Tin tức

Giải nhì: "Nhân văn - Những con người thầm lặng"

Thứ hai - 23/11/2015 00:59
Giải nhì:
Giải nhì: "Nhân văn - Những con người thầm lặng"

Hà Nội một ngày mưa tí tách, làm cho lòng ai xao xuyến lạ thường. Mưa lại làm cho tôi nhớ về một ngày mưa cuối tháng tám của một năm về trước…

Cầm tờ giấy báo đỗ đại học trên tay với đầy sự phân vân, do dự và lưỡng lự. Chọn Sư phạm hay là Nhân Văn đây? Tôi hiểu rằng cho dù có theo đuổi cái nghề báo chí mà tôi mơ ước, dù có đấu tranh gay gắt với gia đình thế nào thì cũng không thể thay đổi được quyết định của gia đình mình. Có lẽ là cái duyên phận, duyên phận của tôi là ở ngôi trường này rồi và tôi đã quyết định chọn Nhân Văn, đây chính là nơi tôi lựa chọn để đặt nền tảng cho kế hoạch vào đời.
Hai năm rồi, thời gian đang dần trôi, mọi thứ dường như dần thay đổi. Nhưng chỉ có khoảnh khắc được nhìn lại trường là không thay đổi. Có bao giờ bạn thử đi học sớm chưa? Từ lúc cổng trường vừa mở cửa, những ánh điện ở hành lang những khu nhà còn chưa tắt hết, chú bảo vệ cười trêu: “Sao đến sớm vậy cháu? ”. Tôi cười và trả lời: “ Cháu sợ bị đi muộn lắm ạ”  rồi đi bộ lên từng tầng, dừng chân lại ở bậc thang nghỉ. Vào mùa hạ, trời quang đãng, ít mây mù nhìn cảnh bình minh vừa ló rạng, ánh nắng từ từ chiếu qua từng ô cửa kính, nắng nhớn người nhìn theo bước chân ai, tiếng chim bắt đầu hót véo von trên cành cây trước của lớp, tiếng chim tự nhiên hiếm hoi giữa lòng Hà Nội. Tiếng xe cộ ngày càng dày và đông hơn trên con đường mang tên Nguyễn Trãi . Trong lúc đó tôi thấy yêu nắng ở trường buổi sớm quá. Vẫn thấy tiếng chổi của các cô lao công dọn dẹp sân trường và giấy rác, tôi ngồi tâm sự với các cô, mới thấy công việc này vất vả lắm, họ phải dành trọn thời gian cho trường, bỏ hết đằng sau những sở thích cá nhân. Niềm vui đơn giản của họ là khi sinh viên chúng tôi ra về mà không vứt rác lại trên giảng đường và không viết vẽ bậy lên bàn ghế. Nhưng đôi lúc cũng có những rắc rối khiến cho đôi mắt ấy mỏi mệt: “Nhiều khi chúng nó ở lại trưa đem hướng dương vỏ kẹo vứt bừa trên lớp mà cô không biết, trong khi lớp ấy cô vừa quét lúc kết thúc lớp học”, hay “Cứ đi tới đâu là chúng nó tiện tay ném rác tới đó không vứt đúng nơi quy định”, đến khi thanh tra đi kiểm tra những người bị khiển trách  lại là các cô . Từng tâm tư này cho tôi thấm hiểu được rằng nếu không có các cô, thì chắc gì tôi đã có giảng đường sạch sẽ thoải mái học tập. Nhưng có bao giờ tôi nói được tiếng cảm ơn họ?

Chạnh lòng lại khi thấy cô lao công dọn dẹp gọn gàng từng phòng học, ngóc nghách để cho tôi được học trong môi trường tốt nhất. Cô cong lưng lau dọn từng lối đi, cầu thang, công việc tất bật khiến cô chả bao giờ có thời gian ngước đầu lên. Những lúc tôi vui đùa ở lại trưa ăn kẹo trên lớp học mà quên không vứt sau khi hết giờ nghỉ, cô chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Cháu ơi ăn xong nhớ dọn giúp cô nhé!”.

Tôi nhớ ngày học cấp ba, mỗi lần đến phiên trực nhật thì cái lũ học sinh chúng tôi thường hay tỵ nạnh nhau, đưa đẩy trách nhiệm cho nhau và coi công việc trực nhật lớp như nỗi ám ảnh vì nó lấy đi thời gian đi ăn vặt và đùa giỡn khi ra chơi. Rồi học ở đây, khi tôi đi học thì phòng đã được dọn sạch, từng ngăn bàn được sạch rác, tôi có cảm giác đang được hít thở một bầu không khí thật sự trong lành giữa lòng Hà Nội bộn bề và ồn ã. Có được cảm giác thoải mái như vậy nên tôi biết công lao của các cô lớn lắm. Nhưng có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ?

Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt điềm đạm, ít khi cười của thầy mỗi khi bước vào lớp làm tôi ấn tượng từ những buổi học đầu. Đó là thầy chủ nhiệm khoa văn của tôi. Những bài giảng của thầy cứ nhẹ nhàng, trầm lắng như bản nhạc không lời của Moda. Thầy tâm huyết trong từng lời giảng cho sinh viên, trời nóng, phòng học nhỏ cho 30 sinh viên mà không có chút cửa sổ nào làm thầy thấm mệt. Nhưng những lời thầy giảng vẫn đều đều không thay đổi cho đến hết tiết học. Nhìn mà thương thầy nhiều lắm. Thầy cũng tâm sự những câu chuyện đi dạy và kinh nghiệm làm bài, làm sao làm bài tiểu luận, bài thi có kết quả cao nhất cho sinh viên nghe. Những lời chỉ bảo tận tình không chỉ của thầy mà còn là của các thầy cô trong trường đã tiếp them cho tôi sức mạnh để thêm yêu Nhân Văn, yêu Văn học, yêu con đường mà tôi đang đi. Có đi khắp đất nước này tôi cũng không dễ dàng tìm được những tình cảm thiêng liêng ấy của các thầy cô . Nhưng có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ?

Trưa nắng chói chang, cái nắng gắt của mà hè giữa lòng Hà Nội  khiến ai cũng khó chịu, bực bội. Thầy, cô đứng trên bục giảng kia cũng vậy. Kiến thức thì ngày nào cũng mới, cũng khó tiếp nhận, nhưng thầy luôn nhiệt tình giảng dạy. Thấy lớp hăng say với bài giảng, không hiểu một bài mà hỏi nguyên một giờ, thầy, cô càng vui hơn, cười nhiệt tình vì giờ học của thầy thật sự có ích. Từng giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán nâu kia làm cho sinh viên chúng tôi bên dưới càng thấy thương thầy nhiều và trong lòng mỗi đứa thêm quyết tâm học tốt hơn.

Ở trường đại học khác thì bạn tôi thường than là rất khó gặp được giảng viên để được giải đáp những thắc mắc chuyên ngành, toàn phải tự nghiên cứu nhưng tại Nhân Văn của tôi thì thầy lại trách sinh viên vì sao không gọi điện hỏi thầy một vấn đề gì cả, rồi thầy còn nhiệt tình hỏi từng đứa trong lớp xem không hiểu chỗ nào, phần nào khó để thầy giảng lại … Kể điều đó ra thì đám bạn tôi ở trường khác ghen tỵ lắm, chúng nó nói tôi may mắn vì được những giảng viên tâm huyết dạy dỗ. Tất cả điều đó chỉ có ở Nhân Văn và đây chính là thương hiệu riêng của trường. Nhưng có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ?

Còn hàng trăm con người thầm lặng ở Nhân Văn  để sinh viên có được cảm giác thoải mái nhất, yên tâm nhất. Có khi tôi chưa từng được gặp họ, có khi tôi chưa từng được chứng kiến công việc họ làm hàng ngày, có khi tôi chưa từng được lắng nghe họ giảng dạy… Và có bao giờ tôi được nói tiếng cảm ơn họ? Tôi tự hào vì tôi đã quyết định đúng, tự hào vì là sinh viên trường Nhân văn, tự hào vì được đón nhận những tình cảm tuyệt vời của những con người tuyệt vời nơi đây. Vì thế, từ tận đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả những con người thầm lặng đó, những con người đã tạo nên một “Nhân văn trong trái tim tôi.”

………………………

Cảm ơn !

Tác giả: Hoàng Mỹ Linh - K58 Văn học CLC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây