Ngôn ngữ
Đối với chúng tôi những học sinh ở vùng xa, điều kiện học tập cũng như kinh tế còn rất khó khăn thì được trở thành sinh viên của một trường đại học lớn và giàu truyền thống là cả một niềm ước mơ lớn lao, lại vừa là niềm tự hào của cả gia đình. Mục tiêu phấn đấu để đỗ đạt không chỉ là của riêng tôi, mà còn của biết bao bạn trẻ khác trong suốt những năm tháng còn học cấp 3. Mỗi lần được nghe những câu chuyện các thầy cô kể về thời sinh viên, chúng tôi đứa nào cũng im thin thít để nghe và dường như ai ai cũng vẽ ra một cảnh tượng vui và tự hào khi được trở thành sinh viên đại học. Bởi đại học là nơi sẽ giúp chúng tôi tiếp cận với nguồn tri thức mới, cách làm việc mới và khoa học hơn, trau dồi các kĩ năng cần thiết phục vụ cho công việc và cuộc sống sau này, là nơi để chúng tôi tu dưỡng bản thân, học hỏi xã hội văn minh ngoài kia để trở về phục vụ cho quê hương của mình.
Nhân Văn ư!
Ngày đó khi cầm hồ sơ thi đại học về hỏi bố thì lần đầu tiên được nghe bố kể về Nhân Văn. Rồi còn mất thời gian khá dài nữa mới nhớ được thật rõ cái tên “Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn” ấy, đến nỗi anh trai cầm giấy báo điểm về và nói: “Nó đỗ Đại học Quốc gia” mà mình còn cãi với anh một trận. Mãi đến khi nhập học rồi mới vỡ lẽ ra: Ừ thì đỗ Nhân văn rồi, mấy từ “sinh viên đại học” cũng thấy rất gần rồi, khi ấy thấy thật tự hào! Nói vậy thôi chứ cái thời đi thi đại học cách đây 3 năm; cái háo hức nhất, thích thú nhất là được xem những nhà cao tầng, được ngắm nhìn ô tô đi trên đường phố rộng và đẹp mà mỗi tối vẫn thường thấy trên ti vi. Phần nữa cũng là để có cái về khoe với bạn bè, cho thỏa cái tính được lên mặt hãnh diện với chúng nó “Ta đây đã được đi Thủ đô về”. Chẳng cần gì quá lớn lao, với những người dân trên tôi như thế cũng đủ làm mình tự hào lắm rồi.
Đi học rồi bỗng nhận ra ngôi trường mới ấy cuốn hút mình một cách kì diệu. Những câu hỏi kiểu như “Dân tộc Mông mình từ đâu đến?”, “Sao lại sống trên núi cao làm gì cho khổ mà không xuống ở đồng bằng?”, “Tại sao lại có cả người Mông sống ở nước Mỹ - nơi xa tận nửa vòng trái đất?”,... đã làm tôi tò mò lâu nay, rồi cứ như có duyên trước với nhau vậy, từ học và đọc Lịch sử tôi tự tìm được cho mình những câu trả lời. Nhân văn đã cho tôi lời giải cho những câu hỏi không rõ ràng của mình và tôi yêu Nhân văn thêm một chút! Có câu trả lời rồi nhưng làm sao để biết đó là câu trả lời đúng hay không đúng đây? PGS.TS NGND Hoàng Văn Khoán – người thầy mà chúng tôi luôn kính trọng đã gợi mở cho tôi: “Đại học là tự học và phương pháp nằm ở mỗi môn học”. Đúng là như vậy, ở khoa Lịch sử, “Tiến trình lịch sử Việt Nam” cho tôi thấy những sự kiện tôi đang phân vân đúng là có xuất hiện trong lịch sử. Học “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, “Dân tộc và chính sách dân tộc” giúp tôi phân biệt và nhận dạng được các sự kiện thuộc về dân tộc mình hay dân tộc khác, khảo cổ học cho tôi biết cách đi tìm những lời giải từ “trong lòng đất”; tìm về chính cách thức sinh hoạt văn hóa, tâm lí tộc người và nhiều yếu tố tồn tại ở chính cộng đồng tộc người đó... Cứ như thế cái này dẫn tới cái khác và từ những câu hỏi nho nhỏ không rõ ràng ngày nào giờ bỗng đưa tôi đến niềm đam mê ngiên cứu văn hóa – lịch sử dân tộc mình một cách khó cưỡng lại được. Mấy bạn cùng lớp vẫn hay nói với nhau “Giờ nghiên cứu thành niềm đam mê rồi, thành yêu rồi”. Nói vậy đấy nhưng tập làm khoa học đâu dễ gì. Phải học cách khai thác tài liệu sao cho đúng, cho phù hợp, cách trích dẫn tư liệu, cách đặt tên đề tài và tất nhiên khó nhất vẫn là thái độ đối với vấn đề nghiên cứu làm sao để loại bỏ ý kiến chủ quan của mình trong bài và thể hiện được vấn đề một cách khách quan nhất. Học làm nghiên cứu rồi cũng phải học cả cách trình bày kết quả nghiên cứu, thành ra lại phải lao đầu vào học thêm kĩ năng mềm: nào là tin học, nào là thuyết trình, nói trước đám đông,... Cùng với đó, cách thức dạy và học ở Nhân Văn yêu cầu cao tính tự giác và năng động của mỗi sinh viên. Nhớ mỗi lần đăng kí môn học là lại lo thức trắng cả đêm còn chưa đăng kí được, rồi học phí phải thanh toán qua cái thẻ ngân hàng mà mình trước nay chưa sử dụng bao giờ. Học ở môi trường mới cũng lại tiếp xúc với toàn những thứ mới; nhưng rồi thời gian qua đi, dường như mới đó thôi mà đã làm cậu sinh viên năm 3, đã có 3 năm kỉ niệm cùng Nhân Văn và biết bao chuyện bên lề của cuộc sống nơi đô thành, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để mình có những hoài niệm để nhớ, để chiêm bao.
Ở Nhân Văn, chúng tôi – những sinh viên lịch sử hay bị bạn bè gán cho chức danh “giáo sư”, vì lúc nào cũng bận bịu bên kho sách của thư viện, đôi khi còn tự tích góp được cho mình 3, 4 giá sách hẳn hoi. Thế nhưng chính đó mới là niềm tự hào, là giá trị mà chúng tôi cảm nhận được của một Cử nhân nghiên cứu Lịch sử. Được sự giảng dạy, chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của các thầy cô trong khoa tình yêu với nghiên cứu khoa học của sinh viên chúng tôi cứ lớn dần lên. Năm nào chúng tôi cũng hào hứng chào đón mùa nghiên cứu khoa học sinh viên bằng những đề tài hay và “hot” nhất, công phu nhất. Chúng tôi còn tự tạo cho mình những sân chơi riêng theo kiểu “cây nhà lá vườn”, đó là những nhóm học tập nghiên cứu của vài ba thành viên cho cùng đam mê. Chúng tôi tổ chức những buổi thuyết trình cho nhau nghe và dẫn nhau lên thành Cổ Loa, tìm đến tận ngôi nhà trình tường duy nhất còn lại để được thỏa mãn trí tò mò. Và cứ thế chúng tôi xuất phát từ Nhân Văn rồi trở lại Nhân Văn như thể đó là ngôi nhà của chúng tôi vậy!
Nhân Văn trong tôi ư!
Đó đơn giản là nơi tôi đã tìm thấy niềm đam mê của mình. Với tôi 3 năm qua thật tuyệt vời, đó là khoảng thời gian mà tôi được sống trong niềm đam mê của chính mình dưới mái trường đã bạc màu thời gian này. Nhân Văn trong tôi sẽ còn nữa và còn mãi...
Tác giả: Vàng A Cử - K57 Lịch sử
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn