“Lục Thập – người thơ phong vận như thơ vậy!”

Thứ ba - 13/08/2013 05:00
Giản dị, đầm ấm mà đầy tinh thần khoa học – đó là cảm nhận của những ai dự toạ đàm về tập thơ “Lục Thập” của PGS.TS Nguyễn Bá Thành do Khoa Văn học tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua.
“Lục Thập – người thơ phong vận như thơ vậy!”
“Lục Thập – người thơ phong vận như thơ vậy!”

Giản dị, đầm ấm mà đầy tinh thần khoa học – đó là cảm nhận của những ai dự toạ đàm về tập thơ “Lục Thập” của PGS.TS Nguyễn Bá Thành do Khoa Văn học tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua. Bên lề buổi toạ đàm, PGS.TS Phạm Thành Hưng (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá Nghệ thuật, Trường ĐHKHXH&NV) đã chia sẻ nhiều thông tin lí thú.

Tập thơ “Lục Thập” của PGS.TS Nguyễn Bá Thành ra đời dường như gây một sự ngạc nhiên đối với nhiều độc giả và bạn bè, đồng nghiệp ở Khoa Văn? Tập thơ là cái nhìn tổng kết về 60 năm một đời người và cũng chứng tỏ sự chân thành, sẵn sàng mở lòng mà không còn ngại ngần, lo lắng của một thầy giáo dạy Văn ở một độ tuổi rất “chín”?

Đối với nhiều người, “Lục Thập” gây ngạc nhiên. Riêng tôi, do là chỗ bạn bè, tôi đoán trước thể nào thi sĩ sáu mươi xuân ấy cũng phải cho “nó” ra mắt. Đây là tập thơ mà lúc đầu động cơ thôi thúc là viết để giãi bày những trăn trở riêng tư, viết để tìm sự cảm thông, chia sẻ nơi bạn bè, đồng nghiệp. Chính nhờ cái động cơ sáng tác trong lành ấy, tập thơ không mang dấu ấn của một chủ thể hành nghề, mặc dù bản thân tác giả của nó là một chuyên gia về thơ trữ tình, người thủ xướng l‎í thuyết “Tư duy thơ” trong nghiên cứu và phê bình Văn học. Có lẽ lúc làm thơ, tác giả gác lại phần lí‎ thuyết, giấu bớt con người khoa học của mình đi, để cho tiếng thơ vang lên hồn nhiên. Khi buồn, thơ anh ủ ê, khi vui, thơ anh réo rắt. Thơ anh thiên nhiên như khóm trúc, gặp gió thì khắc phải la đà vậy thôi ! Nhiều bạn bè thân thiết hiểu cuộc đời và sự nghiệp của thầy Bá Thành nên đã động viên thầy công bố. Đặc biệt là người bạn đời thứ hai rất yêu thơ của thầy (cũng chưa xác định được là yêu cái gì trước, thơ hay người) đã “bắt” thầy xuất bản.

Bìa của tập thơ có thân cây gỗ cứng bật nở một chùm hoa, nhìn thoáng qua tưởng là hoa sim, nhưng theo tác giả, đó là hoa lim. Loài hoa ấy, 60 năm mới nở một lần. Tác giả bảo thế, nhưng tôi chưa tin (vì tôi rất dốt về gỗ và thực vật học nói chung). Tuy nhiên, khi hoa đã vào thơ thì tất cả chỉ là biểu tượng. Tập thơ như là sự “chín” đã đến độ, sự hé nở nghẹn ngào của cây lim già sau 60 năm tích cóp sữa đời.

Tiếng là toạ đàm khoa học nhưng dường như người ta thấy nhiều hơn là sự sẻ chia đầy tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp với tác giả? Dường như có rất nhiều sự đồng cảm có tính chất thế hệ về những điều tác giả giãi bày trong “Lục Thập”?

Nhiều người có chung một quan niệm là: “ta đến với người hơn là đến với thơ”. Người ta đến với toạ đàm trước hết bởi quý trọng con người, tính cách của thầy Bá Thành. Và trong toạ đàm, bàn về thơ cũng là để bàn về cuộc đời thầy, cách sống và cách nghĩ của thầy.

Ví dụ, PGS.TS Hữu Đạt, một nhà thơ “khác kiểu” nhưng cùng hoàn cảnh …hai vợ, khi đăng đàn tỏ ra rất khâm phục tác giả Bá Thành. Anh phục vì chưa thấy ai có thể viết thơ ca ngợi cả “hai tập” trong một tập thơ. Điều này còn lâu anh mới dám mơ tới. Thầy Bùi Việt Thắng, nhà phê bình văn học nổi tiếng lâu nay, phát biểu với tư cách bạn đồng khoa (Văn khoa Tổng hợp K14). Anh nhớ là thầy Bá Thành, thầy Phạm Gia Lâm năm 1972 phải bỏ dở việc học hành, lên đường sang Bacu, Liên Xô học bắn tên lửa: “Đấy là sự lạ, vì sinh viên học xã hội nhân văn thì bắn thế nào trúng được. Các anh ấy chở tên lửa về nhưng mãi không thấy bắn, hoá ra vì máy bay Mĩ về nước hết rồi, chẳng còn gì mà bắn. Tên lửa về chậm quá, không có cơ hội chứng tỏ được tài năng. Nhưng hôm nay, với Toạ đàm này, Phó Giáo sư Bá Thành đã bắn tên lửa thật. Tên lửa bằng thơ.”… Tất nhiên, những câu chuyện bông đùa như vậy không phải chỉ là gia vị cho Toạ đàm, không phải là chuyện bên lề. Chính những câu chuyện ấy là những thông tin quý‎ giá để độc giả giải mã những biểu tượng trong thơ Bá Thành. Không biết chuyện anh đi Ba cu, sao hiểu được câu thơ anh viết: Tôi cầm khẩu AK trong tay / Với cái giá của mười tấn thóc… Tôi ước mơ lần sau về thăm / Sẽ bán AK mua máy xay thóc/ Bán dàn ra-đa để xây trường học / Bán quả Sam – 3 xây bệnh viện ngàn giường.

Chủ đề của Toạ đàm là “Tập thơ Lục Thập và cảm hứng đời tư – thế sự trong thơ Việt Nam đương đại”, vậy tại toạ đàm, các chuyên gia đã đánh giá thế nào về vị trí và vai trò của dòng thơ đời tư – thế sự trong đời sống hôm nay?

Nhân tập thơ ra đời thì Khoa Văn chúng tôi bàn về thơ đời tư – thế sự. Có thể coi đây là một dòng thơ, một kiểu thơ mới nổi lên sau thời đại của thi ca cách mạng. Chiến tranh và cách mạng ở ta đã biến thơ ca thành vũ khí, thành tiếng nói chung của ‎ý chí cộng đồng. Âm hưởng sử thi trong thơ thời bình lắng xuống. Từ tầm cao chiến luỹ, con người trở về đối mặt với những lo toan của đời sống thường ngày. Thơ cũng đi theo.

Thật ra đây không phải dòng thơ lạ. Nó đã xuất hiện từ xưa ngay trong thơ trung đại. Ngay trong nội cung của văn chương chính thống, cảm hứng đời tư – thế sự vẫn không hề bị o ép. Thơ quốc âm Nguyễn Trãi, thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương đều là thơ đời tư thế sự. Chẳng qua lâu nay do chiến tranh, cách mạng, ta quen với thơ “đời công” nên khi thơ về lại với đời tư thì ta thấy là lạ vậy thôi.

Quả là thơ đời tư – thế sự đang trở thành một dòng chủ lưu trong thơ Việt Nam hôm nay. Dòng ấy có thể chảy song song bên các dòng khác ngay ở một tác giả. Cảm hứng ấy có thể đan cài với các cảm hứng khác ngay trong một bài thơ, một tập thơ. Thơ Nguyễn Duy là trường hợp tiêu biểu. Điều quan trọng là cái đời tư có trở thành câu chuyện chung của muôn người, cái tôi thành cái ta được, hay viết mãi vẫn chỉ là chuyện những mảnh vụn về góc nhà, ngõ vắng quê anh.

Có ý kiến cho rằng đây không phải là một dòng thơ “sang trọng” và nếu không khéo thì câu từ và ý tứ trong thơ sẽ trở thành “nôm na”?

Thơ đích thực là thơ không chấp nhận sự phân loại: sang / hèn. Từ lâu, công chúng nghệ thuật đã quay lưng lại với quan niệm mĩ học quy phạm. Thi ca và nghệ thuật nói chung mà làm “sang”, lên mặt đạo đức là tự giết mình.

Thơ đời tư – thế sự hiện tại, về mặt hình thức gần với thơ dân gian, với lối nói hàng ngày, dân dã, chứ không chau chuốt về hình thức, không tu từ quá nhiều. Nó ưa lối nói tự nhiên, gần ngôn ngữ đời sống hàng ngày. Viết về người cha, tác giả Lục Thập tổng kết thế này: Nửa đời dạy học chữ Nho / Khi cách mạng đến thì lo việc đời / Đảng viên chẳng dám nghỉ ngơi / Bí thư, Đội trưởng… đứng phơi ngoài đồng.

Còn cái ‎ý kiến xì xào rằng thơ Bá Thành nôm na có lẽ được gợi lên từ lời khuyên chung của nhà thơ Vương Trọng. Nhà thơ nổi tiếng Vương Trọng – bạn “cầm kì thi hoạ” của tác giả Bá Thành (đánh cờ quanh năm không thắng thầy Thành ) – nói: “Đọc ‘Lục Thập’ tôi băn khoăn với hai khái niệm: Nôm na và Giản dị. Vậy thơ nên nôm na hay thơ nên giản dị? Thơ đạt tới sự giản dị phải là thơ của những bậc thầy, bởi nếu anh cầu kì quá thì không còn là thơ nữa. Thơ phải đạt tới chỗ tinh chất, đó sự giản dị nhưng thâm trầm, thâm thuý, giản dị như là kết quả của một quá trình chưng cất. Ranh giới giữa giản dị và nôm na rất mong manh. Viết nôm na quá thì không còn là thơ nữa”.

Anh Vương Trọng nói rất sâu sắc, nói bằng cách nghĩ của người trong nghề. Anh đã có một lời khuyên xa xôi cho tác giả “Lục Thập”, nhưng tôi nghĩ, cái nôm na ở “Lục Thập” là nôm na có chủ ý. Nó nằm trong quan niệm thi pháp của tác giả.

Thầy đánh giá thế nào về xu hướng sắp tới của dòng thơ đời tư – thế sự? Để thơ đời tư – thế sự vượt ra ngoài nhu cầu giãi bày, thể hiện cảm xúc thuần tuý của tác giả mà trở thành một tác phẩm hay, có giá trị, theo thầy cần đảm bảo những yếu tố gì?

Thật ra, cảm hứng đời tư – thế sự cũng chỉ là một cách định danh, nhằm nhận diện sự chuyển đổi âm hưởng chủ đạo trong thơ Việt Nam từ sau chiến tranh, nhất là từ thời Đổi mới. Còn thì thơ thời nào cũng thế, nếu là thơ hay, đều là thơ bắt đầu đi từ cái đời tư, từ cái riêng mà đến với cái chung, đến gõ vào trái tim tất cả mọi người. Do vậy, tiên lượng về thơ thế sự thì khó và có lẽ hơi thừa. Bởi vì đó như là quy luật của sáng tạo thi ca. Thế sự, đời tư được xem như thuộc tính tự nhiên của thơ rồi.

Cố nhiên, để thơ đời tư – thế sự sống đời, bản thân nhà thơ phải sống hết mình với mọi vui buồn của nhân dân, đất nước hôm nay. Có biết đau nỗi đau đồng loại, dân tộc, thì nỗi đau riêng của anh mới thành nỗi đau chung. Anh viết về cái riêng mà hoá thành phát ngôn chung của tập thể, cộng đồng. Điều này, Chế Lan Viên đã khuyên bạn và tự khuyên mình rất hay. Mà PGS.TS Nguyễn Bá Thành thì có cả một chuyên luận về thơ Chế Lan Viên.

Rõ ràng là tập “Lục Thập” của PGS.TS Nguyễn Bá Thành được mọi người yêu quý. Cá nhân thầy thấy giá trị nhất của tập thơ là gì?

Thơ của thầy Thành bắt đầu đạt tới sự giản dị. Quý nhất là đây là một sản phẩm thơ chứng tỏ “người thơ phong vận như thơ vậy”. Anh sống cuộc đời như thế nào thì thơ anh như vậy. Thầy Thành lạc quan, thầy Thành trào tiếu thế nào, nỗi đau ngoài đời thế nào thì hiện ra trong thơ như thế. Nhiều bài thơ cũng nghiêm túc lắm, nhưng phần lớn cũng là thơ vui thôi. Giá trị nhất trong tập “Lục Thập” này là sự chân thành. Cái đẹp ở thơ anh là sự thẳng thắn. Vẻ đẹp toát lên từ sự thật đến hồn nhiên. Chả vậy mà có người mới giở trang thơ ra, thoạt đầu giật mình nghĩ đây là một tập album gia đình, vì xen trong thơ có cả ảnh chân dung song thân của anh, hai cháu và đám cưới con trai của anh. Đọc thơ mới biết đó là ảnh mang chức năng… minh hoạ. Với anh, cái gì có giá trị thông tin: thơ, ảnh, câu đối đều nên thơ cả, đều có thể sống chung trong văn bản.

Khoa Văn khá nổi tiếng với nhiều nhà thơ nghiệp dư có cá tính riêng không trộn lẫn. Nhưng hình như không ai có ý định tiến lên “chuyên nghiệp” cả?

Tôi xin đính chính ngay. Ý kiến về thơ nghiệp dư là từ lời khuyên của PGS Trần Ngọc Vương. Anh Vương muốn anh Thành vươn lên tầm thơ chuyên nghiệp. Nhưng theo tôi, khuyên thế là… xui dại. Sáu mươi rồi mà “đua” với chuyên nghiệp là dại, thậm chí có thể thành vô duyên. Hơn nữa, ở đây không phải chỗ để chuyên nghiệp hoá. Dạy thơ thì chỉ nên “đùa” với thơ thôi. Nghiệp dư ở “Lục Thập” là kiểu nghiệp dư cố tình. Thơ đối với anh Bá Thành chỉ là một cuộc chơi.

Cách đây hai mươi năm, khi tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khoảng 600, thì 25% là cựu sinh viên Trường ĐH Tổng hợp HN. Khoa Văn học là một vườn ươm thi sĩ. Những sinh viên tốt nghiệp ở lại trường làm nghề giảng dạy và nghiên cứu thường phải gác lại cái tố chất nghệ sĩ, ưu tiên cho tư duy khoa học và trách nhiệm làm thầy lớn lên. Vì vậy những bút danh trong thơ từ Hoàng Xuân Nhị, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, đến Nguyễn Huy Hoàng, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hùng Vĩ, Đào Duy Hiệp, Hữu Đạt, Nguyễn Bá Thành… khi xuất hiện đều được tiếp nhận từ một tiêu chí khác. Không phải là nhà thơ chuyên hay không chuyên, mà là thơ của những bậc thầy.

Hơn nữa, như chủ đề toạ đàm đã chỉ rõ, đây là một sinh hoạt khoa học. Nhiều nhà thơ, nhiều nhà khoa học đến từ Viện Văn học, từ các cơ quan văn hoá cùng đồng nghiệp bạn bè, trong buổi toạ đàm đã “ấm ức” ra về vì không được ưu tiên phát biểu. Buổi toạ đàm quá sôi nổi, lôi cuốn. Giờ Ngọ đến lúc nào không biết. Chủ toạ phải cắt lời, hẹn với cử toạ vào dịp Bát thập, Bách niên của tác giả. Tập thơ của PGS Nguyễn Bá Thành quả thực đã gợi mở nhiều vấn đề của thơ Việt Nam hiện đại, khơi dậy một không khí học thuật và văn hoá trong lành.

Tác giả: Duy Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây