Ngôn ngữ
Càng học hỏi thêm nhiều điều hay, ta càng hiểu được biên giới không cùng của cảm xúc. Địa hạt ấy không giới hạn bất kì ai nhưng không phải ai cũng khám phá ra con đường đến đó! Đôi khi ta cố gắng thật nhiều chỉ để mong có được một điều giản dị- nụ cười trên môi người mình yêu thương. Hạnh phúc lúc ấy là một phần thưởng trong giỏ quà cuộc sống. Người ta đi tìm hạnh phúc trong những điều lớn lao, xa thẳm nơi chân trời. Riêng tôi, tôi đi tìm thứ hạnh phúc tỏa hương từ cuộc đời bình dị. Hạnh phúc đong đầy trong ngày đầu tiên in dấu đôi bàn chân tôi bé nhỏ trên sân trường Nhân Văn - nơi đã bao năm tỏa soi rạng ngời lớp lớp thế hệ học trò! Hạnh phúc khi nhận ra bao khát khao đang đua nhau nảy mầm! Và trong một buổi chiều ngồi suy tư, hạnh phúc ùa ngập trái tim tôi non nớt bằng tiếng nói ấm áp, đau đáu xót xa của cây Hoa Đá ấy trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam:
Trong quãng tuổi thơ điều tôi nhớ nhất đó là khi tôi bước chân vào cánh cổng trường. Khi đó, tôi đang học lớp một, Ngày đầu tiên đến lớp, bạn bè ai cũng nhìn tôi. Họ nhìn tôi với một ánh mắt kì lạ và sự ngạc nhiên. Có cả ánh mắt của sự ghẻ lạnh. Họ nói tôi bằng những câu thậm tệ nhất. Họ không chơi với tôi. Họ cho rằng tôi là một người không có bố, tôi là một đứa trẻ tật nguyền. Khi đó tôi trở nên tự ti, tôi sống khép mình. Nhưng cuộc đời tôi đã thực sự thay đổi khi tôi bước chân vào cánh cổng trường Nhân Văn, một ngôi trường cho tôi rất nhiều niềm tin, nghị lực trong cuộc sống. Từ một chàng trai rụt rè, nhút nhát và luôn tự ti về bản thân, giờ đây tôi đã trở thành một chàng sinh viên văn khoa đầy tự hào và kiêu hãnh. Bước chân vào trường, tôi được thầy cô và bạn bè giúp đỡ tôi rất nhiều.
Cây Hoa Đá - bạn tôi! Cây hoa đá thân thương, nghị lực của K58 Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hoa Đá ấy là tên riêng tôi đặt cho Viên, người bạn cùng khoa! Cuộc đời không ưu ái cho người bạn này của tôi những điều đẹp tươi, bình lặng như bao người khác.Nhưng thời gian cuộc đời đã chứng minh cho một tâm hồn không bao gục ngã để dệt thêu hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh.
Ngay từ khi mới chào đời, Viên đã không được may mắn như những người bạn cùng trang lứa. Cậu bị mắc khuyết tật bẩm sinh nửa người bên trái. Lần đầu tiên tôi nói chuyện với Viên là trong tiết Văn học dân gian của thầy Vĩ. Ngày đầu thu, ngồi ghi lại lời thầy trong cái dìu dặt của hương hoa sữa - linh hồn Hà Nội bay tỏa trên giảng đường. Một không khí rất thơ, rất mộng, lâng lâng chảy tràn trong tâm hồn. Cái thơ, cái mộng của đất trời hay cái mộng mơ trong lòng cô sinh viên ngày đầu vào học, làm quen với người bạn mới? Thời gian trôi đi nhưng không mang nổi trên mình nó những tình cảm quyện sâu, gắn bó như một khối tình được tạc tạo ngàn năm, nhất là một thứ tình người. Tôi với Viên ngày càng thân hơn. Sự tự tin, nỗ lực chống lại những nghiệt ngã của số phận và những thành tích trong học tập của Viên đã như một cơn gió cuốn đi trong trí nhớ của tôi “ bạn mình bị khuyết tật”. Tôi chẳng mảy may trong đầu cái ý nghĩ ấy. Tôi quên mất nó tự lúc nào? Phải chăng là khi trong bóng chiều đỏ ối, loang lổ trên sân trường, cây Hoa Đá ấy đi sát bên vai, vừa đi vừa nói cho tôi những điều tôi không hiểu trên lớp hay những câu chuyện cảm động, nồng ấm tình người trong câu lạc bộ mang cái tên như cậu? Có lẽ lắm!
Đối với tôi, những ngày đã qua, hiện tại và có lẽ cả mai sau, những lúc bên Viên là những khi tôi thấy mình phải làm và làm nhiều hơn nữa, cố gắng với những gì có thể nhất. Tôi yêu những buổi chiều ngồi học bên Viên. Bởi đó là những khoảnh khắc tôi muốn níu lại để được chiêm ngưỡng thêm một trái chín ngọt lành của cuộc đời. Bởi lúc ấy, Hoa Đá “nở” những bông hoa đẹp đẽ trên mảnh đời quá đỗi khắc nghiệt với một chàng thanh niên đang tuổi thanh xuân, căng tràn nhựa sống!
Người ta bảo con gái thường có những ước muốn kì quặc. Tôi không thừa nhận cũng không phản đối hoàn toàn! Mùa đông, ngồi học bài một mình, ánh đèn và hơi nóng từ tấm đệm nhiệt không đủ làm tôi đỡ rét trước những đợt gió tới tấp lùa qua khe cửa sổ, tôi chợt mong có Hoa Đá ở ngay bên. Tôi chợt muốn nắm tay Viên, muốn nhận một chút hơi ấm từ cậu. Bất giác, tôi muốn chạy ra sân kí túc lấm tấm những bông sưa trắng li ti, nhìn lên ô cửa sổ lấp lánh ước mơ- nơi Viên đang cặm cụi nghiên cứu giáo trình để hỏi một câu: “ Cậu có lạnh không?” Tôi thương những ngày đông lạnh tê tái, Hoa Đá của tôi bị những cơn đau chân ghê gớm giày vò. Nhưng hơn tình thương ấy của tôi, Viên vẫn cố gắng chịu đựng để hoàn thành tốt những dự định của chàng sinh viên Văn khoa đầy kiêu hãnh và nghị lực!
Nếu cuộc sống chỉ biết đến riêng bản thân mình, ích kỉ và nhỏ nhen thì con người cũng như biển chết, vĩnh viễn cô độc và không thể hòa mình cho sự sống sinh sôi! Biết hòa nhập cùng nhịp đời sôi động quanh mình, mỗi người thấy ở đó niềm an ủi cho những vết thương. Hạnh phúc cá nhân tìm thấy trong hạnh phúc cao cả của cộng đồng. Chính vì luôn quan niệm như vậy, nên ngoài sự quyết tâm học hành thật tốt, Viên còn tham gia Câu lạc bộ dành cho những người khuyết tật đang theo học tại trường. Nhiều lúc tôi băn khoăn: “ Sao Viên không dành thời gian để nghỉ ngơi chứ tới câu lạc bộ nhiều để làm gì?” Cậu tặng lại tôi nụ cười đầy hi vọng: “Tớ muốn thấu hiểu và sẻ chia với những người trong câu lạc bộ và những người bạn có hoàn cảnh khó khăn như mình. Sự quan tâm, chia sẻ với những người trong câu lạc bộ và những người có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi khác có thể chỉ được thể hiện bằng những cử chỉ, những hành động rất giản đơn, nhưng nó giúp tớ phát hiện ra những điều ý nghĩa của cuộc sống để trân trọng và yêu thương nhiều hơn.”
Những bài học bình dị mà vô giá ấy của cuộc sống, tôi có thể sẽ chẳng tiếp thu, góp nhặt được là bao nếu không may mắn có cây Hoa Đá nghị lực và giàu tình thương ấy làm bạn!
Kỉ niệm giữa chúng tôi cho đến nay không nhiều. Nhưng những gì Hoa Đá ấy đem đến cho tôi trong hai năm kể từ ngày vào trường cũng đủ để tạo nên vô vàn ấm áp, ngọt ngào. Tôi học từ Hoa Đá nhiều lắm những bài học làm người, những bài học mà tôi có thể tìm thấy trong một câu thơ hay, một áng văn đẹp. Song, có lẽ, bài học trong sách vở chẳng hấp dẫn và đủ sức mạnh để cảm hóa tâm hồn bằng những tấm gương người tốt, việc tốt trong thực tế cuộc sống! Mùng 8/3 năm nay, tại tôi vô tâm hay tôi mải chạy theo những chuyện tận đâu mà quên mất gửi cho mẹ đáng kính những lời chúc ngọt ngào. Tôi thản nhiên lướt facebook để rồi dừng lại trước một status cảm động đến nao lòng: “ Mẹ ơi, nhân ngày 8/3, con chúc mẹ của con luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để bên con mãi mãi. Con cám ơn mẹ vì đã nuôi con lớn khôn cho đến ngày hôm nay. Và con muốn nói rằng, con yêu mẹ nhiều lắm. Con sẽ cố gắng và nỗ lực hết sức để đứng trên đôi chân của chính mình vì con là con trai của mẹ”. Viên làm tôi khóc và nhớ mẹ nhiều lắm. Tình mẫu tử thiêng liêng, bình thường ta không nhận ra nhưng chỉ cần được gợi nhắc nhẹ nhàng thì thứ tình ấy ngùn ngụt cháy không thôi. Tôi thầm cảm ơn cái status ấy của Hoa Đá. Cảm ơn nó đã nhắc tôi làm một việc đầy thương yêu!
Bao giờ cũng vậy, người ta luôn nhớ về những con người, những sự việc đã qua trong hình hài của một kỉ niệm nào đó! Và kỉ niệm ấy là sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại để tạo nên vị ngọt của cuộc sống - tình yêu! Tình yêu với gia đình. Và hơn thế, tình yêu với ngôi trường mình đã gắn bó sớm chiều với xiết bao kỉ niệm. “ Nhân văn trong tôi” không chỉ tồn tại dưới dạng vật chất với những dãy nhà tầng được dầu tư trang thiết bị. Ngôi trường ấy được tạo xây bởi cái đẹp tỏa ra từ hào quang tri thức, từ nghĩa thầy và tình bạn thanh trong, và còn từ những con người từ đau thương bệnh tật mà trỗi dậy mãnh liệt! Trên đường đời tấp nập, bon chen, tôi sợ mình ích kỉ mà quên đi bao tháng năm kỉ niệm dưới ngôi trường này. Và phải chăng những lúc ấy, Hoa Đá với đôi mắt rực sáng niềm tin và nghị lực phi thường sẽ trở thành điểm tựa để tôi ngược dòng về với một thời chưa xa, để bình tâm sắp xếp trái tim mình thành một bản nhạc rung ngân ca từ: “ Sống như những Hoa Đá…"
Tôi gửi những lời vào gió, chắt lọc những thương yêu như một thứ hương tình ngan ngát đam mê!
Hương tình bạn…
Hương hạnh phúc…
Được quen Hoa Đá…
Dưới ngôi trường mang cái tên thật đẹp…
Nhân Văn…!
Tác giả: Trịnh Thị Thúy Hiền- K58 Văn học chất lượng cao
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn