Ngôn ngữ
1. Tròn tuổi 95, học giả Phan Ngọc, vị giảng sư cuối cùng của thế hệ những người thầy “xây nền đắp móng” cho Trường Đại học Sư phạm Văn khoa thuở ban đầu (1954), tiền thân của khối khoa học xã hội và nhân văn hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà quốc học uyên bác và tài hoa còn lại của một nền học vấn mà văn-ngữ-sử-triết bất phân… đã hạc giá vân du để về miền an lạc vĩnh hằng. Băng qua bao ghềnh thác của một thời đại nhiều biến động, Ông đến tuổi đại thọ này nhờ tâm hồn thanh khiết suốt đời chỉ biết vui cùng sách vở và cũng nhờ bàn tay chăm sóc tận tình từ tất cả những yêu thương của Bà. Ông để lại một tấm gương về tinh thần miệt mài tự học, về ý chí bền bỉ mà vượt lên những trắc trở của một thời, về khả năng sử dụng mười mấy ngoại ngữ cùng mấy chục dịch phẩm phong phú về thể loại từ văn chương đến khoa học và đa dạng về ngôn ngữ từ Anh, Pháp, Nga, Đức đến Hán cổ, Latin, Hy Lạp, v.v. Đứng trước một tượng đài khổng lồ về trí tuệ, ta chẳng thể vội vàng ngắm lấy trọn vẹn sự kỳ vĩ, bởi kho kiến thức đồ sộ ấy, biết bao nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã nghiền ngẫm, đã luận bàn, thậm chí còn trích dẫn như một chân lý, từ những ý tưởng gợi mở lóe sáng cho tới cả hệ thống lập luận vững chắc. Lựa kiến văn hạn hẹp của mình, tôi chọn một góc nhìn khác. Tôi muốn ghi lại những gợi mở của Phan Ngọc (có thể đối với riêng tôi) từ những đóng góp đối với văn học, ngữ học và văn hóa học, những lĩnh vực Ông để lại nhiều dấu ấn.
Khi tôi lớn lên, được theo ông mình đến thăm Ông Phan Ngọc thì những “chuyện hôm qua” của cuộc đời Ông đã “như nước chảy về đông” cả rồi. Tôi còn nhớ như in ấn tượng tuyệt đẹp khi lần đầu tiên được gặp Ông. Bữa ấy Ông đã vượt ngưỡng “cổ lai hy” nhưng khí chất cương nghị mà khoan hòa, phong thái ung dung mà nghiêm cẩn… thật hệt như những tưởng tượng của tôi về một nhà hiền triết phương Đông từ một nơi xa vời nào đó của mây của trời bước lại. Từ sự cuốn hút ấy, tôi lại bị/ được cuốn hút còn mạnh mẽ hơn từ những câu chuyện của Ông. Từ thuở thiếu thời ở “quê hương văn hóa” Huế đến những tháng ngày ở Việt Bắc gian lao, từ Hongkong mạn đàm với bậc đại sư Hán học Nhiêu Tông Di (饶宗颐) cho tới phòng hội thảo của đại học Paris Sorbonne danh giá, v.v.. Tôi hay lại thăm Ông Bà để được say sưa nghe Ông chia sẻ về cuộc đời hết sức phong phú Ông đã trải qua. Đó là tên tự Nhữ Thành, mà sau này Ông dùng làm bút danh, vốn được cụ thân sinh lấy từ câu “áp chót” trong áng văn bất hủ của Tống Nho – bài Tây minh: “Bần tiện ưu thích dung ngọc nhữ vu thành dã” (Trương Tái) để làm sáng rõ hơn tên chính đã được đặt theo tên một ngọn núi nơi Ông sinh ra (núi Ngọc, Tĩnh Gia, Thanh Hóa); đó là việc Ông đã cầu cứu Hồ chủ tịch mà có thể về quê đón cha kịp thời thoát khỏi những sai lầm của một thời cực tả; đó còn là chuyện về bài viết “Nhiệm vụ của văn học không phải là minh họa chính sách” cùng những hệ lụy kéo theo sau đó, v.v. Nhưng mọi cuộc nói chuyện, dù dài hay ngắn, vội vã hay thong thả, cuối cùng đều quay trở lại những suy tư không lúc nào ngơi nghỉ về chuyên môn. Tôi hiểu rằng, đối với Ông, bảng giá trị của cuộc đời này nằm ở đâu. Tôi nhớ tới những công trình của Ông:
2. Suốt hơn trăm năm qua, bàn luận về Kiều, bình phẩm về Kiều và nghiên cứu về Kiều đã thu hút được rất nhiều thức giả, bởi Truyện Kiều là một kiệt tác của dân tộc. Trong những công trình viết về Truyện Kiều, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (hoàn thành cơ bản năm 1965 rồi tiếp tục chỉnh lý đến lần xuất bản đầu tiên năm 1985 do Nxb. Khoa học xã hội ấn hành) là một dấu mốc không thể không nhắc tới. Có nhà nghiên cứu rất kĩ tính cũng phải thừa nhận: “Công trình này làm sang cho học giới”, lại có những kết luận (có phần cực đoan) cho rằng: “Khảo luận lớn nhất về Kiều là của Phan Ngọc”. Thông thường, các công trình nghiên cứu Truyện Kiều chỉ tập trung vào văn bản tác phẩm để phân tích cái đẹp của câu chữ, cái tinh thần nhân văn của cốt truyện, rồi tùy theo sự cảm thụ của cá nhân người viết mà ngợi ca hoặc chế giễu. Hệ quả là đã từng không ít lần nảy sinh những cuộc bút chiến xoay quanh thân phận nàng Kiều. Phan Ngọc đã đứng ở tâm điểm những tranh luận ấy để minh định một cách hiểu của riêng mình nhưng đầy thuyết phục về Truyện Kiều.
Trước tiên, Ông ý thức được việc cần xây dựng một bộ công cụ khách quan – ngành phong cách học, một phân ngành ứng dụng những tri thức ngữ học để lý giải văn học. Ngoài việc xác lập những công cụ mang tính lý luận và thao tác phong cách học để phân tích, Ông đặc biệt chú trọng đến cách tiếp cận thực chứng từ hình thức nhưng hình dung về sự tương hợp hài hòa của hình thức để diễn đạt nội dung, nhằm tìm ra những điểm Nguyễn Du thiên tài, không học cổ nhân và cũng không như thời đại. Điều để Phan Ngọc tôn vinh Nguyễn Du nằm ở những thứ tác giả Truyện Kiều làm được mà trước đó chưa ai đạt được và sau đó cũng chỉ có thể noi theo. Bằng những tri thức về lịch sử và xã hội, Phan Ngọc đã chứng minh tư tưởng trung tâm “tài mệnh tương đố” mà người đời hay nhắc tới trong phân tích Truyện Kiều là câu chuyện của đương thời Lê mạt - Nguyễn sơ với rất nhiều tác giả, tác phẩm cũng đã từng gợi nhắc, song Nguyễn Du đã khái quát thành vấn đề thời đại. “Ta cần phải nhớ có câu chuyện tài mệnh tương đố là vì có Truyện Kiều” [P. Ngọc 1985; 52]. Cùng việc xác lập hệ tư tưởng nhận thức căn bản, tài năng của Nguyễn Du được chứng minh ở việc đã thể hiện sắc nét những cung bậc tâm tình kết thành những cấu trúc chặt chẽ nhằm diễn tả hợp lý diễn biến nội tâm của từng nhân vật, chứ không phải đơn thuần chỉ thuật lại diễn biến sự kiện như Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân hay rộng hơn là thể loại tiểu thuyết chương hồi truyền thống Trung Quốc. Theo những phân tích của Phan Ngọc, Nguyễn Du đã rất am tường các quan niệm nhân sinh (hay các trào lưu triết học) để áp dụng phương pháp tư duy của Phật giáo, thậm chí ông còn có tri thức sâu sắc về nhiều thể loại để hòa quyện thành tựu của thể truyện Nôm, thể ngâm khúc và đặc biệt là những đối lập trong thể kịch, hướng đến “nâng Truyện Kiều lên thành mẫu mực đầu tiên của những tiểu thuyết phân tích tâm lý vĩ đại mà ta biết được” [P. Ngọc 1985; 198].
Để có được những nhận định hết sức thuyết phục về thiên tài Nguyễn Du, Phan Ngọc đã tự đặt ra yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với thao tác làm việc của mình. Ông đặt tiêu chí “khu biệt” làm trọng tâm cho những so sánh trong toàn nghiên cứu. Từ một hiện tượng cụ thể trong tác phẩm đến việc xác lập một nét khu biệt nổi trội của phong cách Nguyễn Du là một quá trình thống kê tần số, đối chiếu với lịch sử và thời đại, so sánh với những tác gia cùng những kiệt tác khác. Ví dụ như việc phân tích câu thơ trong Truyện Kiều, Phan Ngọc luôn dùng thế đối lập để rút ra những nhận xét. Hoặc như việc tính tỉ lệ số câu thơ, số hình ảnh cũng cho thấy giá trị xác tín của phương pháp định lượng được Ông rất chú ý. Có một số ý kiến cho rằng việc triệt để áp dụng cấu trúc luận với những thao tác phân tích hình thức hết sức chặt chẽ ấy của Phan Ngọc chỉ hiện đại ở thời điểm công trình được thực hiện (khoảng những năm 60) và đến khi công bố (giữa những năm 80) thì công trình đã bộc lộ những hạn chế do trào lưu Cấu trúc luận đã được thay thế bằng những trào lưu mới hơn trong nghiên cứu ngữ văn học. Quả đúng là phương pháp nghiên cứu của Phan Ngọc có cơ sở phương pháp luận từ cấu trúc luận trong nghiên cứu ngôn ngữ học, thậm chí nhiều phân tích còn chịu ảnh hưởng của trường phái Miêu tả Mỹ, một trường phái đặc biệt quan tâm tới hình thức trong trào lưu ngôn ngữ học cấu trúc. Thế nhưng đừng quên rằng, nhất quán trong việc lấy hình thức biểu hiện của Truyện Kiều để tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du, Phan Ngọc cũng có những quan điểm bổ khuyết riêng: “…hình thức này hay, không phải vì tự nó hay, mà vì chỉ có hình thức ấy mới thể hiện được thành công nội dung đã chọn” [P. Ngọc 1985; 6]. Rõ ràng, bằng cảm thức của người nghiên cứu tiếng Việt, Ông hiểu vai trò và giá trị của ngữ nghĩa. Chẳng thế mà ở chương viết về Ngữ pháp của Nguyễn Du, những luận giải của Ông về ngữ pháp ngữ nghĩa có bóng hình lý thuyết Ngữ trị của Tesnière và cả Ngữ pháp Cách rất hiện đại của Fillmore[1]. Cùng với đó, hẳn chắc, Phan Ngọc không thể không quan tâm đến tính quyết định của nội dung đối với mọi biểu hiện hình thức cụ thể. Và Ông đã thành công khi nhận diện nội dung bằng hình thức để thấy rõ ràng hơn giá trị biểu đạt tương hợp của chúng trong kiệt tác làm nên một tác gia thiên tài như trường hợp Nguyễn Du và Truyện Kiều. Dẫu rằng cách đối thoại và lối dẫn dắt của một con người luôn nhiệt thành muốn sẻ chia như để bộc bạch tất cả những suy tưởng trong sâu thẳm vẫn còn đôi chỗ chưa trọn vẹn, nhưng nỗ lực dùng sở học của mình vượt qua những cảm nhận mỹ học mà hướng đến lý giải những tầng sâu hàm ẩn của một hiện tượng văn học, hầu mở một con đường nhận thức mới mẻ cũng là một việc làm mà nếu không phải một người uyên bác và tinh tế không dễ gì thực hiện nổi.
3. Sau những tháng ngày ở phòng tư liệu khoa Ngữ văn, đầu những năm 80, Phan Ngọc được mời về Viện Đông Nam Á. Và từ đây, Ông được thỏa sức trình bày những ý tưởng của mình. Cuốn sách Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á (cùng viết với Phạm Đức Dương, Viện Đông Nam Á xuất bản năm 1983) là một bước đột phá khởi đầu, “giải phóng” nhận thức về cách tiếp cận ngôn ngữ, vốn chỉ quan tâm đến hệ thống cấu trúc nội tại, từ lâu đã chi phối nghiên cứu tiếng Việt. Ở chương thứ nhất giới thiệu về hiện tượng tiếp xúc ngôn ngữ, một lần nữa Phan Ngọc lại đặt ra nhiệm vụ cần lý giải cho được ảnh hưởng của một ngôn ngữ tới cấu trúc bên trong cũng như cơ chế vận hành của một ngôn ngữ khác, chứ không đơn thuần chỉ là những vay mượn rời rạc, ngẫu nhiên của một lớp từ vựng, một vài hiện tượng ngữ pháp, v.v.. Và Ông đi tìm lời giải đáp ở những ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt và các ngôn ngữ ở Đông Nam Á, đối tượng mà cách tiếp cận song ngữ luận tỏ ra cần thiết và hữu hiệu. “Một cách tiếp cận song ngữ luận hay đa ngữ luận riêng cho khu vực Đông Nam Á là có cơ sở khách quan” [P. Ngọc 1983;19], bởi một số nguyên nhân được Phan Ngọc phân tích như khoảng cách địa lý, quá trình chinh phục, nhu cầu giao lưu kinh tế và văn hóa. Từ đây, Phan Ngọc xem xét sự tiếp xúc ngữ nghĩa giữa tiếng Việt và tiếng Hán ở nhóm từ Hán Việt và ảnh hưởng của ngữ pháp các ngôn ngữ châu Âu trong sự tiếp xúc với tiếng Việt, hướng tới lý giải cảm thức ngôn ngữ của người Việt.
Ở chương bàn về vấn đề ngữ nghĩa của từ Hán Việt, từ những phân loại về hình thức và kết hợp của các yếu tố Hán Việt, Ông xem xét những quan hệ quy định sắc thái nội dung của từ Hán Việt và chỉ ra rằng: “câu chuyện từ Hán-Việt có vẻ bác học hơn từ thuần Việt… trước hết là do chỗ yếu tố B [yếu tố gốc Hán] nằm ở trước và thứ hai do chỗ yếu tố B này có sức sản xuất nhiều hay ít. Nếu sức sản xuất càng ít, tức là yếu tố nào tạo ra càng ít từ, thì tính chất bác học, khó hiểu càng cao” [P. Ngọc 1983; 180]”. Lý giải về sự tiếp xúc mang tính phương pháp luận giữa hai ngôn ngữ cùng thuộc một loại hình đơn lập như tiếng Hán và tiếng Việt ở bình diện nội dung, Phan Ngọc đưa ra khái niệm “tính đa hưởng”, một đặc trưng nổi bật tạo thêm sắc thái ngữ nghĩa, tác động đến sự thụ đắc, có thể đã được nhiều người chú ý song chưa thể khái quát. Còn về ngữ pháp, sự sao phỏng cấu trúc ngữ pháp châu Âu (cụ thể là tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh) vào tiếng Việt là một phân tích trường hợp về hiện tượng tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ khác nhau về loại hình, nhằm chứng minh tác dụng to lớn của hiện tượng này đối với công cuộc hiện đại hóa tiếng Việt. Lần đầu tiên trong Việt ngữ học, Ông đã so sánh ngữ pháp tiếng Việt trước và sau khi có sự tiếp xúc với các ngôn ngữ châu Âu, để thấy được sự khu biệt hóa danh từ, động từ, tính từ, phó từ, v.v. nhờ những yếu tố đi kèm như sự, việc, cái, đã, sẽ, rất, một, cách, v.v.; để thấy được với các công cụ giới từ và liên từ mà danh từ và động từ cùng với đoản ngữ danh từ và đoản ngữ động từ đã dần được cấp độ hóa; và cũng để thấy được sự chuyển hóa giữa danh từ và động từ (chuyển loại), đặc biệt là chuyển hóa câu đơn thành câu phức nhiều tầng bậc với việc mở rộng cú phụ hoặc thành câu nhiều thành phần cùng đảm nhiệm một chức năng cú pháp với những trường cú có thể nối dài liên tục, v.v.. Cái đích mà Phan Ngọc hướng tới là phác họa một mô hình ngữ pháp tương hợp với ngữ nghĩa trên ngữ liệu tiếng Việt, một ngôn ngữ không biến hình. Ý tưởng này là một gợi mở hết sức hiện đại để các nghiên cứu Việt ngữ học tiếp nối đào sâu và mở rộng, dù là phân tích ngữ pháp tiếng Việt ở diện đồng đại hay nghiên cứu diễn tiến phát triển của ngữ pháp tiếng Việt theo chiều lịch sử.
Với ba phần viết trong một cuốn sách chưa đến 300 trang, Phan Ngọc đã thực hiện một bước chuyển quan trọng trong tiến trình nhận thức. Ông khẳng định một cách tiếp cận mới – đa ngữ luận nên và cần được thay thế lối tiếp cận đơn ngữ luận nếu muốn nghiên cứu đúng bản thể tiếng Việt và các ngôn ngữ ở Đông Nam Á. Nhưng ẩn sau đó là phát hiện về bản chất tiếp xúc như một đặc trưng quan yếu của các dân tộc thuộc khu vực này. Đồng thời cùng bước chuyển về phương pháp tiếp cận, Phan Ngọc cũng có một bước chuyển về lĩnh vực nghiên cứu. Ông đã đi từ ngữ văn học đến văn hóa học.
Học giả Phan Ngọc chụp ảnh cùng GS. Phạm Đức Dương và tác giả (2009)
4. Không giống như các nhà nghiên cứu đi sâu từng chuyên ngành rồi mở rộng bàn các vấn đề khái quát hơn, trừu tượng hơn, gọi chung là văn hóa, Phan Ngọc nhất quán trong việc định hình một ngành khoa học mang tên Văn hóa học với đầy đủ đối tượng riêng, phương pháp riêng và hệ thuật ngữ riêng. Trong công trình tiêu biểu và đặc sắc Văn hóa Việt Nam, một cách tiếp cận mới (Nxb. Văn hóa thông tin xuất bản lần đầu năm 1994 và tái bản nhiều lần) khởi đầu cho những cuốn sách bàn về văn hóa tiếp sau, Ông nhấn mạnh tới ba thuật ngữ trung tâm: quan hệ, lựa chọn và độ khúc xạ để phân tích về đối tượng và phương pháp của ngành văn hóa học. Đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này tất nhiên phải là “văn hóa” nhưng không mơ hồ mà với một nội hàm được Phan Ngọc xác định khúc chiết: “Đối tượng của văn hóa chỉ có thể là mối quan hệ qua lại giữa thế giới biểu tượng với thế giới hiện thực, biểu hiện thành những kiểu lựa chọn, thể hiện thành một độ khúc xạ riêng có mặt ở mọi lĩnh vực ” [P. Ngọc 1994; 114-115]. Ông chứng minh chính vì cái quan hệ vô hình ấy mà con người sẽ mô hình hóa những gì trong đầu óc (thế giới biểu tượng) thành những sự vật, hoạt động cụ thể bên ngoài (thế giới thực tại [2]). Vật thể hiện thực không phải là văn hóa mà cái sợi dây nối kết chúng với trí tuệ của con người mới là văn hóa. Và cũng chính vì cái quan hệ ấy mỗi tộc người lại có những lựa chọn riêng để hình thành nên những nền văn hóa khác nhau. Phan Ngọc mượn khái niệm khúc xạ của vật lý học, hiện tượng tia sáng đi qua mỗi môi trường khác nhau sẽ có những độ lệch khác nhau, để tìm hiểu sự thâm nhập của một hiện tượng ngoại lai vào một cơ tầng văn hóa nội tại qua cơ chế lựa chọn. Ở điểm này, dường như mạch suy tư về tiếp xúc trong ngôn ngữ đã được nối dài, được mở rộng đến phạm vi của văn hóa. Cùng với việc khu biệt được đối tượng, những phân tích của Ông xoay quanh nhiệm vụ thử xác lập một thao tác mang tính kĩ thuật nhằm giải thích độ khúc xạ trong văn hóa, cụ thể hơn là văn hóa Việt Nam. Thao tác luận, như Phan Ngọc định danh, là các bước để tìm cách lý giải hiện tượng nhất quán và chặt chẽ, chứ không phải câu chuyện cung cấp tri thức chung chung. Ông đã rất thành công trong việc lý giải tâm thức của Nguyễn Du thể hiện trong Truyện Kiều và bước đầu cố gắng ứng dụng vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Học giả Phan Ngọc và phu nhân chụp ảnh cùng GS. Hoàng Thị Châu, NGND Lê Hồng Sâm và tác giả (2014)
Xuất phát từ hình thức để đào sâu tìm hiểu nội dung, giá trị và ý nghĩa của những hình thức ấy, công trình Văn hóa Việt Nam, một cách tiếp cận mới đã góp một tiếng nói quan trọng về bản sắc văn hóa Việt Nam: “Bản sắc văn hóa do đó không phải là một vật mà là một kiểu quan hệ. Quan hệ kết hợp, chắp nối từ nhiều gốc rất khác nhau nhưng tạo nên một thể thống nhất hữu cơ kỳ diệu…người Việt Nam là bậc thầy về nghệ thuật bricolage [3]” [P. Ngọc 1994; 108-109]. Phan Ngọc rất thuyết phục khi chỉ ra tiếp xúc là đặc trưng nổi trội do điều kiện địa lý và lịch sử của Việt Nam. Vì vậy, tiếp biến văn hóa với những tiếp xúc từ nhiều nguồn văn hóa lớn khác nhau để rồi vượt gộp mà thâu hóa những biểu hiện khác nhau của các hiện tượng văn hóa ngoại lai trên “bộ lọc” tâm thức bản địa là bản sắc của văn hóa Việt Nam – một nền văn hóa lắp ghép.
Tất nhiên, những công việc mang bản chất khai phá chưa thể đã hoàn chỉnh như mong muốn của người lập thuyết, cũng khó lòng thỏa mãn ngay được học giới, nhất là với một lĩnh vực vừa rộng lớn, vừa chi tiết như văn hóa. Nhưng ý tưởng hệ thống xuyên suốt và công sức bền bỉ tìm tòi gây dựng ngành văn hóa học thực sự trở thành một ngành khoa học chính danh để giải mã tâm thức của người Việt xứng đáng để Phan Ngọc được nhắc tới như một gương mặt của nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam hiện đại.
5. Từ nền tảng nhận thức luận, khu biệt luận và thao tác luận, những công trình mang những giả thuyết nghiên cứu căn bản như thế, với những chứng minh lớp lớp lý lẽ như thế, cùng những luận điểm lôi cuốn và truyền cảm hứng như thế, những ghi nhận dành cho Phan Ngọc thực sự đã tương xứng? Nhưng dường như Ông chẳng mấy để tâm! Ông chọn cách xử thế của một người chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Lặng lẽ không oán thán và lặng lẽ không đòi hỏi. Có những ý kiến cho rằng Phan Ngọc muốn xây dựng cho mình lý thuyết riêng. Điều này thực dễ hiểu! Bởi Ông mang cốt cách của một nhà nho, mà lại là nhà nho “gàn” xứ Nghệ khó nghèo nhưng hiếu học, trọng văn (Phan Ngọc luôn tự thừa nhận mình là “ông đồ gàn”) nên tận sâu trong Ông là con người rất mực chính thống. Và một nhà nho chính thống sẽ luôn bị thôi thúc bởi một nhu cầu chính đáng: được bày tỏ chủ kiến của mình. Chủ kiến là mẫu chung mục đích cuộc đời của tất cả những ai có bản lĩnh và có trí tuệ.
Phan Ngọc không nghĩ tới danh, càng không quan tâm tới lợi, nhưng ông luôn canh cánh một ước vọng đóng góp cho non sông. Trong những lần tâm sự, Ông hay nhắc tới phương châm của cuộc đời mình: “Sống một cuộc đời nhỏ bé nhưng có ích”. Với những công trình không hề nhỏ bé, đặt vấn đề để học giới phải tiếp tục suy ngẫm và tranh luận, tạo cơ sở khơi gợi thế hệ sau tiếp tục tìm tòi và hoàn chỉnh, Phan Ngọc đã sống một cuộc đời có ích như ông hằng tâm nguyện.
[1] Lý thuyết này lấy vị từ làm đỉnh duy nhất của câu và các tham tố bị chi phối xung quanh. Giới Việt ngữ học, vừa mới đây thôi khi bước sang thế kỷ XXI, đã thừa nhận quan điểm này như là cơ sở của cấu trúc nội dung liên quan đến sự tình khách quan được phản ánh trong câu, và được định danh là “Nội dung sự tình” hay “Nghĩa miêu tả”.
[2] Có lẽ nên hiểu thế giới thực tại của Phan Ngọc bao gồm cả những biểu hiện vật thể và phi vật thể do con người tạo ra.
[3] Bricolage vốn có nguồn gốc từ tiếng Pháp với ý nghĩa sắp xếp hoặc chế tác từ những thứ vun vặt, sơ sài trong đời sống, cũng như trong văn học và nghệ thuật; ở đây có thể hiểu theo nghĩa mở rộng là việc xây dựng hoặc sáng tạo từ một loạt những thứ có sẵn.
Tác giả: TS. Dương Xuân Quang