Tin tức

Giải ba: Nhân văn - Cú chạm đường biên ngoạn mục của những ước mơ

Thứ hai - 23/11/2015 01:00
Giải ba: Nhân văn - Cú chạm đường biên ngoạn mục của những ước mơ
Giải ba: Nhân văn - Cú chạm đường biên ngoạn mục của những ước mơ

Mỗi người luôn có cho mình những ước mơ, mỗi ngày qua đi chiếc bình đựng giấc mơ đó lại đầy thêm và cũng nhiều màu sắc hơn.Với một cô gái 20 tuổi như tôi, tôi hạnh phúc vì mình có một gia tài những chiếc bình ước đồ sộ.

Ngày bé, tôi từng mơ ước trở thành phi công vì muốn bay lượn trên bầu trời, muốn là con người tự do. Bố hay nói, con gái phải làm tiếp viên hàng không chứ ai lại ngồi vào buồng lái bao giờ. Tôi thì nghĩ, tôi muốn trực tiếp điều khiển chiếc máy bay của mình đến đúng điểm đích của nó.

Lớn hơn một chút, tôi muốn thành cô giáo, ngày ngày “gõ đầu trẻ”, dạy chúng học trò ê a những câu đầu tiên, dạy chúng đánh vần, làm văn. Rồi đến khi trưởng thành hơn, tôi muốn làm nhà báo, muốn được đi nhiều, muốn được trải nghiệm nhiều thứ, muốn đặt chân đến những nơi tôi chưa từng đến, thử những món ăn tôi chưa từng ăn, gặp những con người tôi chưa từng biết. Trong đôi mắt của một cô bé lần đầu quyết tâm và ý thức một cách tối đa về tương lai của bản thân, tôi say mê với mơ ước bé bỏng ấy, ngày ngày tô từng nét vẽ lên nó, nâng niu đặt nó trong hộp ước.

Tháng ngày dần dần trôi xa như những bọt sóng trắng xóa tan vào trong lòng biển, tôi trưởng thành và bước những bước đi đầu tiên trong chiếc “phi cơ” của riêng mình.Trường đại học có lẽ là bước đệm đầu tiên mà tôi có được trong chuyến hành trình dài lâu và nhiều thú vị này

Ngày ấy, một cô gái lơ ngơ mới bước chân vào trường, tôi cảm giác mình nhỏ bé biết bao nhiêu. Chân ướt chân ráo lên thành phố, lặng lẽ ngắm nhìn ngôi trường bên hàng cây già cỗi bao dung ôm ấp lấy từng con chữ của cái bảng tên, tôi chưa bao giờ thôi vui sướng và hãnh diện.Tình yêu không thể bắt đầu từ những giây phút ngắn ngủi, nhưng tiếng sét ái tình chính là sự phi logic của những điều logic như thế. Đó chính là cách tôi yêu ngôi trường của mình.

Người ta không thể yêu hết mọi thứ của đối phương, nhưng người ta sẽ học cách chấp nhận sự vụng về, khiếm khuyết của người đó.Tôi chưa bao giờ yêu thích mùi vị thuốc lá đậm đặc mỗi lần đến trường, nhưng tôi biết, nếu thiếu đi nó, tôi sẽ bị mất đi những mảng kí ức về ngôi trường này. Từ những hàng ghế đá cũ kĩ, những hàng cây xù xì, những viên gạch quyện màu cổ xưa, tôi chưa bao giờ yêu thích nó với hàm lượng tối đa tình cảm của mình, nhưng nếu bỗng một ngày Nhân văn của tôi mất đi những điều giản đơn dung dị như thế, tôi chắc chắn sẽ không khỏi hẫng hụt. Năm tháng qua đi ghi dấu tất cả trong từng phiến đá, từng hốc cây thô ráp, từng chiếc ghế đá hoài cổ,… nó chứng kiến sự trưởng thành của ngôi trường này, chứng kiến những đổi thay và thăng trầm của biết bao thế hệ giảng viên sinh viên.

Tôi thích khoảng không gian cổ lam của Nhân văn, nó gợi đến cho tôi một chút hoài niệm từ xa xôi, rằng cũng chính từ cánh cổng này, 60 năm trước lớp lớp cha anh rời xa ghế nhà trường để chiến đấu cho lí tưởng của bản thân và cả dân tộc. Mỗi lần nhìn lại cánh cổng ấy, tôi tự hỏi đến lúc nào chính tôi cũng tạm biệt nơi này để bay cùng ước mơ của mình, để góp nhặt những mơ ước nhỏ bé góp chung và ước vọng lớn lao của đất nước?

Ở Nhân văn, người ta tìm thấy một chút phong vị của kiến trúc cổ Pháp qua những đường vân của bức tường, của màu sơn vàng và của lối sắp xếp từng ô cửa sổ.Tôi tìm thấy những vân chữ văn hóa qua những chi tiết tưởng chừng như giản đơn và giá trị này, đã có lúc tôi ngạc nhiên đến vô cùng khi hiểu được những kí hiệu văn hóa ẩn sâu trong nó.

Nhân văn có những con người rất trẻ. Họ luôn mỉm cười và theo đuổi ước mơ của mình không ngừng nghỉ. Tôi đã từng rất nhớ nhà, nhớ đến da diết trực chờ nước mắt trong những ngày lay lắt trên Hà Nội, nhưng chính những con người rất trẻ ở đây là giúp tôi hiểu ra được điều lẽ giản đơn của tình cảm và biết mình cần phải làm gì để tiếp tục bước đi trên con đường của mình. Những con người ấy không quản ngại xa xôi hơn 500km đường dài để trao tận tay từng chiếc áo ấm cho trẻ em vùng cao, xoa dịu cái rét buốt cắt da cắt thịt giữa những ngày đông khắc nghiệt. Những con người ấy cũng không ngại màu da, quê quán, hay thậm chí vẻ bề ngoài để cùng nắm chặt đôi bàn tay, giúp đỡ những con người giàu nghị lực khác, đồng điệu trái tim ấm và thắp lên những ngọn lửa của tình nhân ái. Họ, những con người rất trẻ, năng động, tự tin và đầy tình yêu thương.Họ là sinh viên Nhân Văn.

 Nhân Văn có những chuyện tình rất đẹp.Đôi lúc tôi ngồi hàng giờ liền trên chiếc ghế đã trong sân trường, ngắm nhìn những tình cảm mới được ươm mầm nảy nở từ những nụ cười tỏa nắng hay những cử chỉ ngọt ngào.Họ ôm cây đàn, họ hát và dành cho nhau những tình cảm chân thật nhất nhưng cũng nghịch ngợm nhất. Tình yêu ở Nhân Văn, nó “xanh” và dịu dàng lắm!

Nhân văn có những người thầy rất tuyệt. Họ là những người mà đã và đang dành cả đời cho sự nghiệp nghiên cứu, cặm cụi như đàn ong lấy từng giọt mật thơm, mật quý, đem về làm tổ và làm nên những phiến mật tốt nhất cho thế hệ sau này. Lớp chúng tôi nối tiếp những lớp sinh viên đi trước đó, ngày ngày được tiếp nhận sự kết tinh tri thức đó và mang trong mình sứ mệnh to lớn – sống như thầy.

Ở Nhân Văn, tôi tìm thấy những ước mơ đồng điệu, góp nó vào những chiếc bình ước đầy màu sắc, viết lên những trang của cuộc đời mình. Chúng tôi say mê, ngạc nhiên, thích thú và yêu nó dường như đến hết mình. Cuộc đời con người là một chuỗi mơ, có điều tôi mơ nó và thực hiện nó như thế nào mới là câu hỏi đáng để dành cả tuổi thanh xuân để trả lời.

Người ta thường nói, tình yêu nếu đã khám phá hết thì sẽ không còn là trọn vẹn. Tôi chưa bao giờ hiểu hết về Nhân văn, bởi tôi biết, “con người” này vẫn khiến tôi yêu nhiều lắm. Yêu như thể lần đầu tiên biết mơ và yêu giấc mơ của mình. Nhân Văn đối với tôi là một cú chạm đường biên, tuy không thực sự sớm nhưng nó ngoạn mục, ít nhất là với chính tôi.

Sẽ có một ngày những cô cậu sinh viên như chúng tôi òa khóc ngậm ngùi chia tay từng hàng cây, ghế đá và cả đôi gà tre màu trắng trên sân trường nữa. Bởi con người có những chặng nghỉ chân riêng cho mình, cũng có những bước đệm riêng cho mình. Và sau mỗi chặng đường ấy, con người ta phải bước tiếp. Tôi phải rời xa Nhân Văn, nhưng là một sư kết thúc cho một khởi đầu mới, là một lời ước hẹn gặp lại nhau vào tương lai, khi cả tôi và “người đó” đều đã khác, trưởng thành, trải nghiệm và hiểu về nhau nhiều hơn, nhiều hơn nữa.

Tác giả: Đặng Thu Hòa Lớp - K58 Văn học CLC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây