Ngôn ngữ
Với bất kỳ ai khi nghĩ về một mái trường, có lẽ hình ảnh quen thuộc sẽ thầy, cô là giảng đường bởi rõ ràng đó là những hình ảnh đẹp nhất, đáng trân trọng nhất. Tuy nhiên, có một góc thân thương của bao thế hệ sinh viên, giảng viên có lẽ không nên quên lãng - căng tin nhà trường. Căng-tin không chỉ lấp đầy sự trống trải của dạ dày, làm ấm bàn tay một ngày đông với chén trà nóng, mà còn là chốn kết nối biết bao thế hệ thầy, trò. Với tác giả, căng tin chứa đựng cả những dấu vết của tháng năm.
Tôi bước chân vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào một ngày mùa thu của hơn 18 năm về trước. Kể từ đó, tôi giành cả tuổi thanh xuân của mình tại chính nơi đây. Lúc ấy, nhà G nơi những giảng đường chính của nhà trường bây giờ đang được hoàn thiện, nhà E vẫn chưa có hình hài, và những toà nhà A, B, C cách nhau bởi những khoảng cây xanh lá.
Nhân Văn trong tôi ngày ấy sáng màu niềm vui của sinh viên năm thứ nhất đại học!
Tôi vẫn nhớ căng-tin trường nằm ở một góc garage ô tô bây giờ. Gọi là căng-tin có lẽ cho sang, chứ ngày ấy ngoài trà đá, một vài chai nước ngọt, hướng dương, một chút bò khô, bánh rán, kẹo lạc, không có nhiều đồ ăn vặt. Trước cửa căng-tin là cây đa giờ vẫn còn một phần gốc. Căngtin ngày ấy cũng không sáng sủa, không tủ kính bóng loáng, và tất nhiên điều hoà nhiệt độ là điều không tưởng. Nhưng ngày ấy, sự giản dị lại tạo nên nỗi nhớ thương. Đi xa tôi nhớ tiếng đàn ghita bập bùng mới tập của nhóm sinh viên đại học Khoa học Tự nhiên, nhớ tiếng hát mộc của các nhóm sinh viên xung kích trường Nhăn Văn vẫn chọn căng tin làm nơi tập trung, nhớ hình ảnh khói thuốc của những người thầy tôi vừa bàn việc vừa nghỉ ngơi trước khi lên lớp. Tôi nhớ khuôn mặt sáng ngời của những người bạn sinh viên cùng thời với mình. Với tôi, góc nhỏ ấy sống động, ấm áp và thân thương. Tôi gọi căng-tin ngày ấy là căng tin thế hệ 1.0.
Sau đó một vài năm, có lẽ là 2009, khi đã có toà nhà E (nơi mà tầng 1, 2 và 3 phục vụ cho hoạt động thư viện) thì căng-tin nằm ở một khóc khiêm tốn trên tầng 2 nhà nối giữa nhà H và nhà E. Cầu thang lên căng tin có thể chênh vênh khiến các chị em mặc đầm có chút e ngại. Bàn ghế kê san sát trong một không gian khiêm tốn có đôi khi gây khó dễ cho những cái balô căng sách gắng lách qua. Thế nhưng, một góc nho nhỏ ấy thôi cũng đủ để các bạn sinh viên hẹn hò và giảng viên gặp gỡ. Với cán bộ chúng tôi, trong một nhịp sống hối hả với bao lo toan chuyện dạy, đề tài, việc gia đình, con cái, việc gặp nhau một vài giây, hỏi han nhau một vài câu, vẫy nhau từ hai góc của căng-tin cũng đủ để thấy ấm lòng. À, như vậy anh ấy vẫn khoẻ, cô ấy vẫn đang công tác tại trường, anh ấy đang đi nghiên cứu, thầy ấy mới vừa nghỉ hưu...
Căng tin thế hệ 2.0 ấy có mì tôm chanh, bánh cuốn, bánh mì nem khoai, và xúc xích vị ngòn ngọt. Những món ăn này trở quen thân đến mức nếu có lỡ đi ăn ở nơi khác, dù cũng là thức ấy, món ấy và dù quán có nổi tiếng đến đâu cũng thấy thiếu. Thiếu gia vị của thói quen, của cảm giác bình yên, thiếu đi chất Nhăn văn.
Giờ đây căng-tin nhà trường nằm ở giữa nhà B và C. Căng-tin khang trang, có cả quán cafe và siêu thị nhỏ. Tôi đã từng nghĩ những bóng bẩy của cửa kính, cảm giác dễ chịu quá đỗi của máy lạnh, và cả wifi miễn phí kia đã cắt đứt những ngọt ngào, ấm áp, giản dị và kết nối của căng-tin xưa. Tôi đã từng hoài niệm và nhớ thương căng tin thế hệ 1.0, 2.0 ngày trước. Nhưng sau một buổi chiều ngồi hàn huyên cùng các anh, em lớp đổi mới sáng tạo dưới bóng hoa giấy, ngắm nhìn các bạn sinh viên cặm cụi ngồi học và trao đổi bài, lắng nghe những nhóm sinh viên hát khe khẽ theo âm nhạc của quán tôi đã khác. Tôi cũng thấy ấm áp hơn khi biết được rằng sinh viên của tôi không còn phải lang thang mỗi buổi trưa tìm quán ăn xa hay mệt nhoài tìm một góc để nghỉ. “Cơm căng tin bây giờ ngon và không hề đắt cô ạ”. Cay sống mũi, tôi nhận ra mình cần thay đổi cách nghĩ. Căng tin bây giờ hiện đại, sạch sẽ. Và thử nghĩ xem chính bản thân tôi cũng thấy một quán cafe có nhạc hay, không quá ồn ào náo nhiệt, có sự xuất hiện của những người bạn dù đang học hay xem phim cũng khiến mình thấy cuộc đời này đầy đủ, nhiều màu sắc, lắm thi vị. Và trong một xã hội khi mạng xã hội dần khiến con người quên đi những mối quan hệ thật sự, căng tin 3.0 này vẫn là chốn tương tác thực đang diễn ra hàng ngày. Trời chưa sang đông để tôi tìm cảm giác ấm áp của cốc trà nóng ngày xưa cũ. Nhưng những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 đã khiến tôi nhận ra tôi yêu căng tin đến nhường nào. Những ngày ấy, nghĩ tới hình ảnh căng tin với các nhóm sinh viên tập flashmob và cốc bạc sỉu trên tay là bất giác mỉm cười. Cảm giác ngọt ngào như len lỏi trong tim vậy.
18 năm của tôi tại Nhân văn đẹp vì có thầy, có bạn, có sinh viên. 18 năm ấy luôn gắn với với những hình ảnh của giảng đường, góc thư viện. Và 18 năm ấy sẽ không tròn đầy nếu thiếu căng tin dù là 1.0, 2.0, hay 3.0. ./.
Nguồn tin: Khoa Quốc tế học