chèn thêm sơ đồ thì tôi e hơi “sai sai”. Do vậy, tôi lấy đơn cử một ví dụ từ bản thân tôi: thầy Vũ Cao Đàm là thầy của thầy Đào Thanh Trường, thầy Đào Thanh Trường là chủ nhiệm lớp của cô Vũ Cẩm Thanh mà cô Vũ Cẩm Thanh là cố vấn học tập của tôi. Từng lớp người, từng thế hệ kế cận nhau, cứ lớp trước truyền lửa nghề cho lớp sau. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy và tôi thấy bóng dáng của thầy cô tôi và tôi ở trong đó:
“Măng non là búp măng non,
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi,
Tre già măng mọc có gì lạ đâu.
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.”
(Trích “Tre Việt Nam”- Nguyễn Duy, Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, 1973)
Vâng. Khi nhắc đến giảng đường, đến nghề giáo, cảm xúc của tôi gói gọn trong hai từ “Trách nhiệm” và “Tự hào”. Để “đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh” thì đó là cả sự tâm huyết, bao dung, vỗ về, hi sinh của những thế hệ “tre già”, “tre lớn”, là những nỗ lực, bứt phá của thế hệ “măng non”. Có DUYÊN đến với nghề thì phải có TÂM giữ lấy nghề.
Nguồn tin: Công đoàn Khoa Khoa học Quản lý