{Dự thi Ấn tượng Nhân văn - Khoa Tâm lý học} Có gì trên sân trường Nhân văn?

Thứ năm - 12/11/2020 01:58
Tôi vẫn nhớ một ngày mùa thu. Sân Trường Nhân văn có… toàn nước. Hà Nội lụt lịch sử vào cuối tháng 10 năm 2008. Chỉ dăm bảy đứa lớp tôi, nơi ở đủ gần Trường, mới có thể lội bộ đi học vào ngày hôm ấy. Tinh thần chúng tôi âm ỉ một niềm vui sướng ngây ngô là thể nào cũng được nghỉ học. Chúng tôi ra hành lang nhìn nước ngập khắp Trường và thấy một hình dáng quen thuộc, đang bì bõm lội nước. Thầy đang đến – thầy Nguyễn Bá Đạt, Khoa Tâm lý học. Chúng tôi hò reo, vỗ tay, cổ vũ thầy lội hết đoạn sân. Cuối cùng thầy cũng hoàn thành, vào lớp và… cho lớp nghỉ.

Tâm trí của những đứa trẻ và những người rất trẻ thường vận hành theo cách này: chúng tin tưởng những người có mặt cùng chúng. Hãy nhìn mọi sự kiện trong cuộc sống mà xem, bạn sẽ thấy tâm trí thơ ngây ấy lại thông thái vô cùng.

Mặc dù vậy, về bản chất thì những người rất trẻ đều thật thơ ngây. Vì không để ý nên họ không sợ sự hiểm nguy mà họ đang bước qua đâu.
 

image001 20201112140313840

***

Tôi nhớ từng sự thay đổi cảnh quan trên sân trường từ những năm đầu thập niên 1990 cho đến nay. Kì diệu chưa, năm 2008 tôi vẫn đang là sinh viên cơ mà! Nhưng có lẽ chưa kì diệu bằng những điều diễn ra trên sân trường Đại học Tổng hợp lúc sáng sớm và chiều muộn, vào những năm đầu thập niên 1990.

Sáng sớm, người ta có thể gặp rất nhiều cụ già và trẻ em trên sân trường. Họ đi tập thể dục nhẹ nhàng và đón nắng mới. Tôi được bố mẹ dặn là về nhà trước bảy giờ sáng để “mọi người còn học và làm việc”. Nhưng đến khi bố mẹ đi làm thì tôi và đứa bạn lại lén rủ nhau chạy chơi sân trường và gặp gỡ nhiều nhóm trẻ con khác.

Chiều muộn, sân trường sôi động vì sinh viên tự tập thể dục. Hồi ấy chưa có quả cầu phong thủy (nay cũng đã không còn), mà trước sân của nhà E hiện tại có rất nhiều xà đơn, xà kép ngang, xà kép lệch, trụ bóng rổ. Các anh chị sinh viên hồi ấy vóc dáng nhẹ nhõm quá, hình như ai cũng biết lên xà rồi đứng bằng một chân và bám bằng một tay.

Rồi có một vài buổi tối, sinh viên thế hệ 7x hội trại trên sân trường. Họ không có màn hình đèn led ngoài trời, không có hệ thống chiếu sáng và bộ nhả khói mờ sương như bây giờ đâu. Nhưng bạn biết không, người dẫn chương trình của một buổi hội trại sinh viên đã nói thế này: “Nhảy đi các bạn sinh viên ơi!”. Và họ đã nhảy, họ thực sự nhảy. Có niềm vui và lửa trong những chuyển động hồn nhiên của họ.

***

Tôi nhớ bà giáo của Trường Đại học Tổng hợp. Bà hay đi làm sớm, tôi chào bà, rồi bà hỏi chuyện chơi, chuyện học. Một lần, tôi kể với bà giáo rằng hôm đó là sinh nhật mình. Bà dẫn tôi ra cổng Đại học Tổng hợp, mua tặng một cún nhồi bông nhỏ xinh. Bà giáo tôi gặp ngày ấy là GS.TSKH ngành Sinh học Phạm Thị Trân Châu.

Sau này, trên chính sân trường, tôi đã nhìn thấy nhiều cử chỉ yêu thương nhỏ nhắn, ấm áp mà mọi người trao tặng nhau. Tôi thoáng nghe thấy những lời an ủi bạn bè sau những mùa thi, sau những trải nghiệm vừa chông chênh, vừa khám phá của tuổi trẻ. Tôi nhìn thấy những người đồng nghiệp cùng nhau giúp một đồng nghiệp khác. Khi ta trao đi, không phải vì đó là điều hợp lý cần làm, mà bởi sự hồn hậu hiện hữu, thì sự trao tặng ấy có sức mạnh đi qua năm tháng.

***

Tôi nhớ một ngày, một chiếc xe ô tô thật đẹp đỗ trong sân Trường Đại học Tổng hợp. Hồi ấy ai cũng mong muốn sở hữu chiếc xe Honda 80, 81. Honda 82 đã là cả một giấc mơ. Chiếc ô tô màu đen, kiểu dáng đến nay vẫn hợp thời, đỗ trên sân Trường đã mang đến hi vọng về một tương lai của sự văn minh. Tôi được mẹ chụp cho một tấm ảnh bên chiếc xe đó. Ngày hôm đó thật vui, tôi đã cười đến mức rụt cả cổ khi lên hình.

Năm 2020 này, những chiếc xe ô tô đẹp đẽ nhiều màu đỗ trên sân trường, dưới dàn hoa giấy. Đôi khi người ta muốn tận hưởng một góc sống ảo không có xe, chỉ có giàn hoa. Nhưng có một góc thật, có xe, có giàn hoa rất đáng chiêm ngưỡng đấy.
 

image003 20201112140329746

 

Trong mọi trường hợp, giàn hoa giấy Nhân Văn đẹp bất chấp, đúng không?

***

Tôi nhớ một ngày năm 1995, cái tên “Đại học Tổng hợp” trở thành một phần của lịch sử. Mọi người đang làm quen với một tên gọi thật mới, thật dài “Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”. Tôi thích cái tên này, ngay lập tức, thích vô cùng. Nhiều chữ nghĩa là sang, niềm tin của tôi khi đó là vậy.

Tiếp theo sự ra đời của cái tên ấy là… những đống đá dăm trên sân trường. Tôi và đứa bạn thích leo lên đống đá dăm ấy, tìm kiếm những hòn sỏi đá đầy màu sắc bị lẫn vào. Rồi những đống đá dăm vơi dần, những tòa nhà mới được dựng lên. Đẹp nhất là nhà D với tên gọi thân thuộc: Nhà Trắng. Nó màu trắng. Nó dành cho khối Hiệu bộ. Tầng một là nơi làm việc của Ban Giám hiệu, các tầng trên là các phòng ban. Bố tôi làm ở tầng ba. Có lẽ đó là lý do mà tôi thích Nhà Trắng đến vậy. Thật tự hào khi được chỉ trỏ với tụi bạn là bố mình làm việc ở đó.

Nay tòa nhà đã đổi màu, tôi làm việc ở tầng một.

***

Tôi nhớ nơi cổng phụ trường mình, một ông cụ từng ngồi ở đó. Một vài thầy cô và anh chị sinh viên khi ấy dành những đồng trăm lẻ biếu ông. Tôi từng hàng chiều ra chơi với ông cụ. Tôi cũng từng lớn lên một chút, chỉ đạp xe qua mà không chạy lại chơi như xưa. Rồi một ngày, tôi không còn nhìn thấy ông cụ. Rồi hôm nay, tôi nghĩ về ngày ấy.

***

Trên sân trường Tổng hợp - Nhân Văn, có những khuôn mặt thân quen và lạ lẫm, có những người ta còn gặp lại và những người đã thuộc về quá khứ, có những nơi ta quen thuộc bước qua hàng ngày nhưng lại chứng kiến những câu chuyện cùng ta trưởng thành theo năm tháng.

Trên sân trường Nhân Văn mùa này còn có cây ngọc lan hoa trắng rực, riêng nhành ghé vào cửa sổ nhà G thì không một bông nào kịp nở trên cành. Dành cho những ai yêu mùi ngọc lan đến thế: chiếc lá ngọc lan xé một mẩu cũng ngai ngái thơm mát đấy. À cũng không ổn, không khéo tán thấp của cây ngọc lan sẽ trụi luôn lá.

***

Tôi ở trong một mùa thu hiện tại, ngắm nhìn một góc nghỉ ngơi tại sân trường. Hoa sữa đã thơm từ giữa buổi chiều rồi.
 

image005 20201112140411606

Nguồn tin: Đặng Hoàng Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây