{Dự thi Ấn tượng Nhân văn - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông} "Ngôi nhà thứ 2" của tôi

Thứ năm - 12/11/2020 04:25
Tôi về với Khoa Báo chí (ĐH Tổng hợp HN) nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (trường ĐH KHXH và NV) như một vận may, một cơ duyên mà tôi luôn ghi nhớ và trân trọng.

Tôi về với Khoa Báo chí (ĐH Tổng hợp HN) nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (trường ĐH KHXH và NV) như một vận may, một cơ duyên mà tôi luôn ghi nhớ và trân trọng.

Khi ấy tôi là một cô gái 22 tuổi vừa tốt nghiệp khoa Văn, gặp may được Thầy hướng dẫn luận văn là GS. Hà Minh Đức lại là Chủ nhiệm khoa Báo chí, thầy bảo “Có muốn về khoa Báo chí làm việc không?”. Tôi không tin vào tai mình, rụt rè hỏi lại “Có thật không Thầy?”. Thầy bảo “Khoa Báo chí mới thành lập, còn thiếu cán bộ văn phòng, em có muốn về làm thì mang hồ sơ đến nộp cho thầy”. Rồi nhìn cái mặt ngỡ ngàng của tôi, Thầy cười rất hiền bảo “Nhưng mà khoa nghèo lắm đấy”. Chỉ chút xíu nữa thôi là tôi nhảy lên, reo thật to lời cảm ơn Thầy.
 

2 (1) 20201112162851324

Mấy hôm liền tôi tự soạn cho mình một bài giới thiệu ngắn gọn để tập đi tập lại cho thuộc, phòng hôm nào ra mắt các thầy cô sẽ không run, không vấp.

Sáng hôm ấy tôi đến Trường thật sớm, lên tầng 4 nhà A mà hồi hộp vô cùng. Hành lang vắng lặng, phòng nào cũng khóa, chưa ai đến. Tôi đứng nép vào cầu thang ngóng ngóng chờ đợi. Chợt một giọng nói trầm ấm vang lên sau lưng tôi “Em đợi gặp ai đấy?”.  Tôi quay lại. Một dáng người dong dỏng cao, da ngăm đen, đội mũ phớt, nụ cười thân thiện. “Em chào thầy ạ. Hôm nay em được thầy Đức bảo đến đợi phân công công việc văn phòng ở khoa ạ”. Thầy “À” một tiếng và nở nụ cười tươi rói “Hóa ra đây là cán bộ văn phòng mới của khoa. Em đợi lát nữa, vẫn còn sớm, chưa ai đến đâu”. Rồi thầy lục tìm trong chiếc cặp đen của mình, tôi đoán thầy tìm chìa khóa phòng, nhưng chắc không tìm thấy. Đúng lúc đó, từ phía xa vang lên tiếng đằng hắng của ai đó, một dáng người thấp đậm xuất hiện cùng nụ cười tươi và câu “Chào thủ trưởng, thủ trưởng có khách sớm nhể?”, rồi thầy nhìn tôi, ánh mắt cũng như có ánh cười. Thầy cao cao trả lời “Đây là cán bộ văn phòng mới Cụ gọi đến đấy”. Một nụ cười, đúng nghĩa là một nụ cười nở bừng trên gương mặt thầy thấp thấp, và cùng kèm theo một tiếng “À” hóm hỉnh. Sau đó tôi được biết, thầy cao cao là thầy Đỗ Chỉnh, thầy thấp đậm là thầy Phạm Đình Lân. Hai thầy bảo tôi vào phòng ngồi đợi, tôi khép nép tìm một chỗ ngồi xuống, trống ngực lại đập liên hồi. Chỉ một lúc sau lần lượt các thầy khác xuất hiện. Thầy nào cũng nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên nhưng luôn kèm theo những nụ cười dễ mến. và chính thầy Đỗ Chỉnh lại là người đỡ lời cho tôi, giới thiệu tôi với mọi người. Căn phòng tràn ngập tiếng cười nói, những câu bông đùa, hỏi han nhau khiến tôi cảm giác các thầy coi nhau như một gia đình. Một lát tôi thấy thầy Phạm Đình Lân ngó vào phòng bảo “Cụ đến rồi”. Mọi người lục tục kéo ghế ngồi. Thầy Hà Minh Đức xuất hiện. Thầy nhìn ngay thấy tôi, thầy bảo “Ơ cái con bé này, đến sớm mà không đi pha cho các thầy cô ấm trà”, rồi thầy quay qua mọi người giọng vui vẻ “Cháu này nó muốn về làm văn phòng. Trông thì cũng được, chẳng biết có trụ lại được lâu không”. Mọi người đều cười. Thầy nhìn tôi đang líu ríu pha ấm trà, thầy bảo “Cô phải lấy nước sôi tráng trà đổ đi một lần rồi mới cho nước khác vào, thế thì trà mới ngon. Thôi ta họp nào các anh”.
 

8 20201112162910324

Vậy đấy, buổi ra mắt đầu tiên của tôi gián dị ngoài sức tưởng tượng, bao lời hay ý đẹp tôi công phu chuẩn bị cũng không cần phải nói, mọi người đều  dành cho tôi những lời động viên, khích lệ, những nụ cười thân thiện, gần gũi. Và tôi chính thức bước vào “Ngôi nhà thứ 2” của mình.

Những ngày đầu đi làm còn lóng ngóng chưa quen, các thầy cô trong Khoa đã chỉ dạy cho tôi từng việc nhỏ nhất. Thầy Trịnh Hồ Khoa hướng dẫn tôi từ cách phân loại sách, báo, xếp lên ngăn tủ phòng Tư liệu, đến lúc nào thì cần phải đóng gáy báo thành từng tập dày để lưu trữ được lâu. Thầy Phạm Đình Lân chỉ cho tôi cách đóng con dấu vào công văn sao cho ngay ngắn, đúng quy chuẩn. Việc đó tưởng là đơn giản mà không hề đơn giản, rất nhiều lần tôi đóng dấu ngược hoặc đóng lệch trái, lệch phải, lên trên hoặc xuống dưới lung tung cả. Phải sau rất nhiều lần căn ke, ngắm nghía tôi mới biết cách đóng dấu vào công văn. Tôi nhớ cả khoa đều thích uống nước chè (mà phải là chè Thái Nguyên chính hiệu), các thầy chỉ cho tôi biết nơi mua được những lạng chè ngon nhất là gặp cô Trang ở phòng tài vụ (Trường ĐHKHTN). Cứ đầu giờ làm việc tôi lại pha ấm trà để các thầy thưởng thức. Nhìn thầy nào nâng chén uống cũng chẹp chẹp miệng, gật gù tôi cũng tưởng tượng chắc phải ngon lắm.  Chè mua của cô về pha nước sánh vàng, uống vào chát ở đầu lưỡi nhưng lại ngọt đậm ở cổ họng. Rồi cách tráng trà, tráng chén sao cho khi rót ra cả nước và chén đều tới độ ấm nóng, nước trà phải sánh vàng, tỏa mùi thơm thoang thoảng. Một ấm trà phải rót được đều hết một lượt cho tất cả mọi người rồi mới rót tuần nước thứ 2. Rồi phải để bao nhiêu lâu cho trà ngấm. Rồi bao lâu sau thì phải thay ấm trà mới. Cứ thế, cứ thế tôi làm quen dần với môi trường làm việc của mình.

 “Buổi sáng. Tôi đến văn phòng. Háo hức

Bật điện - điện sáng. Bật quạt - quạt quay

Máy điều hòa chạy êm êm suốt cả ngày….”

Đó là những câu đầu tiên trong một bài thơ của thầy Đỗ Chỉnh. Cái không gian văn phòng ấy dần trở nên quen thuộc đối với tôi. Tôi nhanh chóng tiếp thu công việc. Nếu ai đó cho rằng công việc của cán bộ văn phòng là nhàm chán thì đó là do bạn chưa thực sự yêu việc, yêu người. Đối với tôi đây là môi trường làm việc tốt nhất mà tôi được thụ hưởng. Hàng ngày tôi có thể được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người. Từ Thầy Hiệu trưởng đến các thầy cô ở các khoa khác; từ các vị khách đến khoa liên hệ công việc đến các em sinh viên; từ cô lao công đến chú bảo vệ; rồi các phòng, ban chức năng trong Trường…tất cả mọi người đều thân thiện, dễ mến.

 

Ninh Binh 20201112162923653

Cứ mỗi sáng tôi đến văn phòng, buổi trưa về nhà, chiều lại đến.Thỉnh thoảng, thầy Phạm Đình Lân, hay thầy Đinh Hường đi qua phòng nhìn thấy tôi đang lúi húi sắp xếp, dọn dẹp thầy lại lắc đầu, tủm tỉm cười “lọ mọ lắm, lọ mọ lắm”, lúc đầu tôi tưởng thầy chê tôi chậm chạp, lề mề nhưng sau này mới biết các thầy đều muốn tôi hoạt bát, vui vẻ, hòa đồng với mọi người hơn.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy mà đã mấy chục năm gắn bó, tôi đã ở lại đây, ở lại với tập thể này.  Trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, tôi luôn nhớ lời khuyên của các thầy “Trong công việc, đừng bao giờ tìm kiếm những lời khen mà phải biết bằng lòng trước những lời chê” tôi đã học được từ các Thầy chút tinh tế trong quan sát, chút lịch thiệp trong giao tiếp, sự chịu khó, chỉn chu trong công việc, sự hài hước, hòa đồng trong tập thể. Dưới mái Trường này, tôi đã lớn lên và trưởng thành trong “Ngôi nhà thứ 2” của mình như vậy đấy.

Nguồn tin: Nguyễn Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây